Vaccine cho tăng trưởng

24/06/2021

Cuộc chạy đua tiêm chủng vaccine là giải pháp tiên quyết cho động lực tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như dài hạn.

Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine.

Bài học của nhiều nước trên thế giới cho thấy, tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine. Việt Nam cũng tham gia cuộc đua tiêm chủng vaccine như giải pháp để tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm nay.
 
Tác động kinh tế của vaccine
 
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đưa ra thông điệp: “Lấy vaccine làm chìa khóa để mở cửa nền kinh tế” nhằm vực dậy nước Mỹ trong thảm họa dịch COVID-19. Thực tế, chỉ sau hơn 4 tháng triển khai, chương trình tiêm chủng với hơn 50% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine đã đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường mới. Kết thúc quý I/2021, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1984. Cũng nhờ kết quả này, mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ được nâng từ 3,4% lên 6,2%.
 
Kinh tế Mỹ là điển hình cho vai trò quan trọng của tiêm chủng vaccine để vượt qua những u ám mà đại dịch bao phủ toàn cầu từ đầu năm 2020. Cũng như Mỹ, nhiều nước sau khi triển khai tiêm vaccine đã dần gỡ bỏ lệnh phong tỏa, đưa kinh tế thế giới trở lại bình thường. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạc quan đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đạt 6,4%, cao hơn mức 5,5% đưa ra hồi đầu năm và cao gần gấp đôi so với dự báo vào tháng 10.2020.
 
Một số nhà nghiên cứu cho biết tác động của tiêm chủng đối với tăng trưởng kinh tế được cải thiện trong khoảng thời gian 5 năm, mỗi năm giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm. Tỉ lệ tiêm chủng trong dân số càng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại trạng thái bình thường. Ngân hàng Goldman Sachs đã tính toán “Chỉ số hiệu quả lockdown” cho thấy sự hối hả và nhộn nhịp của xã hội quay trở lại với nhiều quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao (xem biểu đồ 2).

Ở khu vực đồng euro, JPMorgan kỳ vọng việc tiêm chủng rộng rãi sẽ giúp tăng trưởng trong quý này lên hơn 7% với tốc độ hằng năm. Trong khi đó, là nơi xuất phát của đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc, vốn tê liệt trong suốt năm 2020, cũng đang phục hồi thần kỳ. Ngoài tiến bộ nhanh chóng trong chương trình tiêm chủng, với khoảng 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi, những chính sách kích thích kinh tế hiệu quả đã đưa nước này thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng và về đích với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 18,3% trong quý I/2021, cao nhất kể từ năm 1992.
 
Tuy nhiên, khác với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này lại không đồng đều, một phần là vì sự khác biệt trong tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và quy mô các chính sách hỗ trợ kinh tế. Châu Phi, Mỹ Latinh và nhiều khu vực ở châu Á được dự báo sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế do dịch bệnh bùng phát trong khi nguồn cung vaccine hạn chế.

Ông Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng JPMorgan Chase, nhận định: “Chưa từng thấy một sự chênh lệch nào lớn đến vậy trong suốt 20-25 năm qua giữa Mỹ cũng như những nước phát triển khác và các thị trường mới nổi”. Sự chênh lệch trong hồi phục kinh tế giữa các nước có thể là yếu tố cản trở kinh tế thế giới nói chung sớm đạt được mức như thời kỳ trước đại dịch.
 
Với tầm quan trọng của khoảng cách vaccine toàn cầu, cần đặt câu hỏi rằng khoảng cách này đang thu hẹp nhanh như thế nào? Theo Goldman Sachs, Nhật, Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico, mỗi nước sẽ có ít nhất một mũi tiêm vaccine cho một nửa dân số vào tháng 8. Nam Phi và Ấn Độ sẽ không đạt được điểm chuẩn này cho đến tháng 12. Tuy nhiên, ở cả 2 quốc gia trên, nhiều người đã khỏi bệnh, mang lại cho họ khả năng miễn dịch tự nhiên ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, Cơ quan Thống kê Quốc gia Ấn Độ dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm 7,3% trong năm tài chính 2020-2021, mức tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này giành độc lập.
 
