7 nguyên tắc đạo đức của Google trong phát triển AI
Đối với TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học Google, sự tiến bộ công nghệ vượt bậc chỉ có thể bền vững khi được gắn liền với các nguyên tắc đạo đức chặt chẽ.
TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google
Công nghệ phải đi đôi với trách nhiệm
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra những đột phá ấn tượng trong nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho đến quản lý xã hội.
TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học Google lấy mô hình Gemini 1.5 Pro của Google làm dẫn chứng. Đây là một siêu AI có khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và tạo ra nội dung đa phương tiện chất lượng cao. Đặc biệt, Gemini 1.5 Pro có thể dịch các ngôn ngữ hiếm gặp như Kalamang với độ chính xác tương đương một người bản địa.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh những tiến bộ của AI trong việc hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề cấp bách như dự đoán nguy cơ cháy rừng, giám sát sức khỏe của đàn gia súc và hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư. Tuy nhiên, các sai sót nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đó là lý do mà trí tuệ nhân tạo, dù đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho con người, cũng đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt nguyên tắc đạo đức.
Theo ông Dean, trong khi AI có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, những ứng dụng này phải được phát triển trên nền tảng đạo đức vững chắc. Các nhà phát triển AI cần phải đảm bảo rằng hệ thống của họ không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn an toàn và đáng tin cậy.
Chia sẻ về tầm nhìn và trách nhiệm của Google trong việc phát triển AI, đặc biệt là thông qua việc xây dựng và triển khai mô hình Google Gemini, ông Dean nhấn mạnh, AI không chỉ là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội, mà còn đòi hỏi một trách nhiệm đạo đức cao từ các nhà nghiên cứu và kỹ sư.
Google đã đưa ra bảy nguyên tắc đạo đức để hướng dẫn quá trình nghiên cứu và phát triển AI.
Thứ nhất, các công nghệ AI phải mang lại lợi ích cho xã hội, hỗ trợ giải quyết những vấn đề lớn như y tế, an ninh, và môi trường.
Thứ hai, tránh việc tạo ra các AI có thể dẫn đến thành kiến và phân biệt đối xử, đảm bảo tính công bằng trong các ứng dụng.
Thứ ba, AI được phát triển một cách an toàn và bảo mật, đảm bảo rằng các hệ thống AI hoạt động đúng như dự định và không gây hại cho người dùng.
Thứ tư, các hệ thống AI của Google sẽ chịu sự giám sát và kiểm soát của con người, giúp đảm bảo rằng AI hoạt động theo cách mà con người mong muốn.
Thứ năm, Google cam kết bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng, đồng thời phát triển AI theo hướng tôn trọng các quyền này.
Thứ sáu, Google sẽ duy trì tính minh bạch về cách thức mà AI hoạt động, giúp mọi người hiểu rõ hơn về công nghệ này và có niềm tin vào các ứng dụng AI.
Thứ bảy, Google sẽ tránh phát triển hoặc triển khai các công nghệ AI có thể gây hại, như vũ khí tự động hóa, hoặc các ứng dụng có khả năng đe dọa an ninh hay quyền con người.
Một trong những điểm nhấn trong bài phát biểu của Giám đốc khoa học Google trong sự kiện GenAI Summit 24 là sự nhấn mạnh vào tính nhân văn trong phát triển AI.
Ông nhắc đến việc kết hợp giữa AI và trí tuệ con người, khẳng định rằng công nghệ chỉ thực sự hiệu quả khi nó phục vụ cho lợi ích chung của xã hội. Để đạt được điều này, các nhà phát triển phải duy trì tiêu chuẩn cao về đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Bài học từ Google là một minh chứng rõ ràng cho sự kết hợp này. Họ không chỉ phát triển các công cụ AI mạnh mẽ mà còn chia sẻ rộng rãi công nghệ này thông qua các công cụ và mã nguồn mở, giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn.
TS. Jeff Dean tin rằng, AI có thể chuyển đổi các ngành công nghiệp và cải thiện cuộc sống, nhưng điều này chỉ thực hiện được nếu chúng ta phát triển nó một cách có trách nhiệm.TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google
Giáo dục là chìa khóa
Câu hỏi đặt ra là liệu các công ty công nghệ có thể đảm bảo rằng những sáng tạo của họ không dẫn đến những hệ quả tiêu cực? Câu trả lời, theo Giám đốc Khoa học Google, nằm ở việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo những tài năng trẻ trong lĩnh vực này.
“Để AI thực sự phát huy tiềm năng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội”, ông Dean nói.
Để AI phát huy hết tiềm năng, chúng ta cần một cộng đồng hiểu biết sâu sắc về công nghệ, từ đó sử dụng nó để mang lại những giá trị bền vững.
Cuộc cách mạng AI không chỉ là một cuộc đua về công nghệ mà còn là một cuộc đua về đạo đức. Các nhà phát triển cần phải nhận thức rõ ràng rằng những quyết định họ đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của cả thế giới.
Trong bối cảnh này, việc giữ vững các nguyên tắc đạo đức không chỉ là một lựa chọn mà là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng AI sẽ mang lại những lợi ích lớn nhất cho toàn nhân loại.
Theo The Leader