4 CEO công nghệ Mỹ điều trần những gì trước Quốc hội Mỹ?

25/08/2020
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây, CEO 4 hãng công nghệ đều cho rằng mình cạnh tranh lành mạnh, không có chuyện độc quyền, chèn ép.
 
 
Mới đây, phiên điều trần Giám đốc điều hành của 4 hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ là Amazon, Apple, Facebook và Google đã khép lại. 4 vị Giám đốc điều hành này đã phải ngồi ghế nóng trong 5 tiếng đồng hồ để trả lời những cáo buộc liên quan đến độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ. 
 
Lý do 4 CEO công nghệ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ lần này là bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 
 
Các CEO xuất hiện và trả lời trên màn hình tivi trong phiên điều trần. (Ảnh: Graeme Jennings)
 
Cả 4 vị giám đốc đều nhấn mạnh các công ty mình điều hành lớn mạnh không gây hại cho ai, mà chỉ mang lại lợi ích cho nước Mỹ, như tạo công ăn việc làm, hay để đối phó với sự nổi lên của các hãng công nghệ lớn từ Trung Quốc.
 
Về các vấn đề cụ thể, đáp lại cáo buộc Facebook mua Instagram để triệt tiêu cạnh tranh từ hãng này, CEO của Facebook nói rằng việc mua bán lúc đó được Ủy ban Thương mại liên bang phê chuẩn, nên không thể nói là có chuyện mua để triệt tiêu đối thủ.
 
 
CEO của Apple Tim Cook.
 
Trong khi đó, CEO của Apple nhấn mạnh Apple đối xử với công bằng với mọi ứng dụng trên hệ điều hành của Apple.
 
Còn CEO của hãng bán hàng trực tuyến Amazon đối mặt với câu hỏi về việc Amazon thu thập thông tin của các nhà bán hàng trên Amazon, như xem họ bán gì chạy, từ đó đưa ra sản phẩm của mình. CEO của Amazon nói rằng hãng có chính sách ngăn cấm điều này, nhưng cũng thừa nhận ông không thể đảm bảo rằng chính sách đó chưa từng bị vi phạm.
 
 
CEO Amazon Jeff Bezos
 
Từ lâu, Google bị cáo buộc thu thập quá nhiều thông tin các nhân của người sử dụng, như xem họ thích ăn gì, xem gì, chơi gì… để định hướng quảng cáo của mình. Đáp lại, CEO Google lặp lại điệp khúc rằng, chính hãng này đã thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, khiến giá quảng cáo giảm đáng kể. 
 
Sau phiên điều này, các hãng công nghệ khổng lồ sẽ không bị chia nhỏ ra để chống độc quyền như cách nghĩ của một số người. Quốc hội Mỹ khó đồng thuận được việc đó và cũng chỉ có chức năng làm luật là chính. Tuy nhiên, cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ có thể dẫn tới việc đề xuất ban hành luật mới về chống độc quyền theo hướng giúp chính phủ liên bang dễ dàng hơn trong điều tra, xử phạt các hãng công nghệ lớn, đồng thời có sự giảm sát chặt chẽ hơn với các vụ mua bán, thâu tóm các hãng công nghệ, như trường hợp Facebook mua Instagram, hay Google mua Youtube. Phiên điều trần như thế này cũng có thể châm ngòi và thúc đẩy thêm nhiều cuộc điều tra, kiện tụng khác nhắm vào các ông lớn công nghệ. 

Nguồn Trường Sơn – Công Tùng (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)