Hiểu và kỳ vọng đúng về ChatGPT

03/02/2023

Các chuyên gia cho rằng ChatGPT sẽ tiếp tục phát triển và trở thành trợ thủ đắc lực cho con người, thậm chí thay thế một số công việc đơn giản… nhưng sẽ không thể thay được khả năng tư duy và sáng tạo của con người.

Chính ChatGPT cũng khẳng định mình không thể thay thế hoàn toàn công việc của con người khi trả lờicâu hỏi: “ChatGPT có thay thế các công việc của con người không?” – Ảnh: ĐỨC THIỆN
 
Những ngày qua, cộng đồng người dùng mạng Việt Nam như lên "cơn sốt" bởi sự choáng ngợp mà "cỗ máy tám chuyện" ChatGPT mang đến. ChatGPT được xem là một bước tiến ngoạn mục trong quá trình "con người hóa" giao tiếp với chatbot. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ChatGPT còn rất nhiều việc phải làm vì đến nay nó vẫn chỉ là… máy.
 
Ông Lê Quốc Vinh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Le Invest Corporation):
Trợ thủ đắc lực cho người dùng

Một năng lực rất quan trọng của ChatGPT là tổng hợp dữ liệu từ những gì nó được dạy, với một tốc độ tính bằng phần trăm giây. Dữ liệu đầu vào càng lớn và chính xác thì khả năng này càng mạnh. Như thế, nó có thể thay thế con người trong các vai trò tìm kiếm thông tin, viết báo cáo tổng hợp, viết các văn bản dựa vào năng lực tổng hợp thông tin đó, các công việc mang tính lặp đi lặp lại.
 
Nhưng điều này cũng có nghĩa là ChatGPT sẽ không đưa ra được các văn bản hay thông tin tốt nếu thông tin được yêu cầu nằm ngoài cơ sở dữ liệu mà nó được học. Vì thế, những yêu cầu mang tính đánh đố, thử sức của cộng đồng dẫn đến những câu trả lời thiếu chính xác hoặc ngây ngô. Ví dụ, nhiều loại thông tin về các vấn đề xã hội ở Việt Nam, hay các sự kiện mới xảy ra, không nằm trong loại thông tin mà ChatGPT đang được ưu tiên dạy và học.
 
ChatGPT không (hoặc là chưa) có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và tư duy như con người. Chính nó đã nói điều này trong một hội thoại thử nghiệm với tôi. Như vậy, cho đến nay, ChatGPT không thể thay thế con người trong các công việc cần đến tư duy, cảm thụ và sáng tạo đột phá. Nhưng nó sẽ là trợ thủ hữu dụng và hiệu quả cho những người lao động tư duy, những người có thể đặt ra những câu hỏi đúng, những yêu cầu hay, hoặc có khả năng dẫn dắt ChatGPT xử lý các văn bản theo chủ ý của con người.
 
Ông Vũ Ngọc Sơn (giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS):
ChatGPT sẽ tiến bộ từng ngày

Câu chuyện về sự cạnh tranh giữa AI với con người, tôi thấy cũng tương tự như trước đây khi chúng ta tranh cãi về việc máy tính đánh cờ. Con người hay máy tính thì vẫn luôn có những lợi thế nhất định mà bên này có trong khi bên kia không có. Điểm mạnh của AI là nó có thể trả lời được rất nhiều kiến thức mà một con người bình thường cụ thể không thể nhớ/tìm hiểu/đọc được bởi AI được huấn luyện với lượng dữ liệu khổng lồ, từ nhiều lĩnh vực.
 
ChatGPT cũng như các AI khác chắc chắn sẽ tiến bộ từng ngày, sẽ thông minh hơn khi dữ liệu đưa vào dạy nhiều hơn và tiếp nhận phản hồi của người dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, AI sẽ vẫn chưa thể thay được con người, đặc biệt là những việc mang tính sáng tạo, không có trong các câu hỏi/trả lời đã được huấn luyện.
 
