Thế giới cần bao nhiêu tiền để kiểm soát được COVID-19?

12/07/2021
Dựa trên các sáng kiến ​​hiện có, Ruchir Agarwal và Gita Gopinath là các chuyên gia của IMF đã đề xuất một Kế hoạch hành động ở cấp quốc gia và đa phương để khẩn trương cùng hợp tác trong cuộc chiến kiểm soát và đánh bại đại dịch.
 
 
Thế giới đang thực hiện những bước đi khẩn cấp để ngăn chặn số người tử vong đang gia tăng và áp lực phục hồi kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngày càng có sự đồng thuận cao là chính sách phòng chống đại dịch cũng là chính sách kinh tế bởi vì không thể có được sự phục hồi kinh tế bền vững nào mà không đi kèm sự kết thúc của cuộc khủng hoảng y tế. Một trong những mối quan tâm nhất hiện nay là thực tế cuộc chiến chống lại đại dịch đang làm trầm trọng thêm sự chênh lệch và bất bình đẳng trong quá trình phục hồi giữa các nước. Đại dịch có thể chấm dứt được sớm và kinh tế toàn cầu có thể sớm phục hồi hay không sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp hành động mang tính toàn cầu nhiều hơn nữa.
 
Dựa trên các sáng kiến hiện có, Ruchir Agarwal và Gita Gopinath là các chuyên gia của IMF đã đề xuất một Kế hoạch hành động ở cấp quốc gia và đa phương để khẩn trương cùng hợp tác trong cuộc chiến kiểm soát và đánh bại đại dịch. Kế hoạch này nhằm mục tiêu: (1) tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số các quốc gia vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% vào nửa đầu năm 2022, (2) Bảo hiểm rủi ro trong quá trình sản xuất vắc xin, và (3) đảm bảo xét nghiệm rộng rãi và truy vết, duy trì dự trữ đầy đủ thuốc điều trị liệu và thực thi các biện pháp y tế công cộng ở những nơi có độ che phủ vắc xin thấp. Những nội dung chính của kế hoạch này bao gồm:
 
Đạt được các chỉ tiêu tiêm chủng
 
1. Cung cấp thêm khoản tài trợ trả trước cho COVAX ít nhất 4 tỷ đô la để tăng mức độ bao phủ vắc xin của tổ chức này, với mục tiêu từ 20% đến 30% cho 91 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Lượng cầu vắc xin này giúp chốt đơn đặt hàng của tổ chức này và kích hoạt công suất vắc xin chưa sử dụng.
 
2. Đảm bảo các luồng nguyên liệu và vắc xin thành phẩm lưu thông tự do xuyên biên giới. Những hạn chế về lưu thông hiện tại đang là nguyên nhân gây phương hại cho khả năng tiếp cận vắc xin của hàng tỷ người ở các nước đang phát triển.
 
3. Tặng vắc xin thừa: dự kiến là ít nhất khoảng 1 tỷ liều vắc xin có thể được tặng vào năm 2021, ngay cả khi các quốc gia "thừa" vắc xin này ưu tiên tiêm chủng cho người dân nước họ. Các khoản đóng góp, bao gồm cả chi phí giao hàng, nên được thực hiện thông qua COVAX để vắc xin được chia sẻ công bằng và trên cơ sở các nguyên tắc sức khỏe cộng đồng.
 
Bảo hiểm rủi ro sản xuất vắc xin
 
4. Đầu tư rủi ro để đa dạng hóa và tăng năng lực sản xuất vắc xin lên 1 tỷ liều vào đầu năm 2022 để xử lý các rủi ro sản xuất vắc xin, bao gồm cả rủi ro từ các biến thể [8 tỷ đô la].
 
