Những xu hướng công nghệ mới chi phối kinh tế thế giới

Những xu hướng mới nổi sẽ định hình lại cách thức kinh doanh và đóng một vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong thế giới cạnh tranh hậu COVID-19.
 
 
Đại dịch COVID-19 tiếp tục càn quét toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại, gây ra tác động mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội ở tất cả các nước trên thế giới, qua đó ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu.
 
Trong bối cảnh như vậy, vẫn có một vài thay đổi tích cực trong xu hướng kinh doanh liên quan tới công nghệ.
 
Dự kiến trong tương lai, những xu hướng mới nổi này sẽ định hình lại cách thức kinh doanh và đóng một vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong thế giới cạnh tranh hậu COVID-19.
 
Thanh toán không dùng tiền mặt "lên ngôi"
 
Trong đại dịch, một lĩnh vực đã có thay đổi mạnh mẽ là cách thức khách hàng thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ khi mua sắm cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
 
Đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên những lo ngại chưa từng có về việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua tiền mặt.
 
Theo một số thống kê của các ngân hàng trung ương ở một số quốc gia châu Á và châu Âu, số lượt tìm kiếm trên Internet liên quan đến vấn đề này ở mức cao kỷ lục, vượt cả giai đoạn cúm H1N1 hồi những năm 2009-2010.
 
Không mất quá nhiều thời gian để mọi người thay đổi thói quen chi tiêu. Một nghiên của của nhà vận hành cây ATM lớn nhất nước Anh Link cho thấy vào tháng Tư, việc sử dụng máy ATM ở nước này đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ một năm trước. Hoạt động rút tiền thông qua ATM ở Thụy Sĩ cũng giảm gần 50% từ giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư.
Giữa bối cảnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới đã tăng cường áp dụng các giao dịch không dùng tiền mặt để đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn của cả khách hàng lẫn nhân viên của họ.
 
Hơn 11.000 nhà bán lẻ tại Thụy Sĩ đã tham gia hệ thống thanh toán không tiếp xúc để cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thông qua NFC (kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn thông qua từ trường giữa các thiết bị) cũng như các thẻ tín dụng “chạm để thanh toán.”
 
Ở một số quốc gia, bao gồm Canada, Hy Lạp, Ireland, Malta, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, Mastercard và Visa đã tích cực làm việc với chính phủ để cung cấp trải nghiệm thanh toán không tiếp xúc cho khách hàng và giúp các thương nhân dễ dàng chấp nhận loại hình thanh toán này hơn.
 
Điều này đồng nghĩa là chủ thẻ có thể mua sắm nhiều hơn và chỉ cần chạm để thanh toán mà không cần phải sử dụng bảng bấm mã PIN, một phương tiện có thể lây lan virus.
 
Ngay cả Nhật Bản, một trong những nước sử dụng nhiều tiền mặt nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến, cũng đang cân nhắc một chiến lược tăng trưởng nhằm thúc đẩy văn hóa không sử dụng tiền mặt như là một phản ứng cho nhu cầu của thời kỳ hậu COVID-19.
 
Dịch vụ điện toán đám mây "nở rộ"
 
Trước đại dịch COVID-19, việc làm việc tại nhà chưa bao giờ là phương thức làm việc được ưa thích. Các chủ sử dụng lao động vẫn muốn nhân viên đến nơi làm việc và thực hiện nhiệm vụ dưới sự giám sát của các nhân viên cấp cao.
 
Nhưng COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn điều này. Các công ty hiện khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và gửi các văn bản hay dự án của họ thông qua dịch vụ đám mây.
 

 
Một số công ty như Twitter thậm chí còn tuyên bố rằng nhân viên có thể làm việc tại nhà vô thời hạn nếu họ muốn.
 
Trong thời gian gần đây, nhu cầu về các công cụ hội họp trực tuyến như Zoom và Slack đều tăng trưởng chưa từng có.
Các công cụ chuyên về công việc văn phòng truyền thống hơn như Microsoft 365 cũng ghi nhận nhu cầu tăng cao. Điểm chung là những công cụ này đều dựa trên nền tảng đám mây.
 
Khi mọi người bị buộc phải ở trong nhà, nhu cầu về các dịch vụ bán lẻ và dịch vụ giải trí trực tuyến cũng đã tăng lên rất nhiều. Giới quan sát cho biết phân khúc bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục mở rộng việc sử dụng các dịch vụ đám mây, đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển lên môi trường Internet vốn đã xảy ra từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
 
Trong khi đó, các dịch vụ giải trí có sử dụng công nghệ điện toán đám mây như nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, dịch vụ nghe nhạc Spotify cùng một số nền tảng chơi game như Steam đều ghi nhận số lượng đăng ký mới nở rộ trong mùa dịch.
 
Xu hướng dịch chuyển lên các nền tảng đám mây cũng diễn ra trong chính hoạt động của các Chính phủ. Nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh, nhiều quốc gia đã đẩy nhanh quá trình số hóa các hoạt động hành chính, xây dựng các cổng thông tin và hỗ trợ phát triển các nền tảng kỹ thuật số cấp quốc gia, chẳng hạn như ứng dụng thông tin sức khỏe và giáo dục trực tuyến để đảm bảo người dân vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ công trong thời gian đại dịch.
 
Chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng số hóa
 
Ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, một báo cáo của công ty tư vấn đầu tư McKinsey cho thấy 92% các công ty nhận định mô hình kinh doanh của họ sẽ cần phải thay đổi theo hướng số hóa trong bối cảnh công nghệ biến đổi mạnh mẽ.
 
Tuy nhiên, dù đa số các công ty nhận ra điều này, khoản đầu tư và những nỗ lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi vẫn phải xếp sau những nhu cầu kinh doanh khác.
 
Nhưng báo cáo công bố hồi tháng Sáu của McKinsey cho thấy đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số phục vụ cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đạt được tiến độ tương đương 5 năm chỉ trong khoảng 8 tuần.
 
Tình hình cấp thiết đã thúc đẩy rất nhiều tiến bộ trong quá trình số hóa chuỗi cung ứng khi nhu cầu thương mại điện tử đã tăng vọt trong 6 tháng qua. Việc các nhà chế tạo nỗ lực sản xuất các thiết bị quan trọng cần thiết phục vụ hoạt động chống dịch cũng đã thúc đẩy tiến trình này.
 
Bên cạnh đó, các công ty cũng đối mặt với áp lực nội bộ trong việc đưa hoạt động trở nên hiệu quả, mang tính tích hợp và phản ứng nhanh hơn để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về sản phẩm. Điều này dẫn sự thay đổi trong cách các công ty đánh giá các nhà cung cấp và nguồn gốc hàng hóa để đáp ứng những mong đợi đó.
 
Thông thường, các công ty sẽ ưu tiên nhập hàng từ một số nhà cung cấp dựa trên hiệu quả chi phí và tính minh bạch họ. Khi ngày càng nhiều dữ liệu về các nhà cung cấp và sản phẩm của họ được đưa ra, việc số hóa chúng giúp các công ty có cái nhìn sâu hơn để lựa chọn nhà cung cấp tốt và năng động hơn. Điều này cho phép các công ty dễ dàng tìm nguồn cung ứng theo yêu cầu và tạo điều kiện cho các nhà cung cấp mới tham gia thị trường.
 
Việc số hóa chuỗi cung ứng không chỉ giúp người tiêu dùng mà còn cả với phía các công ty. Chúng sẽ giúp người mua tìm hiểu kỹ càng chất lượng sản phẩm và phân biệt được hàng giả với các sản phẩm chính hãng.
 
Các chi phí giao dịch gián tiếp cũng sẽ giảm thông qua sự minh bạch giá cả. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp và liên kết chặt chẽ với nhau, điều này khiến cho việc quản lý rủi ro trở nên khó khăn hơn.
 
Việc số hóa chuỗi cung ứng sẽ cho phép các công ty quản lý hiệu quả sự rủi ro này.

(Source: Enternews)

Đại dịch tạo bước ngoặt thế kỷ

Nếu tiếp tục không quan tâm tới đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, chính chúng ta đang làm suy yếu khả năng sống sót của loài người.
 
Nhân loại đã mất 60% tổng số động vật hoang dã trong 50 năm qua, trong khi số bệnh truyền nhiễm mới đã tăng gấp 4 lần. Không phải ngẫu nhiên mà sự hủy diệt của các hệ sinh thái lại trùng hợp với sự gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai. Cùng với sự xuống cấp trầm trọng của môi trường tự nhiên, mất đa dạng sinh học, hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường, COVID-19 như một lời cảnh tỉnh buộc doanh nghiệp và nhà đầu tư phải ưu tiên cho các lĩnh vực bền vững hơn.
 
CHÚNG TA GÂY HẠI CHO CHÍNH MÌNH!
 
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới nhắc nhở chúng ta rằng bệnh truyền nhiễm không biến mất, thậm chí, giờ đây có nhiều bệnh truyền nhiễm hơn bao giờ hết. “Đây không phải là bản chất trả thù, chúng ta đã làm điều đó với chính mình”, Thomas Lovejoy, nhà sinh vật học hàng đầu nước Mỹ, cho biết.
 
Theo báo cáo chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) vào tháng 5.2019, chỉ tính từ năm 1970, quần thể động vật có xương sống đã giảm 40% đối với các loài sống trên cạn, 84% với các loài nước ngọt và 35% với các loài sinh vật biển. Hoạt động của con người đã làm thay đổi đáng kể khoảng 3/4 diện tích đất và 2/3 tổng số đại dương trên hành tinh.
 
