Góc nhìn mới về cách tân công nghiệp
Thế giới đang xoay chuyển theo hướng hình thành và phát triển dựa vào các bộ óc nhiều hơn cơ bắp. Tập trung vào sản xuất cũng đồng nghĩa với việc chỉ đang phát triển cơ bắp, doanh nghiệp cần nghĩ đến phát triển luôn bộ óc thông qua đổi mới sáng tạo và tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng lớn thì mới có cơ may so kè với thế giới.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I
Sau khi đọc các báo cáo của một số tổ chức gần đây, bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch HĐQT IBP, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM tỏ ra khá bất ngờ khi biết rằng các doanh nghiệp sản xuất đang bắt đầu chuyển đổi số tại nhà máy, thậm chí đặt mức ưu tiên cao nhất để có được chuỗi sản xuất thông minh hơn, đặc biệt là sau sự xuất hiện và “tàn phá” của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bà cho rằng, chỉ có một số ít doanh nghiệp tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến không chỉ để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra nhiều giá trị cho cả khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường.
PGS. TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM nhận định, Việt Nam phải dựa trên các tập đoàn công nghiệp mạnh thì mới có nền kinh tế tự chủ và độc lập. Theo nghiên cứu, trong một nền kinh tế tự chủ, khu vực công nghiệp đóng góp tối thiểu 30% trong cơ cấu GDP. Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất muốn lớn mạnh thì phải thay đổi tư duy, đẩy mạnh cách tân, hay gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, thực hiện đổi mới sáng tạo để có thể tiến nhanh hơn trên con đường phát triển.
“Muốn là người đổi mới sáng tạo thì phải dũng cảm đi ngược dòng, không ngại những ý kiến trái chiều”, ông Thi nói trong Diễn đàn Cách tân công nghiệp 2022.
Từ thực tế hoạt động, với mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành những mắt xích gần như không thể thay thế của các chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I, có góc nhìn khác so với nhiều người về cách tân công nghiệp và sản xuất thông minh.
Với doanh nghiệp, chuyển đổi số hay xây dựng năng lực số giờ đây đã trở thành việc bắt buộc thay vì đơn giản chỉ là trào lưu như trước đây, để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là văn hoá tổ chức trong doanh nghiệp và nhân lực chưa đủ khả năng để đáp ứng, tính từ cấp giám đốc doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư vấn chuyển đổi số và sản xuất thông minh.
“Lý thuyết là thứ ai cũng có thể học và hiểu nhưng thực tiễn phức tạp, nơi một thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến năng suất, giá thành cũng như thu nhập của người lao động… Do đó, cần những con người nghiêm túc, không ngại khó khăn và sẵn sàng dấn thân làm chi tiết thay vì chỉ biết cưỡi ngựa xem hoa”, ông Tín nói.
Các lãng phí lớn trong sản xuất hiện tại không còn nằm chủ yếu trong những yếu tố hữu hình như nguyên vật liệu và nhân công. Do đó, nói tiết kiệm nguyên vật liệu chỗ này hay nhân công chỗ khác thì có thể chưa thấy toàn bộ bức tranh của sản xuất thông minh.
Ông Tín lý giải, bỏ qua các yếu tố vô hình đồng nghĩa với việc làm mất đi nhiều giá trị nhất, cụ thể là mất cơ hội bán hàng, phải chờ đợi, lãng phí tài năng, phát sinh nhiều chi phí do phối hợp kém giữa các khâu, các quyết định chưa thông minh ở mọi cấp vì thiếu thông tin và kỹ năng, từ đó khiến việc sản xuất chung không hiệu quả, khả năng cạnh tranh trên toàn chuỗi và trong từng doanh nghiệp không cao.
Bên cạnh đó, yếu tố về sinh thái và phát triển bền vững không còn là những tiêu chuẩn mang tính đạo đức mà đã trở thành bài toán chung hết sức cụ thể cho các lãnh đạo với những cam kết mang tính toàn cầu. Sớm hay muộn, từng doanh nghiệp cần có KPI chi tiết về hệ sinh thái và phát triển bền vững. Ông cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.
“Hôm nay, tôi đeo huy hiệu của SDG (mục tiêu phát triển bền vững) cũng vì lẽ đó. Chính tôi luôn tự nhắc mình rằng đây không phải việc để nói mà phải làm. Các chỉ tiêu phát triển bền vững trong từng doanh nghiệp là thứ cần được mang theo trong đầu từng doanh nhân, nhất là trong lĩnh vực sản xuất”, ông Tín nói.
Quá nhiều yếu tố vĩ mô như dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhu cầu thị trường thấp do lạm phát, giá các yếu tố đầu vào cũng như chi phí logistics tăng cao đang ảnh hưởng rất lớn việc vận hành trong nội bộ doanh nghiệp. Có vẻ thế giới phẳng và toàn cầu hoá diễn ra trong nhiều năm qua sẽ không còn như cũ trong vài năm tới. Do vậy ngoài tập trung vào các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, việc lập chiến lược và các kế hoạch dựa trên bức tranh chung của toàn cầu là điều các chủ doanh nghiệp cần tính.
