FPT vinh dự lọt top 5 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam năm 2024

FPT chính thức được vinh danh trong Top 5 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam tại sự kiện “100 Thương Hiệu Giá Trị Nhất Việt Nam 2024” do Brand Finance tổ chức, với giá trị thương hiệu ấn tượng gần 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, FPT còn xuất sắc lọt vào Top 10 công ty có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam và Top 12 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn FPT, bà Mai Thị Lan Anh Giám đốc Truyền thông lên nhận giải thưởng
Bà Trần Thị Kim Phượng, Giám đốc FPT Software HCM, Tập đoàn FPT chia sẻ 3 câu chuyện giúp FPT thành công trên toàn cầu
Bà Trần Thị Kim Phượng, Giám đốc FPT Software HCM, Tập đoàn FPT (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ 3 câu chuyện giúp FPT thành công trên toàn cầu

Đặc biệt, FPT được đánh giá cao ở các chỉ số quan trọng như “Thương hiệu đáng ngưỡng mộ” và “Tăng trưởng vượt trội”. Theo ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á Thái Bình Dương: “Trong năm 2024, FPT đạt mức tăng trưởng ấn tượng 67% về giá trị thương hiệu, cùng với sự cải thiện về chỉ số Brand Strength Index (BSI) đạt 86,9/100, đưa FPT vào Top 5 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam.”

Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á Thái Bình Dương chia sẻ tại sự kiện
ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á Thái Bình Dương chia sẻ tại sự kiện

Brand Finance đã thực hiện đánh giá dựa trên phản hồi từ hơn 100.000 cá nhân trên toàn cầu, trong đó có 25.000 cá nhân tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Giá trị thương hiệu được xác định thông qua phân tích chi tiết về nhận thức thương hiệu cùng với tiềm năng tài chính trong cả ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp.

Tin FSB

Hai xu hướng công nghệ tiếp thị sẽ bùng nổ trong 10 năm tới

Công nghệ tiếp thị (Martech) đang nhanh chóng nhân rộng mức độ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ứng với tiến trình phát triển của toàn cầu, các chuyên gia marketing đã đưa ra dự đoán về hai xu hướng Martech sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2020-2030.

Thị trường Martech toàn cầu có giá trị 121,5 tỷ USD.

Khảo sát trên 750 thương hiệu cùng các công ty cung cấp giải pháp truyền thông (agency) nổi bật tại Bắc Mỹ, Anh, châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương, báo cáo “Martech 2020 and Beyond” do Warc thực hiện đã chỉ ra rằng, quy mô thị trường công nghệ tiếp thị đang tăng dần qua các năm.

Cụ thể, tính đến hết năm ngoái, thị trường Martech toàn cầu có giá trị 121,5 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2018 và đang tiếp tục giữ thế phát triển xanh trong năm 2020. 

Song song với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ngày càng có nhiều cái tên mới tham gia vào lĩnh vực công nghệ tiếp thị như Oracle, IBM, Adobe hay tại Việt Nam là VCCorp (với bộ công cụ và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số Bizfly). 

Nhiều công ty từng chỉ chuyên về phần mềm quản trị doanh nghiệp, nay cũng đã mở rộng phát triển thêm mảng phần mềm hỗ trợ quản trị các chiến dịch tiếp thị, bán hàng và quản lý quan hệ khách hàng.

Trước làn sóng Martech dâng cao, các chuyên gia trong lĩnh vực đã nhận định thập kỷ tiếp theo sẽ đi cùng sự bùng nổ của 2 xu hướng mới, và doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng thích ứng mới có thể ở lại cuộc chơi.

“No-code” – Khi con người có thể tạo ra ứng dụng mà không cần đến kiến thức lập trình.

“No-code” là thuật ngữ dùng để chỉ những công cụ phát triển phần mềm đặc biệt, cho phép những người không có kiến thức gì về lập trình (non-coder) vẫn có thể xây dựng các ứng dụng của riêng mình. 