“Công việc cơ bản của mầm bệnh trong suốt quá trình tiến hóa là tối đa hóa cơ hội lây nhiễm các sinh vật nhạy cảm. Các mầm bệnh có thể sống trong rất nhiều sinh vật chủ khác nhau và vì vậy chúng liên tục tìm kiếm cơ hội để nhảy từ loài này sang loài khác”, Giáo sư Tim Benton, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Môi trường và Tài nguyên tại Chatham House, Vương quốc Anh, chia sẻ. Từ góc độ môi trường, khi con người làm suy giảm diện tích tự nhiên, động vật hoang dã buộc phải cùng với các động vật khác di cư vào khu vực nhỏ hơn hoặc sống xen kẽ với xã hội loài người, cùng với sự thay đổi của thời tiết, chúng hình thành nên các hệ sinh thái mới. Và khi chúng ta trộn lẫn với những hệ sinh thái mới này sẽ tạo cơ hội hoàn hảo cho mầm bệnh lây sang cho con người.
 
 
Dấu vết lịch sử về những bệnh dịch truyền từ động vật sang con người vẫn còn hiện hữu. HIV là một sự kiện hiếm gặp trong những năm 1950, mầm bệnh từ một con tinh tinh dẫn đến một căn bệnh lây lan đầy ám ảnh. Sởi cũng là một căn bệnh phổ biến khác ở người nhưng được cho là đã tràn từ gia súc sang người trong thế kỷ XV. Từ virus Nipah năm 1998 ở Malaysia, MERS-CoV năm 2012, rồi đến virus Ebola năm 2014 trên khắp Tây Phi và gần đây là COVID-19, nguyên nhân gây bệnh đều liên quan đến việc buôn bán trái phép động vật hoang dã.
 
Sự xâm lấn thô bạo của con người vào thiên nhiên, tận diệt động vật hoang dã, làm mất đa dạng sinh học được xem là nguồn cơn dẫn đến đại dịch nhưng đây chưa phải là tất cả. “Nhiều thay đổi gần đây của thời tiết đã khiến vi khuẩn được kích hoạt bên trong động vật. Một động vật có vú, máu nóng bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh do thay đổi điều kiện môi trường sẽ có tỉ lệ tử vong lên đến 100%”, Tiến sĩ Richard Anthony Kock, đồng Chủ tịch Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nhận định.
 
 
Biến đổi khí hậu đã mang lại những kiểu thời tiết khác lạ thường xuyên hơn, cháy rừng tàn phá khắp quả địa cầu, khói từ các đám cháy ở Úc có thể di chuyển tới tận Nam Phi gây ô nhiễm không khí dẫn đến hàng loạt bệnh liên quan tới đường hô hấp, nạn di cư khổng lồ của châu chấu gây bất ổn an ninh lương thực, 5 lốc xoáy liên tiếp trong một ngày ở Mexico… mới đây nhất là tình trạng lũ lụt cục bộ và hiện tượng “sông trời” ở Trung Quốc và Nhật.
 
Nếu chỉ nhìn tỉ lệ tử vong 2-4% do virus cúm trong đại dịch COVID-19 gây ra (nguồn WHO cập nhật ngày 27.7) thì thấy có vẻ thấp khi so với các đại dịch khác, nhưng hãy nhìn vào những thiệt hại khủng khiếp mà nó gây ra cho xã hội, con người. Doanh nghiệp phá sản, số người thất nghiệp gia tăng, nhiều nền kinh tế lâm vào suy thoái, khủng hoảng lương thực diễn ra khắp nơi.
 
Bức tranh về đói nghèo trên thế giới trở nên bi quan hơn do đại dịch COVID-19 đe dọa kéo lùi thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên toàn cầu. Tỉ lệ người nghèo cùng cực năm 2020 được dự báo tăng lần đầu kể từ năm 1998, lên 29,7%. Tỉ lệ dân số thế giới có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày dự kiến tăng từ mức 8,2% trong năm 2019 lên 8,8% trong năm nay. “Nếu chúng ta tiếp tục không quan tâm tới đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, chính chúng ta đang làm suy yếu khả năng sống sót của loài người”, Giáo sư Tim Benton chia sẻ.
 
BƯỚC NGOẶT THẾ KỶ
 
Khi đặt tất cả những mảnh ghép trên lại với nhau, đại dịch chỉ là một phần của vấn đề. Thực tế, sức đề kháng của loài người đã giảm đi đáng kể cùng với sự suy giảm tự nhiên, đơn thuốc cho sức khỏe của loài người chính là bảo vệ môi trường sống. Nhận thức được điều này, các nhà đầu tư tiến bộ đã gọi COVID-19 là cuộc khủng hoảng bền vững đầu tiên của thế kỷ XXI, tiềm năng sẽ tạo ra một cuộc đổi mới tập trung vào biến đổi khí hậu.
 
