Sứ mệnh làm người trong thời đại máy

22/02/2021

Trong lịch sử, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn, tác động sâu sắc đến nhận thức, lối sống, kinh tế và văn hóa của loài người. Tác động của đại dịch Covid-19 với thế giới và Việt Nam đang bày ra trước mắt chúng ta những góc nhìn hoàn toàn mới về các giá trị nền tảng và cơ hội phát triển trong nghịch cảnh. Làm thế nào đối diện với những đổi thay choáng váng ấy, mà vẫn giữ được sức mạnh nội tại của chính mình, để tiến về phía trước một cách thông minh và bình tĩnh nhất; những yếu tố nào sẽ thay đổi cách vận hành của tương lai… Đó là những câu hỏi không dễ trả lời với mỗi chúng ta.

Nguyễn Phi Vân – Chuyên gia nhượng quyền toàn cầu, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam
Kịch bản nào cho tương lai bất định?
 
Quả thật đang có thật nhiều đường hầm phía trước, nhưng chúng ta là con người, chúng ta không được cấu tạo bởi những cấu hình vật lý nhân tạo mà là bằng xương bằng thịt; chúng ta vẫn phải ăn cơm mỗi ngày và thở từng giây.
 
Bạn đã nghe và đã thấy về một thế giới vô cùng bất định, những megatrend và những đường hầm ngang dọc của bản đồ tương lai lạ lẫm chưa ai trên thế giới này dám dự đoán sẽ ra sao. Và trong sự hỗn mang đó, mỗi con người, mỗi cá nhân chúng ta là ai, tôi là ai, bạn là ai, chúng ta sẽ tồn tại và hội nhập ra sao, chúng ta sẽ phục tùng hay kiến tạo? Chúng ta, tôi và bạn, chúng ta sẽ thuộc về một kịch bản nào?
 
Kịch bản thứ nhất: khi chúng ta sợ hãi như 99% dân số thế giới, không liên quan và không muốn liên quan, không hiểu và chưa được học ngoại ngữ số của AI – trí tuệ nhân tạo, IoT – mạng lưới vạn vật kết nối, biotech – công nghệ sinh học, blockchain – công nghệ chuỗi khối, cloud – công nghệ đám mây, 3D printing – in 3D.
 
Ta hoang mang không biết mình thuộc về đâu trong dòng chảy số, dòng chảy data. Ở đó người ta dán nhãn để theo dõi chúng ta trong cuộc đời phygital, một cuộc đời khi online, khi offline, khi ảo khi thực. "Ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng". Nhưng ngay cả khi chúng ta cố ý trốn vào rừng, lỡ xui mà vẫn còn một tẹo sóng điện thoại, thế là họ vẫn hoàn toàn có thể theo dõi chúng ta. Có chăng một thế giới không bị phủ sóng, ngắt kết nối, một thế giới nguyên thủy để thuộc về? Có hay chăng một vũ trụ analogue, tồn tại song song với vũ trụ số cho những ai chưa muốn liên quan?
 
Kịch bản thứ 2: khi chúng ta chỉ là con số trong một hệ thống số, thuộc về thế giới mà ở đó con người được thiết kế trở thành loài siêu việt bởi công nghệ hiệu chỉnh gen, lớn lên trong một ngôi nhà smart home – ngôi nhà thông minh, đi làm trong smart factory – công xưởng thông minh, smart office – văn phòng thông minh, nơi AI, robot trở thành bạn thân, nhờ IoT kết nối các thiết bị và sắp xếp toàn bộ cuộc đời? Đến tìm cho mình một người bạn tình cũng phải xem dữ liệu có matching – tương xứng với nhau không trên một cái super app nào đó. Cuối cùng, ta thông minh hay ta chỉ là kẻ bị quản lý bởi công nghệ thông minh? Ta cần gì, IQ – chỉ số thông minh, EQ – trí tuệ cảm xúc, hay LQ – trí tuệ yêu thương?
 