Biến thể virus và sự phục hồi không đồng đều
 
Dù có vaccine nhưng COVID-19 vẫn là nỗi ám ảnh toàn cầu với nhiều biến thể phức tạp. Loại virus nguy hiểm này có thể ghê gớm tới đâu? Cách đơn giản nhất để so sánh sức lan truyền sinh học thuần túy của virus là xem xét hệ số lây nhiễm cơ bản (R0). Đó là số lượng trung bình người bị nhiễm sẽ truyền virus cho người khác cứ như là không ai được miễn dịch và không ai thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Con số đó là khoảng 2,5 khi đại dịch bắt đầu ở Vũ Hán và có thể cao tới 8 đối với biến thể Delta.
 
Tiến sĩ Aris Katzourakis, người nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học Oxford, cho biết: “Loại virus này đã khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Thực tế là nó đã xảy ra 2 lần trong 18 tháng, Alpha và Delta, mỗi dòng lây lan nhanh hơn 50%. Thật là thay đổi phi thường”. Ông dự báo bước tăng vọt hơn nữa trong việc lây lan trong vài năm tới. Nghĩa là con người sẽ tiếp tục cuộc đua phát triển những dòng vaccine mới trước các biến chủng của loại virus quái ác nhất trong lịch sử.
 
Cũng như vậy, kinh tế thế giới vẫn phải khắc phục sự phục hồi không đồng đều do có sự chênh lệch về phân bổ vaccine. Tăng trưởng mạnh mẽ của một số quốc gia đã tiêm chủng có thể tạo ra thêm nhiều vấn đề cho các khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, sự bùng nổ của Mỹ đã đẩy giá tiêu dùng của chính nước này tăng 5% trong tháng 5 so với năm trước đó và cũng có thể gây thêm áp lực về giá ở những nơi khác. Lạm phát này có thể buộc các ngân hàng trung ương phải phản ứng.
 
Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đều thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng gần đây, bất chấp đại dịch vẫn đang diễn ra. Ngày 11.6, Ngân hàng Trung ương của Nga đã tăng lãi suất lần thứ 3 kể từ tháng 3. Thống đốc Elvira Nabiullina đã trích dẫn cả tỉ lệ tiêm chủng và “chính sách tài chính và tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo ở các nền kinh tế lớn” là những lý do đằng sau sự gia tăng lạm phát của Nga lên 6%.

Ngay cả lạm phát tạm thời cũng có thể gây xáo trộn thị trường tài chính, khiến các nhà đầu tư nghi ngờ cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về nới lỏng tiền tệ. Điều đó có thể làm tăng phần bù rủi ro mà các thị trường mới nổi phải trả cho các khoản vay USD.
 
Lạm phát toàn cầu năm nay sẽ vẫn xa so với tỉ lệ 2 con số đã trải qua trong thời kỳ lạm phát đình trệ những năm 1970. Nhưng cũng giống như cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đây đã khiến các nhà hoạch định chính sách rơi vào tình thế khó xử, buộc họ phải tăng lãi suất khi kinh tế suy yếu, tình trạng thiếu vaccine trong năm nay có thể tạo ra sự khó chịu tương tự cho các nhà hoạch định chính sách. Hậu quả của việc tiêm chủng không đồng đều có thể là nguyên nhân khiến một số nước không được bảo vệ bằng vaccine tăng lãi suất hoặc co hẹp chính sách nới lỏng để ứng phó với lạm phát.
 
