Học viên FSB học case-study của Harvard

05/12/2018
Sáng ngày 10/9, học viên MBA của Viện Quản trị Kinh doanh FSB đã được tiếp cận và học theo phương pháp case-study từ thạc sỹ Harvard Bùi Quang Minh (một nhà kinh doanh trẻ không chỉ thành công trong lĩnh vực business mà còn nổi tiếng khi lấn sân sang truyền thông và âm nhạc). Chương trình nằm trong định hướng đưa phương pháp giảng dạy case vào nội dung đào tạo thạc sỹ QTKD của FSB.

Buổi học được xây dựng dựa trên case của Starbuck dưới sự dẫn dắt và chia sẻ từ thạc sỹ Bùi Quang Minh tốt nghiệp đại học loại ưu tại ĐH SydneyMBA tại Trường Đại học Harvard… Anh còn được biết đến với nghệ danh Minh Beta, sáng tác và biểu diễn ca khúc “Việt Nam ơi”, sáng lập và điều hành mô hình Cụm rạp chiếu phim và khu vui chơi ẩm thực Beta Cineplex tại Thái Nguyên, Giám đốc sản xuất dự án phim sitcom Phía Tây Thành phố và một số phim điện ảnh khác…

Để dẫn dắt vào case “Cung cấp dịch vụ khác hàng” của Starbucks, Ths Bùi Quang Minh đã giới thiệu một số thương hiệu lớn trên thế giới được nhiều người biết tới và cùng những điểm khác biệt của từng thương hiệu. Khi nhắc đến Cocacola, Mercedes, KFC, Victoria Beckham (thương hiệu cá nhân)… bạn nghĩ đến điều gì? Học viên MBA được tự do phát biểu và đưa ra ý kiến của mình, Ths Bùi Quang Minh chỉ là người hướng dẫn và định hướng cho học viên.
 

Với phương pháp giảng dạy theo case-study, yêu cầu trước khi vào lớp của giảng viên là tất cả các học viên phải đọc trước tài liệu để nắm được case sẽ nghiên cứu và trong quá trình trao đổi sẽ tự “vỡ lẽ” ra nhiều vấn đề.

Vì thế, để giúp học viên tiếp cận rõ ràng nhất với case của Starbuck, học viên đã được nghiên cứu trước tài liệu do Ths Bùi Quang Minh gửi để có cái nhìn tổng quát về lịch sử hình thành, các giai đoạn phát triển, những khó khăn mà Starbucks phải đối mặt và các giải pháp mà Starbucks đã áp dụng thành công nhờ cung cấp tốt dịch vụ khách hàng.

Starbucks ra đời từ năm 1971 từ một quán cà phê nhỏ tại chợ Pike Place thành phố Seattle. Cửa hàng chuyên bán cà phê Arabica nguyên hạt cho cả một thị trường thích cà phê thuần tuý. Vậy, lý do tại sao Howard Schultz muốn thực hiện ý tưởng tạo ra một chuỗi các quán cà phê tại Mỹ? Ths Bùi Quang Minh đã liên tiếp đặt ra các câu hỏi: Chiến lược xây dựng thương hiệu của Starbucks? Đào tạo nhân viên cho các cửa hàng? Đo lường chất lượng dịch vụ?… Các câu hỏi liên tục được đặt ra để nhận được nhiều ý kiến và trao đổi từ các học viên MBA. Nhờ đó, học viên đã phát hiện được một số mâu thuẫn trong Bảng đánh giá sự hài lòng và đo tuần suất của khách hàng của Starbucks.

Buổi học theo phương pháp giảng dạy case-study nhận được nhiều đánh giá tích cực từ học viên MBA. Tuy nhiên, đây là một phương pháp giảng dạy mới, chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam nên nhiều học viên sẽ cảm thấy lạ. Chị Thu Hiền (học viên FeMBA#12) chia sẻ: “Đây thực sự là phương pháp giảng dạy hấp dẫn, mình mong muốn trường sẽ có nhiều buổi học như thế. Để buổi học dễ tiếp thu và hữu ích hơn, mình nghĩ ngoài việc gợi mở cho học viên, giảng viên cũng nên đưa ra các bài học từ case đó hoặc hướng giải quyết cho học viên để có cái nhìn tổng quát nhất”.

Còn theo quan điểm của Ths Bùi Quang Minh: “Đây chính là phương pháp giảng dạy case-study của Đại học Harvard. Có thể, khi mới tiếp cận các bạn học viên thấy “hẫng” với phần kết mở. Nhưng nếu áp dụng đúng phương pháp này, học viên sẽ được đánh giá vấn đề từ nhiều góc, trải nghiệm nhiều vấn đề để tự rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình”.
Phương pháp giảng dạy và học tập theo case-study nằm trong chương trình đào tạo mà Viện Quản trị Kinh doanh FSB hướng tới nhằm giúp học viên MBA được tiếp cận những kiến thức hiện đại về quản trị cùng những bài học thực tiễn từ chính những case nổi tiếng trên thế giới.

Xem thêm chương trình MBA tại: http://caohoc.fpt.edu.vn/fsb/gemba