Doanh nghiệp Việt và bài toán đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

04/11/2021

Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu đang đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Nhưng, chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này ra sao, đó là vấn đề cần được nhắc đến…

Chuỗi cung ứng toàn cầu là gì?
 
Trước khi đề cập đến khái niệm chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta hãy cùng xem qua khái niệm về chuỗi cung ứng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19 đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên có thể hiểu một cách đơn giản, chuỗi cung ứng là một hệ thống các hoạt động cung cấp, sản xuất và phân phối một sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng.
 
Từ đó, chuỗi cung ứng toàn cầu là bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến việc cung cấp, sản xuất và phân phối một sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng trên phạm vi toàn cầu. Trong mạng lưới đó, một doanh nghiệp sẽ mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài để thực hiện việc cung cấp, sản xuất và phân phối một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó.
 
Thời điểm hiện tại, theo báo cáo từ các nhà kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được điều chỉnh lại để giảm rủi ro gián đoạn trong tương lai. Cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư đang tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Song, các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị năng lực như thế nào để nắm bắt được cơ hội đang đến?
 
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
 
Rõ ràng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn sự vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các doanh nghiệp, kể cả lớn hay nhỏ đều rơi vào tình trạng khó khăn trong việc mô hình hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh và đánh giá rủi ro.
 
 
Các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Mặc dù, Việt Nam là một trong những quốc gia đã thực hiện tốt việc kiểm soát đại dịch toàn cầu, ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng, có lẽ cái chúng ta cần trong thời điểm hiện tại là việc chuyển hướng từ giai đoạn “ứng phó khủng hoảng sang thời điểm phục hồi”.
 
Trong bối cảnh này, vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp Việt là làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Trong đó, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Đây được xem là chiếc chìa khóa để có thể vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong tương lai.
 
Có lẽ, khi các công ty toàn cầu điều chỉnh các chiến lược sản xuất và chuỗi cung ứng của họ để xây dựng khả năng phục hồi, các doanh nghiệp Việt đang có cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng và trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. 
 
Theo một khảo sát về nguồn cung ứng toàn cầu của QIMA, nhà cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng, hợp tác với các thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu quốc tế, cho thấy: 43% số người được hỏi tại Mỹ, mô tả Việt Nam nằm trong số ba khu vực địa lý mua hàng hàng đầu của họ vào đầu năm 2021 và khoảng một phần ba số người mua trên toàn cầu.
 
Sự gần gũi của Việt Nam với Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cũng là một trong những lý do khiến chúng ta duy trì khả năng cạnh tranh và kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. 
 
Đồng thời, với chi phí lao động thấp, sự ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ khiến Việt Nam dần trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư.
 
Thêm vào đó, là thành viên của hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất. Cùng với đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và EU (EVFTA), vừa được phê chuẩn là những yếu tố thúc đẩy bổ sung cho các doanh nghiệp toàn cầu tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình.
 
Nói tóm lại, Việt Nam đang sở hữu đầy đủ những lợi thế cạnh tranh, ưu thế về kết nối quốc tế, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội trong vận hội mới.
 
Những thách thức, khó khăn
 
Mặc dù cơ hội đang mở ra rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự tham gia của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu là rất thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn và thử thách.
 
Cụ thể, mới chỉ có 36% doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%.
 
Thực trạng trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất.
 
Theo VCCI, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do Việt Nam chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước hầu như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu mà các doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Việt Nam.
 
Có lẽ vấn đề đầu tiên và lớn nhất là việc các doanh nghiệp Việt thường không được đánh giá cao trong việc tuân thủ những quy định quốc tế. Trong khi những công ty đa quốc gia thường có những yêu cầu khắt khe theo chuẩn quốc tế khi đầu tư và hợp tác kinh doanh.
 
Đây được coi là một yêu cầu khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hiện tại, nhưng nếu không vượt qua thách thức này để phát triển một cách bền vững theo xu hướng thị trường thì doanh nghiệp Việt khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt còn có một số điểm yếu cố hữu, đó là việc chúng ta thiếu sự chuyên nghiệp ở một số vấn đề hay thời điểm. Nhiều doanh nghiệp Việt khi thành công ở một lĩnh vực nào đó, lại không đầu tư tiếp để phát triển, mà chuyển sang những ngành nghề, lĩnh vực khác, nên nhiều khi bị phân bổ nguồn lực và thiếu tập trung.
 
Có lẽ, thời điểm hiện tại được coi là giai đoạn đòi hỏi các doanh nghiệp phải tư duy và quản trị doanh nghiệp lại, bởi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức, và nếu không vượt qua thì cơ hội khó đến tay các doanh nghiệp Việt.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp