FSB khởi động Dự án OSL – Open Sharing Library

FSB khởi động Dự án “OSL – Open Sharing Library” – nơi chúng ta, chúng tôi và các bạn , bất cứ ai đều có thể đến “Trao đi và nhận lại” những cuốn sách hay, bổ ích, thú vị… 
 
Giữa một cuộc sống có biết bao nhiêu bộn bề và lo lắng, chúng ta ắt hẳn ai cũng rất cần những yêu thương và chia sẻ cho dù là bình dị nhất. “Trao đi và nhận lại” vốn là một quy luật luôn tồn tại trong cuộc sống mà đôi lúc chúng ta cũng không thể nhận ra được. Đó là mối quan hệ qua lại lẫn nhau, là phép màu, là điều kì diệu mà tạo hóa ban tặng.

Có nhiều người có thể vẫn chưa hình dung rõ cho và nhận là gì? Cho là cho đi những yêu thương, sẵn sàng có thể giúp đỡ người khác và những việc làm đó xuất phát từ trái tim từ bản thân của mỗi người. Nhận là được đáp trả lại từ những gì mình đã cho đi. Cho và nhận có mối quan hệ khăng khít nhau,đó còn là mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó là mối quan hệ tương trợ nhau.
 

Thấm nhuần từ những tư tưởng nhân văn nói trên, Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT luôn ý thức được sứ mệnh “Trao và nhận” những nền tảng kiến thức, văn hoá tới tất cả mọi người trong suốt hành trình gần 30 năm trong ngành giáo dục và cả trong tương lai. Và với chúng tôi, sách chính là “nguồn tri thức bất tận của nhân loại”. Sách chứa đựng rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú
Với mong muốn để tất cả mọi người đều được đọc sách và duy trì thói quen đọc sách thường ngày, hay mỗi khi có thể, FSB khởi động Dự án “OSL – Open Sharing Library” – nơi chúng ta, chúng tôi và các bạn , bất cứ ai đều có thể đến “Trao đi và nhận lại” những cuốn sách hay, bổ ích, thú vị… “Trao và nhận tri thức” là cách thức chúng ta cùng nhau tiếp cận với nền văn minh của nhân loại, nhờ có tri thức và kết nối giữa người với người, nắm tay nhau đi lên mà xã hội mới có thể phát triển được. Đó cũng là những mong muốn mà FSB hướng tới khi thực hiện OSL – Open Sharing Library”
 
OSL sẽ chính thức ra mắt vào ngày 13/8/2020 tới đây. Mô hình “trao – nhận tri thức” hoàn toàn miễn phí của FSB sẽ được phát triển lần đầu tại cơ sở FSB Hà Nội và hy vọng có thể lan toả tới nhiều cơ sở khác trên cả nước.
 
Hãy thường xuyên cập nhật fanpage của chúng tôi để không bỏ lỡ bất kì thông tin mới nhất nào về dự án “OSL – Tủ sách chuyền tay – Trao đi là còn mãi” nhé!

Tin FSB

World Bank: Rủi ro lớn nhất của Việt Nam là mắc kẹt trong “Bẫy kinh tế Covid-19”, khi tiêu dùng từ giới trung lưu khó có thể tăng mạnh như trước

"Trước đây Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 7 – 8%, nhưng chúng ta có thể bị "bẫy" trong mức thấp hơn, ở mức 3 – 4%", chuyên gia kinh tế trưởng World Bank Việt Nam cảnh báo.

 
"Covid-19 tại Việt Nam là tai ương nhỏ về y tế nhưng là tai ương lớn về kinh tế", ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam chia sẻ trong bài trình bày tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại mới tiêu đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19".
 
Theo báo cáo, kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.
 
Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021.
 
Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
 
Tại sự kiện công bố báo cáo, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank Việt Nam cũng chỉ ra rủi ro lớn nhất cho kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
 
"Rủi ro lớn nhất cho Việt Nam, chúng tôi gọi là "Bẫy kinh tế của Covid-19". Trước đây Việt Nam tăng trưởng ở mức 7 – 8%, nhưng chúng ta có thể bị "bẫy" trong mức thấp hơn, ở mức 3 – 4%", ông Jacques nhận định.
 
