Việt Nam đang thu hút các công ty đa quốc gia

03/04/2024

Những biến cố địa chính trị gần đây, căng thẳng thương mại đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc đang biến Asean thành nơi thu hút các công ty lớn đến đầu tư, trong đó có Việt Nam.

Báo Pháp Le Figaro phát hành ngày thứ Sáu tuần trước có bài viết về vai trò của các nước Asean đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những biến cố địa chính trị gần đây, căng thẳng thương mại đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc đang biến ASEAN thành nơi thu hút các công ty lớn đến đầu tư. Yếu tố quan trọng là tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN đang vượt xa mức mức trung bình tăng trưởng kinh tế thế giới.

Chuyên trang kinh tế của nhật báo Pháp Le Figaro ra hôm thứ Sáu tuần vừa rồi có bài “Những con rồng châu Á kéo tăng trưởng thế giới đi lên” cùng bức ảnh thủ đô Malaysie, với tóm tắt “Việt Nam, Indonesia, Malaysia, khối Asean đang thu hút các công ty đa quốc gia muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời được hưởng lợi do việc chính Trung Quốc tái cấu trúc đầu tư”, cũng đang chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Bài trang trong nổi bật bức ảnh “Dây chuyền lắp ráp xe máy điện tại Hải Phòng”. Tờ báo Pháp viết, “động lực này có được, là nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, sự quan tâm ngày càng tăng đối với chuyển đổi năng lượng, công nghệ kỹ thuật số, cùng thương mại bán buôn và bán lẻ. Trong năm nay, Asean dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 5%, vượt mức trung bình toàn cầu 3%”.

Nhiều yếu tố đang thuận lợi cho luồng vốn đầu tư vào ASEAN. Một mặt, “ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, quay sang đầu tư vào các nước ASEAN”. Mặt khác, “cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy một số công ty như Samsung chuyển đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc, vì sợ dính đạn lạc, không của bên này thì của bên kia”. Theo bài báo “đầu tư nước ngoài vào ASEAN đã đạt mức kỷ lục 224 tỷ USD vào năm 2022, trong khi mức chung trên toàn thế giới giảm 12%”. Cùng lúc, “đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Asean cũng tăng 83% chỉ sau có một năm”.

Lợi thế của các nước ASEAN không chỉ là “dân số trẻ và năng động, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, nông nghiệp, khai mỏ, dệt may, kỹ thuật số… mà còn là trung lập tương đối về chính trị trước những biến động của quan hệ quốc tế”. Và nhờ đó tránh được các trừng phạt cấm vận của tất cả các bên. Bài báo nhấn mạnh trường hợp “Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ và có trình độ, tỷ lệ mù chữ chưa tới 5%, kết nối cảng biển thuận lợi và trên hết là mạng lưới các hiệp định thương mại tự do dày đặc, bao trùm khoảng 60 quốc gia, trong đó có toàn bộ các nước Liên minh Châu Âu. Việt Nam là con rồng mới nổi, đang dần tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn”. Ngoài ra, “Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, chiếm 40% GDP toàn cầu”. Bài báo ước tính “thương mại Asean có thể tăng thêm 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới”.

Nguồn: VTV