Toàn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2019: Nơi thăng hoa phá đỉnh lịch sử, chỗ lao đao bên bờ vực suy thoái

02/01/2020
Chứng khoán Mỹ có lẽ là điểm sáng nổi bật nhất của kinh tế toàn cầu trong năm 2019 nhưng ở bên kia quả địa cầu, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có một năm khó khăn với nhiều sóng gió.
 
 
Mỹ – Trung đáp trả ác liệt, thương chiến chỉ tạm hạ nhiệt trước thềm năm mới
 
Xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới "nóng" hơn vào năm nay khi Nhà Trắng công bố áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc hồi tháng 5. Sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ. Chính quyền ông Tập Cận Bình tuyên bố mở một cuộc điều tra đối với hãng vận tải FedEx của Mỹ vì tự ý thay đổi hướng vận chuyển của các kiện hàng từ Nhật Bản đến Trung Quốc sang Mỹ.
 
Cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm và mở rộng sang cả lĩnh vực công nghệ, khi Tổng thống Trump đưa Huawei vào "danh sách đen" và các công ty Mỹ sẽ không được phép kinh doanh với công ty Trung Quốc này nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Bộ Thương mại nước này còn tuyên bố 5 thực thể khác (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) không được phép làm ăn với các công ty Mỹ. Ở thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng Washington đang muốn "chặn đứng" tham vọng thực hiện kế hoạch Made in China 2025, thậm chí là tham vọng trỗi dậy trở thành nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc.
 
Sau những lần đáp trả quyết liệt khiến cả thế giới cùng đứng trên "chảo lửa", Washington và Bắc Kinh tuyên bố đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng cuối cùng của năm. Mỹ hoãn áp thuế bổ sung với hàng hoá Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc sẽ mua hàng tỷ USD nông sản của Mỹ. Tính đến thời điểm này, hai bên đã đưa ra nhiều động thái tích cực, thể hiện rằng mâu thuẫn đã được xoa dịu và thoả thuận thương mại sẽ được ký kết vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ quan điểm lo ngại rằng những vấn đề cốt lõi giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết triệt để.
 
Trung Quốc chật vật đứng vững trước sự trì trệ của nền kinh tế và khủng hoảng thịt lợn
 
GDP Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6% trong quý III/2019, yếu nhất trong 3 thập niên, và được dự báo sẽ còn giảm ít nhất trong 2 quý nữa. Một loạt chỉ số chạm đáy, thể hiện lĩnh vực công nghiệp và cầu tiêu dùng đều suy yếu. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa phải chịu sức ép từ chiến dịch giảm nợ mà nước này bắt đầu theo đuổi từ vài năm trước, vừa bị ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại.
 
 
Khi chính quyền Trung Quốc vẫn chật vật vì kinh tế giảm tốc, thì người dân nước này lại chìm trong khủng hoảng thịt lợn. Cách đây hơn 1 năm, dịch tả lợn châu Phi bất ngờ bùng phát và nhanh chóng lây lan, khiến tổng số đàn lợn ở Trung Quốc sụt giảm mạnh. Thịt lợn trở nên khan hiếm và giá đã tăng 120% so với năm trước. Thậm chí các gia đình trung lưu cũng phải rất khó khăn mới có thể có được những bữa ăn thường xuyên có đầy đủ thịt lợn. Hồi tháng 9 Trung Quốc phải xả 30.000 tấn thịt lợn đông lạnh dự trữ để bình ổn giá. Bắc Kinh mới đây cũng xác nhận nhập khẩu thịt lợn trong tháng 11 tăng 150% so với năm 2018.
 
Cuối năm, Bắc Kinh tuyên bố có thể sẽ tiến hành một đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc hạ chi phí cấp vốn và lãi suất nhằm tạo động lực cho nền kinh tế. Dẫu vậy, nhiều nhà phân tích cảnh báo rủi ro nợ công tích tụ xảy ra nếu Trung Quốc lạm dụng chính sách này.
 
Chứng khoán Mỹ nhiều lần phá đỉnh lịch sử nhờ kinh tế khỏe mạnh, thế giới vẫn lẹt đẹt
 
Dịp Giáng sinh, các nhà đầu tư Mỹ tỏ ra hân hoan khi thị trường chứng khoán nước này tiếp tục duy trì ở mức cao chưa từng có trong lịch sử. Bất chấp cuộc chiến thương mại kéo dài suốt cả năm, chứng khoán Mỹ vẫn liên tiếp bứt phá, đặc biệt là vào cuối năm, khi dấu hiệu chiến tranh thương mại hạ nhiệt ngày càng rõ ràng với Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đang chờ được Mỹ và Trung Quốc ký kết.
 