Vaccine chỉ là điều kiện cần
 
Mới đây, công bố về triển vọng kinh tế toàn cầu, World Bank đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN. Nhưng đây là mức tăng trưởng rất thách thức khi dịch COVID-19 đã lan rộng ở Việt Nam với diễn biến phức tạp hơn.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm nay và 7% vào năm 2022. Tuy nhiên, Giám đốc ADB phụ trách Việt Nam Andrew Jeffries cũng cảnh báo: “Vẫn còn những nguy cơ đáng kể trong năm 2021 và năm tiếp theo, trong đó có sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và sự chậm trễ trong chương trình tiêm vaccine”.
 
Rõ ràng, đợt bùng phát dịch thứ 4 là rất lớn, với số ca mắc chiếm đến hơn 60% trong tổng cộng hơn 10.000 ca bệnh tính đến nay. Đây là đợt bùng phát lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp.
 
Trước thách thức này, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, là một giải pháp có tính quyết định trong cuộc chiến chống virus, thay vì chỉ duy trì các biện pháp truy vết và giãn cách. Các khu công nghiệp phải đóng cửa, doanh nghiệp kiệt quệ, cùng những đường phố vắng vẻ vì lệnh giãn cách cho thấy vaccine mới mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy những động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, người dân, Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 đã lên kế hoạch và đàm phán để có đủ lượng vaccine đạt tới miễn dịch cộng đồng (150 triệu liều). “Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết. Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy với mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, tương đương 70% dân số được tiêm vaccine.
 
“Có vaccine đạt đến ngưỡng miễn dịch sẽ giúp chúng ta không còn lo tình trạng các đợt dịch tái diễn và đợt sau lại phức tạp, nguy hiểm hơn đợt trước như hiện nay. Vaccine sẽ giúp tạo ra một trạng thái bình thường mới bền vững, qua đó tạo điều kiện cần quan trọng để cho kinh tế phát triển, để các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… thực sự phục hồi trở lại”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định.

Tuy nhiên, nhiều kịch bản về vaccine kém tích cực hơn cũng đã được đưa ra. Đó là ngay cả khi đủ vaccine đưa về với khối lượng lớn, việc triển khai hệ thống để tiêm cho hàng triệu người trong thời gian ngắn từ nay đến cuối năm là không hề đơn giản. Thậm chí, giả sử tiêm được đến mức 30-40% dân số trong năm nay thì vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn và tác động tích cực đến nền kinh tế vẫn chưa nhiều. “Phải tiêm được từ 50% dân số trở lên thì những tác động mới rõ nét hơn. Nhưng để đạt được như vậy, cần thời gian chứ không phải quá nhanh được”, Phó Giáo sư Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công, nhận định.

Theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Economica Vietnam, vaccine chỉ là điều kiện cần để duy trì tăng trưởng kinh tế. Bởi vì các dư địa về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ năm nay đã bị thu hẹp rất nhiều. Về mặt tài khóa, ngân sách năm nay chắc chắn bị co hẹp đáng kể, trong khi đầu tư công năm nay theo kế hoạch chỉ có hơn 460.000 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái.
 
Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát đang tăng lên, dẫn đến khả năng hạ lãi suất ngày càng khó khăn. “Vấn đề chính hiện nay là làm sao để cứu được các doanh nghiệp đang lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bởi 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Làm gì để vực dậy khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ này là vấn đề vô cùng cấp bách”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Dịch cúm chết người làm Việt Nam lỡ đà tăng trưởng của mô hình kinh tế phụ thuộc nhiều vào chi phí rẻ, thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu có điều gì “tích cực” từ COVID-19 thì đó là cơ hội để Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh tầm nhìn và chiến lược để thích ứng với nền kinh tế mới áp dụng triệt để robot, tự động hóa, số hóa… Bên cạnh đó là bài học không một quốc gia nào phát triển chỉ nhờ vào ngoại lực mà chính nội lực mới là then chốt. Cũng như việc tự tạo sức đề kháng cho mình trước mọi biến thể của virus hơn là chỉ trông chờ vào vaccine từ bên ngoài.

Nguồn: NCĐT