Giữa đại dịch, làm gì để thương hiệu chiếm được sự tin yêu của khách hàng?
Người ta có thể quên những gì bạn nói, quên những điều bạn làm nhưng họ sẽ chẳng bao giờ quên cảm giác mà bạn đem lại”. Tương tự, trong thời kỳ “cảm xúc làm chủ tâm trí” như khủng hoảng mùa dịch, mọi hoạt động truyền thông, marketing nếu không để lại cảm xúc tích cực, đa phần sẽ sớm chìm vào quên lãng. Ngược lại, nếu thương hiệu chạm tới “trái tim” khách hàng, đây có thể sẽ là bước ngoặt lớn cho những chiến lược bứt phá!
Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu giữa mùa đại dịch
Khi thị trường ổn định và đầy cạnh tranh, giành lấy một định vị trong tâm trí khách hàng là điều không dễ, đặc biệt là với thương hiệu mới hoặc doanh nghiệp tầm trung. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, bạn có thể thay đổi hoàn toàn cái nhìn của khách hàng chỉ với một chút nỗ lực đúng hướng.
Nghĩ thử mà xem, khi cần mua thuốc, đâu là nơi đầu tiên bạn nghĩ tới? Có thể trước đây Pharmacity chưa bao giờ nằm trong “top 3” lựa chọn của bạn bởi nhiều lý do: chẳng hạn giá đắt hay trước giờ bạn đã quen với những cửa hiệu xung quanh. Thế nhưng khi hàng loạt nhà thuốc treo biển “không bán khẩu trang” thì việc luôn có hàng và cam kết bán đúng giá lại là nước đi đúng đắn giúp Pharmacity ghi điểm trong mắt khách hàng. Tiếp theo, càng nhiều người đến Pharmacity mua khẩu trang với suy nghĩ “luôn có hàng” và “cam kết bán đúng giá”, thương hiệu sẽ càng dễ dàng dẹp bỏ những định kiến trước đó.
ABC Bakery cũng là một ví dụ cần nhắc đến. Với chiến dịch giải cứu nông sản bằng bánh mì thanh long, ABC Bakery cũng giành được nhiều ưu ái từ giới trẻ. Đây là cách tiếp cận đơn giản mà thông minh bởi không chỉ tạo ra sự yêu thích cho thương hiệu, viral trên mạng xã hội mà ABC Bakery còn thu hút được nhiều đối tượng mới đến thử sản phẩm.
Nếu xây dựng được hình ảnh đẹp trong thời kỳ hỗn loạn có thể mang đến nhiều lợi ích như vậy, làm thế nào để thương hiệu có thể nắm lấy cơ hội này?
Dưới đây là 3 gợi ý để hình ảnh thương hiệu có được sự tin yêu.
Truyền tải được hình ảnh và giá trị thương hiệu giữa mùa đại dịch là thách thức không nhỏ khi các chiến lược truyền thống đang trở nên tê liệt. Tuy nhiên, xây dựng hình ảnh thương hiệu đôi khi không cần phải đầu tư quá lớn cho những chiến dịch ầm ĩ. Trong thời kỳ ngân sách trở nên eo hẹp, thương hiệu có thể bắt đầu với những phương pháp sau:
Sử dụng ưu thế doanh nghiệp để chung tay giải quyết bài toán cộng đồng
Những gì ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh. Do đó, khi trong phạm vi năng lực, thương hiệu nên giúp hạn chế phần nào những tác động này. Cũng như Pharmacity kiên trì bán khẩu trang đúng giá bất chấp chi phí cao do nguồn cung đang cạn dần; ABC Bakery sử dụng bánh mì thanh long như một cách hỗ trợ nông dân… nếu doanh nghiệp có thể giải quyết những vấn đề đang nhức nhối khác, đừng bỏ lỡ cơ hội củng cố niềm tin – yêu.
Ngoài ra, nếu ngân sách dư dả, thương hiệu có thể sử dụng lợi thế công nghệ để cung cấp những dịch vụ miễn phí vì cộng đồng. Ví dụ Alibaba tạo ra một mạng lưới trực tuyến giúp kết nối chuỗi cung ứng thuốc trên toàn cầu với những nhân viên y tế đang ở tuyến đầu dịch bệnh.
