Ngược chiều top 10 vốn hóa

13/12/2020

Sự thay đổi thứ hạng trong top 10 vốn hóa thị trường phản ánh rõ nét diễn biến của nền kinh tế.

Sau những thăng trầm vì dịch COVID-19, chỉ số VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm, kết thúc tháng 11 tại mức 1.003 điểm. Tổng kết tháng 11, chỉ số VN-Index tăng hơn 77,6 điểm, tương đương tăng 8,39%, là tháng thứ 4 tăng liên tiếp từ vùng giá dưới 800 điểm hồi tháng 7.2020. 
 
Đóng góp chính vào đà tăng mạnh của thị trường chung là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chiếm tới hơn 50% tổng giá trị vốn hóa trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM). Top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều thay đổi.
 
Nửa đầu phân hóa 
 
Tại thời điểm 30.11.2020, tổng giá trị vốn hóa của 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn đạt gần 2 triệu tỉ đồng. Trong đó, nửa đầu Top 10 không có sự thay đổi về thứ hạng, nhưng lại có sự phân hóa trong chặng đường trở lại vạch xuất phát của năm 2020. Với giá trị vốn hóa tại thời điểm 30.11 là hơn 351.400 tỉ đồng, Tập đoàn Vingroup (VIC) tiếp tục dẫn đầu về giá trị vốn hóa. Tuy nhiên, so với đầu năm 2020, con số này vẫn giảm khoảng 9,5%. 
 
Cùng với Vingroup, Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) và Ngân hàng BIDV (BID) cũng đang lấy lại những gì đã mất. Giá trị vốn hóa thị trường hồi cuối tháng 11.2020 của Vinhomes và BIDV lần lượt đạt 276.669 tỉ đồng và 167.718 tỉ đồng, tương ứng giảm 1,3% và 10,7% so với đầu năm 2020. Hiện tại, Vinhomes và BIDV lần lượt giữ vị trí số 3 và số 5 trong Top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
 
Trong khi đó, ở vị trí số 2 là Ngân hàng Vietcombank (VCB) với giá trị vốn hóa hơn 344.925 tỉ đồng. Khác với Vingroup, Vietcombank đã trở lại vạch xuất phát và đang trên đường chinh phục những cột mốc mới. Vốn hóa thị trường hiện tại của Vietcombank đã tăng 3,4% so với hồi đầu tháng 1.2020. 
 
Cùng với Vietcombank, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) cũng gia nhập đường đua. Tại thời điểm 30.11, giá trị vốn hóa của Vinamilk đạt hơn 226.100 tỉ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm 2020 và là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 4 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Nửa sau đổi ngôi 
 
Trong khi nửa đầu Top 10 giữ vững ngôi vị thì nửa sau lại có sự thay đổi đáng kể. Đầu tháng 1.2020, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB), Techcombank (TCB), VietinBank (CTG) và  Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE) là 5 cái tên xuất hiện trong nửa sau Top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường.
 
Trải qua 11 tháng thăng trầm cùng thị trường, cả Techcombank và Vincom Retail đều bị soán ngôi bởi sự vươn lên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN). Cụ thể, tại thời điểm 30.11, giá trị vốn hóa của Hòa Phát và Masan lần lượt đạt 98.018 tỉ đồng và 96.324 tỉ đồng, vượt qua 2 ứng viên cũ để góp mặt vào Top 10. Giá trị vốn hóa của 2 tân binh là Hòa Phát và Masan cũng tăng lần lượt 47% và 43,3% so với đầu năm 2020.
 
 
Bên cạnh sự xuất hiện của các tân binh, thứ tự trên bảng xếp hạng của các doanh nghiệp ở nửa sau Top 10 cũng bị xáo trộn. Ảnh: Qúy Hòa
 
Bên cạnh sự xuất hiện của các tân binh, thứ tự trên bảng xếp hạng của các doanh nghiệp ở nửa sau Top 10 cũng bị xáo trộn. Cụ thể, VietinBank đã vươn lên vị trí số 7 so với hạng 9 hồi đầu năm 2020. Tại thời điểm 30.11, giá trị vốn hóa của VietinBank đạt hơn 124.734 tỉ đồng, tăng 57% so với tháng 1.2020.
 
Ở chiều ngược lại, với giá trị vốn hóa hơn 122.800 tỉ đồng (giảm 14,7% so với tháng 1.2020), Sabeco đã tụt 1 bậc xuống vị trí số 8 trên bảng xếp hạng vốn hóa. Trao đổi với NCĐT, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhận xét, đà hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua được hỗ trợ chủ yếu từ diễn biến bứt phá ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có nhiều cổ phiếu đã tăng vượt mốc thời điểm cuối năm 2019 khi nền kinh tế chưa chịu tác động bởi dịch COVID-19.
 
Theo ông Trần Đức Anh, diễn biến trên có thể được lý giải bởi 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên là việc kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng kỳ vọng cao vào đà hồi phục của nền kinh tế trong năm sau đã đẩy chỉ số VN-Index tăng mạnh và vượt mốc 1.000 điểm. Thêm vào đó, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn đứng trước cơ hội phục hồi rõ nét hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ lợi thế về quy mô, vốn, thị phần và quan hệ với đối tác.
 
Cuối cùng, theo ông Trần Đức Anh, nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn được tiếp sức bởi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ như đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng tiền tệ hay hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây (EVFTA, RCEP).
 
“Dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng giá mạnh mẽ nhưng nhờ được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản, tôi cho rằng về tổng thể, dư địa tăng giá ở nhóm cổ phiếu này vẫn còn và là lựa chọn tương đối an toàn đối với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại”, ông Trần Đức Anh nhìn nhận.

(Nguồn: NCĐT)