Bức tường thuế của ông Trump và bài học tự cường cho Việt Nam

Những thay đổi trong chính sách thuế và phục hồi sản xuất của Mỹ đang gây hiệu ứng dây chuyền lên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ẩn sau đó là bài học về cách một quốc gia phục hưng sức mạnh thực sự.

Khu liên hợp gang thép Hoà Phát – Dung Quất ở Quảng Ngãi. Ảnh: Hoàng Anh

Từ Hamilton đến Trump và Musk: Những người định hình lại nước Mỹ
Trong tuần qua, những động thái mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thuế đã lập tức gây chấn động toàn cầu.

Việc ông tuyên bố áp mức thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa từ Trung Quốc và thậm chí cả các đối tác truyền thống không chỉ là một bước đi chính trị, mà còn là lời tuyên ngôn dứt khoát về chiến lược phục hồi sản xuất nội địa.

Đối với Việt Nam – nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu – những chính sách này lập tức gây tác động mạnh. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, linh kiện điện tử đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế.

Nhiều doanh nghiệp FDI cũng bắt đầu tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ Washington.

Nhưng điều quan trọng hơn là: Việt Nam cần đọc đúng bài học từ ông Trump – không chỉ là đối phó nhất thời, mà là chủ động tái thiết năng lực quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Khi ông Donald Trump bước lên bục nhậm chức năm 2017, không ít người đã hoài nghi về khả năng điều hành của một doanh nhân chưa từng nắm giữ chức vụ chính trị. Thế nhưng, Trump đã chứng minh rằng, ông đến để thay đổi cuộc chơi.

Khẩu hiệu “Make America Great Again” là tuyên ngôn của một chương trình cải cách quốc gia dựa trên ba trụ cột: phục hồi sản xuất, kiểm soát nhập cư và tái định nghĩa vai trò của nước Mỹ trong toàn cầu hóa.

Ông Trump đánh thuế lên hàng Trung Quốc, tái đàm phán NAFTA, rút khỏi TPP và mạnh tay kêu gọi doanh nghiệp Mỹ hồi hương dây chuyền sản xuất. Đó không phải chủ nghĩa biệt lập đơn thuần, mà là thương mại có điều kiện – nơi lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết.

Ông Trump là hiện thân của một tư tưởng từng được định hình từ thế kỷ 18: tư tưởng quốc gia mạnh nhờ năng lực sản xuất nội tại.

Người đặt nền móng cho tư tưởng ấy chính là Alexander Hamilton (1753-1804) – Bộ trưởng Tài chính đầu tiên và là kiến trúc sư của một nước Mỹ công nghiệp. Khi người Mỹ đánh bại người Anh và lập nên chính quyền mới: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, khi mọi người đều han hoan vui mừng nhưng Hamilton thì không. Ông không say sưa với chiến thắng quân sự hay tuyên ngôn độc lập – ông coi tự do của người dân Mỹ thoát khỏi sự cai trị của người Anh chỉ là phương tiện để kiến thiết một nhà nước có tổ chức, hiệu quả, thịnh vượng và trường tồn.

Trong “Report on Manufactures” năm 1791, ông viết: “Ngày nay, mọi chính khách sáng suốt đều nhận thấy và công nhận rằng sự thịnh vượng của thương mại chính là nguồn gốc hữu ích nhất và mang lại nhiều của cải nhất cho quốc gia”.

Điều đáng nói là Hamilton không ngần ngại thỏa hiệp – ông ký kết các hiệp định thương mại với Anh (mà bị chỉ trích rất nhiều là nhượng bộ Anh) để tránh chiến tranh thương mại với Anh (cường quốc thương mại khi đó), để tập trung nguồn lực phát triển nội lực trong nước: Sản xuất, sản xuất và sản xuất, đó là tuyên bố của ông với nước Mỹ.

Để thực thi được tầm nhìn đó, Hamilton đề xuất thành lập Ngân hàng Quốc gia, xây dựng hệ thống thu thuế liên bang (nền tảng tài chính cho sự thịnh vượng của Mỹ), bảo hộ công nghiệp bản địa và tái cấu trúc nợ công (khá giống những gì Trump đang làm hiện nay).

Những điều này gây tranh cãi dữ dội ngày đó tại nước Mỹ, cuộc xung đột lớn nhất của giới chính trị và lãnh đạo Mỹ những ngày lập quốc – nhưng hai thế kỷ sau, nước Mỹ vẫn đang vận hành trên nền móng Hamilton xây dựng.

Nếu Hamilton là người thiết kế nhà nước, ông Trump là người cải tổ nhà nước, thì Elon Musk có thể được xem là người “vượt trên” nhà nước. Là doanh nhân công nghệ, nhưng Musk không chỉ làm ra sản phẩm – tạo ra cả một hệ sinh thái năng lực: ô tô điện (Tesla), vũ trụ (SpaceX), internet vệ tinh (Starlink), AI (xAI), và thậm chí là kết nối não người – máy tính (Neuralink).

