Biến động trong câu lạc bộ tỉ USD

18/05/2024

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tỉ USD có sự phân hóa mạnh trong quý đầu tiên của năm 2024.

Tính đến hết tháng 3/2024, trên HOSE có 43 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa.

Lợi nhuận của 2 nhóm ngành dẫn dắt là ngân hàng và bất động sản chưa đạt kỳ vọng trong quý I/2024 đã tác động lớn đến bức tranh kinh doanh chung của toàn thị trường.

Tài chính, bất động sản áp đảo

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết ngày 29/3, giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,22 triệu tỉ đồng, tăng hơn 23,06% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường và tương đương 51,12% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành).

Tính đến hết tháng 3/2024, trên HOSE có 43 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD là Ngân hàng Vietcombank và BIDV. Tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp tỉ USD đạt hơn 4,08 triệu tỉ đồng, tăng hơn 530.800 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2023 và chiếm hơn 78,3% tổng giá trị vốn hóa của sàn HOSE.

Trước sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam, “câu lạc bộ” vốn hóa tỉ USD cũng có sự thay đổi đáng kể so với hồi đầu năm 2023. Bên cạnh sự hoán đổi vị trí của các doanh nghiệp trên bảng xếp hạng vốn hóa thì số lượng thành viên cũng có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm 2024.

So với thời điểm cuối năm 2023, câu lạc bộ vốn hóa tỉ USD đã có thêm 1 thành viên, đó là Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE). Trong khi đó, cuối tháng 3/2024, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) đã thay thế Tổng Công ty Phát điện 3 (mã PGV) để góp mặt vào câu lạc bộ tỉ USD.

Tuy nhiên, dù có nhiều thay đổi trong 3 tháng đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và nhóm cổ phiếu ngành bất động sản vẫn áp đảo câu lạc bộ tỉ USD với tỉ trọng lần lượt 53,2% và 18,2%. Nhóm cổ phiếu ngành tài chính và bất động sản chiếm tỉ trọng cao được nhìn nhận là một trong những lý do khiến việc đầu tư theo chiến lược “mua và nắm giữ” khó thực hiện ở Việt Nam.

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, cho biết tại thị trường Việt Nam, nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng chiếm đến 60-70% giá trị vốn hóa của thị trường. Như vậy, khoảng 70% thị trường là nhóm ngành mang tính chu kỳ, trong khi những doanh nghiệp tăng trưởng, cụ thể là những doanh nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng dù kinh tế có khó khăn, thì rất ít. Những doanh nghiệp mang tính chu kỳ thì lợi nhuận sẽ tăng giảm theo chu kỳ kinh tế. Điều này không thuận lợi cho chiến lược “mua và nắm giữ”. Nói cách khác, sẽ không hiệu quả khi áp dụng chiến lược mua và nắm giữ cho một tập các doanh nghiệp đa phần là mang tính chu kỳ.

Theo số liệu từ FiinTrade, tính đến ngày 28/4, đã có 787/1.641 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 83,8% vốn hóa trên 3 sàn) công bố báo cáo tài chính quý I/2024, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu ngành. Báo cáo cho thấy lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết tăng chậm lại trong quý I/2024. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế của 787 doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu nhờ nhóm phi tài chính (19,3%), trong khi nhóm tài chính đạt mức tăng thấp hơn (12,4%). Tăng trưởng lợi nhuận chung chậm lại đáng kể so với mức tăng của quý IV/2023 là 48,6%.

Một điểm đáng lưu ý, mức nền so sánh của quý I/2023 rất thấp, trong bối cảnh lãi suất tăng cao hồi cuối năm 2022 thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dù là đầu ngành như bất động sản, ngân hàng cũng khá thấp. Biểu đồ của FiinTrade chỉ ra đây gần như là vùng đáy của lợi nhuận trong 3 năm qua. Vì thế, mức tăng trưởng 2 con số về lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 cũng là điều đáng quan tâm.

Cũng theo báo cáo của FiinTrade, 2 ngành trụ cột của thị trường (ngân hàng, bất động sản) cùng có kết quả kinh doanh kém sắc. Với ngân hàng, lợi nhuận sau thuế của 27/27 ngân hàng tăng 9,6% so với cùng kỳ, kém xa mức tăng trưởng dự kiến cho cả năm 2024 là 19% cũng như kỳ vọng của giới phân tích cho quý I (12-15%).

Với bất động sản, lợi nhuận sau thuế của 60/130 doanh nghiệp (đại diện 74,4% vốn hóa toàn ngành) giảm mạnh do Vinhomes (mã VHM) không còn ghi nhận thu nhập từ bán buôn dự án như cùng kỳ. Nếu không tính Vinhomes, lợi nhuận của 59 doanh nghiệp bất động sản còn lại giảm 15,1% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của nhóm bất động sản nhà ở.

Cũng trong quý I/2024, lợi nhuận của nhóm xuất khẩu phân hóa mạnh khi lợi nhuận của nhóm cao su, nhựa, phân bón tăng mạnh; thủy sản và dệt may hồi phục chậm và hóa chất tiếp tục dò đáy.

Chia sẻ với NCĐT, ông Lê Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng xét về tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023, quý I/2024 có mức tăng trưởng chấp nhận được ở toàn thị trường, ngoại trừ nhóm ngành bất động sản với những vấn đề riêng của ngành. “Các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh tốt và phần lớn là đầu ngành có thị phần cao mới có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt hơn phần còn lại. Tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế, chính trị như hiện nay và đầu chu kỳ phục hồi như vậy là chấp nhận được”, ông Hà chia sẻ.