Có phần tương đồng với năm 2018, chiến tranh thương mại không ít phen làm thị trường lao dốc trong năm 2019. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như đang tỏ ra quen hơn với những biến động của thương chiến. Những tín hiệu đáng lo ngại không khiến tâm lý ảm đạm kéo dài trên thị trường trong khi những tín hiệu tích cực ngay lập tức thúc đẩy những cú tăng điểm mạnh mẽ.
 
Những số liệu kinh tế mạnh mẽ với những gì được nhận định là ưu thế của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là động lực chính của sự tăng trưởng trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, điều ngược lại đã không diễn ra với thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn vẫn trong tình trạng lẹt đẹt từ nhiều năm qua.
 
Không chỉ chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán châu Á và châu Âu cũng không nhận được nhiều động lực trước triển vọng tươi sáng của thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc. Trong khi đó, nỗi lo suy thoái vẫn thường trực ở nhiều thị trường. Cần nhiều thông tin lạc quan để thúc đẩy hơn là một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tiềm năng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 
Sóng gió với giá vàng, giá dầu
 
2019 được xem là một năm nhiều sóng gió với giá dầu với biên độ tăng giảm mạnh. Từ giá khoảng 45 USD/ thùng hồi đầu năm, giá dầu WTI có lúc lên tới gần 66 USD/thùng vào cuối tháng tư rồi giảm mạnh xuống còn hơn 51 USD/thùng vào tháng 6, để rồi lại leo lên mức 61,1 USD trong những ngày cuối năm.
 
Các chuyên gia nhận định thế giằng co của giá dầu sẽ tiếp tục trong năm 2020. Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù đã có dấu hiệu lạc quan, nhưng vẫn chưa thể chấm dứt; tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp; sản xuất dầu đá phiến chững lại… nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu không có biến động quá lớn trong năm 2020.
 
Trong khi đó, tình hình thế giới bất ổn khiến giá vàng có một năm thăng hoa. Trái ngược với tình trạng lẹt đẹt kéo dài suốt nửa đầu năm 2019, nửa cuối năm lại chứng kiến sự phi mã của kim loại quý này. Ngày 28/5/2019, giá vàng được giao dịch ở mức 41.040,43 USD/kg, tương đương 1.276,6 USD/ounce. Ngay sau đó, vàng chứng kiến cú tăng kỷ lục lên tới 1.550,5 USD/ounce vào ngày 4/9. Những tháng cuối năm cũng chứng kiến sự giằng co của giá vàng với sự tăng giảm biên độ lớn. Tính tới ngày 24/12, vàng được giao dịch với giá 1,498,13 USD/ounce.
 
Thế giới biến động, chiến tranh thương mại hay việc các ngân hàng trung ương tham gia cuộc đua hạ lãi suất… là những lý do thúc đẩy giá kim loại quý tăng mạnh. Vàng vốn được coi là một trong những loại tài sản an toàn.
 
Những "kỳ lân gãy sừng" và sự ra đi của một loạt giám đốc kỳ cựu ngành công nghệ
 
Sau một thời gian dài "tận hưởng" mức định giá cao, trong năm 2019 các start-up, kỳ lân công nghệ đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi chính thức hoặc chuẩn bị chào sàn. Tiêu biểu nhất có thể kể đến trường hợp của WeWork và Uber.
 
Hồi tháng 5, Uber "lên sàn" và trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm. Ở phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu Uber mất tới 7,62% – chứng kiến đà sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử của sàn NYSE, và từ đó cũng không ngừng leo dốc. Thậm chí, vị CEO kỳ cựu – Travis Kalanick, cũng bán sạch cổ phiếu, rời khỏi hội đồng quản trị sau 10 năm gắn bó.
 
Trường hợp của WeWork thậm chí còn tạo hiệu ứng thất vọng lan tràn đối với các nhà đầu tư, bởi start-up này nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ SoftBank, cùng những lời ca ngợi của tỷ phú Masayoshi Son. Tuy nhiên, công ty này từ lúc hoạt động cho đến thời điểm nộp hồ sơ IPO đã lỗ hàng tỷ USD. CEO Adam Neumann phải rời khỏi công ty và hoãn IPO vô thời hạn, mức định giá giảm từ 47 tỷ USD xuống còn 8 tỷ USD.
 
