Chuyển đổi xanh cần những ‘nỗ lực hai chiều’

16/08/2024

Chuyển đổi xanh đòi hỏi nỗ lực hai chiều, cả từ phía doanh nghiệp, người tiêu dùng lẫn phía các cơ quan quản lý nhà nước.

80% lượng vốn đầu tư đòi hỏi tiêu chí ESG là lời khẳng định của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh (BCSI).

Theo ông Thành, chuyển dịch xanh vừa là cam kết chính trị mạnh mẽ từ các quốc gia, vừa là mệnh lệnh của thị trường, với mong muốn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ không chỉ tốt, an toàn mà còn đảm bảo quá trình sản xuất, sử dụng không gây hại tới môi trường và cộng đồng.

Từ thực tế đó, công cuộc chuyển đổi xanh đòi hỏi những nỗ lực từ phía hai chiều. Trong đó, chiều từ dưới lên đòi hỏi sự nỗ lực thay đổi tư duy, hành vi sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Ngược lại, Nhà nước cũng cần ban hành chính sách, khuôn khổ pháp lý để khuyến khích và điều chỉnh hoạt động sản xuất tiêu dùng theo hướng bền vững.

Chuyển đổi xanh cũng cần có lãi

Đồng tình với chuyển dịch mang tính hai chiều, ông Tô Trần Hòa, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, phân tích thêm, cơ quan quản lý nhà nước cần phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hành chuyển đổi xanh.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cần có sự chủ động để đầu tư, nghiên cứu phương án chuyển đổi chuỗi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các giải pháp không chỉ tính đến tác động tới cộng đồng và môi trường mà còn phải tính đến tiêu chí có lãi.

“Tiêu chí đầu tư đầu tiên là phải có lãi”, ông Hòa nói.

Ông Tô Trần Hòa, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tại tọa đàm Triển vọng phát triển tài chính xanh do Vietnam Finance tổ chức.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, PAN Group, cũng khẳng định vai trò quan trọng cho sự chủ động từ phía doanh nghiệp, bởi nếu có nền tảng về phát triển bền vững và quản trị hiệu quả, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn đầu tư.

“Nếu doanh nghiệp chủ động thì nguồn vốn sẽ tự “chảy đến”, còn nếu muốn tiếp cận các định chế tài chính, doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Sự chủ động này cần đi đúng hướng để tránh rơi vào trường hợp “tẩy xanh”, tức là đưa ra tuyên bố chuyển đổi xanh, phát triển bền vững không đi kèm với hiệu quả, thậm chí là đi ngược lại lợi ích cho môi trường và xã hội. Nếu bị phát hiện tẩy xanh, doanh nghiệp sẽ đánh mất hình ảnh, uy tín, đánh mất cơ hội hợp tác và tiếp cận vốn.

Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) Việt Nam, khẳng định, tẩy xanh là rủi ro tiềm ẩn cần phải được lưu tâm khi doanh nghiệp triển khai các giải pháp phát triển bền vững. Bởi lẽ, một lần bị “mang tiếng”, cho dù nỗ lực sửa sai thì doanh nghiệp cũng sẽ rất khó “tìm bạn để chơi”.

Để phòng tránh rủi ro tiềm ẩn này, ông Hùng đề xuất doanh nghiệp cần thiết lập chuỗi các “tuyến phòng vệ”, bao gồm hoạt động kiểm soát trong các quy trình vận hành, chức năng kiểm soát và giám sát của ban điều hành và kiểm toán nội bộ.

Thiết lập các hệ thống giám sát này thay vì chỉ đánh giá kết quả cuối kỳ sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng, không nảy sinh động cơ tô vẽ số liệu.

Thực tế, hiện nay có không ít doanh nghiệp đã triển khai những giải pháp chuyển đổi xanh, bước đầu đạt được hiệu quả, được ghi nhận tích cực từ thị trường, đối tác, có thể kể đến các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp phát thải thấp của PAN Group, tiết kiệm nhiệt lượng ở Thép Hòa Phát.

Tuy nhiên, không ít thách thức đặt ra cho đại đa số doanh nghiệp theo đuổi chuyển đổi xanh, từ việc thiếu nhận thức, tư duy đúng về tính bền vững cho đến việc thiếu vốn, thiếu khung pháp lý. Những khoảng trống này cần được lấp đầy thông qua sự hỗ trợ từ phía chính sách.

Nói về nỗ lực từ phía chính sách, ông Hòa cho biết, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đưa các phương án phát triển tài chính xanh vào chiến lược phát triển chứng khoán đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải nhà kính và sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh. Đây là những hướng dẫn quan trọng và mang tính cấp thiết, phù hợp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới.

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng sẽ tích cực đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tuyên truyền tới doanh nghiệp và công chứng về những tiêu chí chuyển đổi xanh và tính minh bạch khi đầu tư, tham gia thị trường.

Theo Phạm Sơn – The Leader.vn