Thị trường edtech Việt Nam: “Miếng bánh” không dễ …

Thị trường công nghệ giáo dục (edtech) của Việt Nam đang bùng nổ trong bối cảnh nhu cầu học trực tuyến tăng cao. Nhưng, có vẻ cũng đầy thách thức…

Thị trường edtech Việt Nam đang ở thời kỳ "Bách gia tranh mình"

Sự bùng nổ của thị trường edtech Việt Nam
 
Theo báo cáo của Ken Research, thị trường edtech Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 – 2023. Sự trỗi dậy của edtech tại Việt Nam là một dấu hiệu hy vọng cho thấy lực lượng lao động của đất nước sẽ được trang bị tốt hơn cho một thị trường số hóa và toàn cầu hóa. Nhiều tập đoàn lớn và các startup đều đang nỗ lực để chia sẻ một phần của “miếng bánh” này.

 
Tập đoàn FPT là nhà cung cấp CNTT phổ biến nhất tại Việt Nam và đang ngày càng trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực edtech. Ứng dụng của họ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh trải nghiệm học tập phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng học sinh. Theo FPT, có khoảng 40.000 trường học duy trì 3 triệu tài khoản.
 
Nhưng, không chỉ có các công ty trong nước đang có những bước phát triển nhảy vọt trong ngành edtech mà nhiều “ông lớn” ở các quốc gia như Australia, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc đều đã nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam và họ bắt đầu đưa các mô hình edtech vào một cách mạnh mẽ hơn.
 
Mới đây nhất, tập đoàn Gakken Holdings của Nhật Bản đã bắt tay với công ty Việt Nam KiddiHub Education Technology, nhà cung cấp thông tin cho các trường mẫu giáo. Gakken đang hy vọng sử dụng sự hiện diện trực tuyến đã được thiết lập của KiddiHub để quảng cáo việc học tập tập trung vào các kỹ năng tư duy phản biện cho trẻ em. 
 
Bên cạnh đó, các công ty khởi nghiệp cũng đang thúc đẩy sự bùng nổ của edtech. Tập đoàn Giáo dục EQuest, tập trung vào việc giảng dạy tiếng Anh và giáo dục kỹ thuật số cho lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu, đã nhận được 100 triệu USD đầu tư từ một công ty cổ phần tư nhân của Mỹ KKR vào đầu năm nay.
 
Trước đó, những ứng dụng, nền tảng dạy học trực tuyến như: CoderSchool, Marathon, Elsa, AI Clevai,… cũng đã được đầu tư hàng triệu USD để tham gia vào một cuộc chạy đua thu hút người dùng.

Chính phủ Việt Nam đang tỏ rõ sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ giáo dục.
 
Theo các chuyên gia phân tích, sự bùng nổ của thị trường edtech Việt Nam được cho là do một lượng lớn các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm lao động giá rẻ ở Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang tìm mọi cách để vượt qua rào cản của mức “thu nhập trung bình”, và giáo dục là chìa khóa quan trọng trong lĩnh vực này, đặc biệt là với các kỹ năng kỹ thuật số.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang tỏ rõ sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ giáo dục và đặt ra mục tiêu đưa giáo dục trực tuyến đến 90% trường đại học và 80% trường trung học và đào tạo nghề vào năm 2030.
 
Cùng với đó là sự quan tâm ngày càng tăng đến giáo dục của công chúng, khi mức chi tiêu hàng năm cho lĩnh vực này đã tăng gấp 2 đến 3 lần trong thập kỷ qua. Các hoạt động học tập ngoại khóa, giống như các trường luyện thi, đang được các bậc cha mẹ quan tâm, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Nhưng, cũng đầy thách thức…
 
Việt Nam hiện tại là một trong những quốc gia tiềm năng nhất ở Đông Nam Á với lực lượng lao động CNTT mạnh và kết nối chặt chẽ với các nền kinh tế công nghệ cao của thế giới. Thực tế cho thấy, với cơ cấu dân số trẻ như vậy thì nguồn lực về giáo viên, sách vở, trang thiết bị sẽ cần phải đáp ứng được nhu cầu lớn đó. Đây là không gian tiềm năng để thị trường edtech phát triển mạnh mẽ.