Lý giải cho nhận định này, ông Jacques cho biết trong vài thập kỷ qua, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào sức cầu nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Hai động lực trên đóng góp đến trên 75% cho tăng trưởng GDP trong các năm 2016 – 2019.
 
"Sức cầu nước ngoài được hỗ trợ rất tốt bởi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, và tiêu dùng trong nước được hỗ trợ bởi sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, trong vài năm tới, thật khó tưởng tượng rằng 2 động lực này còn có thể tiếp tục mạnh", đại diện World Bank nhìn nhận.
 
Về sức cầu nước ngoài, khó khăn nhất là cầu của nước ngoài trong cuộc khủng hoảng này, khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
 
"Chúng ta có thể thấy trong vòng vài tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu suy giảm ở một số ngành, lĩnh vực tương đối mạnh. Tiêu dùng trong nước và đầu tư trong nước cũng vậy".
 
"Trong một thế giới với rất nhiều bất định so với các năm khác, chúng ta khó hình dung rằng mọi người sẽ tiêu dùng nhiều hơn, hoặc đầu tư nhiều hơn. Thực chất hầu hết người Việt đều ngại rủi ro, cho nên họ mong muốn tiết kiệm nhiều hơn vì cuộc sống sau này sẽ khó khăn hơn. Một chỉ báo cho thấy lo ngại rằng tiêu dùng trong nước và đầu tư trong nước không tăng được nhanh như các năm trước. Việt Nam có thể bị kẹt trong "bẫy kinh tế" như vậy", ông Jacques nói.
 
Báo cáo của World Bank khuyến nghị 3 biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó.
 
Biện pháp thứ nhất là cần cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khách và đầu tư nước ngoài.
 
Biện pháp thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.
 
Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.

(Nguồn: TTT)

Thế giới bất ổn nhìn từ tuần biến động của giá vàng

Giai đoạn đầu đại dịch, vàng từng giảm giá nhưng giờ sự tự tin của các nhà đầu tư đi xuống, giá vàng đi lên.
 
 
Mua bán vàng miếng. Ảnh: Bloomberg
 
Covid-19 gây ra không ít tò mò, khi nó làm suy sụp nền kinh tế toàn cầu và tạo ra một trong những cuộc "bứt phá giả" (head fake) lớn nhất trong thị trường tài chính gần đây. Không những thế, đại dịch còn sớm cho chúng ta thấy khả năng tạo ra một trong những biến động chưa từng thấy của thị trường vàng.
 
Cuối phiên giao dịch tại New York hôm thứ sáu (24/7), vàng thỏi đã tăng vọt lên 1.902,02 USD một ounce, cao hơn khoảng 30% so với mức thấp ghi nhận vào tháng 3 và chỉ thấp hơn 1% so với mức kỷ lục hồi năm 2011.
 
Virus đã "phóng thích" một động lực to lớn, thúc đẩy nhu cầu tìm vàng như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh được cho là hỗn loạn. Tại Mỹ, mọi người lo ngại về lệnh phong tỏa trở lại của chính phủ, các chính trị gia quyết định đẩy mạnh các gói kích thích chưa từng có; và ngân hàng trung ương quyết định in tiền nhanh hơn bao giờ hết để tài trợ cho chi tiêu đó.
 
Chưa hết, lợi suất trái phiếu điều chỉnh theo lạm phát đã xuống mức âm. Đồng đôla Mỹ lao dốc so với đồng euro và đồng yên. Căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục gia tăng. Tất cả điều này, khi được kết hợp với nhau, thậm chí đã gây ra mối lo ngại trong giới tài chính rằng sự kết hợp hiếm hoi của lạm phát và tăng trưởng chậm sẽ làm xói mòn giá trị các khoản đầu tư thu nhập cố định tại các nước phát triển.
 
Ở Mỹ, nơi virus vẫn đang hoành hành và sự phục hồi kinh tế đang bị đình trệ, cuộc tranh luận này đang ngày càng lớn hơn. Lạm phát kỳ vọng hàng năm trong thập kỷ tới, được đo bằng chỉ số hòa vốn thị trường trái phiếu, đã tăng trong 4 tháng qua sau khi sụt giảm vào tháng 3. Hôm thứ sáu (24/7), chỉ số này đạt 1,5%. Mặc dù vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch và dưới mục tiêu 2% của Fed, nó cao hơn gần một điểm phần trăm mức lãi suất 0,59% trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm.
 
