Thiên nga đen của giới khởi nghiệp
"Tốc độ đầu tư vào các startup sẽ chậm hơn trong vài tháng tới", ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP nhận định.
Covid-19 là mệnh danh là "thiên nga đen" của năm 2020
Nếu như 2018 là năm "hoàng kim" của giới startup, khi các quỹ đầu tư đua nhau rót tiền vào hàng loạt những cái tên đình đám, đánh cược vào cuộc chơi mà người thắng sẽ có tất cả, thì 2019 chắc hẳn cũng là một năm đáng nhớ không kém.
Năm ngoái, cú "ngã ngựa" của startup chia sẻ văn phòng WeWork tại Mỹ có định giá lên đến 47 tỷ USD, sau vài tuần rớt còn chưa đến 10 tỷ USD và phải huỷ IPO đã mở màn cho "bóng ma" – nổ bong bóng dot-com lần thứ 2 (2.0) xảy ra.
Theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures, năm 2019, khu vực Đông Nam Á đã thu hút được 7,7 tỷ USD vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, giảm tới 36% so với con số 12 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, khi dòng vốn đầu tư startup chưa kịp phục hồi, dịch bệnh Covid-19 đã bất ngờ ập đến tạo ra "khủng hoảng kép".
Covid-19 là mệnh danh là "thiên nga đen" của năm 2020. Đại dịch ập đến bất ngờ, gây tác động lớn và những hệ quả kéo dài không lường trước. Với nguồn lực hạn chế, kinh nghiệm non trẻ, các startup đang "thấm đòn" từ cơn khủng hoảng toàn cầu hiện tại.
Nhiều startup đã đóng cửa hoặc ít nhất, lâm vào tình cảnh "ăn bữa nay chưa biết bữa mai". Các nhà đầu tư toàn cầu chú trọng chiến lược bảo toàn vốn, các quỹ đầu tư mạo hiểm dừng đa số các hoạt động tiếp xúc, rót vốn…
Bà Trương Lý Hoàng Phi – CEO VinTech cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các startup liên quan tới ngành nghề sử dụng nhiều mặt bằng, hoạt động chuỗi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, ví dụ như: du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống…
"Nhiều người nghĩ rằng, startup đơn giản chỉ cần đóng cửa hàng là tạm an toàn. Nhưng thực tế, đóng một cửa hàng, một mặt bằng gây ra rất nhiều thiệt hại, từ tài chính, con người, thậm chí là mô hình hoạt động", bà Phi nói.
Theo CEO VinTech, khi đại dịch Covid-19 qua đi, các startup sẽ cần có các phương án quản trị rủi ro hiệu quả trong tương lai. Bên cạnh đó, ngoài các sản phẩm truyền thống, startup cũng cần tính tới các phương pháp chuyển đổi phù hợp hơn với xu thế thị trường.
"Về phía các nhà đầu tư, trong bối cảnh nên kinh tế đang đi xuống, đây sẽ là dịp để họ chậm lại quan sát cả thị trường lẫn startup. Rất nhiều người nói với tôi, thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "bong bóng" startup. Dịch bệnh càng kéo dài, các "bong bóng" sẽ càng dễ vỡ", nữ CEO nhận định.
Ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP nhận định, rất nhiều ngành dọc có tiềm năng phát triển nếu các startup có thể tái cấu trúc.
Trong chỉ vài tháng qua, thế giới đã chứng kiến hành vi người tiêu dùng thay đổi một cách chóng mặt, một việc đòi hỏi nhiều năm mới thực hiện được nay chỉ cần vài tháng.
Công nghệ giáo dục là một ví dụ nơi mà không chỉ số lượng người sử dụng phương pháp giáo dục trực tuyến đã tăng lên gấp đôi thành 90 triệu người ở Ấn Độ mà số lượng người dùng trả tiền cũng tăng gấp đôi. Điều này thực sự là chưa hề có tiền lệ.
Không chỉ có công nghệ giáo dục, y tế số, sản phẩm y tế và vệ sinh, thương mại điện tử là những ngành mà chuỗi cung ứng không hề bị gián đoạn như là công cụ làm việc từ xa và phương tiện kết nối. Covid-19 khiến cho các ngành số hóa nhanh hơn. Các doanh nghiệp lớn tăng gấp đôi sau khi số hóa.
"Tốc độ đầu tư vào các startup sẽ chậm hơn trong vài tháng tới", ông Rajan Anandan nêu quan điểm. Theo vị chuyên gia, vốn đầu tư sẽ dồn vào các công ty tốt nhất có thể giải quyết các thách thức của thế giới trên diện rộng.
Tốc độ đầu tư vào các startup sẽ chậm hơn trong vài tháng tới
"Thế giới hậu Covid-19 sẽ chào đón các startup cung cấp được giải pháp và sản phẩm thiết thực, làm cho khách hàng yêu thích và có mô hình kinh doanh với lợi nhuận khả thi mới nhận được đầu tư. Chúng tôi nhận thấy các hoạt động nổi bật trong vòng hạt giống và Series A và đặc biệt là gọi vốn vòng hạt giống sẽ phục hồi nhanh chóng", Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP nhấn mạnh.
Theo ông, các vòng gọi vốn giai đoạn sau vẫn tiếp tục nhưng sẽ có nhiều rào cản hơn. Kỷ nguyên của tăng trưởng thay vì lợi nhuận đã kết thúc. Các nhà đầu tư giai đoạn sau sẽ muốn tìm kiếm những cỗ máy kiếm tiền, các startup có lợi nhuận thay vì chỉ mở rộng và tăng trưởng nóng.
Còn theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch NextTech, nửa đầu năm 2020 là thời điểm khó khăn với nhiều startup, thậm chí là các dự án sẽ phải đóng cửa, hoặc phá sản.
"Nói như vậy không có nghĩa là các startup đều sẽ thất bại dưới tay dịch bệnh Covid-19. Các dự án có mô hình kinh doanh tốt, biết chuyển đổi kịp thời, tạo nên những sản phẩm công nghệ mới và hướng tới giá trị cho cộng đồng vẫn sẽ tồn tại", ông Bình nói.
Vị chuyên gia cho rằng, yếu tố then chốt nằm ở việc các startup có biết huy động mọi nguồn lực, năng lực để nhìn nhận và nắm bắt thị trường hay không? Có đưa ra dự án phù hợp để tìm cách tồn tại, phát triển hay không?
Thực tế, sau khi Covid-19 bùng phát, hành vi chi tiêu của người Việt đã có sự thay đổi rõ rệt, khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, bệnh dịch cũng góp phần mở ra các xu hướng mới buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng.
Cụ thể, báo cáo Khủng hoảng Covid-19: Tác Động và tiềm năng Phục Hồi của Adsota chỉ ra, các ngành dịch vụ nói chung đang đứng trước tình hình không mấy khả quan. Điển hình là giải trí và nhà hàng phải chịu mức giảm chi tiêu tới 19%.
Ngược lại, các ngành thực phẩm đóng gói, chăm sóc cá nhân và chăm sóc sức khỏe hầu như không chịu nhiều ảnh hưởng. Chi tiêu cho các sản phẩm như: dầu gội, mỹ phẩm và đồ gia dụng cũng tương tự. Lý do là bởi chi tiêu đối với hàng hóa thiết yếu của người Việt Nam không có sự thay đổi quá tiêu cực, trong khi vấn đề hạn chế tiếp xúc xã hội tại các điểm bán offline đã được các nền tảng thương mại điện tử giải quyết phần nào.
(Nguồn: The Leader)