Ông Trương Gia Bình: Đại dịch tạo thời thế cho FPT
Ông Trương Gia Bình cho rằng bối cảnh hiện tại là một giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên điều này lại tạo ra thời thế cho FPT.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ trước cổ đông trong phiên họp thường niên ngày 8/4. Ảnh: Minh Sơn.
Thông lệ những năm gần đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ dành một phần của phiên họp thường niên để chia sẻ với cổ đông về định hướng hoạt động công ty. Năm nay, người đứng đầu FPT cũng nói về những thay đổi của tập đoàn trong năm đại dịch 2020 với nhiều thách thức và mục tiêu cho ba năm tới.
Với thương chiến Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, các hệ thống trật tự cũ bị phá vỡ, cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ rất nhanh, ông Bình nói bối cảnh hiện tại là một giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên điều này lại tạo ra thời thế cho FPT. "Thời gian đang đứng về phía FPT", ông Bình khẳng định.
Ông Bình cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, từ bán hàng cho tới tài chính, nên các doanh nghiệp đang phải áp dụng sách lược "Do more with less" (làm nhiều với chi phí thấp). Chính điều này đã tạo ra cơ hội cho FPT. "FPT chính là tổ chức có thể cạnh tranh với bất kỳ ai về chiến lược này", ông Bình nhấn mạnh.
Ông kể, năm rồi có một công ty ôtô hàng đầu nước Mỹ quyết định chọn một đối tác để thực hiện chuyển đổi số. Nếu trong bối cảnh trước dịch, khối lượng công việc khổng lồ này sẽ được chia thành nhiều đầu việc, với nhiều đối tác thực hiện. Nhưng giai đoạn này, họ muốn xử lý với mức chi phí tối thiểu, và gói thầu 150 triệu USD cho toàn bộ lượng công việc này trở thành cuộc đua của 193 công ty, FPT là một trong số đó. "Trong số này có những tên tuổi mà chúng tôi ngưỡng mộ từ lâu, như IBM (Mỹ), Tata (Ấn Độ) và chúng tôi đã thắng cuộc đua đó", ông Bình nói.
Công ty của Mỹ sau cùng chọn ra ba đối tác để thực hiện khối lượng công việc trị giá 150 triệu USD này. Nếu công ty được chọn không làm được thì chuyển cho các vị trí tiếp theo. "Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi chưa phải chuyển phần công việc nào cho các đối tác khác", ông Bình chia sẻ.
Gói thầu này chỉ là một trong ba hợp đồng trị giá trên 100 triệu USD mà FPT giành được trong năm 2020, điều chưa từng xuất hiện trước khi đại dịch xảy ra. "Những người muốn 'Do more, with less' trong quá khứ, họ không muốn giao những hợp đồng to như vậy cho Việt Nam, cho FPT, nhưng hiện nay đã chứng minh điều này là có thể. FPT không chỉ trưởng thành về quy mô, về công nghệ mà còn có thể làm từ A-Z cho các tập đoàn", ông Bình nói.
Chính những thay đổi này, theo ông Bình sẽ giúp mọi người thay đổi suy nghĩ về FPT. "Đến nay, nhiều người vẫn nhắc FPT là một công ty gia công phần mềm bình thường. Nhưng thực tế không phải như vậy", ông Bình khẳng định.
FPT nhận "giải cứu" sàn HoSE là một ví dụ về khả năng tự chủ công nghệ. Ngoài ra, nhờ những robot của FPT mà một nhà băng trong ba năm gần đây không tăng nhân sự nhưng tạo ra lợi nhuận gấp ba lần. Một robot có thể thay thế 45 người, ngân hàng này đã mua 75 robot của FPT và năm nay sẽ mua thêm 135 robot nữa.
Những thay đổi này chứng minh FPT đã bắt đầu trở thành công ty cung cấp các công cụ cho chuyển đổi số, không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ. Tập đoàn còn làm ra nhiều nền tảng khác nhau từ giáo dục, y tế, giao thông… Vấn đề hiện nay là phải đi cùng với các doanh nghiệp khác để tạo ra hệ sinh thái về chuyển đổi số.
Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ. Tập đoàn tiếp tục tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số toàn diện, đồng thời, chú trọng phát triển các giải pháp Made by FPT, có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm.
Lãnh đạo FPT cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đổi mục tiêu dài hạn vào Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp chuyển đổi số vào năm 2030. Đồng thời, xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn.
Giải thích về biên lợi nhuận mảng phần mềm trong nước thấp, ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT cho biết đặc thù các dự án tại Việt Nam có thêm cả phần cứng khiến biên lợi nhuận thấp. Trong khi đối với thị trường nước ngoài, các dự án công nghệ thông tin chỉ là phần mềm nên thường có biên lợi nhuận cao hơn. Trong ba năm tới, FPT đặt mục tiêu đạt biên lợi nhuận mảng phần mềm với thị trường trong nước khoảng 10%.
(Nguồn: VnExpress)