Doanh nghiệp bán lẻ sẽ ra sao sau khi đám mây COVID-19 qua đi?
COVID-19 và giãn cách xã hội thắt chặt hơn đã đẩy các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi phải đóng cửa hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng. Sau khi dịch qua đi, các doanh nghiệp đã chuẩn bị gì để đón trước cơ hội khi sức cầu bung trở lại?
Doanh thu bán bán buôn, bán lẻ đã giảm nhiều tháng liên tiếp. (Nguồn: GSO, VNDirect).
COVID-19 tái diễn đặc biệt ở các tỉnh phía Nam trong đó có TP HCM khiến các doanh nghiệp ngành bán lẻ lao đao.
Theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết doanh thu các ngành hoạt động đều giảm, trừ nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng 4,5%.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi tác động liên hoàn của COVID-19 và con người có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, trì hoãn chi tiêu và muốn tập trung cho các sản phẩm thiết yếu.
Chuỗi bán lẻ mùa dịch: Người ăn nên làm ra, kẻ ngậm ngùi báo lỗ
Doanh nghiệp ngành bán lẻ là ngành chịu tác động trực tiếp khi sức mua giảm, chưa kể, họ còn phải đối diện với những bất ổn trong chuỗi cung ứng và nguồn vốn duy trì hoạt động.
Nhu cầu thực phẩm tăng đột biến trong đại dịch, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam đã giúp chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) ghi nhận kết quả thăng hoa, bù đắp cho việc hơn 2.000 cửa hàng của chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động tạm đóng do giãn cách xã hội. Nhờ vậy, MWG là doanh nghiệp bán lẻ hiếm hoi ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong tháng 7.
Dẫu vậy, Bách Hóa Xanh cũng gặp nhiều trắc trở trong khâu vận chuyển hàng hóa, thiếu shipper, chi phí vận bị chuyển đội lên, trong khi đơn hàng dồn dập.
Chuỗi cửa hàng này đã phải đăng tuyển tìm 1.000 nhân viên giao hàng với mức lương tăng gấp 5 lần nhằm đáp ứng nhu cầu hơn hàng chục triệu dân tại khu vực phía Nam.
Ngoài ra, giai đoạn đầu thực hiện Chỉ thị 16+, Bách Hóa Xanh cũng phải loay hoay xử lý truyền thống khi nhận về một số phản ánh từ người dân.
Dưới tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp vận hành chuỗi bán lẻ sẽ phải xoay xở để tìm ra con đường phù hợp duy trì hoạt động kinh doanh. Bằng cách chuyển qua kinh doanh trực tuyến, một số chuỗi như FPT Shop của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT) vẫn có thể bán hàng.
Tuy nhiên, việc siết chặt giãn cách xã hội ở TP HCM khiến việc giao các sản phẩm không phải thiết yếu bị gián đoạn, đẩy các chuỗi FPT Shop hay Thế Giới Di Động vào thế khó.
Hàng trăm cửa hàng của PNJ ại TP HCM phải đóng cửa do giãn cách xã hội. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).
Mới đây, hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã phải tìm hướng đi khác khi việc giãn cách chưa có hồi kết. Họ đã tận dụng trang thương mại điện tử Shopee và Tiki để mở gian hàng chính thức, dù bản thân đã có website bán hàng riêng.
Cùng với F&B, dược phẩm cũng là nhân tố vớt vát cho các doanh nghiệp trong mùa dịch.
Nếu như chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG ghi nhận doanh thu tăng gấp 7 lần so với tháng 7/2020 thì chuỗi Long Châu do FRT vận hành mang lại doanh thu 6 tháng gấp đến 2,5 lần so với cùng kỳ.
Trong khi các doanh nghiệp thực phẩm, nhà thuốc được mùa trong đại dịch, ở phương diện khác, sức cầu cho các sản phẩm xa xỉ lại giảm sút nghiêm trọng.
Tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), 274/412 cửa hàng trên toàn hệ thống đã tạm đóng cửa do giãn cách xã hội và khiến công ty của nữ hoàng vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung thua lỗ trong tháng 7.
Song, trong nguy vẫn có cơ, lãnh đạo PNJ từng chia sẻ đây là cơ hội để công ty F5, tái cấu trúc, sắp xếp lại mô hình công ty,… Ngoài ra, CTCP Chứng khoán MBS đánh giá, tại Việt Nam, vàng trang sức không chỉ được coi là khoản đầu tư có giá trị làm đẹp, mà còn có giá trị tích lũy. Khi các cửa hàng trang sức nhỏ lẻ phải đóng cửa, việc bán hàng online của PNJ sẽ giúp gia tăng thị phần.
Ngành bán lẻ sẽ về đâu những tháng cuối năm?
Nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán nhận định, một khi việc tiêm chủng được đẩy nhanh tiến độ và giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ giúp các cửa hàng mở cửa trở lại sẽ khiến bức tranh ngành bán lẻ tươi sáng hơn.
Trên thực tế, ngành bán lẻ thế giới đã chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ khi lệnh cấm đi lại được nới lỏng, nhu cầu chi tiêu bị dồn nén bấy lâu được bung trở lại, tuy nhiên sự cải thiện này không đồng đều giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Sự lệch pha cũng sẽ được thấy rõ giữa các ngành nghề, một số ngành sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn, trong khi những ngành khác lại đứng trước cơ hội thay đổi trước xu thế. Theo giới chuyên gia, khi đại dịch đi qua, có lẽ sự mặc định sẽ là những gì diễn ra trực tuyến.
Nguồn: Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm của VCBS.
Chứng khoán VNDirect dẫn số liệu từ Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị kinh tế internet của Việt Nam sẽ bùng nổ trong 5 năm tới với tăng trưởng kép đạt 29% vào năm 2025. Và khảo sát chỉ ra 90% người dân có ý định tiếp tục mua sắm online sau đại dịch. Như vậy, kênh trực tuyến trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế bán lẻ.
Báo cáo chiến lược của VNDirect nhận định, sau đám mây đen COVID-19, ngành bán lẻ trong nước sẽ hình thành nên 4 xu hướng: (1) Các công ty bán lẻ lớn tiếp tục nắm bắt cơ hội để giành lấy thị phần; (2) Thay đổi hành vi mua hàng trên nền kinh tế internet; (3)Tăng trưởng của thị trường thiết bị nhà thông minh tạo cơ hội cho các nhà phân phối và bán lẻ.
Các công ty bán lẻ sẽ nắm bắt cơ hội giành thị phần
Các nhà phân tích cho rằng hai công ty bán lẻ có thị phần lớn và hoạt động hiệu quả MWG và PNJ có thể hưởng lợi khi COVID-19 qua đi và đạt được tăng trưởng trong dài hạn.
Hiện MWG đang triển khai hình thức mới B2B và các trung tâm bán lẻ xe đạp. Ngoài ra tập đoàn của ông Nguyễn Đức Tài đang tận dụng sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử để tăng thêm doanh số bán hàng.
Trong khi đó, PNJ mở thêm các cửa hàng cao cấp mới, concept mới, hợp tác với Pandora theo cách thức shop-in-shop để đón đầu nhu cầu sau dịch.
Theo Google, Temasek và Bain & Company, người dùng trực tuyến đã chuyển mua sắm sang các ngành giao hàng thực phẩm, bách hóa, giáo dục và giải trí.
Do đó, các chuỗi cửa hàng tạp hóa của MWG, Bách Hóa Xanh, sẽ tiếp tục là bên hưởng lợi chính trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giá lương thực thế giới lên cao, buộc các nhà sản xuất phải chuyển mức tăng chi phí vào giá thành sản phẩm khiến thu hẹp tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà bán lẻ vì phải trữ hàng tồn kho với chi phí nhiều hơn.
Ngoài ra, sự thiếu hụt chip toàn cầu có thể làm tăng giá của các sản phẩm điện tử, điều này cũng có thể sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của cả nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong những quý tới.
Xu hướng số hóa dẫn dắt sau đại dịch
Trong khi đó với các nhà bán lẻ sản phẩm thông minh, xu hướng số hóa khi thu nhập người dân tăng sẽ là động lực khiến quy mô thị trường ngành nới rộng.
Các nhà phân phối và bán lẻ thiết bị ICT (công nghệ thông tin truyền thông) bao gồm CTCP Thế Giới Số (Digiworld – Mã: DGW), MWG và FRT được dự đoán sẽ đón đầu đà tăng trưởng này. Dẫu vậy, ngành cũng phải đối mặt với rủi ro chậm trễ của chuỗi cung ứng dẫn đến nguồn cung cho các nhà bán lẻ thấp hơn dự kiến.
Ảnh minh họa: Thế Giới Di Động.
Nhìn chung trong ngắn hạn, cũng không nên quá lạc quan về sức bung cầu sau khi giãn cách được nới lỏng. Chủ tịch MWG từng đưa lời cảnh báo với nhà đầu tư "không nên chờ đợi một sự bùng nổ được ví von như lò xo ép lại do thu nhập sụt giảm dẫn tới sức mua giảm theo".
Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, sự sụt giảm về khả năng chi trả cho mua sắm của người lao động sẽ ảnh hưởng trong năm tới, thậm chí có thể kéo dài tới năm 2023 – 2024, tuỳ thuộc vào sự phục hồi của sản xuất.
Nguồn: Vietnambiz