500 tỉ USD đến từ đâu?
Quy mô nền kinh tế có thể đạt 500 tỉ USD nếu xử lý được những vấn đề nội tại liên quan đến động lực xuất khẩu và chế biến chế tạo.
Những vướng mắc nội tại, do không được xử lý kịp thời, đã tác động trực tiếp lên mục tiêu thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: TL.
Chính phủ ước tính nền kinh tế có thể đạt quy mô 500 tỉ USD vào năm 2025 trong bối cảnh các dự báo đều hướng đến mức tăng trưởng 7% cho năm 2024. Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng mục tiêu này là khả thi, bởi quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt khoảng 433,7 tỉ USD, năm 2024 có thể đạt 470-480 tỉ USD. Nhưng cũng có thách thức, nếu để đồng tiền mất giá dù chỉ 5% hay lạm phát cao hơn trong năm tới.
Vấn đề “500 tỉ USD đến từ đâu?” được Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc Dân, chỉ dẫn đến 2 yếu tố. Thứ nhất, xuất khẩu phục hồi sẽ kéo ngành chế biến chế tạo tăng trưởng trở lại, nhưng điều kiện là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) phải trên 50 điểm trong các tháng tới. Khi xuất khẩu tốt sẽ kéo thêm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và chỉ khi đó, ngành chế biến chế tạo mới có thể tăng trưởng cao. Yếu tố thứ 2 đến từ sự phục hồi của kinh tế trong nước, sẽ góp phần vực dậy khu vực tư nhân, vốn có mức tăng trưởng thấp trong những năm gần đây (chỉ tăng 2,7% đến cuối năm 2023, thấp hơn 3,3 lần so với năm 2022).
Đâu là căn cứ cho những mối lo lần này? Trên thực tế, nền kinh tế dường như đã bỏ qua thời điểm tốt nhất để xử lý những vấn đề nội tại của chính các động lực tăng trưởng, vốn được các nhà kinh tế cảnh báo hồi đầu năm. Đầu tiên là sự hồi phục của thị trường thế giới, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại sẽ kéo theo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phục vụ xuất khẩu. Kế đến, thị trường trong nước và khu vực tư nhân sẽ hồi phục, một phần nhờ thị trường bất động sản tập trung vào các phân khúc phù hợp với túi tiền của người dân, sự trợ giúp của Nhà nước thúc đẩy số lượng dự án tăng lên thông qua việc gỡ bỏ những vướng mắc, rào cản về cơ chế và thủ tục hành chính. Cuối cùng, đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, gỡ khó cho nền kinh tế.
Nhưng điều nhất quán trong những năm gần đây là quy mô nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào công nghiệp chế biến chế tạo, vốn là lĩnh vực phụ thuộc vào FDI, hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, thủ tục hành chính phức tạp, chi phí logistics cao, thiếu lao động chất lượng cao, tình trạng mất điện, lại đang cản trở dòng vốn FDI – lĩnh vực có vai trò quan trọng, đóng góp 16,1% tổng đầu tư toàn xã hội năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, như EuroCham và Kocham, hơn một lần phản ánh tình trạng lao động Việt Nam thiếu hụt các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết. Trong khi đó, việc tuyển dụng lao động nước ngoài khó khăn, bởi quy định nghiêm ngặt, quy trình xin visa, giấy phép lao động phức tạp.
Những vướng mắc nội tại, do không được xử lý kịp thời, đã tác động trực tiếp lên mục tiêu thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đã để vuột khỏi tay không ít cơ hội khi các quốc gia trong khu vực thúc đẩy các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực có thế mạnh. Bằng chứng là mới đây, Google công bố kế hoạch đầu tư 3 tỉ USD vào Malaysia và Thái Lan để xây các trung tâm dữ liệu, thay vì chọn Việt Nam. Hay những khoản đầu tư đáng kể được công bố sau chuyến thăm Ấn Độ vào đầu năm ngoái của Tim Cook, CEO của Apple.
Theo hướng đó, xuất khẩu hàng hóa cũng có thể không còn đóng vai trò là động lực tăng trưởng như trước đây, khi chu kỳ thương mại toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt, đơn hàng sản xuất giảm ở nhiều nền kinh tế có khả năng diễn ra trong năm tới. Chỉ dấu đến từ chỉ số PMI giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 9, báo hiệu tình hình sản xuất khó khăn và xuất khẩu chậm lại trong những tháng cuối năm. Bước sang năm sau là nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới khi dòng chảy thương mại toàn cầu chịu tác động trực tiếp từ xung đột quân sự Nga – Ukraine và Israel – Hamas.
Những điều này được Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT) giải thích rằng, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng đến từ việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tiếp tục áp thuế chống bán phá giá, cũng như EU và Đài Loan (Trung Quốc) xem xét điều tra chống bán phá giá đối với một số nhóm hàng của Việt Nam. Việc tuân thủ quá trình điều tra, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa tác động trực tiếp đến quy mô và sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Quy mô nền kinh tế 500 tỉ USD có thể đạt được vào năm sau, nhưng nguồn lực sẽ không thể phân bổ hiệu quả nếu thiếu cơ chế thị trường và cạnh tranh. Các nhà kinh tế uy tín nhất cũng nhắc nhiều đến tình trạng doanh nghiệp “không lớn được” và “không muốn lớn”, nguyên nhân dẫn đến thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô trung bình, nhất là trong công nghiệp chế biến chế tạo, trở thành rào cản tăng năng suất, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ. Điều này giải thích một cách rõ ràng về khu vực tư nhân, dù trên 900.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng chỉ đóng góp trên dưới 10% GDP.
Chính phủ chọn 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 5 năm tới, với 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng số, điện năng, đặc biệt là giao thông. Mục tiêu đến cuối năm 2025 cả nước sẽ có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ sở để tiếp tục triển khai nhiều dự án cho giai đoạn 2026-2030.
Việt Nam đang ở thời điểm tương tự Trung Quốc hơn 20 năm trước, bắt đầu chuyển sang mô hình tăng trưởng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện quan trọng để thu hút FDI. Ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC, tại hội thảo “Market Outlook 2024” mới đây đã cảnh báo việc nền kinh tế nhận được nhiều vốn FDI hơn khả năng hấp thụ, có thể khiến hệ thống hạ tầng chịu nhiều áp lực. Và Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong kiểm soát tài chính và giảm phụ thuộc vào FDI của Trung Quốc trong phát triển hạ tầng.
Nguồn: NCĐT