Musk không đi theo logic chính trị truyền thống, nhưng lại là một thế lực chính trị – công nghệ. Ông phê phán các chính phủ trì trệ, chống lại văn hóa thức tỉnh, ủng hộ tự do ngôn luận, và đặc biệt: luôn nỗ lực đưa sản xuất về Mỹ, tạo việc làm và giữ công nghệ chiến lược ở trong nước.

Quốc gia không thể hùng cường nếu thiếu năng lực sản xuất nội tại
Cả Hamilton, Trump và Musk đều chia sẻ một niềm tin chung: một quốc gia không thể vững mạnh nếu không có hệ thống sản xuất mạnh, hệ thống tài chính hiệu quả và quyền lực được tổ chức chặt chẽ.

Họ không chống toàn cầu hóa, nhưng phản đối việc đánh đổi năng lực nội tại để lấy lợi ích ngắn hạn từ bên ngoài. Họ cũng không ngại va chạm – vì đối với họ, tranh luận và xung đột là một phần của tiến bộ. Dù bằng các cách thức khác nhau – nghị trường, khẩu hiệu hay công nghệ – họ đều đặt câu hỏi lớn: Làm sao để một quốc gia duy trì sức mạnh thực sự trong một thế giới bất ổn?

Hamilton là nhà thiết kế thể chế vĩ đại. Công cụ của ông là luật pháp, tài chính và tổ chức nhà nước. Ông thiết lập nên Ngân hàng Trung ương, tiền thân của FED hiện nay, một hành động quá phi thường khi đó. Còn Trump là nhà cải cách thực dụng. Công cụ của ông là đòn bẩy chính trị, truyền thông và quyền lực hành pháp còn Musk là người tạo ra quyền lực bên ngoài hệ thống. Công cụ của Musk là công nghệ, dữ liệu và ảnh hưởng xã hội.

Có thể nói, Hamilton xây nền móng. Trump làm mới hệ thống. Musk thì tạo ra một cấu trúc song song, nơi công nghệ có thể thay thế một phần nhà nước. Từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 21, nước Mỹ luôn cần những nhân vật như Hamilton, Trump và Musk – những người không ngại đảo lộn trật tự, không ngại bị ghét bỏ, không ngại bị hiểu lầm.

Họ không đại diện cho số đông, nhưng lại đại diện cho một sức mạnh cốt lõi: khả năng định hình lại thực tại bằng tư duy – ý chí – và hành động có hệ thống.

Trong một thế giới hỗn loạn, có lẽ điều còn thiếu không phải là ý tưởng, mà là những người dám đi đến cùng một ý tưởng – dù phải trả giá. Hamilton đã chết vì một cuộc đấu súng. Trump đối mặt với hàng loạt vụ kiện. Musk bị chỉ trích hằng ngày. Nhưng ai có thể phủ nhận rằng: họ đã – đang – và sẽ tiếp tục làm thay đổi nước Mỹ, theo cách rất riêng của mình.

Bài học cho Việt Nam: Kiến tạo chính quyền – hồi sinh sản xuất – cải cách thể chế
Việt Nam đang ở “điểm nút” của thời đại, của sự dịch chuyển. Sau đại dịch Covid, giữa làn sóng công nghệ và biến động địa chính trị, câu hỏi lớn đặt ra là: Chúng ta sẽ chỉ ứng phó, hay chủ động tái thiết nền kinh tế, tái thiết thể chế và tạo lập một xã hội văn minh, hiện đại?

Thật tuyệt vời khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra một tầm nhìn mới về “kỷ nguyên mới” của dân tộc, mở ra cơ hội để đất nước phát triển, vươn mình.

Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta phải xây dựng được một chính quyền mạnh và kiến tạo. Nhà nước không chỉ quản lý, mà phải có khả năng hoạch định, thực thi và truyền cảm hứng.

Hệ thống công vụ cần mở cho người tài – không giới hạn bởi thâm niên hay bằng cấp. Việt Nam cần đào tạo thế hệ chính khách mới – có bản lĩnh chính trị, khả năng ra quyết định và tinh thần phục vụ quốc gia.

Thứ hai, việc tái cơ cấu bộ máy hành chính cần được thực hiện như một startup: Rõ vai trò, nhanh ra quyết định, có phản hồi tức thời từ người dân – doanh nghiệp. Chính phủ cần số hóa toàn diện, loại bỏ thủ tục giấy tờ trung gian, triển khai AI và dữ liệu lớn trong điều hành công.

