10 sự kiện kinh doanh nổi bật năm 2022

30/01/2023

10 sự kiện kinh doanh nổi bật nhất năm 2022 do Forbes Việt Nam và các chuyên gia kinh tế bình chọn.

Như thường lệ, trong số đầu tiên của năm mới, Forbes Việt Nam công bố 10 sự kiện kinh doanh nổi bật trong năm 2022 với sự đóng góp ý kiến và phản biện của các chuyên gia và nhà nghiên cứu kinh tế. Chúng tôi chọn các sự kiện nổi bật, những xu hướng lớn tạo ra dấu ấn tích cực hoặc tiêu cực trong các ngành nghề, các lĩnh vực quan trọng.
 
Năm 2022 là quãng thời gian kinh tế Việt Nam có nhiều biến động. Động thái tăng lãi suất liên tiếp của cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chu kỳ lãi suất thấp trên thế giới và Việt Nam chấm dứt. Việc minh bạch hóa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu khiến cả hai kênh dẫn vốn đã có lúc chao đảo. Nửa cuối năm, do ảnh hưởng từ nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại thị trường quốc tế, lĩnh vực xuất khẩu đã giảm tốc, gây sức ép lên thị trường lao động.
 
Dù có thách thức nhưng không thể không nhắc đến các tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua: GDP tăng cao nhất trong nhiều năm, tỉ giá được kiểm soát, lạm phát dưới mục tiêu đề ra, xuất khẩu kỷ lục. Với bệ đỡ kinh tế vĩ mô, chúng ta có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam vượt qua các thách thức trong năm 2023.

1. GDP VIỆT NAM TĂNG 8,02%, CAO NHẤT 15 NĂM QUA NHƯNG TÍN HIỆU CHƯA LẠC QUAN
 
Số liệu tăng trưởng ngoạn mục nhưng nền kinh tế cho thấy những dấu hiệu khác đáng quan ngại.
 
Năm 2022, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,02%, cao nhất trong 15 năm. Nếu nhìn rộng hơn quãng thời gian 20 năm, đây là năm thứ tư Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 8%, sau năm 2007 (8,46%), 2006 (8,23%) và năm 2005 (8,4%).
 
Nhìn về mặt số học, sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau COVID-19 là ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới có nhiều bất ổn: GDP Trung Quốc tăng trưởng 3,1% – mức thấp nhất trong nhiều năm; khu vực EU suy thoái; kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản trì trệ…
 
Tuy nhiên, chỉ số thống kê này không hoàn toàn mang ý nghĩa lạc quan: GDP Việt Nam tăng trưởng cao từ mức nền thấp của năm 2021 (2,58%) và 2020 (2,91%) khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
 
Thực tế mức tăng trưởng của Việt Nam chưa phản ánh đúng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong nửa cuối năm: thanh khoản của nền kinh tế cạn kiệt, thị trường địa ốc đóng băng, đơn hàng xuất khẩu giảm sút, tỉ giá leo thang, lãi suất cho vay tăng cao, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh.
 
Dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế thuộc nhóm sớm nhất khu vực nhưng số du khách quốc tế tới Việt Nam chỉ đạt 3,5 triệu người, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu đề ra hồi đầu năm. Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… đều sớm hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế. Về phương diện đầu tư, năm 2022 Việt Nam thu hút thêm 27,72 tỉ đô la Mỹ, nhưng giảm 11% so với cùng kỳ.
 
2. LÃI SUẤT CHO VAY LÊN HAI CON SỐ, GIAI ĐOẠN TIỀN RẺ CHẤM DỨT
 
Chu kỳ tiền rẻ kết thúc,đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất và thương mại sang trạng thái mới.
 
Với động thái Fed thực hiện liên tiếp bảy lần tăng lãi suất cơ bản, lên 4,75%, lãi suất tại Việt Nam cũng tăng mạnh từ nửa cuối năm 2022. Vào cuối tháng 12.2022, các khoản cho vay thương mại hầu hết ở mức hai con số. Trong khi đó lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng của các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 6%, kỳ hạn sáu tháng ở mức 9%.
 