Kết quả khảo sát của JPMorgan với các nhà đầu tư từ 50 tổ chức toàn cầu đang quản lý số tài sản tổng cộng khoảng 12.900 tỉ USD vào ngày 1.7 vừa qua cho thấy, 71% tin rằng những sự kiện bất ngờ như COVID-19 sẽ kích hoạt sự quan tâm của nhà đầu tư đến việc giải quyết các vấn đề như cuộc khủng hoảng khí hậu. Trên 50% nhà đầu tư được khảo sát cho biết đại dịch COVID-19 tạo ra động lực tích cực cho Hoạt động đầu tư bền vững (ESG) trong 3 năm tới.
 
“Đại dịch và rủi ro môi trường được xem là tương tự nhau về mặt tác động. Về lâu dài, COVID-19 có thể chứng minh là một bước ngoặt lớn đối với đầu tư ESG hay các chiến lược xem xét hiệu quả quản trị môi trường, xã hội và quản trị của công ty bên cạnh các tiêu chuẩn tài chính truyền thống”, ông Hugo Dubourg, người đứng đầu nghiên cứu ESG & tính bền vững vốn chủ sở hữu của JPMorgan, chia sẻ.
 
Bà Bùi Thị Thu Trang, Trưởng phòng Dịch vụ đảm bảo và tư vấn rủi ro, Công ty Deloitte Việt Nam, cho rằng dịch COVID-19 bùng phát đã bộc lộ ra vấn đề quản trị khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới. Khi dịch bệnh tác động tiêu cực, nhiều doanh nghiệp đã không thể chủ động đưa ra được kịch bản ứng phó kịp thời và hiệu quả, nên đã rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. “Cần gắn liền mục tiêu kinh doanh với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt an sinh xã hội… Thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững, không phải là chi phí vô nghĩa, mà chính là đầu tư cho tương lai phát triển ổn định hơn của doanh nghiệp”, bà Trang nhận định.
 
Trong khi nền kinh tế toàn cầu điêu đứng vì đại dịch, các quỹ đầu tư bền vững trên toàn cầu vẫn hút ròng số vốn kỷ lục 45,7 tỉ USD, ngược lại, nguồn vốn tại các quỹ đầu tư tổng hợp bị giảm 384,7 tỉ USD. Riêng tại Mỹ, theo dữ liệu của Morningstar, các quỹ đầu tư bền vững còn hút ròng số vốn kỷ lục lên đến 10,5 tỉ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020.
 
JPMorgan dự báo tổng tài sản có cách tiếp cận đầu tư bền vững trên toàn cầu sẽ đạt giá trị 45.000 tỉ USD vào cuối năm 2020, gấp 45 lần tổng tài sản nắm giữ của các quỹ chuyên đầu tư bền vững trên toàn cầu hiện tại với khoảng 1.000 tỉ USD. Nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến phát triển bền vững không chỉ vì yêu môi trường mà nó đang trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc.
 
TIÊU CHUẨN ESG VÀ LƯƠNG TÂM CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
 
Trong một hội thảo về “Chủ nghĩa tư bản các bên liên quan” tại Davos vào tháng 1.2020, ông Jim Snabe, Chủ tịch Siemens, đã nêu ra một điều rất đáng chú ý rằng, Tập đoàn đang đặt “hệ thống thù lao cho CEO và nhóm điều hành của mình trên cơ sở ESG”. Đặc biệt là sau khi các quy tắc quản trị doanh nghiệp mới của Vương quốc Anh từ Hội đồng Báo cáo Tài chính (FRC) được ban hành.
 
Tại Việt Nam, nhiều quỹ đầu tư như Dragon Capital, PAN Group từ lâu đã đưa các tiêu chí ESG vào quá trình phê duyệt và rà soát đầu tư. Các quỹ này chủ yếu huy động vốn từ các định chế tài chính quốc tế, khi đại dịch cúm làm mối quan tâm đến phát triển bền vững của những tổ chức này ngày càng tăng, cũng buộc các quỹ phải khắt khe hơn trong việc xuất vốn. “Có những doanh nghiệp có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, nhưng Dragon Capital phải nói không vì không đảm bảo tiêu chí ESG”, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, chia sẻ với báo chí.
 
 
Giới đầu tư cũng bắt đầu chi mạnh hơn cho các dự án phát triển bền vững. Theo Báo cáo Tài sản Thế giới năm 2020 của Capgemini, 40% trong số các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, những người sở hữu hơn 30 triệu USD tài sản có thể đầu tư cho biết họ sẵn sàng chi tiền vào đầu tư bền vững. Không chỉ có các quỹ và nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả các ngân hàng toàn cầu cũng trở nên nhạy cảm với những yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong quy trình thẩm định cho vay, theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch.
 