Song, thị trường edtech cũng đầy những rủi ro…
 
Nhưng, một thị trường bùng nổ một cách nhanh chóng cũng có thể đem đến những hệ lụy rủi ro. Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận rằng giáo dục trực tuyến nói riêng và edtech nói chung đang có tốc độ phát triển cao, tuy nhiên, nhu cầu về giáo viên dạy trực tiếp vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.
 
Thứ hai, thị trường edtech sôi động đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp tham gia và cạnh tranh bằng mọi giá. Các công ty cần phải có những chiến lược riêng để nổi bật và giải quyết được nhu cầu thiết thực của người dùng. 
 
Các chuyên gia phân tích cho rằng, không dễ cho các nhà đầu tư edtech tại Việt Nam vì khởi nghiệp trong giáo dục thường là một câu chuyện dài kỳ, khái niệm siêu tăng trưởng dường như không tồn tại trong ngành này. Người chơi phải chuẩn bị trong ít nhất 5 năm để thấy sản phẩm- thị trường phù hợp. Nhưng với các quỹ đầu tư mạo hiểm, hầu hết không có sự kiên trì vì áp lực lợi nhuận luôn đè nặng.
 
Hãy nhìn vào cuộc “tắm máu” các công ty edtech của Trung Quốc trong thời gian qua, bắt nguồn từ những phản ứng dữ dội đối với ngành công nghiệp này, khi việc dạy thêm quá nhiều khiến giới trẻ nước này rơi vào trạng thái trầm cảm và tạo gánh nặng cho phụ huynh với các khoản học phí đắt đỏ. 
 
Nhìn chung, hoạt động giáo dục hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực edtech. Tiềm năng và dư địa phát triển là rất lớn, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định việc đầu tư vào ngành này có thực sự sinh lời hay không, bởi dù sao edtech vẫn được coi là một trong những thị trường “khó nhai” nhất. Cơ hội chỉ đến với người biết tận dụng và thấu hiểu khó khăn.

Nguồn: DĐDN

Làm thế nào để tạo khác biệt khi “xây dựng văn hóa doanh nghiệp”?

Tối ngày 17/12/2021 vừa qua, Viện Quản trị & Công nghệ FSB đã tổ chức thành công buổi hội thảo MBA tái sinh “Khám phá văn hóa doanh nghiệp FPT” trên nền tảng Zoom Meeting với sự tham dự của hơn 500 nhà quản trị trên khắp cả nước.

Buổi webinar với những kiến thức đa chiều và giá trị lần đầu được “bật mí” đến từ các diễn giả – chuyên gia: ông Nguyễn Thành Nam – nguyên TGĐ Công ty Phần mềm FPT, TGĐ Tập đoàn FPT cũng là cha đẻ của cuốn sách “FPT bí lục” và Ông Lâm Minh Chánh – người sáng lập Trường đào tạo QTKD BizUni, Đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam và hội thảo được dẫn dắt đầy sôi động bởi bà Nguyễn Thu Huệ – Nguyên phó ban Văn Hóa tại Tập Đoàn FPT, Nguyên phó ban truyền thông tập đoàn CMC.

Sự kiện đã thu hút hơn 500 khách mời tham dự. Điều gì đã làm nên khác biệt của FPT? Văn hóa FPT tại sao có sức mạnh to lớn như vậy? Và văn hóa FPT đã được xây dựng thế nào để trở nên mạnh mẽ đến thế đã được các diễn giả dần hé lộ tại sự kiện này.
 
FPT đã hình thành và phát triển trong 32 năm qua và trở nên đặc trưng là nhờ vào nét văn hóa tổ chức đặc sắc. Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”.

