Chủ tịch Thế Giới Di Động nói về lần đầu không đạt kế hoạch

04/04/2023

Người đứng đầu tập đoàn nhìn nhận doanh nghiệp đã dám thử nghiệm và chấp nhận sửa sai, đồng thời đang chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phục hồi trở lại.

Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – vừa nêu những thông điệp mới đến cổ đông, khách hàng và người lao động trong báo cáo thường niên 2022.
 
Doanh nghiệp trải qua năm 2022 đầy thách thức do yếu tố khách quan là tình hình vĩ mô không thuận lợi và cả nguyên nhân chủ quan là quyết định tái cấu trúc quyết liệt để vận hành tinh gọn, hiệu quả hơn.
 
Tập đoàn bán lẻ này ghi nhận doanh thu thuần hơn 133.400 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm 8% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 4.100 tỷ đồng.
 
"Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, MWG chỉ hoàn thành được 95% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch", ông Tài thừa nhận.
 
Sau nhiều năm tăng trưởng cao và liên tục dồn sức cho mở rộng, những “cơn gió ngược” trong năm 2022 được xem là cơ hội để công ty tập trung rà soát hoạt động kinh doanh và củng cố nội lực.

Hiện MWG là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với quy mô doanh thu 5,5 tỷ USD và mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng trên toàn quốc. Nhà sáng lập nói rằng dám thử nghiệm và chấp nhận sửa sai là không thể thiếu để tạo ra những động lực tăng trưởng và phát triển vượt bậc trong tương lai.
 
Thực tế, thử nghiệm của tập đoàn này vẫn có những kết quả đáng kể như chuỗi Điện Máy Xanh Supermini (mô hình cửa hàng siêu nhỏ) đã mang về doanh thu 10.000 tỷ đồng từ hơn 1.000 điểm bán, chỉ sau hơn 2 năm mở rộng.
 
Hay TopZone – chuỗi cửa hàng ủy quyền chính hãng chuyên kinh doanh các sản phẩm Apple tại Việt Nam được ra mắt từ tháng 10/2021 – đóng góp hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu từ 100 điểm bán.
 
Người đứng đầu tập đoàn cũng thẳng thắn nhìn nhận còn có những thứ chưa làm tốt, những điều chỉnh cần thực hiện để tồn tại và thích nghi với điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, những cản trở phải mạnh mẽ cắt bỏ để công ty có thể đi xa hơn.
 
Như chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh đã trải qua cuộc “đại phẫu” toàn diện; bao gồm tái định vị thương hiệu từ mô hình “chợ hiện đại” thành “siêu thị mini”, nâng chất lượng sản phẩm, cắt giảm một loạt cửa hàng không hiệu quả.
 
Sau tái cấu trúc, tập đoàn này chỉ còn quản lý 1.728 cửa hàng (giảm gần 20% so với 2021). Doanh thu trung bình trong những tháng cuối năm ổn định ở mức 1,3-1,4 tỷ đồng/cửa hàng.
 
Dù giảm số lượng điểm, tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 (khi khách hàng tích trữ hàng thiết yếu trong các đợt bùng phát dịch Covid-19).
 
Chuỗi nhà thuốc An Khang sau khi đạt quy mô 500 cửa hàng đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận.
 
MWG còn chủ động thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai.
 
"Tôi tin rằng mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, là trải nghiệm quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo kế thừa luôn tỉnh táo, thận trọng và kỷ luật trong các quyết sách điều hành", ông Tài nhìn nhận.
 
Đối với bức tranh kinh doanh 2023, người đứng đầu tập đoàn đưa ra góc nhìn có phần bi quan khi khách hàng có tâm lý tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong năm 2023.
 
Các diễn biến vĩ mô bất lợi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi đó, các doanh nghiệp không đủ sức chống chịu, không có khả năng cạnh tranh sẽ phải rời khỏi thị trường.
 
Dù vậy, trong khó khăn luôn có cơ hội, chủ tịch MWG nói rằng sự chủ động giải quyết các vấn đề nội tại và với lợi thế tài chính vững vàng sẽ là nền tảng cho doanh nghiệp sẵn sàng bứt phá khi hoạt động sản xuất, tiêu dùng hồi phục trở lại.

Nguồn: Zingnews