Đấu thầu, đấu trí, đấu lực trong CPTPP

08/03/2019
Mở cửa chào mời nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đấu thầu mua sắm công, doanh nghiệp Việt đang đối diện với nguy cơ hụt hơi trên sân nhà.

Gió Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thổi vào nền kinh tế Việt Nam từ ngày 14.1.2019. Dù muốn hay không, một trong những lĩnh vực ngay lập tức chịu sự điều chỉnh mạnh mẽ của CPTPP là đấu thầu mua sắm công.
 
Về phạm vi, các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP bao gồm các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp được quy định cụ thể tại bản chào mở cửa thị trường của Việt Nam. Bên cạnh đó, các gói thầu có giá bằng hoặc cao hơn ngưỡng tương ứng được quy định trong bản chào của Việt Nam; gói thầu thuộc dự án, dự toán của cơ quan mua sắm được liệt kê tại bản chào cũng sẽ bị điều chỉnh.
 
Về giá trị, trong 5 năm đầu tính từ 14.1.2019, giá trị gói thầu phải chia sẻ cùng với 10 quốc gia thành viên khác là từ 2 triệu SDR trở lên (tương đương 68 tỉ đồng) hoặc các gói thầu xây lắp từ 65,2 triệu SDR trở lên (tương đương 2.200 tỉ đồng).
 
 
Ngưỡng giá trị gói thầu sẽ giảm tương ứng trong từng 5 năm tiếp theo, tới năm thứ 16 (năm 2035), các doanh nghiệp đa quốc gia thuộc CPTPP có quyền như doanh nghiệp Việt trong các gói thầu trị giá bằng hoặc thấp hơn 0,26 triệu SDR (gần 9 tỉ đồng), đối với gói thầu xây lắp là 8,5 triệu SDR (289 tỉ đồng). Cảnh báo rất rõ ràng, mọi biểu hiện chia nhỏ gói thầu để lẩn tránh trách nhiệm tuân thủ các thỏa thuận trong CPTPP sẽ bị xử lý nghiêm. Điều này đồng nghĩa, kể cả có yêu và lo cho doanh nghiệp nội thế nào, nếu không nhận được sự đồng thuận của các thành viên, Việt Nam cũng chẳng thể ưu ái người nhà.

Thoạt tiên, sẽ chỉ thấy toàn thách thức. Cần nhớ rằng, trong khi kim ngạch nhập khẩu máy móc hằng năm đều ở mức hơn chục tỉ USD, với các thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, khi mở toang cánh cửa CPTPP, lợi ích từ khâu trung gian không thể đến tay người Việt.
 
 
Viễn cảnh máy móc tốt hơn, không nhập từ Trung Quốc chỉ có sức thuyết phục khi các gói mua sắm công của Việt Nam khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng mà bớt đi ưu tiên quá về mức giá. Ngoài ra, trình độ lựa chọn và thẩm định của các “thượng đế” hay chính xác là cán bộ, công chức nhà nước phải được tăng cường và phải loại trừ được tận gốc nạn phong bì, lợi ích nhóm. Bằng không, kịch bản có thể xảy ra là: Việt Nam mua lại máy móc Trung Quốc đã qua sử dụng từ các nước nội khối CPTPP.
 
Đáng lo hơn, trong bối cảnh xuất khẩu công nghệ sang các nước kém phát triển đang được coi như một giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, những thuyết minh ngọt ngào cùng với những khoản vay ưu đãi để đầu tư mua sắm công dễ làm xiêu lòng bất cứ ai.
 
Dẫu vậy, hội nhập là một tiến trình không thể đảo ngược. Có thể nói, cơ hội lớn nhất trong cuộc chơi ra biển lớn lần này của Việt Nam là sức ép phải trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn thiện. Chúng ta buộc phải tận dụng được vận hội này, để tạo nên một kỳ tích thật sự cho nền kinh tế Việt Nam. Việc cần làm, theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, là doanh nghiệp Việt phải ý thức về vị trí ngang bằng với các đối thủ nước ngoài.

Sẽ phải quên đi những suy nghĩ theo hướng trông chờ mình sẽ được châm chước, ưu tiên cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt vì chúng ta ở xuất phát điểm thấp hơn. Có những khoảng lùi để kinh tế Việt kịp thích ứng, vì thế, nền kinh tế Việt Nam phải bước nhanh hơn, cần mẫn hơn để bắt kịp với trình độ các nước phát triển trong CPTPP. “Luôn có hai chiều kim ngạch, doanh nghiệp ngoại bán hàng ở thị trường Việt và doanh nghiệp Việt mang chuông đi đánh xứ người. Nếu thua cả hai, Việt Nam chỉ là thị trường tiêu thụ”, ông Võ Kim Sơn cho biết.
 
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 6,25 triệu USD. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, khi doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục gặt hái được kết quả khả quan. Xu hướng này chứng tỏ doanh nghiệp Việt có đủ khả năng và CPTPP có thể là cơ hội. Hơn 90 triệu người Việt đang hy vọng kỳ tích có thể xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế.

(Nguồn: NCĐT)