Động lực chính đằng sau đợt tăng giá mới nhất của vàng là "lãi suất thực tiếp tục giảm mạnh và không có dấu hiệu dừng lại sớm", Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda Corp, cho biết. Vàng cũng thu hút các nhà đầu tư, những người "lo ngại rằng lạm phát sẽ vẫn đạt được và có thể nhờ đảm bảo bởi Fed".
 
Thị trường trái phiếu Mỹ là một động lực thúc đẩy cơn "sốt vàng" tuần qua. Khi lợi suất tính đến lạm phát đã xuống dưới không, các nhà đầu tư phải tìm kiếm những thiên đường an toàn khác để tránh mất giá trị tài sản. Đến 24/7, vàng đã có tuần thứ 7 liên tiếp tăng giá. Các nhà phân tích không cho rằng đà này sẽ sớm kết thúc.
 
"Khi lãi suất bằng 0 hoặc gần bằng 0 thì vàng là phương tiện hấp dẫn vì bạn không phải lo lắng về việc không có lãi từ vàng của mình", Mark Mobius, Đồng sáng lập của Mobius Capital Partners, tuyên bố, "Tôi sẽ mua ngay bây giờ và tiếp tục mua".
 
Các nhà phân tích đã dự đoán giá vàng tăng trong vài tháng. Hồi tháng 4, Bank of America Corp đã dự báo giá vàng trong 18 tháng lên 3.000 USD một ounce. "Đại dịch toàn cầu đang tạo sự thúc đẩy bền vững cho vàng", Francisco Blanch, Trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa và phái sinh của Bank of America, nói. Theo ông, các tác động tạo ra bao gồm giảm giá thực, tăng bất bình đẳng và giảm năng suất.
 
"Hơn nữa, khi GDP Trung Quốc nhanh chóng tiến gần với quy mô của Mỹ nhờ vào khoảng cách ngày càng lớn về số trường hợp nhiễm Covid-19 của hai nước, sự thay đổi địa chính trị có thể mở ra, hỗ trợ thêm khả năng đạt dự đoán 3.000 USD của chúng tôi trong 18 tháng tới", ông Francisco Blanch nói thêm.
 
Bank of America đưa dự đoán táo bạo này hồi tháng 3, khi giá vàng ban đầu giảm do các nhà đầu tư tìm kiếm tiền mặt để bù lỗ cho các tài sản rủi ro. Nhưng giá vàng đã nhanh chóng phục hồi khi Fed hạ lãi suất cơ bản và các dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ cùng nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu phải bơm nhiều tiền hơn để kích thích kinh tế trước đại dịch.
 
Đây không phải lần đầu tiên vàng nhận được sự giúp đỡ từ các chương trình kích thích ngân hàng trung ương. Từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, Fed đã mua 2.300 tỷ USD nợ và giữ lãi vay gần bằng 0% trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, giúp vàng đạt mức giá kỷ lục 1.921,17 USD một ounce vào tháng 9/2011.
 
Nhưng cuộc khủng hoảng cách đây một thập kỷ chỉ xoay quanh vấn đề của ngành tài chính, còn giờ thì khác. Afshin Nabavi, chuyên gia MKS PAMP Group dự báo giá vàng có thể đạt 2.000 USD một ounce. "Lần này, thành thật mà nói, tôi không thấy lối ra cuối đường hầm", ông nói ít nhất là cho đến cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11.

(Nguồn: VnExpress)

Giải mã “sức hút” Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản

Nhằm cải thiện chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, 15 doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ từ Chính phủ để mở rộng sản xuất sang Việt Nam.

Chi phí lao động tại Vệt Nam chính là một trong những yếu tố có sức hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật. Ảnh: VTV
 
Dịch COVID-19 là tác nhân chính gây nên sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu khiến thiết bị bảo vệ sức khỏe của Nhật Bản chỉ đủ dùng trong 1 tuần. Nhằm đa dạng hoá thị trường, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ 100 triệu Yen đến 5 tỷ Yen cho 30 doanh nghiệp mở rộng sản xuất sang các nước ASEAN. 
 
