Bốn bí quyết mà người giàu không muốn cho bạn biết
Nhiều người cho rằng, sự giàu có thường liên quan đến việc thừa kế tài sản hoặc có nhờ ý tưởng tuyệt vời trị giá hàng tỷ USD nào đó. Nhưng sự thật, bí quyết là động lực và kế hoạch tài chính thông minh. Dưới đây là 4 “bí quyết” có thể giúp bất cứ người lao động bình thường nào trở nên giàu có.
Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới vẫn trung thành với chiếc ô tô Honda Accord đời 1996 mà ông đã sử dụng nhiều năm
1. Phải làm cho tiền đẻ ra tiền
Thông thường, bạn phải kiếm một việc làm rồi cần mẫn làm việc để kiếm tiền. Nhưng thực tế, nếu thu nhập của bạn chỉ thuần túy là đánh đổi thời gian làm việc lấy tiền công thì tiềm năng thu nhập của bạn bị hạn chế bởi số giờ làm việc trong tuần.
Trong khi đó, có những người luôn biết tìm cách kiếm tiền đỡ vất vả nhất, biết nắm bắt mọi cơ hội có thể để tạo thêm nguồn thu nhập thụ động.
Thu nhập thụ động có thể đến từ nhiều nguồn, như bất động sản cho thuê, tác quyền từ các hoạt động sáng tạo hoặc đầu tư. Bạn không cần phải có nhiều tiền mới đầu tư, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết đa dạng hóa danh mục đầu tư để phân tán rủi ro. Nên đầu tư có chất lượng và đầu tư dài hạn.
Một điều nên ghi nhớ là phải nắm rõ các chi phí liên quan đến tất cả các dòng thu nhập thụ động của mình. Ví dụ, nếu bạn đang có một số bất động sản cho thuê, bạn có thể tính tới các chi phí bảo trì.
Tương tự, khi đầu tư, bạn cần quan tâm đến các chi phí liên quan đến sản phẩm đầu tư, như chi phí kinh doanh… Hãy cố gắng giữ các chi phí đó ở mức thấp để tối đa hóa lợi nhuận.
2. Đừng phí tiền cho việc khoa trương
Mọi người thường nghĩ rằng, những người giàu có có phong cách tiêu xài hoang phí. Thực tế, chỉ một số rất ít như vậy, trong khi hầu hết người giàu chi tiêu rất tiết kiệm, khoa học, không lãng phí tiền bạc. Hầu hết thu nhập của họ lại được tái đầu tư.
Tỷ phú Warren Buffett (người giàu thứ ba thế giới trong năm 2019) hiện vẫn sống trong ngôi nhà ông mua từ năm 1958 với giá 31.000 USD.
Hay ông Jeff Bezos, Giám đốc điều hành của Amazon (người giàu nhất thế giới năm 2019) hiện vẫn lái chiếc ô tô Honda Accord cũ mà ông đã sử dụng nhiều năm sau khi trở thành tỷ phú.
Điều tối kỵ là “bóc ngắn, cắn dài”. Bạn cần đặt ra kế hoạch ngân sách cho mình và cố thực hiện, chẳng hạn bỏ ra 20% thu nhập để tiết kiệm. Khi thu nhập tăng, bạn cũng cần tăng số tiền tiết kiệm trước khi làm việc gì đó to tát hơn. Còn trong tình huống mắc nợ, bạn cần có kế hoạch trả nợ cụ thể giảm dần gánh nặng này.
3. Thời gian là tài sản giá trị nhất
Theo thời gian, tiền đầu tư sẽ đẻ ra tiền. Tiền mà bạn tích cóp trước đó có giá trị lớn hơn tiền mà kiếm được về sau, nhờ lũy kế các khoản lợi nhuận.
Đơn cử, khi gửi tiền tiết kiệm, ban đầu, bạn chỉ được hưởng lãi suất, nhưng sau đó, bạn sẽ được hưởng cả lãi suất của lãi suất, nên giúp bạn kiếm được tiền nhanh hơn.
Chẳng hạn, nếu bạn đầu tư 10.000 USD khi 25 tuổi, thì khoản đầu tư đó sẽ mang lại cho bạn 217.000 USD khi bạn 65 tuổi, với giả định lãi suất ở mức 8%/năm.
Nhưng nếu bạn đợi 10 năm sau (tức là khi bạn 35 tuổi) mới đầu tư 10.000 USD, thì khi 65 tuổi, bạn chỉ có thể kiếm được 101.000 USD.
Do vậy, nếu bạn hôm nay chưa thể đầu tư nhiều tiền, thì khoản đầu tư nho nhỏ thôi cũng sẽ lớn dần theo thời gian và trở thành khoản thu nhập lớn. Lời khuyên là hãy đầu tư sớm nhất có thể, đừng chần chừ.
4. Biết tận dụng trí tuệ của người khác
Những người giàu có không hẳn là am hiểu các vấn đề tài chính và đầu tư, song điều chắc chắn là họ đánh giá cao lời khuyên của các chuyên gia.
Trong khi một số người có thể tiếc tiền thuê cố vấn tài chính để quản lý dòng tiền, thì những người giàu có hiểu rằng, với sự trợ giúp của các cố vấn tài chính, tiền của họ có thể tăng trưởng nhanh hơn so với việc tự họ quản lý.
Cố vấn tài chính có thể đề xuất các khoản đầu tư, các chiến lược nhằm đạt được mục tiêu tài chính nhanh hơn mà bạn không nghĩ ra.
(Nguồn: Cafeland)