Bài học cho kinh tế Việt Nam từ cầu thủ Ronaldo

27/06/2020
Kinh tế Việt Nam cần sự thay đổi trong chiến lược phát triển thập kỷ tới giữa bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng truyền thống bắt đầu giảm đà và dự kiến giảm sâu thời gian tới.
 
 
Từ nhiều năm nay, thế giới biết đến Cristiano Ronaldo vì thể lực sung mãn và kĩ năng chơi bóng đỉnh cao. Thời còn chơi cho đội Manchester United, siêu sao bóng đá này có những pha bứt tốc từ sân nhà đến vòng cấm đối phương, rê bóng qua nhiều cầu thủ để ghi bàn.
 
Đến nay, ở tuổi 35, Ronaldo vẫn có thể ghi đến ba bàn trong một trận đấu mang tính quyết định vì anh có mặt tại đúng nơi và đúng thời điểm. Ronaldo hiện vẫn là một trong những cầu thủ hàng đầu thế giới nhờ biết cách thích nghi và điều chỉnh kĩ thuật phù hợp với từng trận đấu anh chơi.
 
Như Ronaldo, Việt Nam cũng được coi là ngôi sao sáng trong lĩnh vực kinh tế phát triển, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank (Ngân hàng thế giới) tại Việt Nam Jacques Morriset đánh giá trong bài viết “What do Vietnam and Cristiano Ronaldo have in common?”.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đứng thứ hai thế giới trong suốt thập kỷ qua, đồng thời tỉ lệ nghèo cùng cực giảm từ mức 53% năm 1992 xuống còn chưa đến 2% vào năm 2017.
 
“Kết quả ngoạn mục trên có được là nhờ nền kinh tế phát triển nhanh, giống Ronaldo thời trẻ ở đỉnh cao về sức mạnh thể chất. Việt Nam có dân số trẻ, năng động và ham học hỏi, thêm vào đó các ngành sản xuất được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu”, ông Jacques Morriset phân tích.
 
Thay đổi chiến lược phát triển
 
Nhìn về tương lai, giống như Ronaldo ở độ tuổi 35, nền kinh tế Việt Nam có lẽ khó có thể chạy nhanh hơn.
 
Nhiều động lực tăng trưởng truyền thống đã bắt đầu giảm đà và dự kiến còn giảm sâu hơn nữa trong trong thời gian tới. Lợi thế từ cơ cấu dân số vàng hiện đang mờ dần và nguy cơ dân số già hóa ngay trước mắt. Đà xuất khẩu có lẽ còn khó duy trì hơn trong một thế giới ngày càng khép cửa – minh chứng chứng là sự chậm lại của dịch chuyển vốn và thương mại toàn cầu.
 
Lợi thế nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nữa khi xu thế tự động hóa khiến họ chuyển hoạt động sản xuất về chính quốc.
 
Khi chạy quá nhanh, Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương hơn với những rủi ro môi trường. Một trong những tài nguyên quý báu nhất của quốc gia, như những cánh rừng hay vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang xuống cấp. Các đô thị ở Việt Nam cũng đang trở nên ô nhiễm nặng nề.
 
Báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao” vừa qua từ Ngân hàng thế giới từng khuyến nghị Việt Nam nên coi năng suất là yếu tố then chốt của chiến lược phát triển kinh tế trong thập kỷ tới. Việt Nam cũng nên tìm cách không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phải tốt hơn.
 
Điều này đòi hỏi phải sử dụng nguồn lực của quốc gia một cách thông minh nhất, nhờ đó các doanh nghiệp trở nên năng động hơn, kết cấu hạ tầng đạt hiệu suất cao hơn, người lao động có tay nghề cao hơn, và môi trường trở nên có khả năng chống chịu hơn với biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động của con người.
 
“Lấy năng suất làm điểm then chốt là điều nói thì dễ nhưng làm thì khó vì đòi hỏi phải thay đổi tư duy”, ông Jacques Morriset nhấn mạnh.
 
Trước hết, Việt Nam cần giảm tập trung vào tăng trưởng sản lượng và quan tâm hơn đến tối ưu hóa phân bổ nguồn tài lực và nhân lực cho những doanh nghiệp năng động nhất.
 
Các cấp có thẩm quyền cần giảm bớt rào cản tham gia thị trường cho những công ty mới, đặc biệt là những người sẵn sàng đem lại kiến thức và công nghệ mới. Trên thực tế, những rào cản này hiện vẫn còn nhiều ở một số ngành. Ngoài ra các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả nhất được rút khỏi thị trường bằng cách hiện đại hóa thủ tục phá sản và đây là lĩnh vực không phải ai cũng lưu tâm.
 
Thứ hai, vị chuyên gia của Ngân hàng thế giới khuyến nghị Chính phủ cần chuyển trọng tâm từ việc tăng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng cơ bản sang khuyến khích hành vi có trách nhiệm.
 
Hầu hết người dân Việt Nam được tiếp cận những dịch vụ này, vì vậy thay vì trợ giá như trước, Việt Nam cần có chính sách giá phù hợp thể phản ánh đúng chi phí cung cấp dịch vụ, qua đó nâng cao hiệu suất đồng thời giảm lãng phí và ô nhiễm.
 
Dĩ nhiên, chính sách như vậy cần được triển khai từng bước một cách hợp lý, vừa bảo vệ cho các nhóm dễ bị tổn thương vừa giảm thiểu được sự phản đối của các nhóm lợi ích. Bước chuyển chính sách sẽ tiết kiệm đáng kể ngân sách để dành nguồn lực cho những ưu tiên khác, bao gồm giáo dục sau trung học – lĩnh vực mà Việt Nam đang đi chậm hơn các đối thủ cạnh tranh.
 
Cách đây vài năm, Cristiano Ronaldo nhắc nhở giới thể thao rằng "tôi muốn chơi luôn tốt và đạt nhiều thành tích. Tôi mới chỉ bắt đầu". Ngôi sao này đã đạt được mục tiêu trên bằng cách điều chỉnh cách chơi cho phù hợp với trận đấu.
 
Việt Nam cũng đặt tham vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Ông Jacques Morriset chia sẻ: “Nếu Việt Nam bắt đầu điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng nâng cao năng suất, rất có thể quốc gia Đông Nam Á này sẽ tiếp tục chơi tốt và đạt nhiều danh hiệu hơn trong lĩnh vực kinh tế phát triển”.

(Nguồn: The Leader)