Giá trị mua bán sáp nhập giảm mạnh vì Covid-19

25/11/2020
Tổng giá trị M&A năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm một nửa so với mức 7,2 tỷ USD năm ngoái, theo CMAC Institute.
 
Sản phẩm của Masan được bày bán tại VinMart sau thương vụ M&A cuối năm 2019. Ảnh: Hoài Thu.
Báo cáo của Viện nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập (CMAC Institute) công bố tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 chiều 24/11 cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường mua bán và sáp nhập giảm mạnh về giá trị. Hiện ước tính tổng giá trị M&A năm 2020 chỉ đạt 3,5 tỷ USD so với mức 7,2 tỷ USD năm 2019. Khả năng phục hồi sớm nhất được dự báo từ giữa năm 2021.
 
Theo nhóm nghiên cứu thuộc CMAC Institute, tuy giảm mạnh về giá trị, thị trường M&A Việt Nam vẫn được đánh giá là ít bị tác động nhất so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong nhóm 6 quốc gia gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam đạt thang điểm cao nhất theo tiêu chí không bị tác động tiêu cực.
 
Tính từ tháng 6/2019 đến tháng 10/2020, các thương vụ mua bán sáp nhập tại thị trường Việt Nam rơi chủ yếu vào những lĩnh vực như bất động sản, tài chính – ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ. Tỷ trọng giá trị M&A của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng nhờ vào sự chủ động thực hiện những thương vụ của các doanh nghiệp tư nhân. Giá trị của doanh nghiệp Việt là bên mua trong các thương vụ giai đoạn này đã tăng lên mức một phần ba tổng giá trị thay vì chỉ chiếm 11,8% như năm 2018.
 
Nhóm nghiên cứu thuộc CMAC đưa ra đánh giá thận trọng về diễn biến và giá trị của thị trường M&A tại Việt Nam năm tới. Theo đó, sự phục hồi sớm nhất phải từ giữa năm 2021 trở đi và giá trị có thể chỉ đạt mức bình quân của giai đoạn 2014-2017, ở ngưỡng 4,5-5 tỷ USD. Các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp có lẽ vẫn là tâm điểm của các thương vụ mua bán sáp nhập trong năm 2021.
 
Những lĩnh vực mới được cho là sẽ góp phần tạo ra cú hích trên đường hồi phục của thị trường M&A Việt Nam như ngành viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục. Một vài nhân tố mới trên thị trường mua bán sáp nhập là thương mại điện tử, y tế, kinh tế số có thể cũng xuất hiện.
 
Nhóm nghiên cứu CMAC cho biết thêm, phải chờ đến năm 2022 thị trường mua bán sáp nhập tại Việt Nam mới trở lại mức giá trị M&A tương đương với mức 7 tỷ USD của năm 2019. Hiện các đối tác thực hiện M&A nhiều nhất đến từ 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Nhóm big 4 này cũng được cho là sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong những năm tới.

(Nguồn: VnExpress)