Chu kỳ tiền rẻ trong 20 năm qua chấm dứt đã tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp với độ trễ 3-6 tháng, trong đó ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đầu tư, sản xuất, bất động sản.
 
Chỉ báo nhạy nhất là hoạt động đầu tư. Khi lãi suất tăng, chi phí cơ hội tăng theo, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc khi rót tiền vào những kênh rủi ro. Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng điều chỉnh giảm sau khi lãi suất tăng, chỉ có các đợt phục hồi ngắn trong xu thế đi xuống.
 
Trong lĩnh vực bất động sản, chi phí vốn tăng cao khiến doanh nghiệp cân nhắc việc triển khai các dự án mới do thời gian xây dựng dự án mất 3–4 năm.
 
Việc kiểm soát tín dụng khiến người mua nhà khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhà đầu tư hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính khiến các đợt chào bán trên thị trường sơ cấp có thanh khoản thấp.
 
Bất động sản liên quan trực tiếp và gián tiếp đến gần 40 ngành nghề khác nhau. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo sự thoái trào của nhiều ngành nghề liên quan chặt chẽ như xây lắp, nguyên vật liệu, vận chuyển… khiến sức cầu tiêu dùng của xã hội suy giảm.
 
Ở lĩnh vực sản xuất, tình trạng lãi suất cao khiến doanh nghiệp tạm hoãn hoặc ngừng mở rộng, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

3. THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP TÊ LIỆT, NHIỀU DOANH NGHIỆP KHÓ KHĂN
 

Thị trường trái phiếu non trẻ chao đảo trong năm 2022 và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.
 
Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong năm năm trở lại đây với tốc độ bình quân 35%/năm và đạt quy mô khoảng 1,5 triệu tỉ đồng vào giữa năm 2022.
 
Sau khi khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tân Hoàng Minh vào quý 1.2022, cơ quan quản lý đã siết lại điều kiện phát hành trái phiếu nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
 
Đầu tháng 10.2022, việc khởi tố bắt giam bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, khiến các trái chủ công ty Đầu tư An Đông và các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đối diện nguy cơ mất trắng. Thực tế này khiến trái chủ của các công ty khác nhận thức được các rủi ro chưa từng được cảnh báo trước đó. Làn sóng nhà đầu tư tìm cách bán tháo trái phiếu khiến thị trường thứ cấp rơi vào hỗn loạn.
 
Cơ cấu phát hành trong ba năm đỉnh cao của trái phiếu doanh nghiệp diễn ra trong giai đoạn 2019–2021 với 80% tổ chức phát hành là các doanh nghiệp chưa niêm yết và phần đông là các dự án hoặc công ty mới thành lập vốn khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng.Trái phiếu phát hành riêng lẻ với chất lượng tín dụng thấp/rủi ro rất cao nhưng lại được đông đảo nhà đầu tư cá nhân mua trong khi thông tin thiếu minh bạch.
 
Bên cạnh vốn cổ phần (dài hạn), trái phiếu được xem là kênh huy động vốn trung hạn của doanh nghiệp. Việc thị trường trái phiếu đóng băng khiến các doanh nghiệp, đặc biệt các công ty địa ốc lâm vào khó khăn bởi không thể phát hành trái phiếu mới trong khi thời điểm đáo hạn trái phiếu cũ cận kề.
 
Cộng với việc siết chặt tín dụng ngân hàng, đặc biệt tín dụng bất động sản, đẩy các doanh nghiệp địa ốc vào tình trạng khó khăn. Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 để quản lý thị trường trái phiếu theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

4. LẠM PHÁT CƠ BẢN BÌNH QUÂN TĂNG 2,59%, TIỀN ĐỒNG THUỘC NHÓM ỔN ĐỊNH NHẤT THẾ GIỚI

Lạm phát được kiểm soát và tỉ giá USD/VND ổn định là điểm sáng với nền kinh tế Việt Nam.
 
Năm 2022, Việt Nam thành công trong mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Thành tích này là ấn tượng trong bối cảnh 43% quốc gia trên thế giới lạm phát trên 10%, theo Trading Economics. Tỉ lệ lạm phát rất cao tại nhiều quốc gia như Lào (38%), Myanmar (19%),  Sri Lanka (66%), Argentina (88%), Thổ Nhĩ Kỳ (88,5%).
 
