Ứng phó với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu

18/02/2023

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra nhận định, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà lạm phát ở mức 6,6% và tăng trưởng dự kiến giảm từ 3,4% xuống còn 2,9%. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chủ động chuẩn bị để ứng phó với những khó khăn, diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều nền kinh tế trên thế giới sau thời gian dài suy thoái do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính lớn đều nhận định năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn với nguy cơ lạm phát ở mức cao và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra trong vòng 3-6 tháng tới. 
 
DN sẽ bị tổn thương nặng nề do lạm phát và suy thoái
 
Ảnh hưởng đầu tiên do lạm phát gây ra đối với DN là doanh thu và lợi nhuận sẽ sụt giảm do chi phí đầu vào tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng và do lạm phát nên sức mua sẽ giảm, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, do lạm phát tăng nên lãi suất cho vay của ngân hàng cũng sẽ tăng, dẫn đến chi phí tài chính tăng, ảnh hưởng  đến giá thành sản phẩm. 
 
Với tốc độ lạm phát dự kiến ở mức 6,6% thì lãi suất huy động phải cao hơn tốc độ lạm phát mới thu hút được người gửi tiền, cộng với chi phí quản lý ngân hàng trung bình khoảng từ 3-4% nên lãi suất cho vay của ngân hàng khó kéo xuống dưới 10%/năm. Với mức lãi suất cho vay cao như vậy, DN khó làm ăn có lãi. Để cắt giảm chi phí, nhiều DN chọn giải pháp đầu tiên là cắt giảm nhân sự. Các tập đoàn lớn như Amazon, Meta, Google… đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong thời gian qua là dấu hiệu cho thấy DN sẽ phải đối đầu với làn sóng sa thải hàng loạt và thất nghiệp tràn lan.
 
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái nên nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm sâu. Suy thoái cộng với lạm phát nên có khả năng các chính phủ sẽ sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để ổn định nền kinh tế, vì vậy rất khó để huy động vốn, kể cả qua hệ thống ngân hàng hoặc các kênh phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN. Có thể thấy một số ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế như xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, bất động sản và bán lẻ. 
 
Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn với kim ngạch năm 2022 đạt trên 730 tỷ USD nên suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản cũng như tăng cường đầu tư công và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng dường như trong tình hình suy thoái toàn cầu, những giải pháp đó vẫn chưa mang lại hiệu quả.
 
DN bất động sản, xây dựng vẫn đang trong "cơn ngủ đông", kinh doanh bết bát, thua lỗ. Suy thoái kinh tế dẫn đến dòng tiền của DN khan hiếm, nợ xấu tăng cao do khách hàng cũng lâm vào tình trạng khó khăn nên những DN nhỏ và yếu sẽ tổn thương nặng nề nhất, có khả năng lâm vào nợ nần và nguy cơ phá sản.
 
Chủ động đánh giá rủi ro và tìm cách ứng phó    
 
Đầu tiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện chi phí đầu vào tăng cao do lạm phát, DN cần xem xét cắt giảm tối đa chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cần nhanh chóng đàm phán với các nhà cung ứng để giảm giá mua nguyên vật liệu hoặc giữ ổn định giá trong điều kiện cho phép nhằm giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ. Nên cắt giảm các chi phí quản lý bằng hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Không nên cắt giảm ngay nhân sự để giảm giá thành sản phẩm, mà nên xem đây là giải pháp cuối cùng.

DN cần đánh giá mức độ khủng hoảng để xây dựng kế hoạch dự trữ nguyên vật liệu hợp lý trong khả năng tài chính để chủ động nguồn nguyên liệu và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh những dòng sản phẩm bắt buộc phải tăng giá do lạm phát thì DN nên xây dựng những dòng sản phẩm mới với giá thấp hơn, để tăng doanh thu và giữ chân khách hàng.
 
Trong giai đoạn lạm phát và suy thoái, việc quản trị dòng tiền hiệu quả là vô cùng quan trọng. DN cần thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, nhất là chưa có tính khả thi hoặc khả năng thu hồi vốn không cao. Đối với khách hàng, cần đàm phán hợp đồng với điều kiện thanh toán ngắn hơn bình thường, ưu tiên hợp đồng có khả năng thanh khoản cao, khách hàng có tài chính mạnh. Đối với nhà cung ứng, DN cần đàm phán lại các điều kiện thanh toán, ưu tiên trả chậm để bảo đảm dòng tiền được sử dụng hiệu quả. 
 
Một vấn đề làm đau đầu không ít doanh nhân trong giai đoạn suy thoái kinh tế là sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí. Như đã phân tích ở trên, cắt giảm nhân sự là giải pháp cuối vì cùng với nguồn vốn, nguồn nhân lực là trụ cột của DN. DN cần phân loại, đánh giá các nhóm nhân viên trước khi ra quyết định cho nghỉ việc hay không. Ưu tiên giữ lại bộ khung chủ chốt và những nhân viên, quản lý giỏi.
 
Bên cạnh cắt giảm nguồn lực để giảm chi phí thì DN cũng đối diện với nguy cơ mất nhân tài khi "thắt lưng buộc bụng" bằng cách giảm quỹ lương, phúc lợi, cắt giảm giờ làm. Những nhân viên, quản lý tài năng vẫn có cơ hội chuyển sang các công ty khác mà họ cho là đối xử tốt hơn. Vì vậy, chủ DN cần có hình thức khen thưởng, động viên, nhìn nhận thành tích, khích lệ tinh thần để giữ nhân tài trong giai đoạn khó khăn. DN có thể tranh thủ giai đoạn suy thoái để tiến hành đào tạo kỹ năng cho người lao động. 
 
Cuối cùng, DN cần trích lập đầy đủ các quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ trợ cấp thất nghiệp theo quy định để sử dụng trong giai đoạn suy thoái và lạm phát cho các mục đích như đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất lao động, khen thưởng kịp thời cán bộ quản lý, nhân viên để giữ nhân tài, trợ cấp người lao động bị thất nghiệp do cắt giảm nhân sự. 
 
Nguy cơ lạm phát và suy thoái có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm 2023 nên DN cần chuẩn bị ngay từ những ngày đầu năm để ứng phó tốt nhất. 
Nguồn: DNSG