Trong số 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản đã được chọn hỗ trợ đã lựa chọn đăng ký mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Những điều gì đã hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật đến vậy?
 
Một doanh nghiệp Nhật chuyên sản xuất linh kiện cho xe máy và ô tô cho biết, sau thời gian sản xuất tại Việt Nam, công ty đã phát triển lên 4 cơ sở sản xuất với năng lực tăng lên gấp đôi bởi làn sóng đầu tư của các công ty Nhật.
 
"Lao động chính là sức hấp dẫn của Việt Nam. Chí phí lao động tại Việt Nam rẻ hơn nếu so với Trung Quốc, trong khi chất lượng lao động rất tốt. Vì thế, sản phẩm làm ra tại nhà máy ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng trong khi chi phí sản xuất lại rất hợp lý. 
 
Sự đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam ngày càng nhiều và mục đích của chúng tôi là cung cấp sản phẩm cho các công ty Nhật tại đây", ông Wakamatsu Hiroyuki – Giám đốc Công ty Chubu Rika Việt Nam cho hay.

Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 59 tỷ USD. Ảnh: VTV

Như vậy, khi một doanh nghiệp Nhật Bản mới kết hợp với một doanh nghiệp Nhật đã đầu tư tại Việt Nam sẽ hình thành chuỗi sản xuất đang ngày càng phổ biến tại các khu công nghiệp. Việt Nam vì thế được xem là điểm tập trung, hấp dẫn thêm doanh nghiệp đến từ Nhật. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng nhận được sự hậu thuẫn lớn từ phía Chính phủ và hệ thống ngân hàng.
 
Ngoài việc hiện nay Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 59 tỷ USD. Khảo sát gần đây nhất do JETRO thực hiện cho thấy, Việt Nam cũng đứng vị trí thứ hai trong danh sách doanh nghiệp Nhật lựa chọn là điểm đến mở rộng kinh doanh trong tương lai.
 
Việt Nam đón 4 làn sóng đầu tư từ Nhật Bản
 
Ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội – cho biết sẽ có tổng cộng 4 làn sóng đầu tư từ Nhật Bản.
 
– Làn sóng thứ nhất: các doanh nghiệp lớn của Nhật muốn mở rộng giai đoạn 2, 3, 4 tại các khu công nghiệp và địa phương.
 
– Làn sóng thứ 2: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật, 1 nhóm cung ứng cho chính doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và 1 nhóm nữa triển khai hoạt động kinh doanh độc lập.
 
– Làn sóng thứ 3: Đầu tư sản xuất tại Việt Nam để phục vụ xuất khẩu sang nước khác, như Mỹ hay Trung Quốc.
 
– Làn sóng thứ 4: Sản xuất và bán hàng ngay tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp ngành dịch vụ và bán lẻ của Nhật.
 
Các quốc gia thúc đẩy thu hút dòng vốn Nhật
 
Việt Nam có cơ hội đón nhận 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản, tức là 15 doanh nghiệp còn lại đang chọn các miền đất khác để đầu tư. Hiện có 4 doanh nghiệp đã chọn và nghiên cứu thị trường Malaysia. Ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh cũng đang đưa ra những chiến lược để hút được dòng vốn này, cạnh tranh với Việt Nam.
 
Ấn Độ
 
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Ấn Độ. Sau khi Nhật Bản công bố dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, có hơn 6 doanh nghiệp nước này đã bày tỏ mong muốn đầu tư tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, trong đó có nhà sản xuất đồ gia dụng hàng đầu của Nhật Bản như Hitachi.
 
Nắm bắt thời cơ này, Bộ trưởng Bộ Xúc tiến đầu tư và xuất khẩu của Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã chuẩn bị một ngân hàng đất khổng lồ, lên tới 100.000 mẫu đất cho các nhà đầu tư. Trong đó, 85.000 mẫu đất sẽ để dành cho các ngành công nghiệp ở miền đông Ấn Độ, 3.000 mẫu đất dành cho nông nghiệp ở miền Trung và 2.600 mẫu đất khác dành cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc phòng.
 
