Bí quyết để doanh nghiệp vừa và nhỏ ‘hút’ được nhân tài
Việc thu hút được nhân tài để phục vụ cho chiến lược phát triển luôn là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính sách vượt trội
Đối với những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, việc thu hút và tuyển được những nhân sự giỏi không phải là khó. Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới tham gia thị trường, việc tìm người giỏi đáp ứng cho mục tiêu phát triển trong tương lai luôn là vấn đề nan giải.
Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải được bài toán nhân tài theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược nguồn nhân lực Công ty TNHH AEON Việt Nam thì cần làm từng bước.
Bà Huệ cho rằng doanh nghiệp tìm kiếm được nhân sự giỏi, phù hợp cũng giống như câu chuyện đóng chiếc thùng gỗ đựng nước. Nếu muốn đóng một chiếc thùng đựng được 3 lít nước thì phải có những mảnh gỗ tương xứng ghép lại với nhau.
Khi chiếc thùng đựng sắp đầy 3 lít thì chủ doanh nghiệp cần lên kế hoạch trong 3 năm hoặc 5 năm tới sẽ phát triển chiếc bình rộng ra để đựng được 5 lít hay 10 lít.
Từ đó, người phụ trách nhân sự sẽ có kế hoạch tuyển người phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, tránh lãng phí.
Xu hướng tuyển dụng hiện nay đối với những doanh nghiệp phát triển nhanh thường tìm người giỏi ở bên ngoài, vì trong khoảng thời gian ngắn không thể đào tạo kịp.
Nhưng cũng có doanh nghiệp tự đào tạo hoặc kết hợp cả tự đào tạo và tuyển bên ngoài. Tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp và các giai đoạn phát triển mà có chiến lược hút nhân tài khác nhau.
Thu hút nhân tài không phải nhiệm vụ của riêng phòng nhân sự mà bản thân người CEO, các trưởng phòng ban phải luôn ý thức làm sao hút được người về. Khi doanh nghiệp phát triển đến một giai đoạn nhất định thì nhân sự không chỉ còn việc tính lương mà còn là chiến lược về con người.
Còn ông Nguyễn Công Tẩn, Giám đốc công ty Citex chia sẻ lúc doanh nghiệp mới phát triển ở mức 30 đến 40 nhân sự thì tuyển người tài rất khó. Muốn hút được người thì doanh nghiệp cần chuẩn bị hai điều kiện.
Đó là chính sách vượt trội, bao gồm cả lương, thưởng và cả chia theo tỷ lệ % năng suất hoặc lợi nhuận. Nếu chính sách không trội hẳn thì với quy mô vừa và nhỏ sẽ rất tuyển. Kế đến là phải có một câu chuyện để kể và chiến lược phát triển trong tương lai như thế nào.
Quan tâm đến cảm xúc
Việc hút được nhân tài phù hợp với công việc đã khó nhưng giữ và phát huy năng lực của nhân sự đó còn khó hơn, đặc biệt với môi trường làm việc ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Học viện kinh doanh và tài chính BizUni, người có kinh nghiệm phụ trách kinh doanh cho các tập đoàn đa quốc gia chia sẻ, trước đây trong quá trình làm việc bản thân đã từng mâu thuẫn gay gắt với phòng kế toán.
Bởi vì kế toán họ không hiểu và không đặt vấn đề cảm xúc của nhân viên lên hàng đầu mà làm sao giữ tiền được lâu nhất có thể, đến giờ chót càng tốt. Vậy làm thế nào để hài hoà giữa các phòng với nhau mà vẫn đáp ứng được kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Nếu những mâu thuẫn đó không được giải quyết thấu đáo sẽ có người ra đi.
Theo bà Huệ, việc hoá giải những mâu thuẫn giữa các phòng, ban trong qúa trình vận hành của doanh nghiệp là hoàn toàn có thể thực hiện bằng việc luân chuyển đối với các nhân sự giỏi, làm việc lâu năm.
Làm việc lâu năm cho một doanh nghiệp sẽ rất tốt với nhân sự có nhiều kinh nghiệm nhưng không phải bắt buộc và phải luân chuyển qua các phong ban khác nhau.
Mục đích của việc luân chuyển không phải tránh làm một việc lâu sẽ dẫn đến nhàn chán mà để nhân sự này có cơ hội trải nghiệm ở nhiều vị trí qua đó có nhiều góc nhìn khác nhau và tự cân bằng trong công việc.
“Quá trình vận hàng doanh nghiệp thường xảy ra việc phòng nhân sự “chiến đấu” với phòng tài chính để sử dụng tiền hoặc phòng maketing “chiến đấu” với phòng kế toán về việc thủ tục giấy tờ phức tạp…Nhưng nếu trưởng các phòng ban đó đã trải qua môi trường làm việc ở nhiều phòng ban thì việc hài hoà giải quyết công việc sẽ được đặt lên trên hết chứ không phải đối đầu rồi tạo ra khoảng cách”, bà Huệ nói thêm.
Việc chọn thời gian trả lương theo bà Huệ cũng là một trong những yếu tố đánh vào tâm lý để giữ nhân tài.
Đơn cử như việc trả lương lúc 8h sáng và 17h chiều thì số tiền phải trả vẫn ngang nhau nhưng hiệu quả sẽ rất khác nhau. Nếu chọn trả lương lúc 8h sáng thì mọi nhân viên sẽ bàn nhau trong tâm lý phấn khởi cả ngày thay vì lúc 17h, công nhân hết giờ làm đi về ngủ rồi quên.
Nguồn: The Leader