Nguồn ngoại tệ tỷ đô ồ ạt đổ vào ngân hàng Việt Nam

14/11/2019
Những thương vụ bán vốn hay những hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền tỷ USD tại các ngân hàng đang thúc đẩy dòng ngoại tệ lớn chảy vào Việt Nam trong thời gian ngắn.
 
 
BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống
 
Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào nhờ hiệu ứng tích cực từ các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của ngân hàng.
 
Đầu tuần này, BIDV đã hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần, trị giá 860 triệu USD cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Cụ thể, ngân hàng đã phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu với giá 33.640 đồng/cổ phiếu. Sau khi trừ chi phí phát hành, BIDV thu ròng hơn 20.208 tỷ đồng.
 
Sau giao dịch, KEB Hana Bank trở thành cổ đông lớn của BIDV, đồng thời giúp ngân hàng tăng thêm 6.033 tỷ đồng vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng – trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.
 
Nguồn tiền từ nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ làm dịu đi tình hình tài chính của BIDV, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do không thể huy động được vốn. Trước đó, để giải quyết khó khăn vốn tạm thời, BIDV đã phải phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2.
 
Sau khi hoàn tất thương vụ, BIDV tiếp tục có kế hoạch phát hành thêm 10% cho nhà đầu tư tài chính nhằm giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 65% sau 6 tháng kể từ thời điểm phát hành cho KEB Hana.
 
Sau BIDV, một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cũng đang thực hiện việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, MB sẽ huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Thương vụ có thể được hoàn tất trong tháng này, bao gồm việc phát hành thêm hơn 141 triệu cổ phiếu mới và chuyển nhượng hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ của MB Bank. Hiện có khoảng 100 nhà đầu tư với khoảng 40 nhà đầu tư của Nhật Bản, Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc đang quan tâm tham gia vào giao dịch này.
 
Trên thị trường, MBBank là một trong những ngân hàng kinh doanh tốt nhất. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, MBBank báo lãi ròng 6.142 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ. BVSC dự báo, MBBank có thể hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra và dự báo ngân hàng này có thể đạt lợi nhuận trước thuế 9.793 tỷ đồng cho cả năm 2019.
 
Đầu năm nay Vietcombank đã thu về khoảng 265 triệu USD từ việc bán cổ phần cho GIC (quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore) và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank. Mới đây, ngân hàng này đã ký một hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm kéo dài 15 năm với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD.
 
Theo thoả thuận này, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD trên hệ thống của ngân hàng. Như một phần trong giao dịch, FWD cũng sẽ mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI- Công ty liên doanh bảo giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif) và giao dịch này đang chờ sự chấp thuận của cơ quan chức năng. FWD có kế hoạch hợp nhất VCLI vào hoạt động kinh doanh hiện có tại Việt Nam sau khi giao dịch hoàn tất.
 
Chi tiết giá trị thương vụ không được tiết lộ, song 2 bên cho biết giao dịch hợp tác bảo hiểm của Vietcombank với FWD là giao dịch lớn nhất trên thị trường bảo hiểm ngân hàng từ trước tới nay.
 
Trước đó, nguồn tin từ Bloomberg cho biết, giá trị thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền giữa Vietcombank và FWD có thể lên tới 1 tỷ USD, phía Vietcombank có thể nhận được một khoản thanh toán ban đầu lên tới 400 triệu USD và có thể cao hơn tùy vào tình hình kinh doanh cụ thể.
 
Trong quá khứ, thỏa thuận phân phối độc quyền bảo hiểm có thể mang về khoản lợi nhuận bất thường lớn cho các ngân hàng. Năm 2017, khi Techcombank ký thỏa thuận phân phối độc quyền với hãng bảo hiểm Manulife, ngân hàng này ngay lập tức ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.500 tỷ đồng. Năm ngoái, khi VPBank ký kết với hãng bảo hiểm AIA, ngân hàng cũng lập tức ghi nhận hơn 1.800 tỷ đồng lợi nhuận bất thường. 
 
Thương vụ lớn nhất trên thị trường bancassurance càng khiến triển vọng kinh doanh của Vietcombank thêm tươi sáng. Hiện tại, Vietcombank đang đứng đầu về lợi nhuận và vốn hoá thị trường. Trong quý 3 vừa qua, ngân hàng báo cáo lợi nhuận trước thuế 17.250 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa các ngân hàng khác trên thị trường. Tài sản của Vietcombank cũng tăng thêm 12%, đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng.

Nguồn: Theleader