Việt Nam duy trì mức lạm phát thấp trong bối cảnh nguyên nhiên liệu sản xuất đầu vào tăng cao. Chẳng hạn, trên thị trường quốc tế giá dầu thô Brent có lúc tăng lên 140 đô la Mỹ/thùng do ảnh hưởng của xung đột Nga–Ukraine. Giá than thế giới năm 2022 tăng gấp sáu lần so với năm 2020 và gấp 2,6 lần so với năm 2021. Giá xăng A95 trong nước có lúc tăng lên 33 ngàn đồng/lít trước khi điều chỉnh giảm theo giá xăng dầu thế giới.
 
Đặc biệt, tiền đồng duy trì sự ổn định so với nhiều ngoại tệ khác trên thế giới. Ngoại trừ đầu quý 4.2022 tỉ giá USD/VND có lúc lên tới 24.800, nhưng sau đó hạ nhiệt, ổn định. Năm 2022, nhiều ngoại tệ mạnh khác cũng dao động mạnh nhất trong những năm gần đây: NDT  mất giá 10%, mức mạnh nhất so với đô la Mỹ kể từ năm 2008; yen Nhật  mất giá 16%, mức cao nhất trong 24 năm.
 
Để kiểm soát lạm phát ở mức thấp và ổn định tiền tệ, kinh tế Việt Nam đã hi sinh nhiều yếu tố: tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn nhiều so với nhu cầu thật của nền kinh tế, kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản khiến thị trường địa ốc đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng cao… đẩy nền kinh tế xoay chiều, đối diện với nhiều khó khăn từ quý 4.2022.
 
Ngày 10.11.2022, bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”. Theo báo cáo, Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.

5. VINFAST CHUYỂN HƯỚNG SẢN XUẤT XE ĐIỆN 100% VÀ ĐƯA LÔ HÀNG ĐẦU TIÊN SANG HOA KỲ

Kế hoạch chinh phục thế giới của VinFast bắt đầu từ thị trường Hoa Kỳ.
 
Đầu năm 2022, VinFast công bố lộ trình đưa VinFast trở thành nhà sản xuất xe điện 100%. Tại thị trường trong nước, VinFast ngưng sản xuất xe xăng từ giữa năm 2022 và bàn giao những mẫu xe điện VF8 đầu tiên tới người dùng vào tháng 9.2022.
 
Ngày 25.11.2022 đánh dấu cột mốc quan trọng của VinFast khi xuất khẩu lô 999 xe điện (VF8) đầu tiên ra thế giới, đích đến là thị trường Mỹ. Lô hàng này nằm trong số 65 ngàn đơn đặt hàng xe điện VF8 và VF9 trên toàn cầu, theo VinFast. Sau thị trường Hoa Kỳ, VinFast dự tính đưa các lô xe VF8 đến Canada và châu Âu.
 
Đầu tháng 12.2022, VinFast nộp hồ sơ IPO tại Mỹ vào tháng 1.2023 và sau đó niêm yết trên sàn NASDAQ. Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định.
 
6. TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG VỐN MINH BẠCH
 
Các vụ bắt giữ và khởi tố nhằm minh bạch thị trường vốn đẩy thị trường cổ phiếu và trái phiếu chao đảo.
 
2022 là năm chưa có tiền lệ khi việc minh bạch hóa thị trường vốn được thực hiện quyết liệt nhất từ trước đến nay, tại cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Trong lĩnh vực chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC Group và ông Đỗ Thành Nhân, chủ tịch Louis Capital bị bắt giữ và khởi tố với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu vào quý 1.2022.
 
Trên thị trường trái phiếu, ông Đỗ Anh Dũng – chủ tịch Tân Hoàng Minh và bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt giữ và khởi tố với cáo buộc lừa đảo phát hành trái phiếu. Riêng ngân hàng SCB, định chế tài chính được xem là có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan bị kiểm soát đặc biệt.
 