 
Từ sau Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, một nhóm các ngân hàng có trụ sở tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), chủ yếu ở Úc và Singapore, đã ngừng tài trợ trực tiếp cho các dự án nhà máy nhiệt điện than hoặc mỏ than mới. Đứng đầu trong số đó là Ngân hàng OCBC Singapore và Ngân hàng Đông Nam Á.
 
Để không bị tụt hậu và mất uy tín trên thị trường vốn, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng lập ra các quỹ ESG. Theo Morningstar, năm 2019 đã có thêm 483 quỹ ESG mới được thành lập, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện môi trường, nước sạch, bất động sản xanh, giao thông xanh… Điển hình phải kể đến HSBC với cam kết 100 tỉ USD tín dụng xanh, Standard Chartered Asia đã cam kết 75 tỉ USD cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
 
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 6.2019, dư nợ tín dụng dành cho các dự án xanh đã tăng 317.600 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Việc áp dụng các nguyên tắc ESG vẫn là thách thức đối với các ngân hàng trong khu vực, đặc biệt là ở những quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như Việt Nam. Nhưng sự thay đổi là bắt buộc khi đại dịch đã khiến doanh nghiệp và chính phủ ý thức hơn về vấn đề môi trường cùng với sự nâng cao ý thức của người dân đối với biến đổi khí hậu.
 
“Các công ty và thành phố đang chuyển san các nền kinh tế carbon thấp và bền vững hơn. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều dự án giải quyết nhu cầu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm tới”, ông Cameron Mike Ng, đại diện Ngân hàng OCBC, nhận định. Các ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội để theo đuổi trong lĩnh vực đầu tư bền vững.
 
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mức độ quan tâm của khối ngoại tới các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn cổ phiếu đã bắt đầu tăng mạnh từ quý II. Với xu hướng này, để tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn hậu COVID-19, doanh nghiệp phải bắt đầu nghiêm túc thiết lập các tiêu chuẩn ESG cho toàn bộ hệ thống từ khâu sản xuất đến sản phẩm và dịch vụ.
 
Hiện tại 100% các dự án đầu tư của Dragon Capital phải được phân tích, chấm điểm theo tiêu chí ESG. “Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của ESG và thúc đẩy những người có trách nhiệm phải suy nghĩ đến sự bền vững hơn là kinh tế”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dragon Capital, nhận định.

(Nguồn: NCĐT)

FSB chính thức đưa vào hoạt động Tủ sách chuyền tay OSL

Dự án “OSL Open Sharing Library – Trao đi là còn mãi” được FSB chính thức vận hành từ ngày hôm nay.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…". Giữa một cuộc sống có biết bao nhiêu bộn bề và lo lắng, chúng ta ắt hẳn ai cũng rất cần những yêu thương và chia sẻ cho dù là bình dị nhất. “Trao đi và nhận lại” vốn là một quy luật luôn tồn tại trong cuộc sống mà đôi lúc chúng ta cũng không thể nhận ra được. Đó là mối quan hệ qua lại lẫn nhau, là phép màu, là điều kì diệu mà tạo hóa ban tặng.

Có nhiều người có thể vẫn chưa hình dung rõ cho và nhận là gì? Cho là cho đi những yêu thương, sẵn sàng có thể giúp đỡ người khác và những việc làm đó xuất phát từ trái tim từ bản thân của mỗi người. Nhận là được đáp trả lại từ những gì mình đã cho đi. Cho và nhận có mối quan hệ khăng khít nhau,đó còn là mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó là mối quan hệ tương trợ nhau. Cho mang ý nghĩa của sự sẻ chia cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó có thể là những việc nhỏ nhặt như dắt một bà cụ qua đường, bẻ chiếc bánh mì làm đôi cho người bạn nghèo cùng lớp,…hay cũng có thể là “Trao & nhận sách” như sứ mệnh của Dự án “OSL Open Sharing Library – Trao đi là còn mãi” được FSB chính thức vận hành từ ngày hôm nay, 13/8/2020.
 
Là một trong những đơn vị giáo dục hàng đầu Việt Nam hiện nay, Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT chúng tôi tự hào mang trên mình sứ mệnh “Trao nhận”lan toả những nền tảng giáo dục cùng tri thức tới toàn xã hội trong suốt hành trình gần 30 năm hoạt động và cả trong tương lai phía trước. Với chúng tôi, SÁCH chính là nguồn tri thức bất tận của nhân loại”, là một trong những công cụ vô cùng hữu ích chắp cánh cho sứ mệnh đó. Sách chứa đựng rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú. Dự án OSL ra đời cũng vì lẽ đó.

