Chuyến thăm của kỳ lân
Trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu, startup còn là động lực thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TL.
Nhiều tỉ phú công nghệ đã chọn Việt Nam là điểm đến cho những chuyến thăm và làm việc với vai trò lãnh đạo các tập đoàn lớn để tìm hiểu về thị trường hoặc tìm cơ hội đầu tư. Đó là Bill Gates (sáng lập Microsoft), Steve Ballmer (CEO Microsoft từ năm 2000-2014), Mark Zuckerberg (sáng lập kiêm CEO Meta), Sundar Pichai (CEO Google), Lee Jae-yong (Chủ tịch Tập đoàn Samsung), Tim Cook (CEO Apple) và mới đây là Jensen Huang (CEO Nvidia)…
Trong thế giới công nghệ, những tên tuổi này đều là biểu tượng về khởi nghiệp thành công với khao khát thay đổi thế giới bằng công nghệ. Họ cho thấy một công ty khởi nghiệp từ con số 0 có thể trở thành người khổng lồ có sức mạnh thay đổi thế giới như thế nào. Rất nhiều startup ra đời và bùng nổ khi có thể giải quyết những vấn đề của xã hội hoặc thay đổi cách con người nhìn nhận và tương tác với thế giới xung quanh.
Xu hướng này cũng được chính phủ các quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo như Nhật, Hàn Quốc thúc đẩy. Đó là tìm kiếm sức mạnh với sự hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp mới và các tập đoàn lớn mạnh nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (A.I), bán dẫn, robot, năng lượng tái tạo…
Điển hình, hằng năm Chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 2 tỉ USD để hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm đưa “ADN đổi mới sáng tạo” vào các chaebol để luôn duy trì động lực đổi mới sáng tạo. Các công ty khởi nghiệp đưa những ý tưởng, nhân tài và cách làm việc mới vào các doanh nghiệp lớn để có thể cạnh tranh với các đối thủ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Sự xuất hiện của những nhân vật công nghệ hàng đầu thế giới khẳng định vị thế của Việt Nam trong hơn một thập niên qua đã nổi lên trở thành trung tâm sản xuất công nghệ mới tại khu vực. Tuy nhiên, mặc dù tăng trưởng cao và liên tục nhưng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng với việc động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp từ vốn và lao động giá rẻ. Câu chuyện mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã được đặt ra hơn 10 năm nay vẫn chưa có lời giải hoàn hảo cho đến khi làn sóng công nghệ nổi lên trên thế giới.
“Việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới, xanh và số trở thành khách quan; phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt; sản xuất, phân phối, tiêu dùng thông minh hơn…”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định.
“Chuyển đổi xanh, chuyển đổi sáng tạo là cơ hội vàng cho Việt Nam. Cơ hội lần này rất đặc biệt khi cả thế giới cũng mới bắt đầu đi. Chúng ta có những sáng kiến hay được bắt đầu từ doanh nghiệp trước khi chờ đợi khung chính sách và đã mang lại hiệu quả, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết.
Đó chính là không gian của những startup có thể vươn mình như bài học của Nhật hay Hàn Quốc. Theo báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (GESER 2023) của Startup Genome, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với tác động kinh tế ước tính lên tới 5,22 tỉ USD. Việt Nam có khoảng 4.000 startup, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cùng hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia.
Đây là nguồn lực trí tuệ, công nghệ lớn được phát huy vào đúng thời điểm Việt Nam tái cấu trúc toàn diện, sẽ giúp nền kinh tế trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Bởi vì, trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu, các startup không chỉ đơn thuần là những doanh nghiệp mới mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia với dân số trẻ, nhiệt tình và tích cực với công nghệ chắc chắn sẽ có nhiều ưu điểm để phát triển trong lĩnh vực công nghệ.
Ở thời điểm này, theo ông Lâm Quốc Thái, Giám đốc Đầu tư Cấp cao VinaCapital Ventures, nhiều startup sở hữu các dự án công nghệ đột phá vẫn đang thu hút được nguồn vốn đáng kể. Đặc biệt, các startup tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để giải quyết những thách thức hiện hữu trong các ngành truyền thống tại Việt Nam như giáo dục, y tế hay logistics đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.
Nguồn: NCĐT