5. Mở rộng quy mô giám sát bộ gen và giám sát chuỗi cung ứng, có hệ thống dự phòng cụ thể, có kế hoạch xử lý các tình huống đột biến hoặc các cú sốc đối với chuỗi cung ứng. Hoạt động này cần sự tham gia của các tổ chức đa phương, các nhà phát triển và sản xuất vắc xin, và chính phủ các nước [3 tỷ đô la].
 
Chi phí giai đoạn hiện tại khi nguồn cung vắc xin bị hạn chế
 
6. Đảm bảo xét nghiệm rộng rãi, đủ liệu pháp điều trị và các biện pháp y tế công cộng và chuẩn bị triển khai vắc xin [30 tỷ đô la].
 
7. Khẩn trương đánh giá và thực hiện (nếu được phê duyệt) các chiến lược giãn liều để mở rộng hiệu quả cung cấp [2 tỷ đô la].
 
8. Ngoài ra là các biện pháp cần thiết bổ sung chiếm 3 tỷ đô la.

Nguồn: "A proposal to end the Covid-19 pandemic" by Ruchir Agarwal và Gita Gopinath, IMF, tháng 5, 2021
 
Như vậy, ước tính chi phí của kế hoạch này vào khoảng 50 tỷ đô la. Có điểm cần lưu ý trong kế hoạch này là không phải tất cả mọi khoản liệt kê trong các hoạt động nêu trên đều là tốn kém. Nếu các nước thu nhập cao tặng chỉ một nửa số vắc xin thừa mà họ có khả năng tích lũy trong năm nay, chưa dùng đến cho các nước đang phát triển thì có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho gần 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021. Về nguồn tài chính, trong tổng số 50 tỷ đô la chi phí của kế hoạch này, có khoản tài trợ không hoàn lại ít nhất 35 tỷ đô la từ các nhà tài trợ và phần còn lại cần có từ chính phủ các nước với khả năng hỗ trợ bằng nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức song phương và đa phương.
 
Các điều kiện tiên quyết của việc thực hiện thành công kế hoạch này là các khoản tài trợ cần được ứng trước, vắc xin tài trợ được chuyển giao ngay và thực hiện bảo hiểm cho sản xuất vắc xin. Các cam kết về các nguồn tài chính cần thiết phải có sẵn ngay. Trong trường hợp không có các hành động khẩn cấp, nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể phải đợi đến cuối năm 2022 hoặc muộn hơn để kiểm soát đại dịch, điều đó sẽ là quá muộn không chỉ cho những quốc gia mà còn cho cả thế giới. 
 
Nếu không có cam kết chắc chắn về việc mua vắc xin, các nhà sản xuất sẽ ngần ngại trong việc giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng. Nếu các nước nghèo không biết khi nào vắc xin sẽ đến tay, họ sẽ khó chuẩn bị cho việc triển khai thành công. Và việc tiêm phòng chậm sẽ khiến các biến thể mới có nhiều khả năng xuất hiện hơn. Hiện tại, một số dự báo về triển vọng tiêm chủng cho thấy bức tranh rất bất bình đẳng vào năm 2022, điều này gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho thế giới. Chúng ta cần phải sát cánh bên nhau, vì "đại dịch sẽ không thể được coi là kết thúc ở đâu đó cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi trên thế giới".
 
Trên phương diện lợi ích kinh tế, tài trợ cho kế hoạch này được coi là khoản đầu tư công mang lại lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Chi phí ước tính là khoảng 50 tỷ đô la nhưng lợi ích mang lại do nền kinh tế thế giới phục hồi sớm sẽ vào khoảng 9000 tỷ đô la từ nay đến năm 2025, vượt xa so với chi phí. Và 9000 tỷ đô la này được chia thành 60%-40% giữa các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển và các nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, các nền kinh tế phát triển có thể đạt được khoảng 1000 tỷ đô la thu nhập từ thuế bổ sung, điều đó càng khẳng định thêm rằng kế hoạch này là một ví dụ về đầu tư công mang lại lợi ích cao nhất.
Nguồn: Trí thức trẻ