4 ngành có cơ hội bứt phá thu hút đầu tư năm 2019

31/05/2019

Vận tải – giao nhận là một trong những lĩnh vực được dự báo hấp dẫn các dòng vốn đầu tư nhất trong năm nay.
 

Grant Thornton vừa công bố báo cáo khảo sát Triển vọng Đầu tư tư nhân 2019 tại thị trường Việt Nam, trong đó chia sẻ và đánh giá về cơ hội của 4 ngành có tiềm năng thu hút đầu tư nhất.
 
Vận tải – giao nhận
 
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới 2018, chỉ số xếp hạng hoạt động vận tải (LPI) của Việt Nam đạt 39/160 nước, tăng 25 bậc so với năm 2016 và thuộc top 3 ASEAN (sau Singapore: 7/160 và Thái Lan: 32/160). Trong năm 2018, Chính phủ ban hành Luật quản lý ngoại thương, Luật hải quan và các luật khác liên quan nhằm phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, việc cắt giảm các thủ tục hải quan và cơ chế hải quan một cửa cũng đang được triển khai và đẩy mạnh. Sự bùng nổ của thương mại điện tử và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do ( CTTPP, EU-VN,..) thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tương lai.


 
Vận tải – giao nhận hàng hóa được dự báo hấp dẫn vốn đầu tư. Ảnh: Ship60

Năng lượng tái tạo
 
Theo dự báo của EVN, đến 2020, Việt Nam sẽ thiếu nguồn cung năng lượng. Nhưng vị trí gần xích đạo và đường bờ biển dài mang lại nguồn cung dồi dào về năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Giá điện trung bình tại Việt Nam hiện ở mức 0,07 USD/kWh, thấp hơn nhiều so với các nước với cùng mức GDP đầu người như Campuchia (0,19 USD/kWh) và Philippines (0,19 USD/kWh).
 
 
Y tế và dược phẩm
 
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng khi tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh và mức thu nhập của người dân đang được cải thiện đáng kể. Hãng nghiên cứu thị trường BMI ước tính ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng trưởng hằng năm 10,3% trong giai đoạn 2017-2020. Các doanh nghiệp dược trong nước đang cần sự hỗ trợ về vốn nhằm phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
 
Giáo dục
 
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng gia tăng kéo theo nhu cầu đầu tư cho giáo dục. 60% cơ cấu dân số Việt Nam là người trẻ, với nhu cầu cao về học tập và rèn luyện kĩ năng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Chi tiêu cho giáo dục tại Việt Nam chiếm 5,7% GDP – xếp thứ 29 trong 126 quốc gia chi tiêu nhiều cho giáo dục trên thế giới. Tốc độ phát triển của thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam đạt 44,3%, thuộc top 10 châu Á.
 
Báo cáo của Grant Thornton còn chỉ ra một số chiến lược đầu tư có xu hướng gia tăng trong năm 2019. Theo đó, chiến lược tăng trưởng được ưa chuộng nhất, với 75% số người được hỏi tin rằng xu hướng tăng lên của chiến lược này là do đà phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Thị trường đầu tư ghi nhận ngày càng có nhiều công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt và có nhu cầu gia tăng vốn để theo đuổi các chiến lược đột phá, để đạt được tăng trưởng cao hơn nữa.
 
Chiến lược đầu tư mạo hiểm chiếm vị trí thứ hai. Làn sóng khởi nghiệp nổi lên với các công ty công nghệ và lượng người dùng internet khổng lồ ở Việt Nam hứa hẹn tiềm năng phát triển dồi dào. Các chiến lược quỹ của quỹ, chiến lược kết hợp và chiến lược mua lại các công ty khó khăn về tài chính không được kỳ vọng gia tăng nhiều trong năm 2019. Đây là những chiến lược còn chưa phổ biến tại Việt Nam do thiếu vắng những cơ hội đầu tư phù hợp.

(Nguồn: Vnexpress)