Kịch bản thứ 3: khi chúng ta là những doanh nhân số nắm trong tay vận mệnh số của nhân loại, nắm trong tay sức mạnh chúa tể, sức mạnh thượng đế, có thể chi phối những thần dân số của mình bằng thuật toán, vì ta hiểu họ còn hơn họ hiểu mình. Nhưng cuộc đời vốn hữu hạn, và ai trong chúng ta cũng chỉ cấu hình bằng xương bằng thịt, đến ngày cuối cùng rồi cũng phải ra đi. Suy nghĩ và cảm giác sau cùng của ta sẽ là gì khi buông tay giã từ thế giới này, với di sản để lại là những nỗi đau đồng loại? Hay ta cố trở về thêm chút nữa sau khi đã ra đi, hiện diện bằng digital afterlife – cuộc sống số sau khi chết? Bởi dịch vụ cuộc sống số sau khi chết đã có startup bán ra trên thị trường.
 
Hay chúng ta là doanh nhân số có đạo đức? Tồn tại chăng cái gọi là đạo đức số? Sản phẩm và giải pháp công nghệ chúng ta tạo ra sẽ cứu rỗi sự kết nối tuy rất gần nhưng xa đến vô cực giữa người với người? Giải pháp công nghệ của chúng ta có làm cho thế giới tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, con người quan tâm và yêu thương nhau hơn? Công nghệ có giúp cho con người được là mình, không bị phán xét và ném đá trên mạng xã hội? Có làm cho người làm việc tốt không bị bêu xấu, và người làm việc xấu không được vinh danh?
 
Có hay không kịch bản xinh đẹp như thế để cứu cánh cho nhân loại phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật nhưng tan hoang về giá trị, khi cuộc đời trở thành cửa hàng tiện lợi. Rất nhanh không kịp nhìn thấy giọt nước mắt lau vội trên khóe mắt của mẹ. Rất tức thì không kịp nhìn vào mắt nhau và trao một cái ôm. Rất kết nối với mọi thứ ở ngoài kia nhưng bất lực không kết nối nổi với chính bản thân mình.
 
Có chăng một sự cân bằng giữa máy và người? Tương lai ấy chúng ta sẽ thiết kế ra sao?
 
Sẽ còn bao nhiêu kịch bản nữa? Và chúng ta, tôi và bạn, chúng ta rồi sẽ thuộc về một kịch bản nào? Kịch bản do ta viết hay do ai khác viết? Và ta muốn gì? Ta muốn là tác giả kịch bản đời mình hay muốn xung phong để trở thành nhân vật trong kịch bản thông minh của một ai đó khác? Chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt trong thế giới số, chúng ta muốn là ai trong tương lai bất định này?
 
Con đường tương lai sẽ tạo ra nhiều thách thức. Ai là ngôi sao hôm nay và ngày mai? Không phải những shark tank, mà chính là những startup hôm nay, đó là cả một chùm sao. Chùm sao nữa là ý tưởng, sáng kiến. Và chính sách vĩ mô thế nào để có thể kích hoạt từng doanh nghiệp startup đó đi vào tương lai.

 
Chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt trong thế giới số, chúng ta muốn là ai trong tương lai bất định này?
 
Bàn cờ mỗi thời mỗi khác
 
Có lần, có bạn hỏi, nhân viên trẻ thiếu kỹ năng, thiếu tập trung, làm việc lơ mơ không biết bản thân muốn gì, toàn lo đấu đá thì phải làm sao.
 
Mình nghĩ vậy, mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp là một trận chiến rất khác nhau. Lãnh đạo biết xếp cờ, xài đúng người, dàn quân dàn trận đúng binh pháp thì khả năng thắng tất yếu sẽ cao hơn. Và mỗi thời kỳ, sẽ cần một bàn cờ rất khác nhau, cần những con người rất khác nhau. Do đó, trước sau gì cũng phải vài lần đụng chuyện lớn xài ai giữ ai, tái cấu trúc nhân sự thế nào cho phù hợp với bàn cờ mới.
 
