Người đàn ông quyền lực nhất Thung lũng Silicon
Đó chính là Masayoshi Son, vị tỷ phú nổi tiếng với biệt danh "liều ăn nhiều". Ông là người có tầm nhìn thực sự táo bạo đối với những điều không tưởng về tương lai của AI, cùng một loạt thương vụ đầu tư giúp Quỹ Vision trở thành quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất lịch sử.
Người đàn ông có những ý tưởng "khác người" về AI và tương lai của thế giới
Masayoshi Son được biết đến nhờ những lời tuyên bố gây sốc, cùng các thương vụ đầu tư khổng lồ. Trong một buổi làm việc vào tháng 9, không chỉ vị "sếp" lớn đang chìm trong guồng quay công việc ở Tokyo, mà cả các nhân viên đều đang gấp rút chuẩn bị cho quá trình công bố những thương vụ đầu tư hàng tỷ USD: một vòng 1 tỷ USD cho Oyo – start-up khách sạn của Ấn Độ; 800 triệu USD cho Compass và OpenDoor; 100 triệu USD cho Loggi – start-up giao hàng ở Brazil. Ngoài ra, Quỹ Vision cũng dẫn đầu một vòng đầu tư 3 tỷ USD vào ByteDance của Trung Quốc. Đồng thời, Son cùng các đối tác cũng đang trong quá trình ra mắt một quỹ trị giá 100 tỷ USD, cùng đó là kế hoạch huy động thêm 45 tỷ USD từ Thái tử Ả Rập Xê Út – Mohammed bin Salman.
Thoạt nhìn, câu chuyện của Quỹ Vision có nội dung chính đó là: tiền. Có thể thấy, các khoản đầu tư tối thiểu của Vision vào các start-up là 100 triệu USD. Tỷ phú Masayoshi Son sẽ hỗ trợ những công ty mà ông lựa chọn thông qua SoftBank hoặc các kênh đầu tư khác.
Thế nhưng, câu chuyện ẩn sâu đằng sau lại phức tạp hơn nhiều. Son tin rằng, các loại máy móc rồi sẽ trở nên thông minh hơn con người. Thêm nữa, Son đang "rót" lượng vốn đầu tư rất lớn vào con người cũng như các công ty đang sử dụng AI và machine learning để tối ưu hóa mọi ngành công nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta từ bất động sản, thực phẩm cho đến vận tải.
Lần đầu tiên Son trình bày chi tiết về quan điểm này của mình là một bài diễn giải trước các nhà đầu tư năm 2010, các slide của ông có những hình ảnh về những con chip được cấy vào não người, động vật nhân bản và bàn tay của robot và người nắm lấy nhau trong sự lãng mạn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó lại có rất nhiều ý kiến phê bình, chỉ trích hay thậm chí là chế giễu ông. Dẫu vậy, vị tỷ phú có suy nghĩ "khác người" lại tin rằng robot sẽ giúp chúng ta khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn.
Để theo đuổi "giấc mơ" hay đúng hơn là tầm nhìn của ông về việc kết nối những đồ vật hàng ngày để kiến tạo những cỗ máy thông minh, Son sẽ cần thật nhiều tiền. Vì thế, ông thành lập Quỹ Vision hiện có giá trị 100 tỷ USD, thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn như Quỹ Đầu tư Quốc gia Ả Rập Xê Út (PIF), Apple, Foxconn và Qualcomm.
Như những gì Son giải thích vào thời điểm mới thành lập quỹ, ông cần nguồn vốn rất lớn bởi giai đoạn tiếp theo của "cuộc cách mạng công nghệ thông tin đang đến". Hơn nữa, việc xây dựng các doanh nghiệp sẽ khiến kế hoạch trở nên thực tế và đòi hỏi quy mô, nguồn đầu tư dài hạn lớn chưa từng thấy. Bây giờ, người đàn ông liều lĩnh này sẽ bắt đầu thực hiện điều Bloomberg trước đây miêu tả là "một cuộc oanh tạc dữ dội ngay trong lòng Thung lũng Silicon".