Với lối chia sẻ gần gũi và giản dị, ông đã đưa khách mời quay trở lại với văn hóa FPT từ thời khai sinh, ông nhấn mạnh “Văn hóa và lãnh đạo là 2 mặt của một vấn đề. Các nhà sáng lập tạo dựng văn hóa tổ chức. Khi văn hóa đã hình thành, nó xác định những tiêu chuẩn để lựa chọn lãnh đạo các thế hệ tiếp sau. Khi một thành tố văn hóa nào không phù hợp nữa, chức năng đặc thù nhất của lãnh đạo là phân biệt và gạn lọc để quản lý sự tiến hóa của văn hóa để tổ chức có thể tồn tại qua các thay đổi của môi trường. Bởi thế muốn tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp tại FPT, cần phải biết những nhà sáng lập là ai và họ đã được lớn lên trong một môi trường văn hóa vĩ mô như thế nào”.
 

 
Thêm vào đó, để làm rõ chủ đề văn hóa doanh nghiệp, FSB tiếp tục phiên tọa đàm cùng 2 diễn giả để trao đổi và thảo luận trực tiếp về những câu hỏi xoay quanh vấn đề ”Làm thế nào để xây dựng văn hóa DN khác biệt”. Với sức nóng từ hơn 500 khách mời tại trường quay ảo FSB Studio, những câu hỏi tọa đàm đã diễn ra hết sức thú vị và bất ngờ mang đến nhiều lời khuyên bổ ích cho học viên.

Tiếp đến phần chia sẻ của ông Lâm Minh Chánh, ông cho rằng “Văn hóa công ty sẽ luôn xuất hiện, dù cho chủ doanh nghiệp, ban điều hành có xây dựng hay không”, con người luôn là điểm tạo nên sự khác biệt của mỗi doanh nghiệp. Nó thể hiện cái chất của “công ty” và đa số cái chất này được tạo ra bởi  những người sáng lập doanh nghiệp.

 
Kết thúc hội thảo, FSB cũng đã chọn và trao 5 suất học bổng trị giá 30% và 50% học phí khóa học khai giảng 27/12 tới cho 5 học viên may mắn đã tích cực tương tác với các diễn giả trong suốt thời gian diễn ra. Văn hóa doanh nghiệp luôn là chủ đề được lãnh đạo quan tâm, trong đại dịch lại càng rõ hơn và đây cũng là tiền đề hứa hẹn với rất nhiều điều thú vị trong khóa học “Khám phá văn hóa doanh nghiệp” tới đây.

Tin FSB

Ngày 28/2 chính thức trở thành ngày Truyền thống của Viện Quản trị & Công nghệ FSB

Ban lãnh đạo Viện Quản trị & Công nghệ FSB đã quyết định chọn ngày 28/2 hàng năm làm Ngày truyền thống FSB.

Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Top 2 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam
 
Viện Quản trị & Công nghệ FSB thuộc Tổ chức giáo dục FPT, là đơn vị triển khai đào tạo các chương trình sau đại học chất lượng và đẳng cấp Quốc tế như: Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA), Thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm (MSE) , các khoá đào tạo ngắn hạn CXM, MiniMBA, MicroMBA…cùng các khoá Quản trị chuyên sâu cho doanh nghiệp.
 
Cuối năm 2020, FSB được vinh danh là Trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam theo công bố của Tổ chức xếp hạng giáo dục toàn cầu Eduniversal. Trong giai đoạn 2021 – 2023, FSB tập trung vào tái cấu trúc, chuyển mình mạnh mẽ trở thành “FSB tinh hoa”, đẳng cấp hơn trên mọi phương diện….Hơn 20 năm trong cuộc hành trình kiến tạo Hệ sinh thái Quản trị Lãnh đạo Toàn cầu cho cộng đồng Doanh nhân Việt, FSB luôn nằm trong Top những ngôi trường uy tín trong cả nước và khu vực, được mệnh danh là "cái nôi sản sinh ra hàng nghìn nhà lãnh đạo Việt toàn năng" – những người đang điều hành các tổ chức doanh nghiệp có đóng góp tới hơn 25% GDP của đất nước.
 
Tại FSB, học viên được học và trau dồi kiến thức từ những giảng viên là những chuyên gia đầu ngành Kinh tế – Tài chính. Hiện nay, FSB còn duy trì mạng lưới với trên 50 giảng viên nước ngoài đến từ các trường đại học quốc tế danh tiếng tại Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Singagpore… tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy và cố vấn khoa học tại Viện.
 