Xuất phát từ mong muốn để tất cả mọi người đều được đọc sách và duy trì thói quen đọc sách thường ngày, hay mỗi khi có thể, FSB xây dựng, vận hành Dự án Thư viện chuyền tay “OSL Open Sharing Library – Trao đi là còn mãi – nơi chúng ta, chúng tôi và các bạn , bất cứ ai đều có thể đến “Trao đi và nhận lại” những cuốn sách hay, bổ ích, thú vị… “Trao và nhận tri thức” là cách thức chúng ta cùng nhau tiếp cận với nền văn minh của nhân loại; nhờ có tri thức và kết nối giữa người với người, nắm tay nhau đi lên mà xã hội mới có thể phát triển được. Đó cũng là những mong muốn mà FSB hướng tới khi thực hiện Tủ sách chuyền tay OSL – Open Sharing Library.
 

Nhờ có tri thức và kết nối giữa người với người, nắm tay nhau đi lên mà xã hội mới có thể phát triển được.
 
Trong ngày đầu dự án đi vào hoạt động, TS. Nguyễn Việt Thắng, Viện trưởng Viện Quản trị & Công nghệ FSB kiêm Phó Hiệu trưởng trường Đại học FPT đồng thời là Founder OSL chia sẻ: "Dự án được chúng tôi ấp ủ đã từ rất lâu. Mục tiêu của OSL chính là văn hoá chia sẻ sách, chia sẻ tri thức với slogan “Trao đi là còn mãi”. Mong muốn của chúng tôi trước mắt là OSL lan toả tới 4 cơ sở của FSB tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ; tiếp đó lan toả cả hệ thống giáo dục FPT với gần 100 cơ sở với hơn 50.000 HS-SV hiện nay".

 
TS. Nguyễn Việt Thắng: "Dự án được chúng tôi ấp ủ đã từ rất lâu…”
 
????Đến tham gia vào OSL, chúng tôi đều khuyến khích các bạn chia sẻ ít nhất 1 cuốn sách của mình vào Tủ Sách Chuyền Tay của OSL để chúng tôi có thể nhìn thấy bạn thông qua từng cuốn sách.

???? Và NẾU ĐƯỢC, với mỗi lần mượn sách, bạn hãy gửi lại cho thư viện 1 (hay nhiều) cuốn sách bạn muốn chia sẻ với các bạn đọc khác!

???? Tại khu vực Tủ Sách Chuyền Tay (nơi các thành viên tặng OSL những cuốn sách của mình), Thư viện có đặt DẤU TẶNG SÁCH. Các bạn có thể trực tiếp đóng dấu này vào những cuốn sách của mình và để lại thông tin cá nhân (Tên và Email của bạn) để những bạn đọc khác có thể liên hệ với bạn và cùng nhau thảo luận về nội dung cuốn sách được bạn chia sẻ.

???? Ngoài ra, đối với các hình thức E-book hoặc bản mềm của những cuốn sách mà bạn muốn chia sẻ tới cộng đồng, hãy gửi chúng tại Nhóm cộng đồng của chúng tôi tại link: https://www.facebook.com/groups/815416409266877 để tất cả mọi người đều được thưởng thức nhé!
 

 
Hãy đến với OSL để Trao và nhận sách, đóng dấu cộp mác cá nhân
 

 
Nội quy của OSL Open Sharing Library
 
“OSL Open Sharing Library” – nơi chúng ta, chúng tôi và các bạn , bất cứ ai đều có thể đến “Trao đi và nhận lại” những cuốn sách hay, bổ ích, thú vị…

Thư viện chính thức đi vào hoạt động từ hôm nay, 13/8/2020, được đặt tại tầng 1 trụ sở FSB Hà Nội và mở cửa từ thứ 2 – chủ nhật để phục vụ bạn đọc.
 

 
Nằm trong chuỗi hoạt động ra mắt OSL, BQL Dự án OSL tổ chức buổi ra mắt Thư viện với mục đích đưa bạn đọc đến gần hơn với Tủ Sách Chuyền Tay. Chúng ta hãy cùng hoà mình vào không khí thoảng mùi sách, quyện với hương trà chiều và tiếng nhạc du dương của OSL để cùng nhau “Trao và Nhận” những cuốn sách vô cùng thú vị và hấp dẫn.

Thư viện chuyền tay OSL (Open Sharing Library) – Trao đi là còn mãi: https://youtu.be/K_QJ7UJgpJ8

Thông tin buổi ra mắt Thư viện Sách Chuyền Tay – Open Sharing Library (OSL) dành riêng cho CB/GV của FSB Hà Nội:

  • Thời gian: 15h00 – 16h00 thứ 6 ngày 14/08/2020
  • Địa điểm: Thư viện Sách Chuyền Tay – Open Sharing Library (OSL), FSB Mỹ Đình 1
 
BQL OSL

Quy tắc 2 bánh pizza và họp trong im lặng – những bí kíp giúp Jeff Bezos trở thành người giàu nhất hành tinh

Quy tắc '2 bánh pizza' và họp trong im lặng đã giúp vị tỷ phú tiết kiệm được tài sản lớn nhất của mình: thời gian.
 