Thời mới khởi nghiệp lập nghiệp, tài chính hạn hẹp, có ai xài nấy. Có người thông cảm, cày cuốc, một công tám việc, "đồng cam cộng khổ" làm trọng. Doanh nghiệp nhỏ, văn hóa gia đình, anh em đỡ đần hỗ trợ cho nhau. Tinh thần tình thân. Sống bằng giấc mơ. Làm sai làm dở bỏ qua, vài ly bia rút kinh nghiệm rồi chiến đấu tiếp. Người chịu làm ở. Người ngại khó đi. Đến đi theo tình. Không có luật, chỉ có lệ.
 
Doanh nghiệp được thời phát triển lớn lên. Người cũ kỹ năng khả năng không đáp ứng nổi, theo lệ cũ xử lý công việc, giữ vị trí quan trọng, mang danh công thần. Người mới hội nhập khó khăn. Người tài không chơi đúng lệ văng ra. Người bất tài học theo lệ làng, hòa tan văn hóa cũ. Đoạn này, cái khó nhất của người làm lãnh đạo là tái cấu trúc nhân sự, xây dựng văn hóa, điều chuyển nhân sự không phù hợp, tạo điều kiện cho người tài, dù là máu mới hay máu cũ. Bàn cờ phải xếp lại. Quân cờ phải thay đổi. Quyết định xài ai là quyết định ảnh hưởng đến sự thành công của hành trình tiếp theo. Quyết định rất đau đầu, kẻ mới người cũ, tài mới công cũ, luật mới lệ cũ….
 
Có người quyết đoán đưa ra quyết định. Thế là bàn cờ mới bắt đầu. Có người cảm tính, ngập ngừng, thiếu quyết đoán. Thế là bàn cờ quyết tâm mới, dụng binh cũ. Tiến thoái lưỡng nan. Rất nhiều doanh nghiệp, rượu cũ bình mới, không qua nổi giai đoạn scale up (giai đoạn nâng cấp, mở rộng). Nên mới nói, 75% dự án tái cấu trúc thất bại, và nguyên nhân thất bại không gì khác là do lãnh đạo không đủ quyết đoán và cam kết.
 
Thời lên thành công ty tập đoàn lớn, lại là một bàn cờ khác. Từ 1 đến 50, cần lãnh đạo khác. Từ 50 đến 500, cần người đã thấy trước tương lai để đi nhanh mà không vấp. Đoạn này, lại phải sếp cờ mới, CEO mới, giám đốc phòng ban mới có khả năng – capacity lớn hơn. Quân cũ tướng cũ, ai biết phát triển bản thân và nới rộng dung lượng khả năng thì giữ. Người dậm chân tại chỗ phải điều chuyển công việc thích hợp hoặc chia tay.
 
Đây là thời phát triển con người. Người nào phát triển được thì giữ. Kẻ nào tưởng mình giỏi, ếch ngồi đáy giếng thì đành phải bỏ qua. Doanh nghiệp chỉ có thể tiến về phía trước khi chính nhà sáng lập, CEO, ban lãnh đạo tiến về phía trước.
 
Bàn cờ lớn nhỏ, xếp cờ khác nhau, bày binh bố trận khác nhau. Con tốt tót qua được bên kia sông có khi mạnh hơn con pháo bị nhốt bên này sông. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi thời mỗi team. Không ai giữ được một người, một team cả vòng đời doanh nghiệp, trừ phi doanh nghiệp đó không thể hay không muốn phát triển…
 
Hãy là idol của chính bản thân mình
 
Chúng ta luôn nhìn ra, so sánh, và tìm những hình mẫu mình muốn hướng đến, rồi idolize họ (idol hoá). Đôi khi, trong mắt ta, họ bỗng trở nên quá hoàn hảo, quá lung linh, có khi hơi thần thánh. Nhưng con người mà, ai chẳng cất trong tâm ánh sáng và bóng tối. Ngày dù có dài hơn, tiếp nối vẫn là đêm. Có khi, ta chỉ nhìn thấy nửa bên ngày, chợt quên thế giới này lưỡng cực.
 