Thứ ba, Việt Nam cần hồi sinh nền sản xuất nội địa. Giống như cách Hamilton bảo hộ công nghiệp bằng thuế quan, Trump hồi sinh thép và xe hơi, Musk nội địa hóa công nghệ lõi, Việt Nam cần xây nền công nghiệp chiến lược – ngoài nông nghiệp – bằng chính sách thuế, tín dụng, đặt hàng công và quỹ đổi mới sáng tạo.

Chúng ta cần phát triển đặc khu công nghệ cao, nơi nhà nước cùng doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm.

Và cuối cùng, công cuộc cải cách thể chế cần thực chất, không thể chỉ là hình thức. Thể chế phải nuôi dưỡng đổi mới. Việt Nam cần mô hình “thử nghiệm chính sách”, cơ chế đánh giá độc lập, minh bạch và sự tham gia thực chất của người dân vào quá trình hoạch định chính sách.

Việt Nam không thể chậm bước trong kỷ nguyên mới. Thế kỷ 21 không chờ đợi ai. Việt Nam không thể mãi phụ thuộc vào tài nguyên, lao động rẻ hay viện trợ quốc tế.

Những năm tháng này chính là thời điểm phù hợp nhất, hội tụ nhất để phát triển một Việt Nam mới: mạnh về tư duy, sản xuất, mạnh về thể chế và mạnh bằng chính năng lực của người Việt Nam.

Nguồn: The Leader

Các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn nhất sàn chứng khoán

Sản phẩm của ngành Dệt may, thủy sản vốn chủ yếu xuất khẩu nên đây là nhóm có tỷ trọng từ thị trường nước ngoài cao nhất, đứng đầu là Dệt May Phan Thiết (mã chứng khoán PTG), Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC), Dệt May Hòa Thọ (HTG).

Theo thống kê từ Báo cáo tài chính năm 2024 của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam, tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài so với tổng doanh thu nằm trong khoảng từ 11-99%.

Sản phẩm của ngành Dệt may, thủy sản vốn chủ yếu xuất khẩu nên đây là nhóm có tỷ trọng từ thị trường nước ngoài cao nhất, đứng đầu là Dệt May Phan Thiết (mã chứng khoán PTG), Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC), Dệt May Hòa Thọ (HTG), Garco 10 (M10), Dệt May Thành Công (TCM) với tỷ lệ từ 89-99%.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến người tiêu dùng Mỹ.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục báo tin vui khi đạt gần 103 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch thuế quan bao gồm mức thuế suất cơ bản 10% và mức thuế suất đối ứng áp dụng cho từng đối tác thương mại cụ thể, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế 46%.

Mức thuế cơ bản và thuế đối ứng có hiệu lực lần lượt từ ngày 5 và 9 tháng 4. Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới Mỹ để cụ thể hóa các nội dung đàm phán nhằm sớm đạt thỏa thuận, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Báo cáo phân tích của CTCK SSI đánh giá, với mức thuế cơ bản hiện tại của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam khoảng 3,53% thì mức thuế cơ bản mới 10% sẽ không có nhiều tác động quá tiêu cực, do đây là mức thuế chung đối với tất cả các quốc gia.

Trên thực tế, điều này có thể mang lại lợi thế nhẹ cho Việt Nam vì sự chênh lệch thuế giữa các đối tác thương mại chính của Mỹ không quá lớn.

Trong khi đó, thuế đối ứng – nếu được thực hiện – có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu vì chuỗi cung ứng và nhu cầu không thể điều chỉnh nhanh chóng trong ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách áp thuế đối ứng nếu được áp dụng sẽ khiến cho các doanh nghiệp hoặc phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận hoặc phải chuyển hoạt động xuất khẩu sang khu vực khác ngoài Mỹ.

Theo SGI Capital, khu vực tăng trưởng kinh tế và thương mại sống động, mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay nhờ cơ cấu dân số và hạ tầng là tam giác ASEAN – Trung Quốc – Ấn Độ. Các quốc gia như Việt Nam sẽ cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu tận dụng xu hướng này để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Đây là một quá trình dài và không dễ dàng nhưng Việt Nam vẫn có những lợi thế nội tại và quyết tâm chính trị để thực hiện thành công sự chuyển đổi này.

Dù thế nào, các doanh nghiệp đang có tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên trước những thông tin gần nhất về thuế, cho đến khi truyền tác động đến các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu dệt may trong năm 2024 – gấp 4-5 lần so với các thị trường chính khác gồm Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Do vậy việc chuyển dịch sang các thị trường khác sẽ cần nhiều thời gian.

Theo SSI, Mỹ chiếm khoảng 18% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024, thấp hơn Trung Quốc (19%) nhưng cao hơn Nhật Bản (15%), EU (10%) và Hàn Quốc (8%). Mức thuế đối với hàng thủy sản Việt Nam thấp hơn so Trung Quốc, nhưng mức chênh lệch này đang thu hẹp đáng kể so với dự đoán.

