Có đúng là “nhân tài không bỏ việc, họ chỉ rời bỏ người sếp tồi?”

26/11/2018
Thực tế nhiều người bỏ việc không phải vì sếp, mà vì các yếu tố khác nữa. Và trước khi chỉ trích sếp, hãy hiểu rằng để ngồi vị trí đó, họ cũng có những kinh nghiệm, kỹ năng đáng quý để mỗi chúng ta học hỏi.

Nhân tài không bỏ việc, họ chỉ rời bỏ những người quản lý yếu kém. Đây là nhận định chúng ta thường thấy trên các bài báo gần đây về vấn đề nhân sự. Theo đó, một người sếp tồi sẽ đẩy nhân viên vào tình trạng mệt mỏi, chán nản, mỗi ngày đi làm là một ngày căng thẳng, áp lực. Sếp tồi khiến nhân viên luôn tồn tại suy nghĩ muốn nghỉ việc và cho đến một ngày đẹp trời, họ quyết định nghỉ việc thật.
 
Đây là thực tế, cũng là tâm lý chung của nhiều nhân sự, đặc biệt những nhân sự trẻ trong lứa tuổi 23-34 hiện nay.
 
 
Giám đốc điều hành Navigos Search – Bà Nguyễn Phương Mai
 
Không phủ định vai trò quan trọng của sếp trong quyết định đi hay ở của nhân sự, nhưng bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search cho rằng sếp chỉ là một trong những yếu tố tác động đến quyết định nghỉ việc của nhân viên. "Những yếu tố quan trọng không kém là môi trường văn hóa, cơ hội phát triển nghề nghiệp, cơ hội cọ xát, đối đầu với thử thách cho nhân viên như thế nào", bà Mai khẳng định tại buổi giao lưu trực tuyến "Bí quyết nhảy việc: "Cuộc sống bế tắc hay cuộc đời nở hoa", tất cả phụ thuộc vào bạn!" do CafeF tổ chức chiều 23/11.

Quan điểm của bà Mai cũng trùng với một nghiên cứu của Harvard Business Review trước đây, thực hiện trên 700 nhân viên ở một công ty công nghệ đa quốc gia. Ban đầu nhóm nghiên cứu yêu cầu nhân viên đưa ra điểm số đánh giá chất lượng lãnh đạo của các vị sếp dựa trên một vài tiêu chí nhất định. 8 tháng sau họ quay lại, đã có 128 nhân viên nghỉ việc. Nhóm nghiên cứu nhờ đơn vị tư vấn độc lập tìm hiểu lý do nhóm nhân sự rời công ty, và quan trọng nhất là liệu đánh giá của họ về sếp cũ có thay đổi.
 
Kết quả là suy nghĩ của nhân viên về sếp cũ vẫn rất tích cực. Từ đó nhóm nghiên cứu rút ra kết luận: Sếp dù có tốt, lãnh đạo dù có giỏi cũng không thể làm giảm tỷ lệ nhân viên muốn thay đổi công việc. Những người này ra đi để tìm kiếm cơ hội làm việc với mức lương tốt hơn, trách nhiệm cao hơn và nhiều thứ khác nữa.
 
Nhân viên nên xem lại bản thân trước khi đánh giá sếp tồi
 
Theo chia sẻ của BTV Trung tâm tin tức VTV24 Dương Ngọc Trinh, cũng như Founder/CEO MEG Creative Nguyễn Hùng, trước khi nhận xét về sếp thì mỗi nhân viên nên xem lại bản thân mình.
 
BTV Dương Ngọc Trinh đặt câu hỏi
 
"Bản thân những người nhân viên nhận xét là sếp của mình "tồi" thì phải xét lại quan điểm của mình bởi với những người được chọn ở vị trí đứng đầu họ có sứ mệnh của họ, nếu chỉ vì góc nhìn khác nhau mà đánh giá như vậy liệu có hơi cực đoan?", BTV Ngọc Trinh đặt câu hỏi.

"Tôi có một phần chia sẻ suy nghĩ như chị Trinh. Theo tôi, không có định nghĩa về sếp tồi. Một người nhân viên nên xem lại bản thân trước khi đánh giá sếp tồi. Bất cứ ai khi đã trở thành sếp đều đã có đủ thời gian, trải nghiệm để nắm giữ vai trò của họ. Khi đi theo họ thì chúng ta đều ít nhiều học được điều gì đó", CEO MEG Creative cho biết.
 
Anh Nguyễn Hùng cũng tiết lộ cho đến bây giờ anh vẫn rất tôn trọng những người sếp cũ của mình, những người đã ảnh hưởng và tạo nên con người của anh ngày hôm nay. "Người sếp nào cũng cho tôi những kinh nghiệm quý giá, con người của tôi bây giờ là hình thành từ những ý thức hệ của họ", CEO MEG Creative nhấn mạnh.
 
Vậy khi nào nhân viên nên bỏ việc vì có người sếp tồi? Câu trả lời phụ thuộc vào trường hợp của từng cá nhân. Tuy nhiên theo Blogger Truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, trong trường hợp thực sực cần tiền, cần việc mà chẳng may gặp sếp tồi, nhưng sếp vẫn trả đủ lương thì anh sẽ không nhảy việc.
 
"Tôi biết ở từng thời điểm, điều gì là quan trọng nhất với mình", blogger này nhấn mạnh.

(Nguồn: Sưu tầm)