Ngoài ra, 2019 cũng là một năm các công ty công nghệ phải nói lời tạm biệt với những nhà lãnh đạo kỳ cựu nhất. Hai nhà sáng lập của Google – Larry Page và Sergey Brin, đưa ra thông báo họ sẽ từ chức vào đúng thời điểm công ty này đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Giám đốc thiết kế của Apple – Jony Ive, người đứng sau rất nhiều thiết kế mang tính biểu tượng góp phần đưa Apple trở thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất thế giới, cũng rời đi sau 30 năm gắn bó.
 
Thăng trầm mối quan hệ Mỹ – Triều
 
Đầu năm 2019, cả thế giới hướng mắt về Hà Nội để theo dõi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trước thời điểm hội nghị diễn ra, nhiều chuyên gia tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được một thỏa thuận lịch sử, chấm dứt cuộc chiến kéo dài (về mặt lý thuyết) suốt hơn 50 năm qua trên bán đảo Triều Tiên.
 
Tuy nhiên, việc hai phái đoàn rời phòng hội nghị sớm khiến cả thế giới sững sờ. Những khác biệt về quan điểm xung quanh các lệnh trừng phạt cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được cho là nguyên nhân khiến đôi bên chưa thể đạt được thỏa thuận cuối cùng.
 
Hai phát đoàn Mỹ – Triều rời Hà Nội nhưng các hoạt động đàm phán vẫn tiếp tục được tiến hành. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần thứ 3 ở khu vực Phi quân sự ngăn cách 2 miền Triều Tiên. Ông Trump cũng trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên và mời nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Mỹ.
 
Tuy nhiên, đó cũng là điểm sáng đáng kể cuối cùng trong quan hệ Mỹ – Triều vào năm 2019. Việc Mỹ và Triều Tiên không thể quay trở lại bàn đàm phán vào cuối năm cùng với những động thái làm gia tăng căng thẳng của cả đôi bên khiến mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington đang có dấu hiệu xấu đi.
 
Hiện tại, Triều Tiên đang cho thấy họ có khả năng nối lại các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo từng bị đình chỉ trong quá trình đàm phán với Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Trump và chính quyền của ông lại tiếp tục sử dụng những từ ngữ cứng rắn nhằm vào Triều Tiên. Nó khiến tương lai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 3 ngày càng trở nên bất định.
 
Biểu tình nhấn chìm kinh tế Hồng Kông
 
Đêm Giáng sinh năm 2019, Hồng Kông không được hưởng không khí an lành như người ta vẫn thường thấy ở đặc khu hành chính này. Thay vào đó, các cuộc biểu tình trở thành bạo lực buộc cảnh sát phải sử dụng tới hơi cay để giải tán đám đông và bắt giữ những kẻ quá khích. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những kẻ nổi loạn bao vây và ném nhiều vật rắn vào phía cảnh sát ở một quận mua sắm nổi tiếng của Hồng Kông.
 
Biểu tình ở Hồng Kông bùng lên từ sau dự luật dẫn độ gây tranh cãi của chính quyền bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Người biểu tình yêu cầu xóa bỏ dự thảo luật này nhưng không được đáp ứng. Đó là lý do dẫn tới các hoạt động biểu tình kéo dài suốt nhiều tháng qua, giáng những đòn mạnh vào kinh tế Hồng Kông. Nhưng ngay cả khi đạo luật gây tranh cãi bị rút, tình hình ở Hồng Kông vẫn không có nhiều biến đổi.
 
Giao thông, đặc biệt là giao thông hàng không bị tắc nghẽn; các hoạt động mua sắm bị đình trệ hay du lịch tê liệt… đã khiến kinh tế Hồng Kông phải trả giá. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo đặc khu hành chính này có nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Nền kinh tế Hồng Kông suy giảm liên tiếp trong các quý kể từ sau khi biểu tình xảy ra. Thậm chí, bất ổn chính trị khiến dòng vốn chảy khỏi Hồng Kông. Nhiều nhà đầu tư cũng chuẩn bị cho phương án rút lui khỏi nơi từng được coi là trung tâm tài chính châu Á này. Chứng khoán Hồng Kông cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
(Nguồn: Trí thức trẻ)