Ngành thủy sản có thể đối mặt với những thách thức nếu nhu cầu toàn cầu đình trệ và áp lực từ sản phẩm Trung Quốc tăng lên ở các thị trường xuất khẩu khác. Việc tăng giá cước vận chuyển và quá trình thông quan kéo dài cũng có thể tạo thêm áp lực cho ngành.

Nguồn: Nhịp sống thị trường

Kỹ sư AI: Cơ hội rộng mở nhưng thách thức không nhỏ trong thời đại chuyển đổi số

AI đang trở thành trụ cột trong chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp, kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực AI. Tuy nhiên, nguồn cung kỹ sư AI chất lượng cao vẫn khan hiếm, tạo ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức.

>> Chi tiết: https://tinhte.vn/thread/ky-su-ai-co-hoi-rong-mo-nhung-thach-thuc-khong-nho-trong-thoi-dai-chuyen-doi-so.3983344/

Chuyên gia giải thích nguồn gốc con số 90% trên bảng thuế của ông Trump

Mỹ áp thuế cao kỷ lục với Việt Nam, lên tới 46%, dựa trên chênh lệch thương mại. Tính toán này phản ánh chiến lược điều chỉnh thuế nhằm cân bằng thương mại song phương.

Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan đối ứng với mọi quốc gia.

Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, bắt đầu từ ngày 5/4. Ngoài ra, Washington sẽ tăng thuế, với mức thuế bổ sung có hiệu lực từ ngày 9/4. Theo Reuters, chính sách này dự kiến ảnh hưởng đến khoảng 60 quốc gia.

Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế cao nhất, lên tới 46%, trong khi Lào phải đối mặt với thuế suất 48% và Campuchia là 49%. Trung Quốc, vốn đã bị áp thuế 20% trước đó, nay phải gánh thêm 34% nữa, nâng tổng mức thuế lên 54%.

Trong bảng tính thuế được ông Trump giơ lên, nhiều người thắc mắc Tổng thống Mỹ tính như thế nào để ra con số 90% cho Việt Nam. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mức thuế mới của Mỹ áp dụng đối với Việt Nam, lên tới 46%, được tính toán dựa trên chênh lệch thương mại giữa hai nước.

Để dễ hình dung, ông Long đưa ví dụ một cách đơn giản: Giả sử Việt Nam xuất sang Mỹ 100 đồng nhưng chỉ nhập khoảng 10 đồng dẫn đến việc Mỹ thâm hụt thương mại song phương là khoảng 90 đồng, đồng nghĩa với 90%. Trong phương pháp tính thuế, chính quyền Mỹ chia đôi con số này, tức khoảng 45%, làm cơ sở để xác định mức thuế bổ sung.

Trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã công bố công thức tính thuế chi tiết hơn, dựa trên một mô hình phân tích nhiều yếu tố.

Theo đó, ngoài số liệu về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, mô hình này còn xem xét mức độ biến động của nhu cầu và giá cả, cũng như các yếu tố có thể gây bất lợi cho hàng hóa Mỹ tại thị trường nước ngoài. Những yếu tố này bao gồm các chính sách quy định, môi trường kinh doanh, sự khác biệt về thuế tiêu thụ và thậm chí cả các hành vi bị coi là thao túng tiền tệ. Dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu được sử dụng trong tính toán dựa trên số liệu của Cục Thống kê Mỹ năm 2024.

Trong đó, x là kim ngạch xuất khẩu; m là kim ngạch nhập khẩu; ε là mức độ biến động về nhập khẩu nếu giá sản phẩm thay đổi; φ là mức độ ảnh hưởng lên giá của thuế nhập khẩu.

Công thức trên giúp xác định mức thuế quan cần thiết để Mỹ điều chỉnh thâm hụt/thặng dư thương mại với một quốc gia cụ thể. Nếu Mỹ nhập siêu từ một nước, thì họ cần tăng thuế để giảm nhập khẩu và cân bằng thương mại. Ngược lại, nếu Mỹ xuất siêu họ có thể giảm thuế để kích thích nhập khẩu.

Nguồn: Cafebiz

Lãnh đạo thời AI: Ứng dụng AI vào quản trị với STEM MBA in AI

Để AI tạo hiệu quả tăng trưởng vượt bậc, doanh nghiệp không chỉ cần đầu tư hệ thống mạnh mẽ mà còn cần đội ngũ lãnh đạo phải am hiểu và biết cách xây dựng chiến lược ứng dụng AI một cách hợp lý.

>> Chi tiết: https://cafebiz.vn/lanh-dao-thoi-ai-ung-dung-ai-vao-quan-tri-voi-stem-mba-in-ai-176250326164257856.chn