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh (giám đốc phát triển quốc gia, Hãng bảo mật Kaspersky):
Chờ xem còn nhiều điều lý thú

ChatGPT bản chất không mới nhưng nó có mặt đúng thời điểm nên đã tạo ra "làn sóng" thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người dùng. Tôi tin rằng trong một vài năm sắp tới, nó cũng không thay đổi gì công việc của con người hoặc nếu có cũng rất ít.
 
Đặc biệt, nó không thay đổi công việc của con người, nhưng nó (và các công cụ tương tự) chắc chắn sẽ là "làn sóng" mạnh mẽ giúp cho những người dùng nó thay đổi "cuộc chơi", tăng hiệu suất, cải tiến được nhiều quy trình… ChatGPT chỉ là "cơn sóng" đầu tiên, còn rất nhiều điều lý thú đang chờ đợi.
 
TS Đặng Minh Tuấn (viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ CMC):
Còn lâu mới sánh được với trí tuệ con người

Tôi cũng đã dùng thử ChatGPT từ sớm và cũng nghiên cứu bản chất công nghệ đằng sau ChatGPT, có thể nhận định rằng ChatGPT không phải quá thông minh và đặc biệt nó không có khả năng sáng tạo. Bản chất nó không phải là một cơ sở dữ liệu tri thức và không có khả năng suy diễn. Đơn thuần nó chỉ đoán từ tiếp theo dựa trên số lượng các liên kết giữa các từ đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu được huấn luyện.
 
ChatGPT cũng khá thú vị và hữu ích trong một số lĩnh vực nhưng nó vẫn còn rất, rất lâu mới có thể so sánh được với trí tuệ của con người. Do đó, khi dùng kết quả từ ChatGPT, người dùng nên lưu ý thông tin của ChatGPT đưa ra có thể chưa chính xác. Hiện chưa có các nguồn minh chứng cho các câu trả lời nên cần phải thận trọng trong việc quyết định dựa trên kết quả trả lời của ChatGPT. Bên cạnh đó, câu trả lời của ChatGPT dựa trên dữ liệu đã được huấn luyện nên có thể có những thiên kiến về một hướng trả lời do dữ liệu huấn luyện chưa được cấu trúc cân đối. Người dùng cần sử dụng thêm các nguồn thông tin khác để kiểm chứng.
 
Ông Huy Nguyễn (đồng sáng lập kiêm CEO KardiaChain):
Nhiều vấn đề khi "cơn sốt" đi qua

Lý do ChatGPT gây ra "cơn sốt" lớn cho cộng đồng vì đây là lần đầu tiên mọi người cảm nhận được AI đã phát triển kinh khủng như thế nào trong một thập niên vừa rồi. Tuy nhiên, với những chuyên gia đã làm việc sâu và nhiều trong lĩnh vực AI thì không quá ngạc nhiên vì họ đã thấy được sự phát triển từng ngày của công nghệ này suốt nhiều năm qua.
 
Sự thật là ChatGPT vẫn chưa phải là phiên bản kinh khủng nhất, mà một số AI của Google hay Facebook (hay thậm chí của Trung Quốc) còn có thể mạnh và gây kinh ngạc hơn. Chẳng qua là nó vẫn còn đang trong khu vực thí nghiệm và chưa dám tung ra thị trường vì còn một số lỗ hổng chưa khắc phục được. Nói chung, ChatGPT là một sản phẩm thử nghiệm thú vị và đã chứng tỏ được sự ảnh hưởng và giá trị lớn của công nghệ AI.
 
Việc nó đang quá lan truyền chỉ là một hiệu ứng của việc một sản phẩm được giới nghiên cứu lần đầu tiên chạm đến người dùng cuối. Chúng ta có thể so sánh với Bitcoin (một sản phẩm của Blockchain) khi đưa ra cho người dùng cuối cũng có hiệu ứng lan truyền như vậy. Khi "cơn sốt" đi qua sẽ xuất hiện một số vấn đề mà chúng ta nhận ra và phải giải quyết, ví dụ như: thông tin sai lệch, thông tin trái chiều cần kiểm chứng, các chủ đề gây tranh cãi, hay lỗ hổng tấn công an ninh…

Nguồn: Tuổi trẻ