Cuộc sống vẫn luôn là hành trình đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối. Cuộc nội chiến không có hồi kết thúc. Tàn tro, vẫn dậm giật chờ một cơn gió để thổi bùng. Cho nên, ai nuôi ánh sáng thì ngày bỗng rất dài. Ai dung dưỡng bóng tối thì đêm thành bất tận. Cứ thế, quả cầu pha lê đổi màu liên tục. Khi đen ngầu, khi trắng trong. Khi trắng gợn đen và khi đen nhưng điểm vài vệt sáng rất dịu dàng. Ôm quả cầu đó ta đi, dài theo một quãng nhân gian. Khi rất tối, cũng có khi lung linh sáng.
 
Khó chứ hả? Thật ra là quá khó. Bình yên, là khi ta chấp nhận nửa đêm trong chính bản thân mình, yêu thương nó, giúp đỡ nó, và tạo điều kiện mỗi ngày cho nó trong trẻo dần lên. Khó chứ hả? Trời ơi, quá khó đi, nên mỗi bước về sáng là mỗi lần ta nên idol chính bản thân mình trước. Họ có cuộc chiến của họ. Ta có cuộc chiến của ta. Ta làm được? Ta cũng hay thiệt chứ! Và phải chăng ta cũng cần cố gắng hơn, tập trung vào thay đổi bản thân hơn để giữ cho ta luôn là idol của chính bản thân mình?
 
Ừa, cứ nhìn ra và khâm phục ai đó ở ngoài kia, nhưng đừng quên trở về vì ta còn bao la nội chiến. Một khắc quên là bóng tối lại ùa về.
 
Ta sinh ra trong đời, tài sản rất bằng nhau. Có nửa sáng và nửa đầy bóng tối. Ta đi về phía cuối đời sắc trắng đen đậm nhạt. Ta vệt tối mơ hồ hay nửa khuyết một mùa trăng?
 
Mình ngưỡng mộ rất nhiều người, nhưng không idol ai cả, vì hiểu rằng ai cũng là người. Đã là người sẽ có sai có đúng, có sân có si. Khi những ngôi sao xếp thẳng hàng, ai cũng tâm bình khí hòa, quyết định sáng suốt. Nhưng lỡ xui va vào con sao hạn, tâm sinh lý nó lộn nhào, và thế là sai.
 
Ai cũng thế. Ai trong đời cũng bĩ cực thái lai, xuống lên có khi chẳng biết đâu mà đỡ. Nên, có những việc người khác làm hay mình nên học hỏi và ngưỡng mộ. Có những lỗi lầm rất người họ vấp phải cũng nên thông cảm, bao dung. Không ai trên đời là hoàn hảo để idol. Ta không nên áp lực người khác, bắt họ hoàn hảo theo cách ta mong muốn. Ta cũng không nên áp lực bản thân, bắt buộc mình phải bám víu vào hình mẫu của người nào khác. Ta cũng chẳng nên tự lừa dối chính mình, rằng ta có thể overnight thành idol không tỳ vết hồng trần.
 
Làm gì có ai tốt hết, giỏi hết, trong veo hết. Cuộc đời vốn là hành trình giới hạn để rèn luyện bản thân. Có kẻ chia tay hồng trần bằng nụ cười thánh thiện hơn. Cũng có kẻ buông thõng bằng giọt đớn đau, hối hận. Tôi biết mình không hoàn hảo, và chẳng ai trên đời hoàn hảo, nên ngưỡng mộ rất nhiều người và không idol bất kỳ ai. Tôi chưa bao giờ cho phép mình lên mặt idol. Tôi cũng khuyên các bạn đừng idol gì ai hết.
 
Tất cả chúng ta đều có hạt giống tốt và xấu. Môi trường, nhận thức, và sự rèn luyện khác nhau sẽ làm cho ma trận hạt giống khác nhau nảy mầm. Có khi là vườn đầy hoa. Có khi là vườn đầy cỏ dại. Có người sẽ chỉ nhìn thấy hoa. Có người sẽ chỉ thấy toàn cỏ dại. Nhưng hoa, và cỏ, vẫn muôn đời hiện diện bên nhau…

(Nguồn: The Leader)