Trong bối cảnh đó, ông Tín cho rằng, không doanh nghiệp nào, ngay cả các doanh nghiệp thuộc loại lớn nhất có thể nắm hết mọi tiến bộ diễn ra trong ngành hay tự mình tạo ra mọi việc. Đi một mình không phải là lựa chọn thông minh. Các hiệp hội và ngành nghề là nơi phù hợp để chia sẻ cách thực hành tốt nhất, kinh nghiệm và nguồn lực để tiếp cận công nghệ và thông tin mới nhất phục vụ cho hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp.
Sản xuất tại THACO
Gửi thông điệp tới các cơ quan hoạch định chính sách, ông Tín cho rằng, cũng như các loại hạ tầng sử dụng chung như hạ tầng giao thông, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguồn lực để tự xây dựng và phát huy hiệu quả hạ tầng chung phục vụ cho sản xuất thông minh.
Hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi sang sản xuất thông minh như trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và triển khai nên được quan tâm. Mặt khác, chính phủ không nên tự mình đầu tư hết vì sẽ thiếu tính linh hoạt và hiệu quả của doanh nghiệp. Thay vào đó, cần có cơ chế hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn triển khai hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm và hiểu biết trên toàn cầu để xây dựng các trung tâm này.
Ông cũng cho rằng, cần có các ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh với việc hình thành bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số và sản xuất thông minh theo chuẩn quốc tế và được cập nhật thường xuyên.
Dẫn câu nói của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Nếu chiến lược của bất kỳ quốc gia nào nằm cạnh Trung Quốc mà không được xây dựng dựa trên sự xem xét chiến lược quốc gia của Trung Quốc thì chiến lược đó cần được xem xét lại”, Chủ tịch U&I cho rằng, bài toán chung của ngành sản xuất là làm sao tồn tại và phát triển trước “mũi của người khổng lồ nằm cạnh mình”.
“Trung Quốc đã trở thành cường quốc có thị trường vô cùng rộng lớn, vừa là láng giềng nhưng cũng đồng thời là đối thủ. Thế nhưng hiểu biết của ta về họ, nhất là về tầm chiến lược trong từng ngành, thật ít ỏi”, ông Tín nhận định.
Do đó, ông cho rằng, Việt Nam cần có một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về Trung Quốc đủ tầm để có thể chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp về cách họ vận hành các lĩnh vực, từ đó đối chiếu lại các hoạt động của các cơ quan và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Gửi lời tới giới học thuật và đào tạo, ông Tín cho rằng, tự doanh nghiệp không thể chuyển đổi thành công nếu không có lực lượng nhân sự phù hợp trong khi nhìn vào đầu ra hiện tại của các viện, trường ở Việt Nam thì khó tin là có thể có lực lượng này. Hầu hết phải được đào tạo thêm hoặc sử dụng phối hợp với các nguồn lực từ các nước phát triển.
“Chúng ta luôn tự hào người Việt giỏi, thông minh, hiếu học, vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Giải được bài toán này mới hy vọng có câu chuyện cách tân công nghiệp thật sự, qua đó nâng khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam” ông Tín đặt vấn đề.
Vị Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV tự hào với những tập đoàn công nghiệp mạnh như Thaco và mong có nhiều “Thaco” hơn nữa tại Việt Nam. Ông cũng tự hào hơn nếu một ngày thấy các doanh nghiệp Việt có thể làm những chuyện như Tập đoàn Tata Motors của Ấn Độ mua lại Jaguar-Land Rover.
Đường cong nụ cười – phát kiến của ông Stan Shih, Chủ tịch hãng Acer
Đã 30 năm nhưng tính thực tế của đường cong nụ cười của ông Stan Shih, Chủ tịch hãng Acer, chưa bao giờ thay đổi và đến nay vẫn đúng với toàn bộ ngành sản xuất tại Việt Nam.
Ở đó, việc sản xuất tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất so với các công đoạn khác khi đưa sản phẩm ra thị trường. Một bên là nghiên cứu và phát triển, làm thương hiệu, thiết kế, bên kia là phân phối, tiếp thị, bán hàng và dịch vụ sau bán hàng.
“Thế giới đang xoay chuyển theo hướng hình thành và phát triển dựa vào các bộ óc nhiều hơn là cơ bắp. Tập trung vào sản xuất cũng đồng nghĩa với việc chỉ đang phát triển cơ bắp, hãy nghĩ đến phát triển luôn bộ óc thì mới có cơ may so kè với thế giới phát triển còn lại. Chúng ta đã làm sản xuất khá lâu rồi và vẫn nên làm sản xuất nhưng nếu cứ bỏ mặc các khâu tạo giá trị gia tăng lớn hơn nữa thì dù có thông minh mấy vẫn sẽ thua”, ông Tín nhận định.
Nguồn: The Leader