 
Thời gian vừa qua là một giai đoạn đáng nhớ của Jeff Bezos – CEO của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đồng thời là tỷ phú giàu nhất hành tinh.
 
Ngày 29/7, Bezos cùng một số CEO công nghệ khác đã đại diện cho Amazon để điều trần trước Quốc hội Mỹ với những cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
 
Đến ngày 6/8, Amazon báo cáo lợi nhuận ròng tăng gấp đôi so với một năm trước, lên 5,2 tỷ USD. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mỹ, giá cổ phiếu Amazon vẫn tăng mạnh do nhu cầu mua sắm trực tuyến bùng nổ.
 
Theo số liệu của tạp chí Forbes, hiện Bezos sở hữu hơn 187 tỷ USD. Một phép tính vui cho thấy nếu ông chủ Amazon sống đến tuổi thọ trung bình của con người là 78 tuổi thì từ nay cho đến hết đời, mỗi năm ông có khoảng 8,5 tỷ USD để tiêu xài mà không cần làm gì.
 
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công ngày nay của Bezos là giảm thiểu số lượng các cuộc họp bởi nó giúp vị tỷ phú tiết kiệm được tài sản lớn nhất của mình là thời gian.
 
Bezos nổi tiếng là người có phong cách quản lý phi truyền thống và ông nói rằng áp dụng các hình thức họp độc đáo là điều thông minh nhất doanh nghiệp này từng làm.
 
Vị tỷ phú từng nói: "Không bao giờ có cuộc họp mà hai chiếc pizza không đủ để cả nhóm cùng ăn". Theo đó, ông muốn chỉ tổ chức các cuộc họp khi thật sự cần thiết và nhóm không được bao gồm quá nhiều người bởi nó sẽ khiến hoạt động trở nên không hiệu quả.
 
 
Trên thực tế, Bezos cho biết ông chỉ gặp gỡ các nhà đầu tư của công ty khoảng 6 tiếng mỗi năm và ông luôn tránh các cuộc họp vào sáng sớm, bằng mọi giá. Và quy tắc "2 chiếc pizza" của Bezos là một trong những chiến lược sáng tạo để giúp ông không mất quá nhiều thời gian cho các cuộc họp không cần thiết.
 
Tại một diễn đàn lãnh đạo năm 2018, Bezos chia sẻ: "Nhiều năm về trước, chúng tôi đã loại bỏ hoàn toàn các bài thuyết trình bằng PowerPoint và đây có lẽ là điều đúng đắn và thông minh nhất Amazon từng làm".
 
Để thay thế, Bezos đã tạo ra cách mới: Một cuộc họp sẽ bắt đầu bằng việc mỗi người tham dự ngồi tại ghế và đọc bản tóm tắt dài 6 trang trong khoảng 30 phút đầu tiên. Người tham gia được khuyến khích ghi lại những điều đáng chú ý và sau khi thời gian kết thúc, họ sẽ cùng nhau thảo luận về các vấn đề liên quan.
 
Ông chủ Amazon không phải CEO duy nhất áp dụng những cuộc họp im lặng. CEO của Twitter và Square, Jack Dorsey cũng làm tương tự với việc bắt đầu cuộc họp bằng 10 phút đọc trong im lặng.
 
Dù bạn làm việc tại Amazon, Twitter hay một công ty nào khác, việc nhiều người cùng tham gia vào buổi họp sẽ phần nào ngăn cản sự sáng tạo của cá nhân. Hơn nữa, làm việc theo nhóm nhỏ hơn có thể ngăn chặn tình trạng "suy nghĩ theo nhóm", khi mọi người lười động não và đồng tình với ý kiến của đồng nghiệp cho xong chuyện. Một số CEO thậm chí còn cho biết họ có xu hướng thích họp mặt đối mặt giữa vài người hơn là nhóm lớn.
 
Một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Harvard cho thấy số lượng các cuộc họp trung bình đã tăng 13% trong thời gian đại dịch bùng phát và điều này đã làm giảm đáng kể sự sáng tạo của nhân viên.
 
Họp nhiều không phải lúc nào cũng tốt và người đàn ông giàu nhất hành tinh đã chứng minh rằng quan điểm đó hoàn toàn có cơ sở.

(Nguồn: Cafef)

Hơn 200 học viên tham dự HTQT “Digital Marketing dưới góc nhìn nhà quản lý” của FSB

Chuyên gia Tuấn Hà bật mí về góc nhìn của nhà quản lý với Digital Marketing trong kỷ nguyên số và cạnh tranh khốc liệt.
 