Các công cụ này thường có UI (giao diện người dùng) đơn giản, tích hợp nhiều tính năng và cơ chế thao tác dễ dàng, giúp người dùng xây dựng và phát triển nhiều ứng dụng website, mobile, chatbot, … theo ý muốn.

Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp muốn tiết kiệm được càng nhiều càng tốt chi phí và thời gian cho việc xây dựng một trang web/ứng dụng di động, họ hoàn toàn có thể nhờ đến No-code mà không cần phải có kiến thức chuyên sâu về bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào. 

Thay vì phải tiêu tốn hàng chục triệu cho các freelancer hay công ty chuyên thiết kế web/app, chủ doanh nghiệp sẽ chỉ mất vài trăm ngàn mỗi tháng với no-code để duy trì hoạt động của ứng dụng. 

Kể cả khi chưa xác định được ý tưởng làm web/app, no-code cũng sẽ là giải pháp vẹn toàn bởi khả năng gợi ý những template (mẫu tham khảo) đa dạng có sẵn, được chia làm nhiều chủ đề ứng với các lĩnh vực kinh doanh phổ biến như bất động sản, khách sạn, F&B,…

Hãy thử tưởng tượng môi trường kinh doanh sẽ thay đổi ra sao, khi ngay cả một người chủ nhà hàng ít tiếp xúc với công nghệ cũng có thể sử dụng công cụ no-code để tạo ra chatbot đặt bàn và món cho cơ sở của mình. 

Cá nhân người chủ đó sẽ đạt được sự gia tăng trong hiệu quả cạnh tranh lẫn doanh thu, nhờ cắt giảm được đáng kể chi phí thuê nhân viên và đảm bảo hiệu suất chốt đơn. Bên cạnh đó, điều này cũng thúc đẩy các đơn vị đối thủ phải chạy đua để bắt kịp và kết cục tất yếu là hình thành xu hướng.

Tại Việt Nam, hiện đã có một số nhà cung cấp giải pháp no-code hoặc ứng dụng dựng sẵn uy tín để các chủ doanh nghiệp tham khảo hợp tác, tiêu biểu như BizFly với công cụ Webfly.

Đầu tư song song vào con người và công nghệ là chìa khóa để ứng dụng thành công Martech

Xét ở thực tại, không ít các chủ doanh nghiệp đang quá coi trọng công nghệ mà quên đi con người mới là chủ thể cốt lõi để vận hành hệ thống và triển khai nó. 

Cùng một hệ thống quy mô tương đương như của Oracle, Microsoft, Hotspot nhưng có doanh nghiệp triển khai thành công, có doanh nghiệp triển khai thất bại do việc ứng dụng phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược và yếu tố con người.

Đối với mọi công ty, trong số 3 rào cản lớn nhất của việc triển khai ứng dụng Công nghệ tiếp thị, so với sự thiếu hụt ngân sách hay mức độ am hiểu về các công nghệ hiện có thì việc nhân sự thiếu kỹ năng hoặc doanh nghiệp thiếu nhân lực chính là vấn đề đau đầu hơn cả. 

Một ví dụ điển hình là đa số người làm marketing tại các doanh nghiệp Việt có thể chạy quảng cáo Facebook, Google, quản trị website nhưng lại “gãi đầu gãi tai” khi tiếp xúc với các phần mềm và công cụ mới như tự động hoá, lưu trữ data khách hàng trên tất cả các kênh…

Lời giải tất lẽ cho bài toán này, chính là sự phát triển và nâng cao song hành giữa con người – công nghệ. Thêm vào đó, chủ doanh nghiệp cũng cần nhanh nhạy hơn trong việc tìm hiểu nghiên cứu những công cụ sales và marketing hiệu quả, áp dụng vào đơn vị mình để thu hẹp khoảng cách giữa bộ máy nhân sự hiện tại và các xu hướng Martech mới. 

Một ứng cử viên sáng giá để lựa chọn làm đối tác cung cấp giải pháp Martech – Marcom tại Việt Nam có thể kể đến Bizfly – Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số từ VCCorp. 