Trở nên hữu ích với chiến lược nội dung lấy khách hàng làm trọng tâm
Nếu bạn chưa tìm thấy mối sự liên quan giữa thương hiệu và các thách thức đương thời, thì inbound marketing sẽ là một hướng tiếp cận khác. Bởi lẽ, mọi người luôn chờ đợi sự giúp đỡ từ thương hiệu họ yêu thích và mạng xã hội là phương tiện tối ưu để bạn “dẫn lối” người dùng.
Lúc này, thương hiệu không nên tỏ ra trục lợi với những nội dung về sản phẩm. Ngược lại, hãy tập trung vào khía cạnh mọi người quan tâm. Những chủ đề về sức khoẻ mùa dịch có thể là tâm điểm chú ý trong thời điểm này. Tuy nhiên, những lời khuyên giúp người xem thêm lạc quan tận hưởng những ngày “ẩn náu” trong nhà cũng quan trọng không kém.
Bạn nghĩ sao về: Video hướng dẫn tập luyện tại nhà vì hầu hết phòng gym đã đóng cửa; Cách chăm sóc da chuyên sâu vì thời gian không còn là vấn đề mỗi sáng; Các công thức nấu ăn với những trải nghiệm mới lạ từ những đồ giản đơn…?!
Tối thiểu hoá ảnh hưởng từ sự gián đoạn trong kinh doanh lên nhân sự
Không nên chỉ quan tâm đến hình ảnh bên ngoài mà coi nhẹ những tác động nội tại. Sở dĩ như vậy là bởi nhân sự công ty là một cộng đồng lớn và bị ảnh hưởng trực tiếp từ những điều doanh nghiệp đang phải chống chịu.
Thay vì cắt giảm chi phí nhân sự để duy trì chuỗi cung ứng, hãy giúp cộng đồng của bạn có một cuộc sống ổn định hơn giữa mùa đại dịch như: Trả đủ lương cho những người tạm nghỉ ở nhà hoặc tăng lương cho những vị trí có rủi ro cao nếu quỹ lương cho phép. Hoặc nếu buộc phải giảm lương, hãy đảm bảo nhân viên của bạn vẫn đảm bảo mức tối thiểu để duy trì cuộc sống. Bằng cách đó, thương hiệu không chỉ thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng của mình mà còn tạo ra mối liên kết bền chặt với nhân viên – những người sau đó không chỉ lan toả những điều tốt đẹp mà còn giúp bạn quảng bá cho chính hình ảnh thương hiệu!
Đóng góp và lan toả những điều tốt đẹp cho cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp thương hiệu chiếm được thiện cảm từ khách hàng. Tuy nhiên, nếu không thận trọng trong thực thi, dù bạn đang bán những sản phẩm thiết thực như khẩu trang, dung dịch rửa tay, nước súc miệng… cũng sẽ rất dễ bị coi là “trục lợi” trong mắt khách hàng.
Bởi vậy, trong ngắn hạn, những chiến lược branding chỉ nên xoay quanh các hoạt động CSR hoặc những dịch vụ cộng đồng. Đồng thời, do đặc thù doanh nghiệp, không phải ngành hàng nào cũng phù hợp để tham gia cuộc chơi này. Du lịch hay những mặt hàng thương hiệu xa xỉ chẳng hạn, đây không hẳn là thời điểm thích hợp để quảng bá. Ngược lại, một vài lĩnh vực liên quan mật thiết đến 24h sinh hoạt tại nhà trong mùa dịch bệnh như dụng cụ vệ sinh cá nhân, thuốc, bảo hiểm, thực phẩm có lợi cho sức khỏe, dụng cụ tập luyện, nội thất… lại là cơ hội để củng cố hình ảnh bản thân.
* Bài viết dựa trên quan điểm của ông Nguyễn Hải Minh – Wisdom Agency.
Nguồn: DN&TT