5 lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp đầu tư cho ESG
ESG giúp doanh nghiệp kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến môi trường, góp phần tối ưu hóa chi phí sử dụng năng lượng, dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tiềm năng.
Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của các tiêu chuẩn môi trường – xã hội – quản trị (Environmental, Social and Governance – ESG) và sẵn sàng bắt tay vào hành trình thực thi chiến lược này.
ESG là những yếu tố liên quan đến việc tính đến tác động môi trường trong các hoạt động của công ty, các sáng kiến về trách nhiệm xã hội của công ty (CSR) và các thông lệ quản trị tốt khi đưa ra quyết định. Các yếu tố này dựa trên các yếu tố rộng lớn hơn của các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Bằng cách áp dụng cách tiếp cận này trong một tổ chức, nó không chỉ có thể dẫn đến một phong cách kinh doanh có đạo đức hơn mà còn mang lại lợi ích tài chính hữu hình đóng vai trò quan trọng và là động lực thực sự trong thời đại kinh tế số.
Để đo đếm thì lợi ích ESG mang lại rất lớn. Trong nhiều trường hợp, những lợi ích từ ESG là lợi ích lâu dài, có tính chất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ nhất, ESG giúp kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến yếu tố môi trường, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu cho doanh nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Thứ hai, ESG giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí sử dụng năng lượng. Mỗi megawatt điện mặt trời áp mái được sử dụng có thể giúp doanh nghiệp giảm trung bình 30% chi phí năng lượng, trong đó 10-20% giảm trực tiếp vào chi phí giá điện, 10% còn lại doanh nghiệp tiết kiệm được từ nguồn năng lượng làm mát trong nhà máy khi tấm pin phủ toàn bộ nhà máy ở khu vực rất nóng.
Thứ ba, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư bền vững. ESG ngày nay đã trở thành yếu tố đánh giá quan trọng của các quỹ, các tổ chức đầu tư trên thế giới khi xem xét đầu tư, đặc biệt là các tổ chức đầu tư bền vững.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp. Việc áp dụng ESG cũng dần trở thành tiêu chí phổ biến, nhất là với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển bền vững, vay nước ngoài.
Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Đáp ứng các tiêu chuẩn ESG không chỉ yêu cầu bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính mà đã trở thành yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ… Vì vậy, doanh nghiệp muốn tìm kiếm khách hàng, đối tác mới trên thị trường, yêu cầu bắt buộc phải thực hành ESG.
Nguồn: DNSG