Đây là giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số và bộ công cụ sale và marketing “all-in-one” nổi bật tại Việt Nam, hiện đang tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng các doanh nghiệp SMB qua chiến dịch “Giảm đau kinh tế”, khắc phục hậu quả dịch Covid-19 để lại. 

Bizfly là sản phẩm chiến lược mũi nhọn của công ty công nghệ và truyền thông hàng đầu trong nước – VCCorp. Tham khảo các giải pháp chuyển đổi số của Bizfly: tại đây.

Có một điều chắc chắn rằng, Martech đang trở thành định hướng được đa số doanh nghiệp trên thị trường hướng tới. 

Đối diện với hai xu thế tất yếu kể trên, đã đến lúc những nhà quản trị hay người làm truyền thông trang bị cho bản thân kiến thức sâu rộng về Martech, từ đó nắm bắt và vận dụng tối đa những hiệu quả đem lại vào mục đích gia tăng doanh thu, thúc đẩy khách hàng.

Nguồn: The Leader

6 thương hiệu của Vingroup vào top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam

Vinhomes, Vinpearl, Vincom Retail, VinFast, Vinschool và Vinmec được vinh danh trong top 100 thương hiệu giá trị nhất và mạnh nhất Việt Nam năm 2024.

Danh sách do công ty định giá thương hiệu toàn cầu Brand Finance công bố. Trong đó, Vinhomes – đơn vị sở hữu 30 khu đô thị trên toàn quốc có giá trị cao nhất trong hệ sinh thái Vingroup, đạt mức 1,414 tỷ USD.

Vinpearl đứng thứ 36, được Brand Finance đánh giá mạnh nhất toàn bảng xếp hạng. Giá trị thương hiệu này tăng 34% lên 230 triệu USD, vượt qua nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng. Với hơn 20 năm phát triển, hệ thống Vinpearl có 30 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, trên 17 địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Tổng công suất hơn 15.900 phòng khách sạn và phòng biệt thự.

Một khu nghỉ dưỡng của Vinpearl. Ảnh: Vingroup

Xét về mức tăng trưởng giá trị thương hiệu, VinFast (xếp 42) đạt mức cao nhất, tăng 142% lên 181 triệu USD. Theo nhà sản xuất ôtô, đây kết quả của chiến lược tiếp cận thị trường, cùng phương châm “xe tốt – giá tốt – chính sách hậu mãi tốt”. Hiện VinFast vươn ra thị trường toàn cầu.

Vincom Retail, nhà phát triển bất động sản bán lẻ đang vận hành và quản lý 87 trung tâm thương mại trên toàn quốc cũng tăng thứ hạng, từ vị trí 42 (năm ngoái) lên 39 trong năm 2024.

VinFast là công ty có tốc độ gia tăng giá trị thương hiệu lớn nhất bảng xếp hạng. Ảnh: Vingroup

Hai thương hiệu trong mảng thiện nguyện xã hội gồm Vinschool (giáo dục), Vinmec (y tế) cũng ghi nhận bước tiến. Cụ thể, giá trị thương hiệu của Vinschool tăng 109% lên 45 triệu USD. Mức tăng tương đương 20 bậc, xếp thứ 75. Vinmec lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng, ở vị trí 97.

Xếp hạng định giá thương hiệu công bố bởi Brand Finance – hãng tư vấn định giá thương hiệu có trụ sở tại Anh. Để bình chọn top 100, họ sử dụng phương pháp thu thập kết quả đánh giá độc lập của các chuyên gia tài chính.

Hệ thống y tế Vinmec lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng. Ảnh: Vingroup

Theo đại diện Vingroup, việc có 6 thương hiệu thuộc ba lĩnh vực gồm công nghệ – công nghiệp, thương mại – dịch vụ, thiện nguyện xã hội nằm trong top 100 khẳng định sức mạnh, chiến lược phát triển bền vững và vị thế trong các lĩnh vực đang hoạt động. Điều này góp phần tăng tính cạnh tranh của thương hiệu Việt trong khu vực và trên trường quốc tế.