 
Diễn giả/chuyên gia Tuấn Hà – Chủ tịch Vinalink, Thevuon, VAG Media, Imentor
Hôm nay, 8/8/2020, tại Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT đã diễn ra chương trình Hội thảo Quản trị với chủ đề : “Digital Marketing dưới góc nhìn nhà quản lý”. Chương trình được dẫn dắt bởi Diễn giả/chuyên gia Tuấn Hà – Chủ tịch Vinalink, Thevuon, VAG Media, Imentor đã thu hút hơn 200 học viên trên cả nước, tham gia trên cả 2 hình thức Trực tiếp và Trực tuyến.
 
“Digital Marketing” có lẽ không còn là thuật ngữ quá xa lạ với chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, khi thế giới đang thay đổi, cuộc cách mạng 4.0 đang ở gần hơn bao giờ hết, cộng thêm bối cảnh đại dịch covid-19 vừa qua làm ảnh hưởng toàn thế giới khiến cho các giao thức thương mại – kinh tế chuyển mình …thì việc một nhà quản lý doanh nghiệp phải hiểu rõ hơn và vận hành Digital Marketing thuần thục càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Tại buổi hội thảo, những người tham dự có cơ hội hiểu sâu và sát hơn về Digital Marketing trên góc độ một nhà quản lý – nó không dừng lại ở góc độ vận hành mà còn cả về chiếc lược và tầm nhìn. Nghiên cứu – định vị thị trường ra sao, thiết kế thông điệp truyền thông như thế nào, đo lường hiệu quả chiến dịch thực hiện trên toàn bộ các kênh,  những công cụ digital marketing mạnh mẽ nhất hiện nay…. tất cả đều được diễn giả chia sẻ tại Hội thảo. Diễn giả Tuấn Hà chia sẻ với các học viên tham dự chương trình, đối với mỗi ngành nghề kinh doanh, hãy chú ý sử dụng những nền tảng mxh phù hợp để đạt được những hiệu quả quảng cáo, truyền thông cao nhất.
 
Chủ đề của Hội thảo tháng 8.2020 lần này được đánh giá là một trong những chủ đề hấp dẫn, sâu sát thực tiễn. Một số gương mặt tiêu biểu tham gia chương trình có thể kể đến như: BTV Thu Hương VTV, các nhà quản trị doanh nghiệp, leader, manager…của Austdoor, BIM Hanoi, Kim Gia Group, Sao Việt, Viglacera…Chia sẻ cảm nghĩ sau buổi hội thảo, chị Dương Bùi cho biết: “Nghe chuyên gia trong ngành nói thích quá, được nghe nhiều kiến thức mới và thực tế, nghe tới đâu thấm tới đó, khiến cho mình cảm thấy có động lực hơn hẳn”. Trong khi đó anh Trần Vân cho biết: “Chủ đề hội thảo vô cùng thiết thực. Tôi rất thích Digital Marketing từ trước đó, nhưng cho tới hôm nay mới không ngờ rằng mình vẫn còn cần học tập thêm nhiều kiến thức mới quá!”
 
Hội thảo Quản trị là chương trình được Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT thực hiện định kì hàng tháng, dành cho các học viên chương trình đào tạo Thạc sĩ của FSB trên cả nước cùng sự dẫn dắt của các chuyên gia kinh tế hàng đầu hiện nay.

Thông tin chi tiết liên hệ: VIỆN QUẢN TRỊ & CÔNG NGHỆ FSB – ĐH FPT
Website: http://caohoc.fpt.edu.vn/
Hotline: 093.293.9981

Viện Quản trị & Công nghệ FSB – Đại học FPT http://fsb.edu.vn/ có hơn 20 năm kinh nghiệm đào tạo về Quản trị Tổ chức và Doanh nghiệp, với hàng ngàn học viên các chương trình MBA, MSE, MiniMBA, CEO… cùng các khóa Đào tạo Doanh nghiệp khác hiện họ đang là những nhà quản trị nắm giữ những trọng trách cao trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các công ty, tổ chức đa quốc gia trên Thế giới.
 
Về uy tín chất lượng chuyên môn nghiên cứu và đào tạo, trong nhiều năm liên tiếp từ 2011, Viện luôn giữ vị trí Top 3 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam theo bình chọn của tổ chức Eduniversal https://www.eduniversal-ranking.com/. Năm 2019, chương trình MBA của FSB vinh dự có thứ hạng 24 (nâng 3 bậc từ thứ hạng từ 27) trong Top 30 chương trình MBA tốt nhất Đông Á. Đại học FPT cũng được tổ chức QS Stars (một trong 3 tổ chức đánh giá các trường Đại học uy tín nhất trên Thế giới) đạt chuẩn chung 3 sao, trong đó tiêu chí chất lượng giảng dạy (Teaching) đạt chuẩn 5 sao. Đặc biệt tháng 11/2019 trường đã được ACBSP (Global Business Accreditation https://www.acbsp.org/) kiểm định chất lượng (Accredited) – đây là một trong 2 tổ chức điểm định quốc tế cao nhất với khối ngành quản trị kinh doanh hiện nay.