Chuyên gia giải thích nguồn gốc con số 90% trên bảng thuế của ông Trump
Mỹ áp thuế cao kỷ lục với Việt Nam, lên tới 46%, dựa trên chênh lệch thương mại. Tính toán này phản ánh chiến lược điều chỉnh thuế nhằm cân bằng thương mại song phương.

Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan đối ứng với mọi quốc gia.
Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, bắt đầu từ ngày 5/4. Ngoài ra, Washington sẽ tăng thuế, với mức thuế bổ sung có hiệu lực từ ngày 9/4. Theo Reuters, chính sách này dự kiến ảnh hưởng đến khoảng 60 quốc gia.
Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế cao nhất, lên tới 46%, trong khi Lào phải đối mặt với thuế suất 48% và Campuchia là 49%. Trung Quốc, vốn đã bị áp thuế 20% trước đó, nay phải gánh thêm 34% nữa, nâng tổng mức thuế lên 54%.
Trong bảng tính thuế được ông Trump giơ lên, nhiều người thắc mắc Tổng thống Mỹ tính như thế nào để ra con số 90% cho Việt Nam. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mức thuế mới của Mỹ áp dụng đối với Việt Nam, lên tới 46%, được tính toán dựa trên chênh lệch thương mại giữa hai nước.
Để dễ hình dung, ông Long đưa ví dụ một cách đơn giản: Giả sử Việt Nam xuất sang Mỹ 100 đồng nhưng chỉ nhập khoảng 10 đồng dẫn đến việc Mỹ thâm hụt thương mại song phương là khoảng 90 đồng, đồng nghĩa với 90%. Trong phương pháp tính thuế, chính quyền Mỹ chia đôi con số này, tức khoảng 45%, làm cơ sở để xác định mức thuế bổ sung.
Trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã công bố công thức tính thuế chi tiết hơn, dựa trên một mô hình phân tích nhiều yếu tố.
Theo đó, ngoài số liệu về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, mô hình này còn xem xét mức độ biến động của nhu cầu và giá cả, cũng như các yếu tố có thể gây bất lợi cho hàng hóa Mỹ tại thị trường nước ngoài. Những yếu tố này bao gồm các chính sách quy định, môi trường kinh doanh, sự khác biệt về thuế tiêu thụ và thậm chí cả các hành vi bị coi là thao túng tiền tệ. Dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu được sử dụng trong tính toán dựa trên số liệu của Cục Thống kê Mỹ năm 2024.
Trong đó, x là kim ngạch xuất khẩu; m là kim ngạch nhập khẩu; ε là mức độ biến động về nhập khẩu nếu giá sản phẩm thay đổi; φ là mức độ ảnh hưởng lên giá của thuế nhập khẩu.

Công thức trên giúp xác định mức thuế quan cần thiết để Mỹ điều chỉnh thâm hụt/thặng dư thương mại với một quốc gia cụ thể. Nếu Mỹ nhập siêu từ một nước, thì họ cần tăng thuế để giảm nhập khẩu và cân bằng thương mại. Ngược lại, nếu Mỹ xuất siêu họ có thể giảm thuế để kích thích nhập khẩu.
Nguồn: Cafebiz