Bí quyết trường tồn ngàn năm của các doanh nghiệp gia đình Nhật Bản

16/01/2020
Làm sao giữ cho công ty tồn tại, làm sao đưa những người ưu tú vào công ty mình là điều mà doanh nghiệp gia đình rất quan tâm.
 
TS. Hidekazu Sone (đứng giữa) cùng các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tại hội thảo về doanh nghiệp gia đình
Các thách thức phải đối mặt
 
Già hoá đội ngũ lãnh đạo, phần lớn nhân lực quan trọng đều ở độ tuổi trung bình trên 60. Công việc lớn nhất của giám đốc là nhường lại doanh nghiệp cho người kế thừa, nhưng ứng viên bị giới hạn, hoặc thế hệ F2 không muốn nối nghiệp. Lịch sử của công ty càng dài đồng nghĩa với chỉ số thế hệ người thân cũng tăng lên, dễ xảy ra va chạm. 
 
Do không chủ động chuẩn bị đội ngũ kế thừa, khi chủ doanh nghiệp đột ngột qua đời thường rất lúng túng. Trong những năm gần đây, tỷ lệ đóng của cao hơn tỷ lệ khởi nghiệp. Những thách thức này cũng rất gần với các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) Việt Nam
 
Chia sẻ trong hội thảo “Bí quyết quản lý doanh nghiệp gia đình trường tồn – Bài học từ Nhật Bản" do Viện phát triển Quản trị và công nghệ (IMT) tổ chức tại TP. HCM, TS. Hidekazu Sone chỉ ra 5 yếu tố khiến DNGĐ thất bại. 
 
Thứ nhất là loại doanh nghiệp lẫn lộn giữa công và tư: Doanh nghiệp mong muốn về tiền bạc quá nhiều, thiên vị người thân quá đáng, mở rộng kinh doanh quá nhanh. 
 
Thứ hai là loại doanh nghiệp giấu diếm, hướng nội: Doanh nghiệp độc đoán, không minh bạch, thái độ ngang ngược của những người liên quan.
 
Thứ ba là loại doanh nghiệp không có người quản lý: Người đứng đầu hoặc người quản lý ngoài việc uỷ thác cho kế toán, là người không giỏi về kế toán. 
 
Thứ tư là loại doanh nghiệp có tranh chấp nội bộ trong dòng tộc: Tranh chấp giữa những người họ hàng, cổ phiếu bị phân tán quá mức, chia rẽ trong nội bộ.
 
Thứ năm là loại doanh nghiệp không có người nối nghiệp: Không có con trai, gặp khó khăn trong việc giáo dục người nối nghiệp.
 
“DNGĐ phải thường xuyên suy nghĩ về sự sống còn. DNGĐ có nhiều điểm mạnh, nhưng nếu sử dụng sai sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Do vậy, để làm thế nào phát hiện sớm các khó khăn để giải quyết là gợi ý dẫn tới sự sống còn. Nên tham khảo kinh nghiệm từ các DNGĐ lâu đời có trong quá khứ hay xung quanh. Mở rộng các đối tượng DNGĐ sang quản trị kinh doanh, xã hội học, lịch sử học, văn hoá nhân loại… để cho mình cái nhìn tổng hợp và sâu sắc hơn”, TS. Hidekazu Sone cho biết.
 
Tinh thần Yaramaika
 
DNGĐ là loại hình doanh nghiệp mà người thành lập và gia đình họ sở hữu một lượng cổ phần đáng kể hoặc những người này đang nắm quyền quản lý và có tầm ảnh hưởng lớn tới kinh doanh
 
Có tới 97% doanh nghiệp xuất thân từ gia đình tại Nhật Bản, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến trái ngược xung quanh việc đánh giá DNGĐ. TS. Hidekazu Sone chia sẻ: “Nhiều học giả Nhật Bản cũng từng phê phán cách quản trị chuyên quyền, tiền đồ không sáng sủa của DNGĐ. Ông Kamei Toshiaki từng phê phán DNGĐ thường quản lý lỏng lẻo, không coi trọng nhân tài, độc tài, không thay đổi tầng lớp quản lý. Ông Morikawa cũng đánh giá tiền đồ của các DNGĐ không sáng sủa, chỉ một phần nhỏ thành công, theo thời gian bị hao mòn nhân lực quản lý, đào tạo, dần rơi vào bế tắc.
 
Ngược lại, GS. Havard Landes lại cho rằng coi DNGĐ lỗi thời là nhầm lẫn, đại đa số doanh nghiệp phát triển trên thế giới vẫn là DNGĐ, ở châu Âu có khoảng từ 60-90% là DNGĐ, chiếm 63% sản lượng quốc dân. Ở Nhật Bản, DNGĐ lên sàn chiếm khoảng 30%, có những cống hiến lớn cho xã hội Nhật Bản. Trên thế giới có khoảng 50 khoa tại các trường đại học chuyên nghiên cứu về DNGĐ.
 
GS. Amann cũng cho rằng các DNGĐ của Pháp hơn hẳn các doanh nghiệp không phải gia đình về cả tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ lội nhuận trên tổng tài sản, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu”.
 
