Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết phân hoá mạnh

08/04/2024

Ngành ngân hàng được dự báo sẽ giữ nhịp tăng trưởng và ngành thép và bán lẻ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật trong khi ngành bất động sản sụt giảm.

Ngành ngân hàng dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. Ảnh: Hoàng Anh

Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường có thể đạt mức tăng 15% trong quí I năm nay so với cùng kỳ hỗ trợ bởi mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm trước và mặt bằng lãi suất thấp.

Dự báo này được công ty chứng khoán MBS đưa ra trong báo cáo phân tích lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quý I cũng như triển vọng tăng trưởng cả năm 2024.

Các chuyên gia MBS dự báo ngành ngân hàng trong quí I năm nay sẽ giữ nhịp tăng trưởng cho toàn thị trường với ước tính lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ. Dù cầu tín dụng vẫn đang cho thấy sự suy yếu, trong quý I sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Các ngân hàng có lơị thế riêng về mảng cho vay như HDBanh, Techcombank hoặc những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng như BIDV, Sacombank sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành.

Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật khác bao gồm thép tăng 163% và bán lẻ tăng 49% tới từ mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, một số doanh nghiệp bán lẻ được dự báo tăng trưởng mạnh như Thế Giới Di Động. Lợi nhuận quý I của công ty được dự báo sẽ phục hồi, tăng gần 18 lần so với mức nền rất thấp cùng kỳ khi mặt bằng giá chung các sản phẩm sẽ tốt hơn so với cùng kỳ.

Trong khi đó chuỗi Bách Hóa Xanh duy trì với doanh thu trên mỗi cửa hàng đạt 1,8 tỷ đồng/tháng với tổng cửa hàng tương đương cuối năm 2023. Lợi nhuận cả năm dự báo tăng gần 15 lần.

Với FPT Retail, quý I được dự báo sẽ phục hồi so với mức nền rất thấp cùng kỳ khi mặt bằng giá chung các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin sẽ tốt hơn và hệ thống Long Châu duy trì sự ổn định về doanh thu. Theo đó, lợi nhuận quý I của công ty được dự báo tăng 866% và cả năm tăng 166% so với cùng kỳ.

Ngành thép dự kiến bước vào chu kì hồi phục trong bối cảnh giá nguyên vật liệu giảm nhanh hơn giá thành phẩm do áp lực đến từ Trung Quốc, nhu cầu nội địa dự kiến tăng trưởng 3% so với cùng kỳ và giá xuất khẩu tăng trưởng 7%.

Do đó, doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát dự kiến sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 736% trong quý I và 92% trong cả năm 2024 từ mức nền thấp của năm ngoái.

Các “ông lớn” khác là Nam Kim và Hoa Sen cũng lần lượt được kỳ vọng tăng trưởng 374% và 63% lợi nhuận trong năm nay.

Ở chiều ngược lại, một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như bất động sản giảm 25% so với cùng kỳ do không còn nhiều dự án để ghi nhận dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn.

Với nhóm bất động sản, MBS dự phóng lợi nhuận ròng của Nam Long tăng trưởng 526% trong quý I/2024. Đất Xanh cũng được dự báo tăng trưởng 124%, chuyển từ lỗ sang lãi nhờ vào doanh thu từ bàn giao dự án Opal Skyline và cư sự hồi phục khiêm tốn của mảng môi giới bất động sản.

Ở nhóm dầu khí, MBS dự báo có diễn biến phân hóa do kỳ vọng chủ yếu tới từ khu vực thượng nguồn nhờ đại dự án Lô B – Ô Môn, các dự án điện gió ngoài khơi và giá cho thuê giàn khoan đang ở mức cao kỷ lục, mang lại kỳ vọng tích cực đối với các doanh nghiệp như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam hay PVTrans.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trung và hạ nguồn có thể ghi nhận tăng trưởng âm khoảng do rủi ro thiếu khí của Tổng công ty Khí Việt Nam và Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng từ giữa tháng 3/2024 kéo theo sản lượng có thể giảm.

Cũng theo MBS, sự phân hóa kết quả lợi nhuận cũng được ghi nhận ở ngành điện. Lợi nhuận ròng quý I/2024 của PC1 dự kiến tăng mạnh từ mức nền rất thấp năm ngoái, hỗ trợ bởi chi phí lãi vay có xu hướng giảm và đóng góp bổ sung từ mảng kinh doanh mới là niken, với giá niken đang có xu hướng tăng trở lại từ tháng 3/2024.

Với Nhiệt điện Phả Lại, lợi nhuận quý I/2024 tăng trưởng mạnh chủ yếu do cùng kỳ năm ngoái nhà máy phải dừng hoạt động một phần để sữa chữa. Trong khi đó, lợi nhuận của Gelex được dự báo tăng trưởng 286% so với nền thấp năm ngoái.

Gần đây, cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ mới được bán hành sẽ hỗ trợ triển vọng ngành điện trong cả ngắn và dài hạn, đặc biệt các doanh nghiệp điện khí và điện năng lượng tái tạo.

Nguồn: The Leader