Covid-19: Cơ hội để các ngành công nghiệp tái cấu trúc và tái khởi động

16/10/2020

Tại phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn Kinh doanh 2020, các diễn giả trong ngành du lịch, hải sản, dệt may và công nghệ nhận định những thách thức do Covid-19 vẫn còn kéo dài, nhưng cũng là cơ hội để các ngành công nghiệp tái cấu trúc hoạt động, đổi mới sản phẩm và tái khởi động các dự án mới.

Các diễn giả trong phiên thảo luận "Thích ứng với thực tế mới", từ trái sang: Bà Nguyễn Lan Anh – Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam; ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS; ông Nguyễn Văn Khoa – CEO FPT; ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch Vietravel; bà Nguyễn Thị Thu Sắc – phó chủ tịch VASEP và CEO Hải Nam. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Phiên thảo luận với chủ đề "Thích ứng với thực tế mới" được điều phối bởi bà Nguyễn Lan Anh, giám đốc điều hành Endeavor Vietnam. Bốn diễn giả tham là những nhà doanh nghiệp trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam: công nghệ, du lịch, hải sản và dệt may: ông Nguyễn Văn Khoa – CEO FPT; ông Vũ Đức Giang, chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS); bà Nguyễn Thị Thu Sắc, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và CEO công ty TNHH Hải Nam; ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel.
 
Đại diện doanh nghiệp du lịch, ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết đến nay các biện pháp hạn chế đi lại đã khiến thị trường sụt giảm mạnh. Thị trường du lịch inbound sụt giảm 85%, outbound giảm 85-90%, thị trường nội địa giảm trên 50%, trong khi doanh thu ngành giảm 61%…

Riêng tình hình kinh doanh của Vietravel đến nay “giảm khủng khiếp”“chưa bao giờ có kể từ năm 1997 đến nay”. Lượng khách giảm 70%, doanh thu chỉ còn 20-22% so với cùng kỳ. “Trong khi 135.000 doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng lưu trú cũng như 1.500 công ty du lịch quốc tế dừng hoạt động, đến tháng 7 họ cố gắng quay trở lại thị trường nội địa thì lại bị giáng cú tiếp theo, phần lớn quỵ hẳn,” ông Kỳ chia sẻ.
 
Với toàn ngành hải sản, Covid-19 diễn ra đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp phải “gác kiếm thua trận”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc bày tỏ. Đơn cử, hàng hóa bị ùn ứ, quá tải lưu kho, dẫn đến ùn ứ, xe container xếp hàng dài ngoài kho, làm chi phí đội lên…
 
“Nhưng may mắn là Hải Nam không có trường hợp nào nhiễm bệnh, vì chỉ cần có một trường hợp thì cả một xưởng phải đóng cửa. Việc ưu tiên của chúng tôi là bảo toàn nhân lực ngay trong giai đoạn khó khăn này, dù công suất giảm đi nhưng nỗ lực không giảm người để khi thị trường phục hồi thì chúng tôi đã sẵn sàng,” bà Sắc nói.
 
Riêng với ngành dệt may, theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang từ đầu năm đến tháng 9 đã trải qua ba cung bậc. Đầu tiên là ở quý I khi đối mặt với thách thức lớn từ sự tắc nghẽn từ các nhà sản xuất Trung Quốc và một số nước ở châu Á, nhiều lô vải phải bay đường vòng mới về đến Việt Nam. Hai là ở quý 2, hàng loạt đơn hàng sụt giảm, đặc biệt là các sản phẩm chiến lược như veston, sơ mi, quần tây, đầm nữ… Ba là sự sụt giảm giờ làm trong chín tháng qua đối với 3,6 triệu người lao động, thậm chí còn kéo dài đến nay.
 
Trong bối cảnh đó, ngành công nghệ là một trong những điểm sáng trên thị trường. “Chúng tôi khá may mắn khi vận hành trong khối công nghệ, ít chịu tác động từ đại dịch,” ông Nguyễn Văn Khoa nhìn nhận. Kết quả kinh doanh tám tháng của tập đoàn FPT với doanh thu tăng 7,6% và lợi nhuận tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, cổ phiếu cũng tăng tương đồng với sự tăng giá của nhiều cổ phiếu công nghệ trên thế giới.
 
Tuy nhiên ông Khoa chia sẻ FPT vẫn không chủ quan mà chuyển đổi hoạt động của toàn bộ máy “từ thời bình sang thời chiến” để “sống chung với lũ” và xem đây là cơ hội tốt để điều chỉnh lại nhiều chính sách nội bộ.
 
Nhìn về các kế hoạch kinh doanh sắp tới trong tình hình mới, các diễn giả đều dự đoán dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất đến năm 2021. Do đó, các ngành công nghiệp thậm chí phải chuẩn bị tinh thần cho sự trở lại hoạt động bình thường thậm chí đến quý III.2022. Tuy nhiên, từ đây đến khi tình hình kinh doanh sáng sủa trở lại, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề đều phải tiếp tục đẩy mạnh sự thay đổi, thích nghi và khởi động các ý tưởng mới.
 
Với ngành du lịch, theo ông Kỳ, là toàn tâm toàn ý tập trung cho thị trường nội địa 100 triệu dân, triển khai các sản phẩm du lịch "chưa từng có" nhằm đáp ứng nhu cầu mới của du khách Việt.
 
Trong khi đó, ngành hải sản sẽ tận dụng cơ hội lợi thế thuế quan từ EVFTA cũng như giải quyết vấn đề IUU (quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp của liên minh châu Âu) để biến “nghề cá nhân dân” trở nên có trách nhiệm và phát triển bền vững.
 
Hay cơ hội từ sự gia tăng mạnh các đơn hàng khẩu trang, quần áo trong nhà, đồ thể thao, quần áo nỉ… đang tạo điều kiện ngành dệt may thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
 
Đại diện FPT thì cho biết sẽ cơ bản giữ lại nhiều “chính sách thời chiến” cho “thời bình” trong tương lai vì tin rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài. “Chúng tôi luôn nói với nhau rằng phải sống chung với lũ, mà người Việt Nam thì thích ứng khá linh hoạt, quan trọng là ai xoay trở nhanh hay chậm hơn mà thôi”.

(Nguồn: Forbes Việt Nam)