Theo Vnexpress

7 nguyên tắc đạo đức của Google trong phát triển AI

Đối với TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học Google, sự tiến bộ công nghệ vượt bậc chỉ có thể bền vững khi được gắn liền với các nguyên tắc đạo đức chặt chẽ.

TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google

Công nghệ phải đi đôi với trách nhiệm

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra những đột phá ấn tượng trong nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho đến quản lý xã hội.

TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học Google lấy mô hình Gemini 1.5 Pro của Google làm dẫn chứng. Đây là một siêu AI có khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và tạo ra nội dung đa phương tiện chất lượng cao. Đặc biệt, Gemini 1.5 Pro có thể dịch các ngôn ngữ hiếm gặp như Kalamang với độ chính xác tương đương một người bản địa.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh những tiến bộ của AI trong việc hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề cấp bách như dự đoán nguy cơ cháy rừng, giám sát sức khỏe của đàn gia súc và hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư. Tuy nhiên, các sai sót nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Đó là lý do mà trí tuệ nhân tạo, dù đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho con người, cũng đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt nguyên tắc đạo đức.

Theo ông Dean, trong khi AI có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, những ứng dụng này phải được phát triển trên nền tảng đạo đức vững chắc. Các nhà phát triển AI cần phải đảm bảo rằng hệ thống của họ không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn an toàn và đáng tin cậy.

Chia sẻ về tầm nhìn và trách nhiệm của Google trong việc phát triển AI, đặc biệt là thông qua việc xây dựng và triển khai mô hình Google Gemini, ông Dean nhấn mạnh, AI không chỉ là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội, mà còn đòi hỏi một trách nhiệm đạo đức cao từ các nhà nghiên cứu và kỹ sư.

Google đã đưa ra bảy nguyên tắc đạo đức để hướng dẫn quá trình nghiên cứu và phát triển AI.

Thứ nhất, các công nghệ AI phải mang lại lợi ích cho xã hội, hỗ trợ giải quyết những vấn đề lớn như y tế, an ninh, và môi trường.

Thứ hai, tránh việc tạo ra các AI có thể dẫn đến thành kiến và phân biệt đối xử, đảm bảo tính công bằng trong các ứng dụng.

Thứ ba, AI được phát triển một cách an toàn và bảo mật, đảm bảo rằng các hệ thống AI hoạt động đúng như dự định và không gây hại cho người dùng.

Thứ tư, các hệ thống AI của Google sẽ chịu sự giám sát và kiểm soát của con người, giúp đảm bảo rằng AI hoạt động theo cách mà con người mong muốn.

Thứ năm, Google cam kết bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng, đồng thời phát triển AI theo hướng tôn trọng các quyền này.

Thứ sáu, Google sẽ duy trì tính minh bạch về cách thức mà AI hoạt động, giúp mọi người hiểu rõ hơn về công nghệ này và có niềm tin vào các ứng dụng AI.

Thứ bảy, Google sẽ tránh phát triển hoặc triển khai các công nghệ AI có thể gây hại, như vũ khí tự động hóa, hoặc các ứng dụng có khả năng đe dọa an ninh hay quyền con người.

Một trong những điểm nhấn trong bài phát biểu của Giám đốc khoa học Google trong sự kiện GenAI Summit 24 là sự nhấn mạnh vào tính nhân văn trong phát triển AI.

Ông nhắc đến việc kết hợp giữa AI và trí tuệ con người, khẳng định rằng công nghệ chỉ thực sự hiệu quả khi nó phục vụ cho lợi ích chung của xã hội. Để đạt được điều này, các nhà phát triển phải duy trì tiêu chuẩn cao về đạo đức và trách nhiệm xã hội.

Bài học từ Google là một minh chứng rõ ràng cho sự kết hợp này. Họ không chỉ phát triển các công cụ AI mạnh mẽ mà còn chia sẻ rộng rãi công nghệ này thông qua các công cụ và mã nguồn mở, giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn.