Bangladesh
 
Bangladesh hiện có hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào đây.  Theo khảo sát năm 2019, hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng quy mô tại Bangladesh, tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
 
Bangladesh có chiến lược cụ thể để thu hút dòng vốn từ Nhật Bản. Đáng chú ý nhất, là khu vực phát triển kinh tế đầu tiên rộng 1.000 mẫu tập trung cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh địa điểm thuê đất, Chính phủ còn cung cấp hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, với mức chi phí cạnh tranh so với các nước láng giềng, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản.

(Nguồn: NCĐT)

Thiên nga đen của giới khởi nghiệp

"Tốc độ đầu tư vào các startup sẽ chậm hơn trong vài tháng tới", ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP nhận định.
 

Covid-19 là mệnh danh là "thiên nga đen" của năm 2020
 

Nếu như 2018 là năm "hoàng kim" của giới startup, khi các quỹ đầu tư đua nhau rót tiền vào hàng loạt những cái tên đình đám, đánh cược vào cuộc chơi mà người thắng sẽ có tất cả, thì 2019 chắc hẳn cũng là một năm đáng nhớ không kém.
 
Năm ngoái, cú "ngã ngựa" của startup chia sẻ văn phòng WeWork tại Mỹ có định giá lên đến 47 tỷ USD, sau vài tuần rớt còn chưa đến 10 tỷ USD và phải huỷ IPO đã mở màn cho "bóng ma" – nổ bong bóng dot-com lần thứ 2 (2.0) xảy ra.
 
Theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures, năm 2019, khu vực Đông Nam Á đã thu hút được 7,7 tỷ USD vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, giảm tới 36% so với con số 12 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, khi dòng vốn đầu tư startup chưa kịp phục hồi, dịch bệnh Covid-19 đã bất ngờ ập đến tạo ra "khủng hoảng kép".
 
Covid-19 là mệnh danh là "thiên nga đen" của năm 2020. Đại dịch ập đến bất ngờ, gây tác động lớn và những hệ quả kéo dài không lường trước. Với nguồn lực hạn chế, kinh nghiệm non trẻ, các startup đang "thấm đòn" từ cơn khủng hoảng toàn cầu hiện tại.
 
Nhiều startup đã đóng cửa hoặc ít nhất, lâm vào tình cảnh "ăn bữa nay chưa biết bữa mai". Các nhà đầu tư toàn cầu chú trọng chiến lược bảo toàn vốn, các quỹ đầu tư mạo hiểm dừng đa số các hoạt động tiếp xúc, rót vốn…
 
Bà Trương Lý Hoàng Phi – CEO VinTech cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các startup liên quan tới ngành nghề sử dụng nhiều mặt bằng, hoạt động chuỗi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, ví dụ như: du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống…
 
"Nhiều người nghĩ rằng, startup đơn giản chỉ cần đóng cửa hàng là tạm an toàn. Nhưng thực tế, đóng một cửa hàng, một mặt bằng gây ra rất nhiều thiệt hại, từ tài chính, con người, thậm chí là mô hình hoạt động", bà Phi nói.
 
Theo CEO VinTech, khi đại dịch Covid-19 qua đi, các startup sẽ cần có các phương án quản trị rủi ro hiệu quả trong tương lai. Bên cạnh đó, ngoài các sản phẩm truyền thống, startup cũng cần tính tới các phương pháp chuyển đổi phù hợp hơn với xu thế thị trường.
 
"Về phía các nhà đầu tư, trong bối cảnh nên kinh tế đang đi xuống, đây sẽ là dịp để họ chậm lại quan sát cả thị trường lẫn startup. Rất nhiều người nói với tôi, thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "bong bóng" startup. Dịch bệnh càng kéo dài, các "bong bóng" sẽ càng dễ vỡ", nữ CEO nhận định.
 
Ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP nhận định, rất nhiều ngành dọc có tiềm năng phát triển nếu các startup có thể tái cấu trúc.
 
Trong chỉ vài tháng qua, thế giới đã chứng kiến hành vi người tiêu dùng thay đổi một cách chóng mặt, một việc đòi hỏi nhiều năm mới thực hiện được nay chỉ cần vài tháng.
 
