Thách thức với ba trụ cột quản trị doanh nghiệp bối cảnh mới
Trong thế giới biến động với tốc độ nhanh chưa từng thấy, doanh nghiệp đang phải đối mặt cùng lúc nhiều thách thức đang ập đến với các trụ cột quản trị quan trọng, bao gồm nhân sự, tài chính, sale & marketing.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó chủ tịch VACD, Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam, đánh giá trong một thế giới đấy bất định như hiện nay, các thách thức với vấn đề nhân sự của doanh nghiệp ngày càng tăng.
Vấn đề đầu tiên, cũng là vấn đề doanh nghiệp luôn gặp phải, là tình trạng thiếu hụt lao động. Thực tế này thể hiện ở việc mất cân đối cung – cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, khi doanh nghiệp không tìm được người phù hợp vào thời điểm cần thiết.
Khó khăn tiếp theo là vấn đề ổn định đội ngũ lao động, khi thay đổi của các điều kiện xung quanh khiến đội ngũ luôn bị biến động, ông Phúc cho biết tại tọa đàm “Thách thức quản trị doanh nghiệp 2020 – 2025” trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 15 năm thành lập VACD.
Đơn cử như đợt dịch Covid-19 vừa qua làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất, lực lượng lao động đã ngay lập tức dịch chuyển. Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, doanh nghiệp nhìn thấy nhiều cơ hội, nhưng lại rất khó khăn trong tập hợp lại một đội ngũ nhân sự thạo việc như trước đây.
Cùng với đó, ông Phúc nhận định sự phát triển của công nghệ đã mang đến các hình thức việc làm mới phù hợp hơn với nhiều người, như bán hàng trực tuyến, giao hàng, chạy xe công nghệ, khiến cho lực lượng lao động truyền thống mất ổn định.
Không chỉ vậy, năng lực của đội ngũ khó phát triển kịp với những thay đổi của môi trường kinh doanh.
Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm cách để có thể liên tục đào tạo, huấn luyện, từ đó có được đội ngũ nòng cốt có năng lực đáp ứng đúng nhu cầu, đặc biệt tầng lớp quản lý, lãnh đạo có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi mới.
“Cuối cùng, làm sao để xây dựng văn hóa, môi trường làm việc luôn duy trì động lực cho nhân viên, đội ngũ luôn gắn kết để phát huy tốt nhất”, vị Phó chủ tịch VACD phân tích.
Trong đại dịch, làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn, và hiện vẫn được nhiều công ty lựa chọn, kết hợp với phương thức truyền thống là làm việc tại văn phòng. Sự xuất hiện của những hình thức làm việc mới đã kéo theo nhiều thay đổi trong cách thức quản trị nhân viên, từ đó, buộc những người làm nhân sự phải luôn vận động, tìm cách thích ứng nhanh nhất.
Với trụ cột về tài chính, ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch CLB Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO), nhấn mạnh quản trị rủi ro là vấn đề nhiều doanh nghiệp vẫn chưa làm tốt, dù đây không phải là câu chuyện mới. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi thế giới đang thay đổi ngày một nhanh hơn.
“Dù đã có sự thống nhất về mặt quan điểm, nhưng trên thực tế, những hoạt động về quản trị rủi ro chưa được quan tâm và tổ chức một cách đến nơi đến chốn. Thậm chí, nhiều người vẫn nghĩ về vấn đề này rất đơn giản, chưa xây dựng thành một hệ thống để vận hành, đồng hành giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu, và giúp đáp ứng ngay những biến động bên ngoài”, ông Bách cho biết.
Ngoài ra, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài “đổ bộ” sẽ kéo theo sự xuất hiện nhiều hơn của các giám đốc tài chính. Thách thức với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chiếm phần lớn tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở chuyên môn của người đứng đầu về tài chính, mà còn cần đội ngũ kế cận.
Tại tọa đàm, đại diện CFO cho biết trong thời gian tới, CLB này sẽ đẩy mạnh giới thiệu bộ kỹ năng đã được điều chỉnh phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng.
Với trụ cột thứ ba – sale & marketing, ông Lê Quốc Vinh, Phó chủ tịch CLB các Giám đốc sales & marketing Việt Nam (CSMO), cho biết chuyển đổi số là thách thức hàng đầu.
Ông Lê Quốc Vinh, Phó chủ tịch CSMO.
Khó khăn với doanh nghiệp không chỉ là đầu tư về công nghệ, sử dụng công nghệ, mà vấn đề lớn nhất nằm ở việc quản trị các mối quan hệ với khách hàng và khách hàng tiềm năng như thế nào thông qua công nghệ.
Thách thức thứ hai cũng ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh là sự đối chọi giữa phương thức tư duy bằng dữ liệu và phương thức sử dụng trực giác của con người trong marketing, truyền thông, bán hàng.
“Một chủ đề rất nóng mà chúng tôi đang tranh cãi là liệu công nghệ và dữ liệu có thay thế trực giác con người trong phương thức chúng ta làm quản trị sale và marketing hay không. Tất nhiên, câu trả lời cho đến nay vẫn là chúng ta cần sự kết hợp của cả hai lĩnh vực đó”.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thể biết được, một ngày nào đó, có thể trí tuệ nhân tạo có thể đủ lớn mạnh và đủ khả năng thay thế rất nhiều hoạt động của chúng ta. Ví dụ, câu chuyện đi tìm kiếm khách hàng, công nghệ đã thay thế chúng ta để làm rất nhiều rồi”, ông Vinh phân tích thêm.
Nguồn: The Leader