Chinh phục được khách hàng gen Z là nắm bắt được tương lai

18/12/2020

Gen Z – những người sinh ra khoảng cuối thập niên 1990 đến khoảng 2010, là nhóm nhân khẩu học kế tiếp sau thế hệ millennials (gen Y, sinh ra từ 1981-1996) và sẽ trở thành nhóm khách hàng quan trọng trong tương lai của mọi thương hiệu. Nắm bắt được gen Z đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ nắm bắt được tương lai.

Ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Thương hiệu 2020 của Forbes Việt Nam. 

“Đặc điểm nổi bật của gen Z là tính kết nối cao, sự cá nhân hóa và quen thuộc với công nghệ. Để chinh phục được thế hệ này, thương hiệu phải mang đến được điều gì đó riêng biệt,” ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam chia sẻ trong phần trình bày tại hội nghị Thương hiệu 2020 của Forbes Việt Nam chiều nay 17.12.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu ở góc nhìn của chuyên gia lĩnh vực bán lẻ này chính là nhằm mục đích hướng đến người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp càng cần nhìn về tương lai. Khi đó, họ không thể bỏ qua nhóm người tiêu dùng gen Z (thế hệ Z), những người đang chiếm độ lớn đến 1/3 người tiêu dùng và sẽ dẫn dắt nhiều thay đổi trong kinh doanh thời gian tới.
 
Thực tế giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua càng chứng minh điều này khi chứng kiến sự lên ngôi của thương mại điện tử và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền tảng truyền thông xã hội. “Mà ai là người dẫn dắt các lĩnh vực này, chính là gen Z. Họ không phải là người có tiền ở hiện tại nhưng có quyền quyết định và tầm ảnh hưởng khi kéo cha mẹ mua một sản phẩm sữa trong siêu thị hay lựa chọn một nhà hàng…,” ông Dũng nói và khẳng định chỉ trong 5 năm nữa, thế hệ Z sẽ nhanh chóng chiếm phần đông trong tổng số người tiêu dùng Việt Nam.
 
So với thế hệ Y, sự khác biệt của thế hệ Z nằm ở chỗ họ được sống trong môi trường cởi mở hơn và có kinh tế gia đình tốt hơn. Bối cảnh đó có thể góp phần tạo ra đặc tính quan trọng của nhóm này là vui vẻ, lạc quan, ít lo âu và ít thận trọng hơn. Chẳng hạn, khi có quá nhiều sự lựa chọn, họ sẽ không đắn đo nhiều mà có xu hướng đưa ra quyết định nhanh chóng vì nghĩ rằng “chọn sai vẫn có thể chọn lại”.
 
Bên cạnh đó, khác với thế hệ Y thường nghĩ nhiều về việc “tôi là ai?”, “tôi muốn làm gì?”…, gen Z biết họ là ai, biết mình có thể làm gì, muốn là một phần của các giải pháp. Có thể nói, họ thực tế, tỉnh táo và trưởng thành hơn nhóm millennials. Họ cũng đặt các kỳ vọng cao hơn cho công việc, xem trọng tính an toàn và thông tin cá nhân.
 
Việc sống trong thời đại kết nối vốn có đầy đủ thông tin, gen Z cũng thể hiện mức độ trách nhiệm xã hội cao, như ý thức bảo vệ môi trường, và quan tâm đến những vấn đề sâu xa của thời đại như bình đẳng giới.
 
Chính những sự khác biệt đó khiến các thương hiệu phải thay đổi cách tiếp cận để chinh phục được nhóm khách hàng trẻ này, theo hướng tạo ra nhiều giá trị riêng biệt hơn. Để làm được điều đó theo ông Dũng, đầu tiên doanh nghiệp cần hiểu được hành vi và lối sống của nhóm này, cách họ sử dụng sản phẩm hoặc suy nghĩ về sản phẩm. Thứ hai, doanh nghiệp phải tạo ra sự gắn kết, đưa tính cá nhân hóa của họ vào các dự án sắp thực hiện. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải nắm bắt và đo lường được sự thay đổi của nhóm người tiêu dùng của tương lai này.
 
“Gen Z thường không trung thành, họ chỉ cho các thương hiệu một cơ hội. Không nắm bắt được cơ hội đó đồng nghĩa chúng ta sẽ mất đi tương lai. Không những không được bỏ qua nhóm này, thương hiệu phải “lôi kéo” họ. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa gen Y sẽ về hưu, gen Z sẽ là người dẫn dắt những thay đổi tiếp theo”, ông Dũng khẳng định.

(Nguồn: Forbes Việt Nam)