Thế Giới Di Động đầu tư vào nông nghiệp
Trước Thế Giới Di Động, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn và phải đối mặt với nhiều khó khăn về đất đai, quy trình công nghệ, vốn, đầu ra cho sản phẩm.
Chủ tịch Thế Giới Di Động – ông Nguyễn Đức Tài
Cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên của Thế Giới Di Động vừa diễn ra vào đầu tháng 6/2020, Chủ tịch HĐQT công ty, ông Nguyễn Đức Tài tiết lộ về dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thế Giới Di Động. Theo ông Tài, đây là một ước mơ ngay từ khi xây dựng Bách Hóa Xanh.
"Đây là ước mơ của tôi. Khi Bách Hóa Xanh đủ lớn thì sẽ quay lại tác động lên người nông dân để chuyển giao cho họ những cách thức trồng và tạo ra các sản phẩm an toàn, đúng đắn cho người tiêu dùng", Chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ.
Tham vọng nông nghiệp công nghệ cao của nhiều tỷ phú Việt Nam
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà ông Nguyễn Đức Tài nhắc đến là dự án Vườn rau 4K (4KFarm) của theo tiêu chuẩn 4 không: không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không biến đổi gien. Dự án này là mô hình kết hợp giữa vườn rau nhà trồng và công nghệ hiện đại.
Công ty có đội chuyên gia chuyển giao công nghệ cho người nông dân và cam kết bao tiêu đầu ra, sau đó đưa đến tay người tiêu dùng thông qua Bách Hóa Xanh. 4KFarm không thu mua sản phẩm từ các bên thứ ba không hợp tác, mà chỉ mua từ những đối tác nông dân của dự án.
Theo chia sẻ của đại diện 4KFarm – ông Cao Nhật Anh Tú, các hộ nông dân có sẵn đất, còn 4KFarm sẽ tạm ứng chi phí để triển khai trồng các loại rau theo nhu cầu thị trường, và cung cấp các vật tư cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, 4KFarm có vườn rau tại khu vực Châu Pha, vùng quy hoạch nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có thể sản xuất được khoảng 3,5 tấn rau, với công nghệ vườn ươm trước có thể cho nhiều vụ hơn, nên tổng sản lượng có thể cao hơn trong tương lai.
"Trong vòng 9 tháng tới, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu triển khai 60 nghìn m2 diện tích trồng rau. Quy mô này có thể đáp ứng 20% nhu cầu của Bách Hóa Xanh trong khu vực TP. HCM", ông Nguyễn Đức Tài cho hay.
Thực tế, giấc mơ "nông nghiệp công nghệ cao" không phải của riêng ông Nguyễn Đức Tài, hay Thế Giới Di Động. Trong khoảng 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp ở quy mô lớn.
Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào lĩnh vực chính là nông nghiệp. Sau đó là "vua thép" Trần Đình Long và gần đây là tỷ phú Trần Bá Dương quyết định đầu tư lớn vào nông nghiệp công nghệ cao.
Trong nhiều năm qua, chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương rất chú trọng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, có một thực tế là chỉ những tập đoàn, doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính và chiến lược phát triển dài hạn mới trụ vững đầu tư trong lĩnh vực này và đảm bảo hiệu quả khai thác.
Rau 4KFarm của Thế Giới Di Động đóng gói tại vườn
Bài học của những doanh nghiệp đi trước cho thấy câu chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao không hề đơn giản. Các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về đất đai, quy trình công nghệ, vốn, đầu ra cho sản phẩm.
Chưa nhiều tên tuổi đủ khả năng vạch ra bức tranh toàn diện về nông nghiệp, nhằm khai thác chuỗi giá trị gia tăng vào toàn cầu. Hiện, toàn ngành nông nghiệp Việt chỉ có vài doanh nghiệp có quy mô doanh thu trên 1 tỷ USD, con số quá ít ỏi so với thị trường lên tới vài chục tỷ USD.