TS. Jeff Dean tin rằng, AI có thể chuyển đổi các ngành công nghiệp và cải thiện cuộc sống, nhưng điều này chỉ thực hiện được nếu chúng ta phát triển nó một cách có trách nhiệm.TS. Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google

Giáo dục là chìa khóa

Câu hỏi đặt ra là liệu các công ty công nghệ có thể đảm bảo rằng những sáng tạo của họ không dẫn đến những hệ quả tiêu cực? Câu trả lời, theo Giám đốc Khoa học Google, nằm ở việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo những tài năng trẻ trong lĩnh vực này.

“Để AI thực sự phát huy tiềm năng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội”, ông Dean nói.

Để AI phát huy hết tiềm năng, chúng ta cần một cộng đồng hiểu biết sâu sắc về công nghệ, từ đó sử dụng nó để mang lại những giá trị bền vững.

Cuộc cách mạng AI không chỉ là một cuộc đua về công nghệ mà còn là một cuộc đua về đạo đức. Các nhà phát triển cần phải nhận thức rõ ràng rằng những quyết định họ đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của cả thế giới.

Trong bối cảnh này, việc giữ vững các nguyên tắc đạo đức không chỉ là một lựa chọn mà là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng AI sẽ mang lại những lợi ích lớn nhất cho toàn nhân loại.

Theo The Leader

Doanh nhân Võ Quang Huệ: Doanh nghiệp muốn thành công, R&D phải vững mạnh

Sáng ngày 19/9, Viện Quản trị & Công nghệ FSB đã tổ chức hội thảo với chủ đề Người “khởi nghiệp thuê”: Dặm đường từ BMW, Bosch đến VinFast tại Hà Nội, với sự góp mặt của doanh nhân Võ Quang Huệ.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm tại các tập đoàn hàng đầu thế giới như BMW, Bosch và Vingroup (phụ trách VinFast), ông Huệ đã có những chia sẻ sâu sắc về tương lai của ngành công nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị vô cùng thiết thực cho cộng đồng FSB Alumni.

Mở đầu hội thảo, ông Huệ khẳng định: “VinFast là thương hiệu ô tô của Việt Nam”, nhấn mạnh sự khác biệt giữa VinFast và các hãng ô tô ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam. Ông chia sẻ, VinFast là hãng ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt với toàn quyền quyết định phát triển sản phẩm, trong khi các công ty nước ngoài vẫn kiểm soát quyền này tại các nhà máy trong nước.

Ông Huệ cũng bàn về tầm quan trọng của việc phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh mẽ, coi đó là nền tảng quyết định để các doanh nghiệp có thể vững bước trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng, để tiến lên dài hạn, các công ty cần nắm vững các công nghệ cốt lõi và sẵn sàng đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Một trong những chia sẻ đáng chú ý của ông là về cách làm R&D. Theo ông, không phải lúc nào cũng cần làm điều hoàn toàn mới, mà cần có sự học hỏi và ứng dụng những gì đã có sẵn một cách hiệu quả. “Chúng ta nên có tinh thần không ngại áp dụng điều đã biết,” ông nói, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tri thức từ những nguồn lực nước ngoài và dần chuyển hóa thành sở hữu của mình.

Ông Huệ cũng chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội lớn cho Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam cần phát huy nguồn nhân lực trẻ và môi trường kinh tế ổn định để tự xây dựng các công ty công nghệ và công nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro. “Khả năng quản trị rủi ro phải trở thành thước đo cho doanh nhân Việt. Ngay từ bây giờ”,  ông khẳng định.

Với những chia sẻ thực tế và đầy tâm huyết, ông Võ Quang Huệ đã mang lại cái nhìn sâu sắc về tương lai ngành công nghiệp và công nghệ Việt Nam, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các doanh nhân và cộng đồng cựu học viên FSB.

Tin FSB