6 sai lầm về tiền bạc của người trẻ

12/08/2019

Warren Buffett từng nói, không chăm sóc sức khoẻ khi còn trẻ, bạn sẽ như chiếc xe gỉ sét phơi ngoài cơn mưa đá và sửa chữa nó cực kỳ tốn kém.

 
Độc lập về tài chính là thách thức đối với nhiều người, đặc biệt là người trẻ thế hệ Y. Bryan M.Kuderna, một chuyên gia về lập kế hoạch tài chính có kinh nghiệm làm việc với hơn 400 người trẻ, đã chỉ ra 6 sai lầm lớn nhất về tiền bạc thường mắc.
 
Dùng thẻ tín dụng thiếu thông minh
 
Phần lớn người trẻ chật vật trong việc trả nợ thẻ tín dụng. Một cuộc khảo sát gần đây của CreditCards.com cho biết, khoảng 1/4 có số dư thẻ tín dụng ít nhất một năm chưa trả hết.
 
Bryan M.Kuderna đưa ra hai quy tắc quan trọng: Đừng phụ thuộc các chi trả hằng ngày vào nó và đừng chi tiêu vượt mức cho những thứ bạn không thực sự cần. Sử dụng thẻ có trách nhiệm giúp bạn có điểm tín dụng tốt. Điều này sẽ có lợi khi cần đến các khoản vay ngân hàng trong tương lai.
 
Không có quỹ khẩn cấp và quỹ dự phòng
 
Chuyên gia lập kế hoạch tài chính cũng chỉ ra rằng, nhiều người chỉ có một khoản tiết kiệm duy nhất và không có khoản tiền dự trữ nào. Kết quả là khi có việc gấp, họ lại vay tiền hoặc rút sổ tiết kiệm ra để chi trả.
 
Ngoài ra, bạn nên có một quỹ khẩn cấp và một quỹ dự phòng khác
 
Quỹ khẩn cấp trong trường hợp đột ngột mất việc hay đau ốm…, đảm bảo cuộc sống trong 3-6 tháng. Quỹ dự phòng dành cho các chi phí nhỏ hơn và tính toán được trước, như sửa chữa đồ dùng trong nhà hay mua bảo hiểm

Cái bẫy "lạm phát chi tiêu"

 
Lên kế hoạch tiết kiệm tiền. Ảnh: Mic 
 
Khi còn trẻ, châm ngôn "sống trọn từng khoảng khắc" có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với chuẩn bị cho tương lai. Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ tự do về tài chính nếu tiếp tục rơi vào cái bẫy của "lạm phát chi tiêu" – hiểu nôm na là khi thu nhập tăng, bạn cũng tiêu nhiều hơn.
 
Điều đó có nghĩa là không cần thiết phải thuê một căn hộ lớn hơn chỉ vì bạn được tăng lương. Và cũng đừng lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ đắt tiền khi bạn có một khoản tiền thưởng.
 
Thay vào đó, hãy nhìn rộng ra, tiết kiệm số tiền đó hoặc dùng để trả các khoản nợ hiện tại. Chỉ cần một chút "thắt lưng buộc bụng", bạn có thể tiết kiệm số tiền lớn hơn cho những mục đích quan trọng như mua một căn hộ, tổ chức đám cưới hay nghỉ hưu sớm.
 
Không chủ động chăm sóc sức khoẻ
 
Warren Buffet từng nói: "Bạn chỉ có một tâm trí và một cơ thể cho đến hết cuộc đời". Nếu như bạn không chăm sóc chúng khi còn trẻ, bạn sẽ giống như một chiếc xe phơi ngoài cơn mưa đá và để cho gỉ sét ăn mòn. Và tất nhiên, việc sửa chữa nó cực kỳ tốn kém.
 
Nghe có vẻ cản trở đối với cuộc sống thường ngày, nhưng việc chủ động giữ gìn sức khoẻ sẽ giúp bạn sống lâu hơn và tránh được những khoản chữa bệnh lớn trong tương lai.
 
Hãy bắt đầu duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, tận dụng chế độ phúc lợi của công ty để kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Những xét nghiệm này có thể giúp bạn xác định sớm những căn bệnh tiềm ẩn trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
 
Không đầu tư vào chứng khoán
 
Theo khảo sát của Gallup năm 2018, chỉ có khoảng 37% thanh niên Mỹ dưới 35 tuổi cho biết họ nắm cổ phiếu từ năm 2017 đến 2018. Tỷ lệ này ở người trên 35 tuổi là 61%.
 
Chắc chắn có nhiều rủi ro khi kinh doanh hay đầu tư chứng khoán. Vị chuyên gia cho rằng, bạn không kiểm soát được thị trường hay khoản lãi, tuy nhiên những gì bạn có thể chủ động là số tiền tiết kiệm của mình, bao nhiêu phần trăm thu nhập cho đầu tư dài hạn và cách mà bạn đầu tư.
 
Không tiết kiệm cho nghỉ hưu
 
Đây là một sai lầm lớn và nó sẽ khiến bạn phải hối hận trong tương lai, chuyên gia này cho biết.
 
Theo báo cáo năm 2018 của E-Trade, hơn 1/3 người trẻ rút tiền từ quỹ hưu trí tư nhân (ở các nước phát triển) cho một khoản chi tiêu lớn, du lịch hay chi phí cá nhân khác.
 
Nguyên tắc chung là dùng ít nhất 15% thu nhập trước thuế hàng năm vào tài khoản tiết kiệm. Nhiều nhà tuyển dụng còn đề nghị trích tỷ lệ phần trăm theo thu nhập của bạn vào quỹ hưu trí.
 
Dường như có rất nhiều khoản chi tiêu cần phải lập kế hoạch, và người trẻ thường có lý do rằng: "Tôi không kiếm được nhiều tiền như vậy". Do đó, điều bạn cần làm là thay đổi lối sống của mình và chi tiêu ít hơn những gì bạn kiếm ra. Chỉ việc dành ra 20 USD (khoảng 500.000) mỗi tháng cũng có thể tạo nên sự khác biệt.

(Nguồn: Vnexpress)