Bên cạnh đó, “Không chỉ mang đến trải nghiệm môi trường học tập tại cơ sở và trang thiết bị hiện đại, FSB sẽ là đơn vị tiên phong trong công cuộc mở rộng đa kênh, ứng dụng cả khoa học công nghệ và yếu tố con người để cá thể hoá trải nghiệm học tập nhằm hướng đến tinh hoa chất lượng giảng dạy” – Ông Hà Nguyên, Trưởng ban đào tạo Viện Quản trị & Công nghệ FSB gần đây đã chia sẻ về những tầm nhìn mới của FSB trong giai đoạn tái cấu trúc 2021 – 2023.

 
 
Ông Hà Nguyên, Trưởng ban đào tạo FSB: “FSB sẽ là đơn vị tiên phong trong công cuộc mở rộng đa kênh”
 
Ngày truyền thống của FSB – Sự kiện đặc biệt nhất trong năm.
 
Ngày 28/2/2009 được coi là ngày “khai sinh” của FSB. Khi đó, FSB non trẻ lần đầu tiên xuất hiện với cái tên Viện Quản trị Kinh doanh (IBA- Institute of Business Administration). Với những bề dày về thành tích và lịch sử đào tạo, cũng như những đóng góp không mệt mỏi của FSB, Lãnh đạo Viện đã chính thức lựa chọn ngày 28/2 hàng năm trở thành “Ngày truyền thống FSB”. Ngày để tôn vinh những giá trị cốt lõi và tinh hoa trong văn hoá FSB, cũng là ngày tổng kết những thành tích của FSB và tri ân những cán bộ, giảng viên – những con người đã đồng hành cùng nhau trên con đường chở tri thức đến mọi miền đất nước.

 
 
FSB khi còn là Viện Quản trị Kinh doanh (IBA)
 
 
FSB nhiều năm về trước
 
Năm 2022 sẽ là năm đầu tiên FSB tổ chức chuỗi các sự kiện kỷ niệm “Ngày truyền thống” với dấu mốc 13 năm lịch sử hình thành và phát triển dưới nhiều hình thức triển khai ấn tượng, hấp dẫn và đậm tinh thần FSB. Sự kiện sẽ được ấn định ngày tổ chức thường niên vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 2.
 
Các thông tin mới và cụ thể tiếp theo về sự kiện Ngày truyền thống FSB sẽ được cập nhật liên tục tại website: https://fsb.edu.vn/ và các kênh truyền thông mạng xã hội khác của FSB (Facebook, Workplace, Zalo…). Hãy cùng chờ đón sự kiện có thể coi là đặc biệt nhất nửa đầu năm 2022 này.
Tin FSB

Người thông minh xử lý rắc rối như thế nào

Người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác vì không muốn sa lầy vào rắc rối của họ.

Theo TS. Travis Bradberry – Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (tạm dịch Trí tuệ xúc cảm 2.0), điểm chung của những người xấu tính là luôn hành động một cách vô lý. Một số người xấu tính cảm thấy hạnh phúc từ những tác động tiêu cực mà họ gây ra cho người xung quanh, số khác tìm kiếm cảm giác hài lòng từ việc gây rối để có thể dễ dàng điều khiển người khác. Dù bằng cách nào, họ cũng tạo ra sự phức tạp, xung đột, căng thẳng tồi tệ không cần thiết. 
 
Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự căng thẳng (stress) có tác động tiêu cực lâu dài đến não bộ. Ngay cả việc chịu stress trong vài ngày cũng đủ làm giảm hiệu quả hoạt động của các tế bào thần kinh quanh vùng hippocampus – một vùng não quan trọng đảm nhiệm vai trò suy luận và ghi nhớ. Nhiều tuần sống trong căng thẳng sẽ làm đảo lộn, gây hại các nhánh dây thần kinh – vốn là những "cánh tay" nhỏ giúp các tế bào não giao tiếp với nhau. Và việc bị stress trong nhiều tháng liền sẽ phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh.
 
