Chu kỳ kinh tế và nỗi niềm khủng hoảng mỗi 10 năm

12/11/2021
Bất kì quá trình phát triển kinh tế nào cũng luôn tồn tại những biến động khó lường trước, có thể là do sự thay đổi cung cầu, sản lượng, lạm phát, lãi suất hay tình trạng thất nghiệp,… Đó là những đặc điểm chung của một nền kinh tế thị trường, qua góc nhìn lịch sử, mỗi nền kinh tế sẽ không tăng trưởng theo một trạng thái ổn định mà sẽ có lúc thịnh, lúc suy. Những biến đổi đó có tính chu kỳ, và được gọi là ‘Chu kỳ kinh tế’.
 
Chu kỳ kinh tế là gì ?
 
Chu kỳ kinh tế (Economic Cycle) hay Chu kỳ kinh doanh (Bussiness Cycle) là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái biến động của nền kinh tế thị trường từ các giai đoạn mở rộng cho đến suy thoái và có tính chu kỳ.

Trong thế giới hiện đại ngày nay đa phần các nền kinh tế đều là nền kinh tế thị trường và do đó phụ thuộc bởi quy luật cung-cầu, cung và cầu quyết định giá cả nói riêng và ảnh hưởng đến nền kinh tế theo những biến số khác nhau. Có thể liệt kê ra như cán cân thương mại, năng suất, lạm phát, lãi suất hay tỉ giá hối đoái… các biến số này định hình và duy trì trạng thái của nền kinh tế nói chung.

Chu kỳ kinh tế có thể hiểu như sự chuyển động lên xuống của GDP, yếu tố quyết định sự tăng trưởng dài hạn tổng thể của mọi nền kinh tế. Về cơ bản, GDP, lãi suất, lạm phát, tỷ lệ công ăn việc làm hay chi tiêu tiêu dùng… đều là những chỉ báo giúp chúng ta đánh giá và hiểu rõ hơn về nền kinh tế đang ở giai đoạn nào.
 
Các pha của chu kỳ kinh tế
 
Quá trình biến động này về cơ bản có thể chia ra làm 03 giai đoạn:
 
Suy thoái: Là pha thu hẹp của nền kinh tế, sản lượng thực tế rời từ đỉnh xuống dưới sản lượng tiềm năng và tiến tới đáy của chu kỳ. Trong giai đoạn suy thoái có thể thấy rõ nhất sản lượng kinh tế giảm sút, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường hàng hóa, dịch vụ, vốn…bị thu hẹp đáng kể và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
 
Đặc trưng của pha suy thoái là sự sụt giảm GDP thực tế, ở Mỹ và Nhật Bản thì quy định rằng khi tốc độ tăng trưởng GDP bị âm trong 2 quý liên tiếp thì đó là pha suy thoái.
 
Phục hồi: Là pha mở rộng, tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Trong đó sản lượng thực tế từ vị trí đáy của chu kỳ tăng trở lại mức sản lượng tiềm năng và tiến tới đỉnh mới của chu kỳ. Giai đoạn này đặc trưng bởi tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập tăng, thị trường hàng hóa và dịch vụ sôi động trở lại, tỷ lệ hàng tồn kho giảm để đáp ứng theo nhu cầu tái thiết của thị trường.
 
GDP trong giai đoạn này sẽ tăng trở lại bằng với mức trước suy thoái, điểm ngoặt giữa hai giai đoạn suy thoái-phục hồi chính là đáy của chu kỳ kinh tế.
 
Hưng thịnh: Đây là giai đoạn đạt đỉnh của chu kỳ kinh tế. Sản lượng thực tế, năng suất, công ăn việc làm, hoạt động tiêu dùng, sản xuất của nền kinh tế đạt đến mức cực đại. Về cơ bản, đây là giai đoạn mà nền kinh tế đã chạm tới mức cao nhất, thị trường đã phát triển hết tiềm năng của nó.
 
GDP trong giai đoạn này tiếp tục tăng nhanh và vượt qua mức trước lúc suy thoái. Nền kinh tế đang ở đỉnh cao của nó, trước khi bắt đầu một pha suy thoái mới thể hiện bởi điểm ngoặt từ pha hưng thịnh sang pha suy thoái, và được gọi là đỉnh của một chu kỳ kinh tế.

