Bà thương lái Việt dám sang Trung Quốc mua cả 1 nông trường cam
Từng bán 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên, từng mua cả một nông trường cam của Trung Quốc những năm 2000,… Là giám đốc 1 DN lớn nhưng bà Nguyễn Thị Thành Thực vẫn luôn tự nhận mình “là một thương lái”.
Nông sản Việt bị “bình dân hóa”
Có phát ngôn thẳng thắn: “Nông sản Việt như cô gái quê danh giá chỉ biết ngồi nhà chờ người ta đến hỏi và mua đi”, “75% nông sản của chúng ta xuất sang Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta là biết Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch, để thu mua”…, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, gây được sự chú ý của dư luận cũng như nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.
Nhận thấy nông sản Việt Nam có nhiều ưu điểm được thế giới công nhận, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chịu lép vế ở nhiều thị trường, bà Thực cho rằng nguyên nhân bởi cách làm ăn rời rạc, mạnh ai nấy làm, chưa biết cách chủ động đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường.
Chủ tịch Cty CP Bagico, bà Nguyễn Thị Thành Thực
“Bản chất sự ví von đó là tôi mong muốn nông sản Việt phải tự tin hội nhập, đi tìm kiếm thị trường và biết mình có gì khác biệt, có gì cần thay đổi, để có nhiều sự lựa chọn hơn”, bà Thực nói.
“Tôi xin chia sẻ hàm ý trong câu nói đó thế này: Vì những người sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là nông hộ, sự liên kết rất hình thức và rời rạc, mạnh ai nấy làm. Còn các đại gia thì họ chọn phần nào ít rủi ro nhất trong chuỗi họ chiếm lĩnh, vì thế nhiều khi ra thị trường mình càng ngày càng tụt hậu, thấy rất tủi nhục. Nông sản Việt đang dần bị xếp xuống hạng bình dân ở ngay thị trường Trung Quốc, nơi mà nhiều năm trước luôn được coi là đặc sản”, bà Thực cho hay.
Dưới góc nhìn của một thương lái có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bà Thực thẳng thắn thừa nhận tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ngành nông sản Việt Nam. Ngoài việc thương lái của họ sẵn sàng lùng sục đến tận vùng sâu vùng xa để thu mua, thì khoảng cách về công nghệ cũng là yếu tố quan trọng khiến nông sản Việt chưa thể vươn mình thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc.
Nữ doanh nhân nói lên thực trạng: “Các nông sản chúng ta có hầu như Trung Quốc đều có hoặc họ lai tạo rất nhanh để phù hợp và tốt hơn. Bản thân thị trường nội địa họ rất lớn chưa kể đến xuất khẩu và chế biến cũng rất lớn so với chúng ta. Vì thế họ đầu tư sản xuất sẽ lợi hơn chúng ta vì giá thành rẻ, tự động cao”.
Đặc biệt chiến lược thương hiệu quốc gia của họ rất đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đừng lầm tưởng Trung Quốc là thị trường dễ tính. Thu nhập của họ ngày càng cao, kiểm soát thị trường ngày càng chặt chẽ và hiện đại. Họ kiểm soát truyền thông khá tốt nên không dễ gì mà các sản phẩm kém chất lượng có thể bán được. Rất nhiều nông sản Việt họ mua về làm thức ăn gia súc hay làm phân bón.
“Tôi đã từng nói, Trung Quốc vừa là đối tác nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam. Vì sao là đối tác lớn nhất thì trong thời gian qua ai cũng đã rõ. Nhưng vì sao họ là đối thủ lớn nhất thì chúng ta rất thiếu thông tin”, bà Thực nhìn nhận.
Chúng ta cần hiểu họ nhiều hơn để biết họ cần gì, họ muốn gì và chúng ta có cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại của họ không?
Đặc biệt cần học và hợp tác chế biến nông sản. Họ đã sản xuất lớn, có thị trường, nhưng nguyên liệu thô nhập từ Việt Nam về sẽ đội giá rất cao vì chi phí trung gian ngày càng tăng. Việc bán các nông sản thô của chúng ta sẽ ngày càng gặp khó khăn và họ sẽ tìm cách phát triển sản xuất trong nước để tăng nguồn cung.
Mỗi hộ nông dân/HTX/DN siêu nhỏ không thể tự đầu tư được khu sơ chế và kho bảo quản tiêu chuẩn để dự trữ hàng tránh dội chợ. Vì thế các địa phương khi qui hoạch sử dụng đất và qui hoạch vùng sản xuất, cần có chính sách cụ thể để mời gọi đầu tư các “Khu dịch vụ sơ chế bảo quản sau thu hoạch” tại các vùng sản xuất, để người dân có thể đến thuê đóng gói/bảo quản chứ không phải bán ngay khi mất giá.
Khi chúng ta nâng cao trình độ sản xuất, có thể cạnh tranh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng thì chúng ta mới đủ tự tin hội nhập một cách bền vững.
Giải pháp đầu tiên là sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Nửa trước của chuỗi là phần cung ứng các vật tư, công nghệ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Thực tế hiện nay, một sản phẩm nông sản bị bao vây bởi hàng chục trung gian quanh nó, mọi gánh nặng, rủi ro hầu như bằng cách này hay cách khác cũng đưa đẩy đến nhà sản xuất (chủ yếu là nông dân/DN nhỏ, siêu nhỏ).
Chuỗi giá trị nông sản toàn cầu cần kết nối thông qua các “Trung tâm một cửa nông sản Quốc gia” của các nước để cắt giảm chi phí và người tiêu dùng được mua hàng với đúng giá trị thực của nó.
Hiện nay, thường các nước nghèo lạc hậu người sản xuất bị bán sản phẩm rẻ hơn giá trị và người tiêu dùng thường bị mua hàng cao hơn giá trị thực. Nguyên nhân chính là sự lạc hậu trong việc quản lý hệ thống và chuỗi phân phối thu mua cũng như việc tranh thủ tư lợi của nhóm quyền lực.
Bà Thực nhìn nhận: “Tôi đã từng nói, Trung Quốc vừa là đối tác nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam”
Thời đại công nghệ số, chúng ta muốn nâng cao giá trị nông sản, giảm thiểu rủi ro và nâng cao thu nhập người nông dân, đưa sản phẩm giá trị thực đến người tiêu dùng cần tìm phương pháp để cắt giảm các khâu trung gian, giảm thiểu chi phí, giảm thiểu hư hao, mất ATVSTP.
Vậy thì phải làm gì? Câu trả lời ở đây là phải có “Khu kinh tế Nông nghiệp/Trung tâm một cửa nông sản Quốc gia” và rất cần sự đột phá. Nếu Chính phủ quyết tâm thì hoàn toàn không khó. Chúng ta đã có hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, việc đầu tư cho nông nghiệp một khu kinh tế tập trung là rất cần cho định hướng phát triển nông nghiệp.
Mô hình này chưa quốc gia nào có, chúng ta hoàn toàn có thể tạo đột phá đầu tiên trên thế giới, có thể là hình mẫu cho các nước nghèo và đang phát triển kết nối, công bằng thương mại với các nước giàu.
Với đất nước trên 60% dân số sống bằng nghề nông (chưa kể bộ máy quản lý), rất cần sự đầu tư đúng mức để an dân. Cắt giảm chi phí trung gian là tối cần thiết và nhanh nhất để nâng cao giá trị nông sản và minh bạch thông tin. Để DN nông nghiệp/nông dân và cả người tiêu dùng Việt Nam giảm thiểu tình trạng bị “mua đắt – bán rẻ”.
(Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)