Bùng nổ hậu Covid-19 và dự đạt quy mô 56 tỷ USD vào năm 2026, thị trường TMĐT đang dẫn đầu xu hướng khởi nghiệp Việt Nam

20/04/2022

Thậm chí, không chỉ các "tay chơi" hiện hữu, loạt startup về TMĐT cũng nở rộ thời gian gần đây khi ngành FMCG dẫn đầu trong số 11 lĩnh vực của xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2021. Và dù được chú trọng phát triển 2 năm qua, vẫn còn rất nhiều bất cập trong công cuộc số hoá tại nhiều doanh nghiệp.

Là quốc gia phát triển rất nhanh về đối tượng tiêu dùng trẻ cũng như xu hướng tiêu dùng nhanh, hiện đại hoá… thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ những năm gần đây, đặc biệt sau Covid-19.
 
Theo Báo Cáo từ Sách trắng TMĐT Việt Nam (Vietnam E-commerce White book) do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số Việt Nam (IDEA) phát hành, ngành TMĐT Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 18% vào năm 2020 với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Thậm chí, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) dự kiến là 56 tỷ USD vào năm 2026.
 
Như vậy, TMĐT được đánh giá là bài toán sống còn của các doanh nghiệp bán lẻ trong thời buổi hiện nay. Thậm chí, không chỉ các "tay chơi" hiện hữu, loạt startup về TMĐT cũng nở rộ thời gian gần đây khi ngành FMCG dẫn đầu trong số 11 lĩnh vực của xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2021. Và dù được chú trọng phát triển 2 năm qua, vẫn còn rất nhiều bất cập trong công cuộc số hoá tại nhiều doanh nghiệp.
 
Chia sẻ sâu về vấn đề này, ông Tình Nguyễn, giám đốc điều hành Vietnam MarTech, cho biết hệ sinh thái TMĐT ở thị trường toàn cầu cũng như Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc trong môi trường kinh doanh của ngành TMĐT, ông và nhiều chuyên gia trong ngành đều nhận ra nhận ra rằng có một sự ngắt kết nối rất lớn giữa các doanh nghiệp TMĐT với các đơn vị cung cấp, phân phối hay phát triển các công cụ, công nghệ họ đang sử dụng hoặc nên sử dụng.
 
Nói cách khác, bản thân các doanh nghiệp hay nhà bán đang rất loay hoay không biết mình cần phải đầu tư các công cụ, công nghệ nào trong hoạt động kinh doanh và nếu có thì cũng khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.
 
Chưa kể, trong ngành TMĐT, mỗi bên liên quan đều đang gặp phải các vấn đề của riêng mình. Cụ thể là, đối với các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT thường đưa ra lời khuyên mang tính chất chung chung, phổ quát về các công cụ mà họ muốn sử dụng, tạo ra quy trình hợp lý cho họ chứ không thực sự hướng đến các nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp TMĐT.
 
Ngược lại, đối với các doanh nghiệp TMĐT mặc dù luôn có nhu cầu rất lớn trong việc chuyển đổi số và sẵn sàng đầu tư lớn cho việc ứng dụng công nghệ nhưng họ lại phải chịu áp lực lớn về cơm áo gạo tiền, ghi nhận tại báo cáo toàn cảnh các công cụ, công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực TMĐT (Ecommerce Technology Landscape 2022 for Vietnam Ecommerce Merchants) do Vietnam MarTech xây dựng chính thức công bố phiên bản đầu tiên.
 
"Hầu như các nhà bán luôn phải chạy theo kênh tiếp thị, theo các chỉ tiêu doanh số mà không có thời gian để nghiên cứu chính xác các công cụ, công nghệ và tài nguyên mà họ cần, chưa nói tới việc tìm chúng ở đâu", báo cáo nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, công nghệ vốn là lĩnh vực luôn đòi hỏi sự cập nhật liên tục, các chủ doanh nghiệp TMĐT không có đủ thời gian để bắt kịp với những thay đổi ngày nhanh như vũ bão của các xu hướng mới.
 
Một nghịch lý khác là bản thân các công ty công nghệ nói chung và trong lĩnh vực TMĐT nói riêng thường hạn chế trong khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm so với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Họ có xu hướng không giỏi trong việc quảng bá sản phẩm của chính mình và không cũng không thích nói về giá cả, sự cạnh tranh và những hạn chế của họ.
 
Ngoài ra, kiến thức và sự hiểu biết, kinh nghiệm sâu sắc toàn diện về lĩnh vực công nghệ là rào cản chung khiến cho quá trình tiếp thị và tiếp cận doanh nghiệp TMĐT của các công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là các công ty truyền thông chuyên cho ngành TMĐT dường như tập trung vào tiếp thị và giáo dục hơn là phân tích các công cụ và công nghệ. Tương tự, các nền tảng đánh giá công nghệ như G2Crowd, Capterra thì tập trung quá rộng vào các công nghệ dành cho các doanh nghiệp TMĐT vừa và nhỏ.
 
Và những đánh giá này cần có thêm tiếng nói có giá trị của các chuyên gia và những người hiểu biết sâu về công nghệ và về ngành TMĐT. Do đó, giải pháp cần thiết theo các chuyên gia là phải kết nối được các doanh nghiệp trụ cột và các thành viên liên kết trong ngành TMĐT. Song song, chúng ta cũng cần cung cấp cho người mua công nghệ cái nhìn tổng thể về bối cảnh công nghệ và những người tham gia thị trường TMĐT.

Nguồn: Trí thức trẻ