Thách thức của việc hiện đại hóa nông nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, lao động trong nông nghiệp nông thôn chiếm 40% lực luợng lao động của cả nước. Mặc dù chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đuợc quan tâm từ nhiều năm trước, nhưng có thể nói ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa đạt được như kỳ vọng.
Nhìn khái quát nền nông nghiệp có vai trò to lớn không phải chỉ ở chỗ đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm cho xã hội mà còn đóng góp tới sự tăng trưởng của kinh tế với vai trò là một trong ba lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của đất nước.
Tuy nhiên, nông nghiệp truyền thống vốn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khai thác các yếu tố đầu vào về đất, lao động, nước và khi nền nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều lao động cũng không phải là một nền nông nghiệp bền vững.
Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, trồng theo phong trào liên tục diễn ra. Từ khoai lang, dưa hấu, hành tím… bị ép giá; nông sản Đà Lạt: hành tây, cà chua bỏ đầy đồng, thương lái không mua, ớt chín đỏ phải bỏ vì giá quá rẻ…
Một hệ thống từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản chế biến và đưa sản phẩm ra ngoài thị truờng vẫn chưa thực sự đồng bộ, người nông dân vẫn chịu nhiều rủi ro về thời tiết, thị trường, dịch bệnh, năng suất lao động còn thấp dẫn đến thu nhập của nguời nông dân chưa cải thiện được nhiều như mong đợi.
Mặt khác quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang làm thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm theo hướng sử dụng protein động thực vật, hoa quả và những sản phẩm đóng gói…
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được đòi hỏi khắt khe, nhưng nền nông nghiệp truyền thống đang gặp khó khăn để đáp ứng đuợc. Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn đòi hỏi công nghệ chế biến và bảo quản lạnh tốt… tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Việc hiện đại hóa nền nông nghiệp trong bối cảnh thách thức như vậy rất cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm nông nghiệp công nghệ cao thế nào? Vẫn khó để trả lời.
"Làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có"
Đây là chia sẻ của Chủ tịch FPT – ông Trương Gia Bình, khi vị lãnh đạo kỳ vọng Việt Nam sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau.
Cụ thể, ông Trương Gia Bình cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành. Nông nghiệp động đến bí mật quan trọng nhất của cuộc sống, đó là công nghệ sinh học, công nghệ gen và đó chính là số hóa.
Theo Chủ tịch FPT, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó, từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể đặt câu hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.
Ông Bình đưa ví dụ, trước nay nông dân phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm cho nông sản của Việt Nam bẩn hơn, giá thấp. "Chúng ta phải nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể thả một máy bay không người lái (drone) bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu. Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu thì máy tính sẽ báo cho nông dân biết nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần", Bình nói.
Còn theo ông Trần Quang Cường – CEO Nextfarm, trước mắt Việt Nam cần tập trung giải bài toán rất thiết thực là dự báo sản lượng – hỗ trợ đối tượng chính là người nông dân, vì đây là đội ngũ chiếm đa số trong ngành nông nghiệp nước nhà.
Ông Cường cho rằng, thực tế, việc dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay chưa được ứng dụng công nghệ để xử lý nên vẫn chủ yếu dự báo bằng kinh nghiệm. Tại một số nước có công nghiệp nông nghiệp như Australia, họ không những ứng dụng công nghệ dự báo sản lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra mà còn để dự báo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu này tốt nhất.
Một trang trại như vậy có thể biết được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của một siêu thị mà họ cung cấp ra sao để cung cấp cho siêu thị này, tránh trường hợp dư thừa hoặc thiếu nông sản.
CEO Nextfarm đưa ra ví dụ, nếu vải thiều ở Lục Ngạn hay Thanh Long ở Bình Thuận được ứng dụng công nghệ xử lý dự báo tốt thì chính quyền và người dân sẽ biết tương đối chính xác sản lượng năm đó khoảng bao nhiêu, từ đó mới có đủ thời gian lên kế hoạch để tiêu thụ sản phẩm.
(Nguồn: The Leader)