Đề cao tính huyết thống, tinh thần chiến đấu và tính linh hoạt trong quản trị của DNGĐ Nhật Bản, TS. Hidekazu Sone cho biết, chiến lược kinh doanh hữu hiệu nhất của DNGĐ là huyết thống. Những doanh nghiệp duy trì được sự hiện diện mạnh mẽ của người thành lập hay gia đình họ với tư cách là đội ngũ quản lý, HĐQT hay cổ đông có thành tích tốt hơn so với các doanh nghiệp không phải gia đình. Tỷ lệ cổ tức 15,6% (trung bình của các doanh nghiệp không phải gia đình là 11,2%). Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 23,4%( doanh nghiệp không phải gia đình là 10,5%). 
 
Nhiều công ty toàn cầu của Nhật Bản có xuất thân từ Hamamatsu (trước đây là vùng Enshu) từ năm 1900. Điều này liên quan mật thiết đến tính cách đặc trưng của vùng gọi là tinh thần Yaramaika. Yaramaika trong thổ ngữ Enshu mang nghĩa “cứ làm tới”, thể hiện khao khát thách thức và tinh thần chiến đấu của người dân nơi đây.
 
Triết lý quản lý của Suzuki, Toyota, Yamaha, Honda… cũng phản ánh tinh thần chiến đấu này. Có khoảng 30 công ty ở Hamamatsu chế tạo ô tô- xe máy từ 60 năm trước. Lý do chính để ngành công nghiệp này tập trung ở Hamamatsu là thị trấn đã có cơ sở hạ tầng của ngành sản xuất máy dệt. 
 
Ngành được hỗ trợ bởi nền tảng công nghiệp vững chắc với tư cách là thầu phụ của ngành công nghiệp máy móc cũng như liên minh công nghiệp- học thuật của JNR và KHKT, đại học Shizuoka
 
"Tôi đã từng làm việc với các công ty chuyên đúc những chiếc chuông lớn để trong chùa, nhà thờ. Trong quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện ra họ là những công ty có tuổi thọ lâu đời trên thế giới. Bất cứ cửa hàng, công ty nào muốn có sự tồn tại lâu dài đều phải có sự cạnh tranh ngay trong nội bộ của công ty đó”, TS. Hidekazu Sone nói. 
 
Mô hình DNGĐ tiêu biểu là ba vòng tròn giao nhau, biểu tượng cho ba mối quan hệ mật thiết của DNGĐ: Gia đình, cổ đông, quản lý. Khi ba vòng tròn này càng xích lại gần nhau thì càng hiệu quả. Mô hình thứ hai là phát triển dạng ba chiều.
 
Khảo sát về tuổi thọ của doanh nghiệp “Thuyết 30 năm tuổi thọ của doanh nghiệp” của Nihon Keizai Shinbun cho biết tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản phá sản trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập lên đến 90%, tỷ lệ sống sót của doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng ít ỏi.
 
Trong số 500 doanh nghiệp được tạp chí Future lên danh sách vào năm 1970 thì gần 1/3 đã biến mất khỏi danh sách trong vòng chỉ 13 năm sau đó do bị mua, sáp nhập hay phá sản…
 
Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp thành lập trên 30 năm tăng trưởng chậm đi sau khởi nghiệp, sau 10 năm chỉ còn khoảng 30%, sau 20 năm khoảng 50% các doanh nghiệp đã ra đi. Tỷ lệ này tăng nhanh sau những năm 1990.
 
Trong khi đó, con số thành công về tỷ lệ tăng doanh thu, lợi nhuận của DNGĐ đều cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Về chất lượng, không có bằng chứng cho thấy DNGĐ có nhiều bê bối, kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi thọ của DNGĐ dài hơn, thành tích kinh doanh cũng cao hơn.
 
Lý giải cho những điều trên, TS. Hidekazu Sone cho biết, nhờ 4 điều cơ bản: Đào tạo nhân lực tốt, điều hành có tính thuyết phục (chống cạnh tranh quá đáng), lý tưởng, triết lý vững vàng, duy trì lực hướng tâm bởi cả gia đình người sáng lập
 
Các doanh nghiệp thành lập trên 200 năm trong 57 quốc gia tổng số là 7.212 công ty. Mỹ có 88 công ty, Cộng hoà Séc có 97 công ty, Thuỵ Sĩ có 130 công ty, Nga có 149 công ty, Pháp 163 công ty… Trong khi đó, Nhật Bản có 3.113 công ty, trong đó 99% là DNGĐ.
 
Trong bảng xếp hạng các DNGĐ và doanh nghiệp lâu đời trên thế giới, Top 10 đều thuộc về doanh nghiệp Nhật Bản: Ikenobo (587 năm), Keiunkan Nishikawa Onsen (705 năm), Genda Shiggyo (772 năm), Toraya Kurokawa (793 năm), đồ thờ cúng Tanakaiga (889 năm). Tồn tại 1.000 năm mới chỉ có một doanh nghiệp tại Ý là sản xuất chuông Pontificia Fonderia Marinelli.
 
DNGĐ và doanh nghiệp lâu đời có ưu điểm rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Những quyết định quan trọng đều liên quan mật thiết đến những người ngoài hiện trường như bán hàng, tiếp tân… 
 
Việc quản lý được uỷ thác cho người quản lý có tính đoàn kết cao, coi trọng sức khoẻ của toàn tổ chức doanh nghiệp. Quản lý theo kiểu liên bang, bảo thủ trong việc huy động vốn, tiết kiệm và giản dị. Điều kiện tiên quyết để duy trì sự trường tồn là sống sót, không phải là một doanh nghiệp đơn lẻ mà như một bầy đàn, sống sót nhờ được đan xen vào xã hội. 

(Nguồn: The Leader)