Stress là một mối đe dọa với thành công của bạn, vì khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát, não bộ và hiệu suất làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu. 
 
Một nghiên cứu từ Khoa Sinh học và Tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Friedrich Schiller (Đức) phát hiện, việc tiếp xúc với những tác nhân kích thích sẽ gây ra những cảm giác tiêu cực mạnh mẽ – cùng loại tiếp xúc mà bạn có khi đối phó với người xấu tính – khiến bộ não đưa ra những phản ứng căng thẳng nghiêm trọng. Cho dù đó có là những câu nói tiêu cực, độc địa, điên khùng,… thì mục đích của những kẻ xấu tính vẫn là khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức – thứ mà bạn phải tránh bằng mọi giá. 
 
TS. Travis Bradberry chỉ ra, khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực có mối liên kết trực tiếp đến hiệu suất làm việc của một người. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi TalenSmart, 90% những người có hiệu suất làm việc hàng đầu tham gia khảo sát có kỹ năng quản lý cảm xúc trong những thời điểm căng thẳng, có thể giữ được bình tĩnh và sự kiểm soát. Một trong những món quà tuyệt nhất của họ là khả năng "miễn dịch" với người xấu tính. Họ được rèn luyện để đối phó và vạch ra chiến lược giao tiếp phù hợp để tránh chịu những tác động xấu từ những người này.

Theo Bradberry, để làm việc hiệu quả với kiểu người xấu tính, bạn cần có cách tiếp cận riêng để kiểm soát những điều có thể làm và không thể làm. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn những gì bạn nghĩ. 
 
Dưới đây là 10 bí quyết tốt nhất mà người thông minh dùng để giải quyết rắc rối khi làm việc với những người xấu tính, được Bradberry rút ra trong quá trình làm việc, huấn luyện.
 
1. Tự đặt ra giới hạn
 
Những người tiêu cực, hay phàn nàn thường mang đến tin xấu vì họ luôn đắm chìm trong rắc rối của chính mình và thất bại trong việc tập trung vào giải pháp. Họ muốn mọi người cùng tham gia "bữa tiệc" tiếc nuối để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn. Và vì không muốn tỏ ra thô lỗ hay tàn nhẫn với những người thích phàn nàn, chúng ta ngồi im lắng nghe họ dù biết làm vậy sẽ khiến bản thân căng thẳng. Nhưng theo Bradberry, có một ranh giới giữa việc cho mượn một đôi tai đồng cảm với việc bị cuốn vào dòng xoáy cảm xúc tiêu cực của người khác. 
 
Bạn có thể tránh được tình trạng này bằng cách tự đặt ra giới hạn và tạo khoảng cách với họ khi cần thiết. Hãy nghĩ theo hướng thế này: Nếu một người phàn nàn muốn bạn cùng ngồi đó cả buổi chiều trong khi họ đang hút thuốc thì chẳng phải bạn vừa phải chịu căng thẳng, vừa phải hít làn khói độc hại đó sao? Hãy tự tạo khoảng cách với những điều xấu và cả với người thích phàn nàn kia. Một cách tuyệt vời để thiết lập giới hạn là trực tiếp hỏi thẳng người kia về cách mà họ định giải quyết vấn đề. Thông thường, những người này sẽ yên lặng nhìn xuống hoặc tảng lờ, chuyển cuộc trò chuyện theo hướng tích cực hơn.

2. Không để cảm xúc chen vào
 
Những người xấu tính khiến bạn phát điên lên vì lối cư xử vô lý. Bạn nhận ra điều đó nhưng tại sao lại cho phép bản thân đáp lại họ một cách tình cảm (cả tích cực lẫn tiêu cực) và sau đó bị mắc kẹt trong mớ bòng bong không phải của mình?
 