Tầm quan trọng của chu kỳ kinh tế
 
Với đa phần những nền kinh tế thị trường hiện nay thì yếu tố quyết định sự thành công của mô hình kinh tế này chính là sự luân chuyển giữa cung và cầu, hay về cơ bản làm cho cuộc sống của mỗi người dân tốt hơn bằng cách sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn hàng hóa và dịch vụ theo thời gian.
 
GDP thể hiện lên mức sống của một quốc gia, phản ánh lượng hàng hóa sản xuất và tiêu dùng. Việc GDP tăng đồng nghĩa với một nền kinh tế phát triển thành công. GDP chính là con số để chúng ta có thể đánh giá xem nền kinh tế đang ở giai đoạn nào của chu kỳ, hay nói cách khác tất cả mọi hoạt động kinh tế đều bị tác động bởi trạng thái của chu kỳ kinh tế đó.
 
Khi nền kinh tế trong giai đoạn phát triển, mở rộng thì các doanh nghiệp sẽ tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, nhu cầu về hàng hóa và sản xuất được ổn định, chi tiêu tiêu dùng tăng cao từ đó dẫn tới nhiều hệ quả tích cực như tạo ra nhiều việc làm hơn, giữ lạm phát ở mức ổn định…
 
Ngược lại khi nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái thì nguồn lợi từ các hoạt động kinh tế cũng giảm đi, việc làm cũng ít đi, thu nhập khả dụng và chi tiêu tiêu dùng cũng từ đó giảm sút, thị trường hàng hóa và sản xuất hoạt động kém linh hoạt.
 
Kinh tế là một vòng luẩn quẩn và có tính lặp nên cần được mở rộng liên tục. Tuy nhiên, cần có các biện pháp để kiểm soát tốt nhằm đảm bảo nền kinh tế nằm trong tầm kiểm soát và không phát triển quá nóng. Một nền kinh tế phát triển quá nóng, quá nhanh là một nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ trong một thời gian dài nhưng dễ đẩy lạm phát tăng cao. Và lạm phát quá cao dẫn đến sự kém hiệu quả trong một nền kinh tế thị trường.
 
Nếu không có biện pháp giúp kiểm soát tốt nền kinh tế đang tăng trưởng quá nhanh thì có thể dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực từ đầu cơ, bong bóng tài chính, lạm phát cao và cuối cùng là “Khủng hoảng kinh tế”.
 
Ổn định kinh tế vĩ mô
 
Nếu nhìn lại các cuộc khoảng hoảng kinh tế thế giới đã xảy ra như cuộc khủng hoảng vào năm 1930 đã châm ngòi cho Thế chiến thứ 2, hay gần đây như vào năm 1987, 1997 hay 2008 có thể thấy được thời gian mà một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra ngày càng ngắn, nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng cứ mỗi 10 năm, kinh tế thế giới sẽ có chiều hướng biến động tiêu cực 01 lần, hay tệ hơn nữa là trở thành một cuộc khủng hoảng.
 
Năm 2020, bắt đầu với đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhưng xét theo góc độ kinh tế học nói riêng thì năm 2020 là một năm buồn của nền kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, giá dầu lao dốc, nhu cầu USD tăng đột biến đã làm cho nền kinh tế thế giới nói chung bị chao đảo, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới lại sắp xuất hiện ngày càng rõ nét.
 
Vậy nên để có một nền kinh tế hoạt động có hiệu quả và đạt được sự hưng thịnh trong dài hạn thì mỗi quốc gia cũng cần có những cách thức riêng để kiểm soát và ổn định lại chu kỳ kinh tế của chính mình. Hiện nay vòng luẩn quẩn về kinh tế này được đồng thời kiểm soát bởi Chính phủ và Ngân hàng trung ương.
 
Ở đây, chính sách tài khóa là công cụ ưu việt nhất nhằm trợ giúp Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Khi nhận thấy nền kinh tế đang bế tắc hay gặp khủng hoảng, Chính phủ có thể cho mở rộng chính sách tài khóa. Ngược lại sẽ siết chặt chính sách này khi thị trường đã vượt quá tiềm năng của nó. Cùng mục đích đó, ngân hàng trung ương sẽ dùng các chính sách tiền tệ. Khi chu kỳ gần chạm đáy, ngân hàng trung ương hạ lãi suất hoặc sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng và ngược lại để ngăn các pha tăng trưởng chạm đỉnh.

Nguồn: Thương trường