Sự táo bạo và quyết liệt trong mỗi thương vụ đầu tư
Vào một bữa tiệc Son tổ chức năm 2016, trong số những khách mời tham dự có Simon Segars, CEO của nhà thiết kế chip ARM, ông chẳng hay biết rằng đây sẽ là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất cuộc đời. Chỉ vài ngày sau đó, Segars nhận được một cuộc gọi bất ngờ của Son và nói rằng ông cần gặp Segars và chủ tịch Stuart Chambers ngay lập tức. Không may, Chambers đang đi nghỉ trên một chiếc du thuyền ngoài bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Son không muốn chờ đợi, ông lập tức phái một máy bay riêng đến để đón Segars và thuyết phục Chambers đi tới gặp ông ở Đông Địa Trung Hải.
Có một điều mà ông chủ SoftBank hiểu rõ: Ông muốn có được ARM và sẵn sàng chi tiền cho họ. Đây là một thương vụ đã khiến cả Phố Wall kinh ngạc về tốc độ và sự táo bạo. SoftBank đã không ngần ngại chi 32 tỷ USD cho nhà sản xuất chip, tức là 43% giá trị vốn hóa tại thời điểm đó. Son đã thương lượng và "chốt deal" chỉ trong 2 tuần.
Nói đến SoftBank, không thể không kể đến WeWork. Son thậm chí còn nhận định WeWork sẽ là Alibaba tiếp theo, với mức vốn hóa hiện nay là gần 400 tỷ USD. Tính đến giữa tháng 12, số tiền Son đầu tư cho WeWork là 8,65 tỷ USD (bao gồm nợ và khoản rót vốn cho các công ty con) và bất động sản của công ty được định giá 45 tỷ USD. Đầu tháng 1 năm nay, SoftBank tiếp tục rót thêm 2 tỷ USD. Theo một nguồn tin thân cận, SoftBank đang đàm phán về việc rót thêm 20 tỷ vào start-up này.
Son là một người có ngoại hình khá nhỏ bé và nhỏ nhẹ trong từng câu chữ. Những người thân thiết đều nói rằng ông rất thông minh, tự tin và hài hước nhưng lại khiêm tốn. Trong một cuộc gặp với CEO của một start-up, Son ăn vận khá… xuề xoà, trang phục của ông ngày hôm đó là một chiếc quần jeans và đôi dép lê đi trong nhà.
Đồng nghiệp cho biết, Son hạnh phúc nhất khi trò chuyện với các nhà sáng lập start-up về brainstorm, xây dựng chiến lực và đầu tư. CEO của SoftBank, Marcelo Claure, nói về Son: "Nếu Masa có thể dành cả ngày để làm điều mình yêu thích, thì đó sẽ là gặp gỡ và thảo luận cùng các doanh nhân." Khi tham gia các cuộc gặp mặt này, biên lợi nhuận không phải là điều ông chủ SoftBank tập trung nói đến. Những gì ông muốn biết đó là công ty này có thể phát triển nhanh như thế nào? Đây mới là yếu tố quan trọng đối với danh mục đầu tư của ông dành cho các CEO.
Từ một cậu bé nhập cư bị bắt nạt, kì thị cho tới người đàn ông quyền lực nhất Thung lũng Silicon
Gia đình Masayoshi Son rời Hàn Quốc từ những năm 1960 và lớn lên trong sự nghèo khó trên hòn đảo Kyushu xa xôi, miền nam Nhật Bản. Cha mẹ ông lựa chọn cái tên Masayoshi, có nghĩa là "công lý", bởi họ hy vọng rằng với ý nghĩa chính trực như vậy thì những định kiến sai lệch về người Hàn Quốc sẽ bị xoá bỏ. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng hề có hiệu quả, Son đã bị bắt nạt khi còn đi học.
Sau khi cầm trên tay tấm bằng của Đại học UC Berkeley, chuyên ngành kinh tế học và khoa học máy tính, Son trở về Nhật Bản và ra mắt SoftBank vào năm 1981. Lúc đầu, công ty này chỉ có 2 nhân viên part-time và thậm chí chẳng có khách hàng. Sau đó, Son chú ý tới sự bùng nổ của internet và nhanh chóng để mắt đến Mỹ. Thành công với khoản đầu tư vào Yahoo và E-Trade đã giúp công ty gặt hái được những thành quả khác.
Tháng 1/2000, 2 tháng trước thời kỳ đỉnh cao của thời đại dotcom, Son tuyên bố ông sở hữu hơn 7% giá trị niêm yết của các công ty internet lớn nhất hành tinh, qua hơn 100 khoản đầu tư. Khi ấy, có lúc giá trị tài sản của ông đã tăng thêm 10 tỷ USD/tuần, ông thậm chí còn giàu hơn Bill Gates chỉ trong 3 ngày.