Công nghệ giáo dục là một ví dụ nơi mà không chỉ số lượng người sử dụng phương pháp giáo dục trực tuyến đã tăng lên gấp đôi thành 90 triệu người ở Ấn Độ mà số lượng người dùng trả tiền cũng tăng gấp đôi. Điều này thực sự là chưa hề có tiền lệ.
 
Không chỉ có công nghệ giáo dục, y tế số, sản phẩm y tế và vệ sinh, thương mại điện tử là những ngành mà chuỗi cung ứng không hề bị gián đoạn như là công cụ làm việc từ xa và phương tiện kết nối. Covid-19 khiến cho các ngành số hóa nhanh hơn. Các doanh nghiệp lớn tăng gấp đôi sau khi số hóa.
 
"Tốc độ đầu tư vào các startup sẽ chậm hơn trong vài tháng tới", ông Rajan Anandan nêu quan điểm. Theo vị chuyên gia, vốn đầu tư sẽ dồn vào các công ty tốt nhất có thể giải quyết các thách thức của thế giới trên diện rộng.
 
 
Tốc độ đầu tư vào các startup sẽ chậm hơn trong vài tháng tới
 
"Thế giới hậu Covid-19 sẽ chào đón các startup cung cấp được giải pháp và sản phẩm thiết thực, làm cho khách hàng yêu thích và có mô hình kinh doanh với lợi nhuận khả thi mới nhận được đầu tư. Chúng tôi nhận thấy các hoạt động nổi bật trong vòng hạt giống và Series A và đặc biệt là gọi vốn vòng hạt giống sẽ phục hồi nhanh chóng", Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP nhấn mạnh.
 
Theo ông, các vòng gọi vốn giai đoạn sau vẫn tiếp tục nhưng sẽ có nhiều rào cản hơn. Kỷ nguyên của tăng trưởng thay vì lợi nhuận đã kết thúc. Các nhà đầu tư giai đoạn sau sẽ muốn tìm kiếm những cỗ máy kiếm tiền, các startup có lợi nhuận thay vì chỉ mở rộng và tăng trưởng nóng.
 
Còn theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch NextTech, nửa đầu năm 2020 là thời điểm khó khăn với nhiều startup, thậm chí là các dự án sẽ phải đóng cửa, hoặc phá sản.
 
"Nói như vậy không có nghĩa là các startup đều sẽ thất bại dưới tay dịch bệnh Covid-19. Các dự án có mô hình kinh doanh tốt, biết chuyển đổi kịp thời, tạo nên những sản phẩm công nghệ mới và hướng tới giá trị cho cộng đồng vẫn sẽ tồn tại", ông Bình nói.
 
Vị chuyên gia cho rằng, yếu tố then chốt nằm ở việc các startup có biết huy động mọi nguồn lực, năng lực để nhìn nhận và nắm bắt thị trường hay không? Có đưa ra dự án phù hợp để tìm cách tồn tại, phát triển hay không?
 
Thực tế, sau khi Covid-19 bùng phát, hành vi chi tiêu của người Việt đã có sự thay đổi rõ rệt, khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, bệnh dịch cũng góp phần mở ra các xu hướng mới buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng.
 
Cụ thể, báo cáo Khủng hoảng Covid-19: Tác Động và tiềm năng Phục Hồi của Adsota chỉ ra, các ngành dịch vụ nói chung đang đứng trước tình hình không mấy khả quan. Điển hình là giải trí và nhà hàng phải chịu mức giảm chi tiêu tới 19%.
 
Ngược lại, các ngành thực phẩm đóng gói, chăm sóc cá nhân và chăm sóc sức khỏe hầu như không chịu nhiều ảnh hưởng. Chi tiêu cho các sản phẩm như: dầu gội, mỹ phẩm và đồ gia dụng cũng tương tự. Lý do là bởi chi tiêu đối với hàng hóa thiết yếu của người Việt Nam không có sự thay đổi quá tiêu cực, trong khi vấn đề hạn chế tiếp xúc xã hội tại các điểm bán offline đã được các nền tảng thương mại điện tử giải quyết phần nào.

(Nguồn: The Leader)