Các nỗ lực minh bạch hóa của cơ quan quản lý nhằm giúp thị trường phát triển ổn định bền vững trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn đã gây các tác động tiêu cực. Ảnh hưởng bởi các vụ khởi tố, đã có nhiều thời điểm cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu bị nhà đầu tư bán tháo ồ ạt dẫn đến các đợt điều chỉnh lớn vào tháng 4.2022 và tháng 10.2022.
 
Đặc biệt, vụ khởi tố lãnh đạo Tân Hoàng Minh là động thái đầu tiên từ cơ quan quản lý kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến dòng vốn trung hạn của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng mạnh. Kế tiếp, các trái chủ của công ty Đầu tư An Đông đứng trước nguy cơ mất trắng khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, khiến thị trường trái phiếu chao đảo với diễn biến rất tiêu cực vào đầu quý 4.2022.
 
Điều đáng nói, cả ông Đỗ Anh Dũng và bà Trương Mỹ Lan đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến công ty tham gia phiên đấu giá lịch sử đất Thủ Thiêm với mức giá chưa có tiền lệ 500 triệu – 1 tỉ đồng/m2 nhưng sau đó bỏ cọc.
 
Không chỉ lãnh đạo công ty chứng khoán liên quan đến những vụ việc trên như Tân Việt, Trí Việt bị khởi tố và bắt giữ, một số lãnh đạo ủy ban Chứng khoán, sở GDCK TP.HCM liên quan đến vụ việc cũng bị khởi tố hoặc cho thôi việc vì làm lộ bí mật hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

7. XUẤT NHẬP KHẨU VƯƠN LÊN KỶ LỤC MỚI 732,5 TỈ ĐÔ LA MỸ
 

Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu khi xuất nhập khẩu chinh phục các cột mốc mới.
 
Năm 2022, các thị trường quốc tế có nhiều bất ổn nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt 732,5 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 18%. Năm qua có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên một tỉ đô la Mỹ, trong đó có tám mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu như hàng điện tử, điện thoại và linh kiện, công nghiệp chế biến, may mặc, giày dép, đồ gỗ, thủy sản…

Năm 2022, xuất khẩu Việt Nam phát đi nhiều tín liệu lạc quan khác. Ngành thủy sản, lĩnh vực xuất khẩu mà mắt xích trong chuỗi giá trị nằm tại Việt Nam, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt 10 tỉ đô la Mỹ.
 
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ, một trong các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất vượt cột mốc mới với hơn 100 tỉ đô la Mỹ.
 
Tuy nhiên, các tín hiệu nửa cuối năm không hề lạc quan khi nhiều lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày thiếu đơn hàng. Nhiều công ty xuất khẩu thâm dụng lao động buộc phải giảm bớt công nhân, giảm công suất hoạt động.
 
Các dấu hiệu này báo hiệu nền kinh tế Việt Nam và xuất khẩu bước sang giai đoạn khó khăn đầu năm 2023 do tình hình lạm phát tại nhiều nước khiến sức cầu tiêu dùng suy giảm.
 
Với các hiệp định thương mại thế hệ mới đã ký kết, các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam cũng phải đáp ứng điều kiện phát thải carbon, sẽ làm tăng chi phí hoạt động, để có thể vượt qua hàng rào gia nhập.

8. NOVALAND SA LẦY VÌ THAM VỌNG VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHIỀU RỦI RO
 

Novaland, nhà phát triển dự án lớn thứ hai Việt Nam sa lầy, vốn hóa bốc hơi 5 tỉ đô la Mỹ trong vòng một tháng
 
Việc kiểm soát tín dụng bất động sản và thị trường trái phiếu đóng băng đã đẩy nhiều công ty bất động sản vào tình trạng khó khăn, mất cân đối dòng tiền và gây ra nhiều hệ lụy. Một trong số các công ty chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Novaland, nhà phát triển dự án bất động sản lớn thứ hai Việt Nam, sau Vinhomes.
 
Từ giữa tháng 10, hệ sinh thái hàng tiêu dùng – bán lẻ – dịch vụ gắn với Novaland công bố cắt giảm nhân sự, các công ty xung quanh hệ sinh thái bất động sản cũng thu hẹp hoạt động. Giá cổ phiếu NVL lao dốc sàn 17 phiên liên tiếp khiến vốn hóa Novaland từ mức hơn 7 tỉ đô la Mỹ trước đó giảm xuống còn 1,5 tỉ đô la Mỹ cuối tháng 11.2022. Lý do: cổ phiếu NVL được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và phát hành trái phiếu.
 