Hãy từ bỏ mong muốn đánh bại họ trong trò chơi mà họ đang làm chủ. Tránh xa những người đó về mặt tình cảm, chỉ nên tiếp xúc với họ một cách thận trọng như thể họ là một dự án khoa học (hoặc bạn là bác sĩ tâm thần của họ nếu bạn thích có sự tương đồng giữa đôi bên). Nhớ rằng bạn không nên giải quyết rắc rối bằng cảm xúc mà phải tập trung vào sự việc.
 
3. Tăng cường khả năng nhận thức 
 
Việc duy trì khoảng cách cảm xúc đòi hỏi bạn phải tự trang bị khả năng nhận thức. Bạn không thể ngăn ai đó ngừng thao túng bạn nếu chính bạn không nhận ra mình đang bị thao túng. Đôi lúc bạn thấy bản thân rơi vào trường hợp cần xem xét lại mọi thứ và tìm ra lối đi tốt nhất để tiến lên trước. Đó là trạng thái điển hình cho việc bạn tỉnh táo, nhận thức sự việc và do đó, không nên e ngại hay hoang mang trước khả năng trên. 
 
Hãy nghĩ về điều này bằng tình huống giả dụ sau: Nếu một người thần kinh không ổn định chặn đường bạn trên phố và nói rằng anh ta là cựu tổng thống Mỹ John F. Kenedy, chắc chắn bạn không thể "chỉnh" lời anh ta ngay lúc đó được. Hoặc khi bạn và đồng nghiệp có quan điểm trái ngược nhau trong công việc, đôi khi cách tốt nhất chỉ là mỉm cười và gật đầu chào nhau thay vì lao vào đấu khẩu. Còn nếu bạn quyết phân định đúng – sai với những người như trên, hãy dành thời gian lên một kế hoạch khả thi trước khi thực hiện.

4. Đặt ra ranh giới
 
Ranh giới là thứ mà hầu hết mọi người thường đánh giá thấp. Họ cảm thấy giống như vì phải làm việc hay sống cùng với ai đó nên không tài nào kiểm soát được rắc rối xảy đến. Điều này không đúng. Một khi bạn biết cách không để cảm xúc chen vào mối quan hệ, bạn sẽ nhận ra cách cư xử của một người trở nên dễ đoán và dễ hiểu hơn. 
 
Việc tự đặt ranh giới trang bị cho bạn cách nghĩ hợp lý về những thứ nên và không nên khi ở cùng những người khác, đặc biệt với những người bạn cần dè chừng. Ví dụ, ngay cả khi bạn buộc phải hợp tác chặt chẽ với một thành viên trong dự án thì điều đó không có nghĩa cả hai phải trở nên thân thiết với nhau về mọi mặt.
 
Bạn cần chủ động và có ý thức trong việc tự đặt ranh giới. Nếu bạn để mặc mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, bạn sẽ buộc phải cuốn vào rắc rối từ trên trời rơi xuống. Nhưng nếu bạn tự đặt ra giới hạn, quyết định thời gian, địa điểm diễn ra sự việc, bạn có thể kiểm soát sự lộn xộn mà đối phương gây ra. Bí quyết duy nhất là tuân thủ những điều đã đặt ra và bảo vệ ranh giới ở đúng nơi chúng đang đứng khi có ai đó cố gắng xâm phạm.
 
5. Không chết trong cuộc chiến
 
Người thông minh hiểu tầm quan trọng của việc sống sót trong một cuộc chiến với người xấu tính. Xung đột là thứ diễn ra không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai. Việc không kiểm soát được cảm xúc đẩy bạn lún sâu vào một cuộc chiến mà ở đó bạn là người bị thương nặng nhất. Khi hiểu và biết cách chế ngự cảm xúc bản thân, bạn sẽ khôn ngoan hơn trong việc chọn trận chiến để tham gia và đứng vững trên chiến tuyến. 
 
6. Tập trung vào giải pháp thay vì vấn đề
 
Nơi bạn tập trung sự chú ý sẽ xác định trạng thái cảm xúc của bạn. Cứ quẩn quanh với rắc rối chỉ tổ khiến bạn càng thêm căng thẳng và nảy sinh tâm lý tiêu cực. Ngược lại, khi tập trung vào những hành động giúp bản thân và hoàn cảnh trở nên tốt hơn, bạn sẽ có tâm lý tích cực và bớt căng thẳng. 
 