Tuy nhiên, cổ phiếu của SoftBank lao dốc khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi về những thương vụ đầu tư diễn ra không ngừng. Rồi đến khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, các cổ phiếu được SoftBank nắm giữ số lượng lớn như Buy.com, Webvan và Yahoo đều đỏ lửa. Nhưng Son vẫn không dừng lại, ông tiếp tục đầu tư vào hơn 600 công ty internet ngay trước bong bóng dotcom. Trong cùng thời gian đó, cổ phiếu của SoftBank mất tới 90% và 70 tỷ USD tài sản ròng của Son cũng bay biến.
Vậy điều gì có thể làm vị tỷ phú này hoảng sợ? Câu trả lời là không có gì! Dù "đế chế" SoftBank đang lao dốc nhanh đến vậy thì ông vẫn đầu tư 20 triệu USD vào 34% cổ phần của một công ty thương mại điện tử không có tiếng tăm. 14 năm sau đó, nó chính là Alibaba, và số cổ phần đó trị giá 50 triệu USD. Sau khi bán cổ phần ở Flipkart cho Walmart hồi năm ngoái, doanh thu của Quỹ Vision đã đẩy lợi nhuận hoạt động của SoftBank lên tới 62%.
Mùa hè năm ngoái, Son đã yêu cầu Claure thành lập một bộ phận mới, với mục tiêu "tạo ra giá trị". Mục đích là để giúp các doanh nhân của Quỹ Vision tiếp cận được nguồn lực và quan hệ đối tác trên toàn cầu. Một yếu tố chính để thực hiện việc này là kết nối các công ty để hỗ trợ cùng nhau phát triển. Son tổ chức những bữa tiệc, sự kiện để tụ họp nhiều người và ông sẽ gợi ý họ sử dụng các dịch vụ của nhau.
Sự kết nối trên toàn cầu mà Son đã xây dựng trong suốt sự nghiệp kéo dài 4 thập kỷ là rất rộng lớn và quan trọng, đối với ông nó như một quỹ chiến tranh. Trong đó có mối quan hệ với Bill Gates, Warren Buffett và Jack Ma, cùng các nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Tập Cận Bình hay Tổng thống Mỹ Donald Trump. Son đang trong tiến trình để giữ vững Quỹ Vision, dù có hay không sự hậu thuẫn của Ả Rập Xê Út. Trong năm tới, Quỹ Vision có kế hoạch hỗ trợ một loạt start-up về AI mới, tăng gần gấp đôi danh mục đầu tư từ 70 lên 125 công ty.
Vị thế thuận lợi trong việc mang đến tầm ảnh hưởng cho làn sóng công nghệ tiếp theo
Không phải Jeff Bezos, không phải Mark Zuckerberg hay Elon Musk, họ có nhiều tiền nhưng không phải tham vọng, sự táo bạo và khả năng sáng tạo của Son. Nếu thành công, thì mạng lưới các công ty của Quỹ Vision sẽ định hình lại các thành phần quan trọng của nền kinh tế. Đó là thị trường bất động sản 228 nghìn tỷ USD, thị trường vận tải toàn cầu 5,9 nghìn tỷ USD và ngành bán lẻ 25 nghìn tỷ USD. Sau này, chúng ta sẽ không thể tắt các dịch vụ được hỗ trợ bởi Quỹ Vision, như máy tính hay smartphone. Mà cuối cùng, chúng sẽ có trí tuệ và suy nghĩ của riêng mình.
Đương nhiên, Son không phải là một "cơn sóng mạnh mẽ" không bị ngăn cản bởi bất kỳ điều gì. Các yếu tố như suy thoái kinh tế, khủng hoảng địa chính trị, cơ quan quản lý của chính phủ, đều có thể là nguyên nhân "kéo chân" những kế hoạch đầy tham vọng của ông. Luôn luôn có khả năng ông đã đặt cược sai chỗ. Tuy vậy, Son không dành thời gian để đắm chìm trong sự nghi ngờ. Bởi ông đã phát biểu điều này khi ra mắt Quỹ Vision: "Có những thời điểm tốt, thời điểm xấu. Những SoftBank vẫn luôn ở đó!"
(Nguồn: Trí thức trẻ)