Khi tin tức tiêu cực về hoạt động của công ty xuất hiện, cổ phiếu này bị bán mạnh, giảm giá, kích hoạt làn sóng bán giải chấp tạo thành vòng xoáy kéo cổ phiếu xuống đáy. Trung tuần tháng 12.2022, cổ phiếu NVL rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, thấp hơn mức khi mới niêm yết vào năm 2016.

9. SAU KHI THIẾT LẬP ĐỈNH LỊCH SỬ 1.536 ĐIỂM, VN-INDEX ĐIỀU CHỈNH KHỐC LIỆT
 

Năm qua, nhà đầu tư chứng khoán mất tiền nhiều hơn được khi thị trường liên tục tìm đáy mới.
 
Ngay những ngày giao dịch đầu năm 2022, VN-Index thiết lập đỉnh 1.510 điểm nhưng sau đó ba tháng chinh phục mốc mới 1.536 điểm vào ngày 4.4.2022. Tuy nhiên sau đó thị trường trải qua nhiều đợt trồi sụt liên quan đến động thái kiểm soát dòng vốn vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu; việc bắt giữ các cá nhân trên thị trường tài chính.
 
Đã có thời điểm VN-Index giảm về 878 điểm, tương ứng mức điều chỉnh 43% – một trong những đợt sụt giảm sâu nhất trong lịch sử, bất chấp Việt Nam vẫn duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều công ty duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Các cổ phiếu dẫn dắt thị trường như VHM, VIC, HPG, TCB, MWG… có mức điều chỉnh khốc liệt, mất giá từ 50%–75%.
 
Bên cạnh động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong ba quý đầu năm, tài khoản chứng khoán mở mới của các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng liên tục sụt giảm. Theo số liệu của trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến hết tháng 11, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt hơn 6,755 triệu, trong đó tài khoản của nhà đầu tư cá nhân là 6,74 triệu và tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là 14.570.
 
Trong sáu tháng liên tiếp tính từ tháng 5, số tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm khi VN-Index liên tục dò đáy mới. Một tín hiệu khả quan là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại những tháng cuối năm, đưa thị trường phục hồi trên 1.000 điểm.
10. AXIE INFINITY BỊ TIN TẶC ĐÁNH CẮP 625 TRIỆU ĐÔ LA MỸ
 
Tin tặc tấn công Axie Infinity, đánh cắp số lượng tài sản số lớn nhất, nhưng sự kiện bị che mờ bởi các đổ vỡ khác.
 
Cuối tháng 3.2022, Axie Infinity, startup game blockchain đình đám, một trong bốn kỳ lân công nghệ của Việt Nam phát hiện tin tặc đánh cắp lượng tài sản số trị giá 625 triệu đô la Mỹ do có những lỗ hổng bảo mật. Đây là vụ đánh cắp tài sản số lớn nhất từ trước tới nay.
 
CoinDesk gọi đây là vụ tấn công lớn nhất trong lịch sử DeFi, vượt cả vụ tấn công mạng Poly Network khi tin tặc đánh cắp lượng tiền số tương đương 611 triệu đô la Mỹ (sau đó trả lại toàn bộ) vào tháng 8.2021. Để khắc phục, Axie Infinity đã bồi thường cho người dùng và nâng cấp mức độ bảo mật của hệ thống.
 
Tuy nhiên, sau đó vụ việc đình đám này bị khỏa lấp giữa nhiều sự kiện kịch tính khác của thị trường tiền số: 30 tỉ đô la Mỹ tài sản số của các nhà đầu tư gắn với đồng Luna thành vô giá trị; FTX – sàn giao dịch crypto lớn sau Binance – phá sản; Bitcoin mất 70% giá trị; bong bóng NFT vỡ vụn… Tất cả những hỗn loạn của thị trường tiền điện tử báo hiệu mùa đông tiền số đang tới gần.
 
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 113, tháng 1.2023

 

Nguồn: Forbes Việt Nam