Triển vọng khả quan của kinh tế Việt Nam

22/01/2024

Trong tuần qua, báo chí quốc tế có một số bài viết đánh giá nỗ lực duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế của Việt Nam.

Theo các bài báo, dù kinh tế Việt Nam năm qua đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, nhưng tăng trưởng vẫn ở mức 5,05%, triển vọng trung hạn được nhận định khả quan.

Ngân hàng HSBC nhận định, trong bức tranh tổng thể khu vực, kinh tế Việt Nam được nhận định là “lạc quan thận trọng”. Nền kinh tế Việt Nam đã bền bỉ vượt qua khó khăn, tăng trưởng phục hồi, tình hình kinh tế được cải thiện trong quý IV/2023.

Cùng chung nhận định, trang Bloomberg cho biết, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý cuối cùng của năm nhờ xuất khẩu và sự gia tăng trong sản xuất và đầu tư.

Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Tiêu dùng nội địa, doanh thu bán lẻ trong nước là một trong những động lực chính. Đây là tín hiệu rất khả quan so với các nền kinh tế có độ mở lớn, theo hướng xuất khẩu như Thái Lan, Malaysia”.

Về triển vọng, trang Digital News Asia cho biết Việt Nam có triển vọng trung hạn khả quan. Các biện pháp hỗ trợ chính sách mới có thể đem lại hiệu quả trong nửa cuối năm 2024.

Trang Firbe2Fashion trích khuyến nghị từ Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần gia hạn chương trình hỗ trợ kinh tế vào năm 2024 để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được triển khai triệt để, thúc đẩy tổng cầu. Đồng thời cần nỗ lực khôi phục niềm tin, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Ông Andrea Coppola – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “Do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6% đến 6,5% cho năm 2024. Triển vọng về nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam có thể dần được cải thiện. Tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa. Việt Nam cần tiếp tục gia hạn thêm các chính sách hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn”.

Trang Bloomberg cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước đóng vai trò là nhân tố kết nối kinh tế trong một thế giới bị chia rẽ nhờ chính sách cân bằng, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh môi trường toàn cầu bất ổn.

Nguồn: VTV