Ở góc độ đầu tư, ông Hà cho rằng thị trường hiện tại vẫn trong trạng thái đầu cơ và kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự luân phiên giữa các nhóm ngành có mức tăng trưởng dương về lợi nhuận. Trong khi đó, để thị trường có thể tăng mạnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng phải đóng vai trò dẫn dắt, các ngành khác luân phiên nhau và phân hóa, thời điểm này có thể là tháng 6 hoặc tháng 7. Còn trong tháng 5, ông Hà cho rằng những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, dầu khí và thép có thể là các nhóm ngành mà nhà đầu tư nên quan tâm.

Top 5 vốn hóa có gì?

Thời điểm cuối quý I/2024, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Vinhomes và PV GAS là 5 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE. Kết quả kinh doanh của Top đầu vốn hóa cũng có sự phân hóa trong quý đầu tiên của năm 2024.

Quý I/2024 có thể nói là không thuận lợi với “quán quân vốn hóa” khi doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của Vietcombank đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu nhập chính đến từ lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm gần 1%, xuống còn hơn 14.078 tỉ đồng trong quý I. Các nguồn thu từ lãi dịch vụ, kinh doanh ngoại hối hay mua bán chứng khoán kinh doanh cũng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank giảm hơn 4,5% so với quý I/2023, còn hơn 8.585 tỉ đồng.

BIDV và VietinBank thì tăng trưởng nhẹ trong quý I/2024. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của mỗi ngân hàng lại mang một màu sắc riêng biệt. VietinBank tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, quý đầu tiên của năm nay, ngân hàng này thu về hơn 15.174 tỉ đồng từ lãi thuần, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các nguồn thu khác cũng có sự phân hóa đáng kể. Trong khi kinh doanh ngoại hối và hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, thì lãi từ dịch vụ và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại không khả quan trong quý này. Cùng với đó, VietinBank cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 8.000 tỉ đồng trong quý đầu năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, lãi sau thuế của ngân hàng này chỉ còn hơn 4.831 tỉ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khác với VietinBank, BIDV tăng trưởng lên đến 6,4% về lợi nhuận sau thuế, trong khi thu nhập từ lãi thuần lại giảm 2,8% so với cùng kỳ trong quý I/2024. Nguyên nhân là do các hoạt động ngoài lãi như lãi/lỗ từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV cũng giảm hơn 20% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 4.390 tỉ đồng, giúp lợi nhuận của ngân hàng này tăng trưởng hơn 6% mặc dù hoạt động kinh doanh chính đi lùi.

Các thương hiệu lớn ngành ngân hàng chỉ ghi nhận sự biến động dưới 2 con số về lợi nhuận trong quý I/2024. Trong khi đó, lợi nhuận của “đại gia bất động sản” Vinhomes và “đại gia tiền mặt” PV GAS lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế của Vinhomes giảm hơn 92% so với quý I/2023 do số lượng bất động sản bàn giao tới khách hàng sụt giảm, làm giảm lợi nhuận gộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Hoạt động tài chính cũng không mấy khả quan do sự sụt giảm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng các khoản đầu tư. Kết quả, Vinhomes đã trở thành nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận toàn ngành trong quý I/2024.

Dẫu vậy, khi nhìn về bức tranh của ngành bất động sản, bà Nguyễn Thu Hằng, Tổng Giám đốc Vinhomes, đánh giá: “Về phía cầu, chúng tôi cho rằng nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn, vì xu hướng đô thị hóa vẫn tiếp diễn và việc đầu tư hạ tầng của các tỉnh, thành phố vẫn được đẩy mạnh. Điều này sẽ thúc đẩy các dự án bất động sản ra đời. Ngoài ra, dân số Việt Nam tương đối trẻ, nhu cầu an cư vẫn rất lớn”.

Về phía cung, CEO của Vinhomes nhận định nguồn cung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng sẽ phục hồi, song ở mức hạn chế, nhất là các dự án có sản phẩm tốt, có pháp lý đảm bảo, vị trí đẹp và tiện ích đồng bộ.

Trở lại với bức tranh kinh doanh của Top 5 vốn hóa, dù lợi nhuận sụt giảm tới 2 con số trong quý I/2024, PV GAS vẫn có những dấu ấn rất riêng của “đại gia tiền mặt”. Trong kỳ, doanh thu thuần tăng hơn 10% so với cùng kỳ, nhưng do giá vốn bị đẩy lên tới 20% khiến lợi nhuận gộp của PV GAS xuống còn gần 3.700 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm cả về giá bán trên hợp đồng và sản lượng khí tiêu thụ dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm tương ứng. Dù vậy, “đại gia tiền mặt” vẫn rất “giàu có” thể hiện qua quy mô tài sản. Cuối quý I/2024, lượng tiền mặt (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng) của PV GAS lên tới 42.613 tỉ đồng, chiếm hơn 46% tổng tài sản.

Với lượng tiền mặt dồi dào, PV GAS thu về hơn 436,3 tỉ đồng tiền lãi, tuy có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước do mặt bằng lãi suất thấp, nhưng ước tính mỗi ngày PV GAS “ngồi không” cũng thu về hơn 4,8 tỉ đồng.

Có thể thấy, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, mà ngay cả những doanh nghiệp đầu ngành cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Chính phủ, nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong năm 2024 nhưng sẽ có sự phân hóa nhất định trong từng nhóm ngành, từng doanh nghiệp cụ thể.

Nguồn: NCĐT