Việc những người xấu tính gây khó dễ hoặc cư xử vô lý với bạn là cách giúp họ cảm nhận quyền lực và sử dụng chúng lên bạn. Đừng nghĩ cách trả đũa những người như vậy. Thay vào đó, tập trung vào việc bạn sẽ đối phó với họ/rắc rối đó như thế nào. Điều này giúp bạn kiểm soát lại mọi việc đồng thời giảm sự căng thẳng mà bạn từng gặp phải trong những lần giáp mặt với họ trước kia. 
 
7. Không quên
 
Những người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác nhưng điều đó không có nghĩa là họ mau quên. Tha thứ đòi hỏi bạn buông bỏ những việc đã qua để bản thân tiếp tục tiến về trước. Nó khác với việc cho người mắc lỗi có một cơ hội khác. Người thông minh không muốn sa lầy một cách không cần thiết vào sai lầm của người khác. Vì vậy, họ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy tiềm ẩn.

8. Tránh độc thoại tiêu cực
 
Thỉnh thoảng, bạn bị cuốn vào cảm giác tiêu cực của người khác. Việc nghĩ xấu về người đối xử tệ bạc với bạn chẳng có gì sai nhưng việc độc thoại (tự nói với chính mình) về cảm xúc bản thân có thể hoặc làm tăng tâm lý tiêu cực. 
 
Theo TS. Travis Bradberry, độc thoại tiêu cực là thứ không cần thiết, phi thực tế và là một cách tự đánh bại mình. Nó đẩy bạn vào vòng xoáy cảm xúc theo chiều hướng đi xuống – thứ vốn không dễ thoát ra. Bạn nên tránh những cuộc độc thoại tiêu cực bằng mọi giá. 
 
9. Ngủ đủ giấc
 
Nhiều người không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc tăng trí thông minh về mặt cảm xúc cùng khả năng quản lý stress. Thời gian ngủ là lúc não được "sạc pin" để khi thức dậy, bạn có đủ tỉnh táo và sáng suốt duy trì các hoạt động trong ngày. Khả năng tự kiểm soát, chú ý và ghi nhớ – tất cả đều sụt giảm nếu bạn không ngủ đủ hoặc ngủ không đúng cách. Thiếu ngủ làm tăng hormone gây stress, đường huyết, huyết áp,… Một giấc ngủ ngon giúp bạn trở nên tích cực hơn, sáng tạo hơn và chủ động hơn khi tiếp xúc với những người xấu tính, từ đó có chiến lược giao tiếp phù hợp. 
 
10. Nhờ người khác giúp đỡ
 
Cố gắng tự mình giải quyết mọi thứ là cách làm nghe có hấp dẫn nhưng lại hoàn toàn không hiệu quả. Để đối phó với những người xấu tính,, bạn cần nhận ra những điểm yếu trong cách tiếp cận của bạn với họ. Để làm được điều này, bạn cần sự hỗ trợ của những người xung quanh có năng lực quan sát và phân tích tình huống.
 
Xung quanh bạn đều có người luôn cổ vũ, sẵn sàng giúp đỡ bạn lúc khó khăn. Đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, người thân,… Hãy tìm đến những người này và lắng nghe những nhận định, nhận sự giúp đỡ khi bạn cần chúng.Đó đơn giản chỉ là giải thích tình huống để tìm ra một giải pháp mới. Thông thường người ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn người trong cuộc và nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.

Nguồn: DNSG

Lãnh đạo Việt và những thiếu sót cần bổ sung để trở thành “kẻ mạnh”

Sự thành công của bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng mang dấu ấn quan trọng của người lãnh đạo. Vậy các nhà lãnh đạo Việt bổ sung kiến thức quản trị bằng cách nào cho hiệu quả, phù hợp với xu thế chung?

>> Chi tiết: https://cafebiz.vn/lanh-dao-viet-va-nhung-thieu-sot-can-bo-sung-de-tro-thanh-ke-manh-20211207161313461.chn